Trị rôm sảy cho trẻ sơ sinh tại nhà và những điều cần lưu ý
Nội Dung Bài Viết
Phụ huynh có thể điều trị rôm sảy cho trẻ sơ sinh tại nhà bằng một số biện pháp đơn giản như vệ sinh cơ thể đúng cách, mặc trang phục rộng rãi, thoáng mát, sử dụng sữa tắm trị rôm cho bé,… Nếu chăm sóc đúng cách, tình trạng nổi rôm sẽ nhanh chóng thuyên giảm sau khoảng vài ngày.
Vì sao trẻ sơ sinh dễ bị rôm sảy?
Rôm sảy là tình trạng da liễu thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Bệnh có biểu hiện là các nốt màu hồng/ đỏ, kích thước nhỏ, thường mọc thành từng đám và đi kèm với hiện tượng nóng rát và ngứa ngáy. Rôm sảy thường xuất hiện vào mùa hè và ảnh hưởng chủ yếu đến những vùng da bài tiết nhiều mồ hôi như vùng mặt, cổ nách, lưng, bẹn,…
Rôm sảy thường chỉ xuất hiện ở trẻ nhỏ – đặc biệt là trẻ sơ sinh do những nguyên nhân sau:
- Tuyến mồ hôi chưa phát triển hoàn chỉnh, mồ hôi dễ bị ứ đọng trong nang lông dẫn đến tình trạng nổi mẩn đỏ và mụn nước/ mụn mủ. Đây cũng là lý do vì sao rôm sảy chủ yếu xuất hiện vào mùa hè, thời tiết nóng ẩm và hiếm khi xuất hiện vào mùa đông.
- Mặc quần áo chật, dày hoặc mặc quá nhiều lớp có thể khiến cơ thể bé đổ nhiều mồ hôi và tăng nguy cơ bị rôm.
- Trẻ sơ sinh có thân nhiệt cao hơn so với người trưởng thành. Chính vì vậy, da tiết nhiều mồ hôi để làm mát và điều hòa thân nhiệt. Tuy nhiên, mồ hôi bài tiết quá mức có thể gây bít tắc nang lông và dẫn đến nổi từng đám mẩn đỏ trên da.
Rôm sảy là bệnh da liễu thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Tổn thương da có thể thuyên giảm chỉ sau vài ngày đến vài tuần mà không cần điều trị y tế. Tuy nhiên với những trường hợp chủ quan và không can thiệp các biện pháp cải thiện, rôm sảy có thể tiến triển nặng gây bội nhiễm da, nhọt và viêm nang lông.
Cách trị rôm sảy cho trẻ sơ sinh tại nhà
Rôm sảy thực chất là phản ứng viêm của da do ống mồ hôi bị bít tắc. Vì vậy, bệnh sẽ nhanh chóng thuyên giảm khi da được làm sạch và thông thoáng. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng cần chú ý giữ mát cơ thể cho bé để hạn chế lượng mồ hôi tiết ra. Nếu chăm sóc đúng cách, tình trạng rôm sảy ở trẻ sơ sinh sẽ nhanh chóng thuyên giảm sau 5 – 7 ngày.
Dưới đây là một số cách trị rôm sảy cho trẻ sơ sinh tại nhà phụ huynh có thể cân nhắc thực hiện:
1. Tắm cho bé đều đặn 1 lần/ ngày
Tắm thường xuyên là biện pháp giảm rôm sảy hiệu quả nhất. Đối với trẻ sơ sinh, phụ huynh nên tắm cho bé 1 lần/ ngày và có thể dùng khăn thấm nước ấm lau người nhiều lần trong ngày để làm sạch da, giảm viêm và ngăn ngừa bít tắc lỗ chân lông.
Với trẻ sơ sinh, mẹ nên tắm cho bé vào khung giờ 10 – 11:00 sáng hoặc 15 – 16:00 hằng ngày vì đây là thời điểm nhiệt độ vừa phải, ấm áp, không quá lạnh và quá nóng. Thời gian tắm cho bé dao động khoảng 4 – 5 phút, tránh tắm quá lâu vì có thể khiến da mất nước và gây hạ thân nhiệt. Khi tắm cho bé, nên chú ý vệ sinh vùng da tiết nhiều bã nhờn để giảm rôm và ngăn ngừa tái phát.
2. Mặc trang phục rộng rãi, thoáng mát
Khi bị rôm sảy, phụ huynh cần lựa chọn các trang phục rộng rãi, có chất liệu thấm hút và thông thoáng để tránh bít tắc lỗ chân lông. Tránh sử dụng quần áo được may từ vải sợi tổng hợp dễ gây bí mồ hôi và khiến rôm sảy lan rộng. Hơn nữa, chất liệu vải dày, cứng có thể ma sát dẫn đến ngứa ngáy, đau nhức hoặc thậm chí là bội nhiễm da.
Giữ cơ thể thông thoáng và mát mẻ là biện pháp quan trọng để điều trị rôm sảy. Với những trường hợp nhẹ, rôm có thể biến mất sau vài ngày nếu mẹ hạn chế tối đa được tình trạng tiết mồ hôi ở trẻ. Ngoài ra trong thời tiết nóng ẩm, phụ huynh cũng nên chú ý giữ cơ thể bé mát mẻ để tránh các bệnh da liễu khác như hăm da, mụn nhọt, viêm nang lông,…
3. Sử dụng sữa tắm trị rôm sảy cho trẻ sơ sinh
Để giảm cảm giác ngứa ngáy và rút ngắn thời gian điều trị rôm sảy, mẹ có thể dùng các loại sữa tắm chuyên trị rôm sảy cho trẻ sơ sinh. Hiện nay, trên thị trường có nhiều sản phẩm sữa tắm trị rôm sảy đã được chứng minh an toàn và lành tính với làn da mỏng manh của bé. Do đó, phụ huynh có thể dùng sản phẩm hỗ trợ để giảm mẩn đỏ và giúp bé tránh ngứa ngáy, khó chịu.
Khi lựa chọn sữa tắm cho bé, nên chú trọng đến độ pH của sản phẩm, thành phần và độ tuổi. Hạn chế dùng sữa tắm có độ pH kiềm gây khô ráp và bong tróc da. Bên cạnh đó, cần tránh các sản phẩm chứa nhiều hương liệu, chất bảo quản và một số thành phần dễ gây kích ứng da.
4. Chườm khăn mát giảm ngứa do rôm sảy
Rôm sảy thường gây ngứa ngáy, nóng rát hoặc thậm chí là nóng đỏ vùng da bị ảnh hưởng. Tình trạng này khiến cho trẻ hay quấy khóc, bỏ bú, mệt mỏi và mất ngủ. Để giảm nhanh tình trạng này, phụ huynh có thể chườm khăn mát lên da cho bé.
Nên pha nước có nhiệt độ khoảng 35 – 37 độ C. Sau đó, dùng khăn sữa thấm hút nước, vắt cho ráo và đắp nhẹ nhàng lên da của bé. Chỉ sau 10 – 15 phút, tình trạng da nóng đỏ, đau rát và ngứa ngáy sẽ giảm đi nhanh chóng. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời. Để trị rôm sảy dứt điểm, mẹ nên chú ý vệ sinh cơ thể và giữ cho bé mát mẻ, tránh đổ quá nhiều mồ hôi.
5. Dùng kem bôi trị rôm sảy
Ngoài ra, mẹ cũng có thể sử dụng kem bôi trị rôm sảy để giảm ngứa ngáy, sát trùng và phục hồi tổn thương da. Hầu hết các sản phẩm trị rôm cho trẻ sơ sinh đều chứa các thành phần lành tính như kẽm oxide, vitamin E, vitamin B5 (Panthenol), tinh chất hoa cúc,… Tuy nhiên trước khi sử dụng kem bôi, mẹ cần làm sạch cơ thể bé để tránh lỗ chân lông bị bít tắc.
Bên cạnh đó, phụ huynh cũng có thể dùng phấn rôm để giảm bài tiết mồ hôi và giữ cho da thông thường. Tương tự như kem bôi trị rôm, phấn rôm nên được dùng ngay sau khi tắm để hạn chế nguy cơ nang lông bít tắc gây nổi mụn nhọt và viêm nang lông.
6. Tắm nước thảo dược – Cách trị rôm sảy cho trẻ sơ sinh tại nhà đơn giản
Dân gian lưu truyền khá nhiều cách trị rôm sảy cho trẻ sơ sinh bằng thảo dược tự nhiên. Các loại lá, quả như chè xanh, rau má, sài đất, nước dừa, lá đào, lá dâu,… có thể đun lấy nước rồi tắm cho bé để giảm ngứa, tiêu mẩn đỏ và ngăn ngừa viêm nhiễm. Tắm nước thảo dược giúp giảm nhanh cảm giác ngứa ngáy, tiêu mẩn đỏ và đẩy nhanh quá trình phục hồi da.
Đa phần các loại lá và quả được dùng để nấu nước tắm trị rôm sảy đều lành tính và an toàn. Tuy nhiên do cơ địa nhạy cảm và hệ miễn dịch chưa phát triển hoàn chỉnh nên một số trẻ sơ sinh có thể bị dị ứng hoặc thậm chí là sốc phản vệ với các thảo dược tự nhiên. Do đó, phụ huynh nên cân nhắc kỹ lưỡng trước khi áp dụng mẹo chữa này.
Một số lưu ý khi điều trị rôm sảy cho trẻ sơ sinh
Rôm sảy là tình trạng da liễu thường gặp ở trẻ sơ sinh. Nếu chăm sóc đúng cách, tình trạng sẽ nhanh chóng thuyên giảm sau khoảng vài ngày. Tuy nhiên khi điều trị rôm sảy cho trẻ sơ sinh tại nhà, mẹ nên lưu ý một số vấn đề sau:
- Cắt móng tay để tránh tình trạng móng va quẹt da dẫn đến xây xước, nổi mẩn đỏ, mụn nước.
- Tuyệt đối không nặn các nốt mụn nước và mụn mủ trên da của bé. Tình trạng này có thể gây bội nhiễm da, hình thành mụn nhọt và viêm nang lông.
- Trong trường hợp trẻ bị rôm sảy, mẹ nên hạn chế dùng các loại thực phẩm có tính nóng để tránh ảnh hưởng đến nguồn sữa của bé. Thực tế cho thấy, sữa mẹ có tác động không nhỏ đến tình trạng rôm sảy và một số bệnh lý da liễu thường gặp ở trẻ sơ sinh.
- Tránh các quan niệm ở cữ sau khi sinh như sưởi ấm bằng than,… Các quan niệm này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ mà còn vô tình làm nghiêm trọng tình trạng rôm sảy ở trẻ sơ sinh.
- Không tự ý sử dụng các loại thuốc điều trị rôm sảy chứa corticoid cho bé. Các loại thuốc này đều chưa được chứng minh về độ an toàn với làn da mỏng manh của trẻ sơ sinh.
Rôm sảy ở trẻ sơ sinh – Khi nào cần gặp bác sĩ?
Rôm sảy thường xảy ra ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Tình trạng này có thể nhanh chóng thuyên giảm sau vài ngày đến vài tuần nếu chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên ở một số trường hợp, rôm có thể lan rộng, tiến triển nặng và gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bé.
Do đó, phụ huynh nên đưa bé đến bệnh viện thăm khám trong những trường hợp sau:
- Vùng da nổi rôm có xu hướng bội nhiễm
- Da xuất hiện các nốt mụn mủ, mụn nước
- Trẻ nóng sốt, quấy khóc thường xuyên, bỏ bú
- Rôm sảy lan rộng và không thuyên giảm sau 3 ngày chăm sóc tại nhà
Bài viết đã hướng dẫn một số cách trị rôm sảy cho trẻ sơ sinh ngay tại nhà. Nếu áp dụng đúng cách, tình trạng này sẽ nhanh chóng thuyên giảm sau khoảng vài ngày. Tuy nhiên nếu nhận thấy rôm lan rộng ra toàn thân hoặc có dấu hiệu bội nhiễm, phụ huynh nên đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám để điều trị kịp thời.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!