Mẹo trị nghẹt mũi cho trẻ sơ sinh bằng phương pháp dân gian
Nội Dung Bài Viết
Tắm nước ấm, rửa mũi bằng nước muối, sử dụng tinh dầu khuynh diệp,… là một số mẹo trị nghẹt mũi cho trẻ sơ sinh bằng phương pháp dân gian. Tuy nhiên các mẹo chữa này chỉ thích hợp với trường hợp nghẹt mũi có mức độ nhẹ và không đi kèm với các triệu chứng nghiêm trọng.
Nguyên nhân gây nghẹt mũi ở trẻ sơ sinh
Nghẹt mũi là triệu chứng hô hấp phổ biến và có thể gặp ở mọi đối tượng. Tuy nhiên theo thống kê, triệu chứng này phổ biến nhất ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ do hệ hô hấp và chức năng đề kháng của trẻ chưa phát triển hoàn chỉnh.
Chính vì vậy vi khuẩn, virus và một số yếu tố kích thích có thể xâm nhập và kích thích niêm mạc hô hấp bài tiết nhiều dịch nhầy, gây bít tắc đường thở và làm phát sinh triệu chứng nghẹt mũi.
Các nguyên nhân phổ biến gây nghẹt mũi ở trẻ sơ sinh, bao gồm:
- Do chức năng hô hấp chưa hoàn thiện: Phế nang, phế quản, đường thở,… ở trẻ thường có không gian hẹp, mềm và dễ bị xẹp. Chính vì vậy trẻ sơ sinh thường gặp phải tình trạng thở khò khè và nghẹt mũi.
- Viêm nhiễm đường hô hấp: Hệ miễn dịch kém là điều kiện thuận lợi để virus và vi khuẩn xâm nhập vào niêm mạc hô hấp và gây viêm nhiễm. Nếu do nguyên nhân này, nghẹt mũi thường đi kèm với một số triệu chứng khác như ho, sổ mũi, ngứa mũi, đỏ mắt,…
- Dị ứng: Ngoài ra, nghẹt mũi còn có thể là hệ quả do dị ứng với nấm mốc, phấn hoa, lông chó mèo, bụi vải,… Trẻ có hệ miễn dịch và thể trạng kém nên thường có mức độ nhạy cảm cao với các tác nhân kích thích.
- Thời tiết khô hanh: Thời tiết khô hanh thường khiến niêm mạc mũi bị khô, kích thích và ngứa. Lúc này cơ thể có xu hướng bài tiết dịch nhầy để làm mềm và giữ ẩm cho niêm mạc hô hấp. Tuy nhiên dịch nhầy được sản sinh quá mức có thể gây nghẹt mũi và sổ mũi.
7 Mẹo trị nghẹt mũi cho trẻ sơ sinh bằng phương pháp dân gian
Nếu trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi và đi kèm với các triệu chứng có mức độ nhẹ, bạn có thể áp dụng một số mẹo chữa bằng phương pháp dân gian như:
1. Thêm tinh dầu bạc hà vào nước tắm
Thêm tinh dầu bạc hà vào nước tắm là mẹo trị nghẹt mũi cho trẻ sơ sinh được áp dụng khá phổ biến. Thành phần menthol trong bạc hà có tác dụng làm thông thoáng đường thở, giảm kích thích ở niêm mạc hô hấp và cải thiện triệu chứng nghẹt mũi đáng kể. Bên cạnh đó, biện pháp này còn có tác dụng giảm ngứa da, sẩn đỏ, phát ban và nổi mề đay khi thời tiết chuyển lạnh.
Cách thực hiện:
- Đun nước tắm cho trẻ và pha thêm nước lạnh vào
- Thêm khoảng 2 – 4 giọt tinh dầu bạc hà
- Sau đó cho trẻ tắm như bình thường
Lưu ý: Tránh dùng quá nhiều tinh dầu vì hoạt chất trong lá bạc hà có thể gây kích ứng, ngứa ngáy và đỏ rát da.
2. Sử dụng tinh dầu khuynh diệp
Tinh dầu khuynh diệp (bạch đàn) có tác dụng giảm ngạt mũi, hắt hơi, ho và sổ mũi ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. So với tinh dầu bạc hà, tinh dầu từ cây bạch đàn có độ an toàn cao, nhẹ dịu và gần như không gây kích ứng.
Để giảm nghẹt mũi, mẹ có thể thoa 1 ít dầu lên cổ, bụng và mũi cho trẻ. Tuy nhiên khi thoa ở mũi, chỉ nên sử dụng 1 lượng rất ít để tránh tình trạng trẻ khó chịu và quấy khóc. Ngoài ra, bạn cũng có thể thêm tinh dầu khuynh diệp vào nước tắm hoặc máy tạo độ ẩm để hỗ trợ loại bỏ dịch tiết ứ đọng trong hốc mũi.
3. Massage trị nghẹt mũi cho trẻ
Ngoài ra, bạn có thể massage để hỗ trợ làm giảm chứng nghẹt mũi ở trẻ nhỏ. Biện pháp này giúp tăng cường dẫn lưu dịch tiết hô hấp, giảm ứ đọng đờm ở cổ họng và cải thiện tình trạng ngạt mũi.
Hướng dẫn cách massage trị nghẹt mũi cho trẻ:
- Sử dụng 1 ít dầu khuynh diệp xoa đều ở tay cho nóng lên
- Xoa nhẹ vào vùng ngực của trẻ trong khoảng 60 giây
- Dùng 2 ngón tay út xoay tròn ở huyệt Nghinh hương (huyệt nằm ở 2 bên cánh mũi) trong khoảng 30 giây
- Sau đó tiếp tục dùng ngón tay út xoa nhẹ ở huyệt Ấn đường trong 40 giây (huyệt nằm giữa 2 đầu chân mày).
- Cuối cùng, dùng 2 bàn tay vuốt phần ngực cho trẻ (nên vuốt từ trong ra ngoài).
Lưu ý: Khi massage trị nghẹt mũi, bạn nên sử dụng ngón tay út và cần dùng lực nhẹ để tránh gây tổn thương và xây xước da của trẻ.
4. Cho trẻ tắm nước ấm
Với những trẻ bị nghẹt mũi sinh lý (nghẹt mũi do hệ hô hấp chưa phát triển hoàn chỉnh), mẹ có thể tắm nước ấm cho trẻ để cải thiện.
Khi tắm nước ấm, các mao mạch ở đường hô hấp sẽ giãn ra, tạo cảm giác thoải mái và giúp thông thoáng đường thở. Hơn nữa hơi nước còn làm loãng đờm và giúp dịch tiết hô hấp dễ dàng thoát ra bên ngoài.
5. Chườm gạc ấm lên mũi của trẻ
Bên cạnh đó, mẹ có thể chườm gạc ấm lên mũi cho trẻ để tăng dẫn lưu dịch tiết hô hấp và cải thiện tình trạng ngạt mũi đáng kể.
Cách thực hiện:
- Dùng khăn hoặc bông gạc thấm nước ấm (khoảng 40 – 42 độ C)
- Sau đó vắt cho bớt nước rồi đắp lên phần mũi của trẻ
- Để đến khi gạc nguội thì lặp lại thêm 2 – 3 lần
- Sau đó sử dụng tăm bông làm sạch dịch tiết ứ đọng trong hốc mũi
6. Ngâm chân với nước ấm
Ngâm chân với nước ấm là mẹo trị nghẹt mũi cho trẻ sơ sinh có nguồn gốc từ dân gian. Theo lý giải của y học cổ truyền, trẻ bị nghẹt mũi là do khí hàn xâm nhập khiến dịch ở phổi không lưu thông được, dẫn đến tình trạng tắc nghẽn và gây ra bệnh.
Vì vậy cho trẻ ngâm chân với nước ấm có thể tán phong hàn, thúc đẩy quá trình dẫn lưu dịch tiết và cải thiện chức năng hô hấp.
Trên thực tế, cách chữa này chưa thật sự được chứng minh về hiệu quả và cải thiện lâm sàng. Tuy nhiên biện pháp này có thể đem lại cảm giác dễ chịu và giúp trẻ ngủ ngon giấc hơn.
7. Dùng nước muối vệ sinh mũi cho trẻ
Ngoài ra, phụ huynh có thể sử dụng nước muối để vệ sinh mũi cho trẻ sơ sinh nhằm cải thiện sổ mũi, nghẹt mũi và một số triệu chứng hô hấp khác.
Cách vệ sinh mũi cho trẻ sơ sinh bằng nước muối:
- Đặt trẻ nằm nghiêng 1 bên
- Sau đó nhỏ từ 1 – 2 giọt nước muối sinh lý vào mỗi bên mũi
- Để trong khoảng vài phút để dịch nhầy loãng ra
- Sau đó dùng tăm bông làm sạch dịch tiết
Bạn có thể pha nước muối để vệ sinh mũi cho trẻ. Tuy nhiên cách này có thể gây sai lệch nồng độ và khiến trẻ bị kích ứng. Vì vậy bạn nên sử dụng các dung dịch nước muối sinh lý (NaCl 09%) để vệ sinh mũi cho bé.
Những lưu ý khi trị nghẹt mũi cho trẻ sơ sinh
Nghẹt mũi là triệu chứng thường gặp và gần như không gây ra các ảnh hưởng nghiêm trọng. Vì vậy bạn có thể trị nghẹt mũi cho trẻ sơ sinh ngay tại nhà bằng một số phương pháp dân gian.
Tuy nhiên trong thời gian điều trị nghẹt mũi cho trẻ, bạn nên lưu ý những thông tin sau:
- Không cho trẻ sơ sinh uống các bài thuốc từ thảo dược tự nhiên vì hệ tiêu hóa của trẻ còn yếu và dễ bị tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, đau bụng,…
- Trong thời gian này, mẹ nên tăng cường cho trẻ bú sữa. Ngoài vi chất dinh dưỡng, sữa mẹ còn chứa kháng thể giúp trẻ chống lại virus, vi khuẩn và các tác nhân gây hại.
- Cần chủ động đưa trẻ đến bệnh viện nếu có các triệu chứng như nghẹt mũi kèm sốt cao, thở khò khè, ho có đờm, mệt mỏi, bỏ bú, nôn ói,…
- Không tự ý dùng thuốc cho trẻ vì trẻ có thể gặp phải các rủi ro và tác dụng phụ nghiêm trọng.
Các mẹo trị nghẹt mũi cho trẻ sơ sinh bằng phương pháp dân gian chỉ nên áp dụng khi trẻ bị nghẹt mũi nhẹ. Nếu triệu chứng này đi kèm với tình trạng ho, sốt cao, thở khò khè,… bạn nên đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Tham khảo thêm: Trẻ bị ho có đờm, khò khè, khó thở – Mẹ nên biết những điều này
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!