Vảy nến thể mảng là gì? Đặc điểm và cách điều trị
Nội Dung Bài Viết
Trong số các dạng của bệnh vảy nến, vảy nến thể mảng được xem là loại phổ biến nhất. Các triệu chứng của bệnh sẽ khiến bệnh nhân vô cùng khó chịu, làm ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống sinh hoạt của bệnh nhân. Để việc điều trị trở nên thuận lợi, nắm rõ các thông tin về bệnh là điều nên làm.
I/ Tổng quan về bệnh vảy nến thể mảng
Các thông tin dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ về nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị chứng bệnh này:
Vảy nến thể mảng là gì?
Vảy nến là một bệnh da liễu mạn tính, xảy ra do sự rối loạn điều tiết (tăng sinh tế bào và viêm) làm hình thành nên một màng ngăn bám chặt trên bề mặt da của bệnh nhân. Đối với người bình thường, các tế bào da cũ sẽ tự chết đi, bong ra và thay đó là những tế bào da mới. Nhưng khi bị bệnh vảy nến, quá trình thay thế tế bào sẽ diễn ra nhanh hơn gấp 10 lần, điều này khiến các tế bào mới và cũ không kịp thay thế cho nhau. Hệ quả là những tế bào da bị dồn lại thành các mảng da dày lên. Những mảng này có màu đỏ, ở trên bề mặt có những vảy trắng tương tự như sáp nến, có ranh giới phân biệt rõ ràng với vùng da khỏe mạnh ở xung quanh.
Vảy nến được phân thành nhiều dạng, trong đó vảy nến thể mảng được xem là loại phổ biến nhất. Trong tổng số những người bị vẩy nến thể mảng, có khoảng 80% bệnh nhân mắc phải dạng bệnh này. Đặc trưng dễ thấy nhất của vảy nến thể mảng là vùng da bị nhiễm sẽ lan rộng trên khắp cơ thể. Nhưng các cơ quan dễ bị bệnh nhất là các vùng hay bị tì đè lên như khuỷu tay, đầu gối, da đầu. Các vùng da bị tổn thương thường có đường kính dao động từ 2 – 20cm.
Triệu chứng bệnh
Những người bị vảy nến thể mảng thường có những biểu hiện như sau:
- Vùng da nhiễm bệnh có màu đỏ, sưng viêm.
- Da khô, nứt nẻ, thậm chí chảy máu.
- Trên bề mặt da có một lớp vảy trắng phủ lên trên giống như sáp nến.
- Khoảng 50% người bị bệnh vảy nến thể mảng cảm thấy ngứa ngáy tại các vùng da bị tổn thương.
Nguyên nhân gây bệnh vảy nến thể mảng
Nhìn chung, các dạng của bệnh vảy nến đều bắt nguồn từ nguyên nhân rối loạn hệ thống miễn dịch. Đồng thời, còn có các yếu tố tác động làm tăng nguy cơ mắc bệnh khác. Thông thường, hệ miễn dịch của cơ thể chúng ta sẽ làm việc theo cơ chế phát hiện và tiêu diệt những tác nhân gây hại từ bên ngoài như vi khuẩn, virus. Tuy nhiên, vì một sự rối loạn nào đó, chúng sẽ nhầm lẫn các tế bào khỏe mạnh là các yếu tố gây hại và tấn công luôn các tế bào biểu bì da. Kết quả của quá trình này là làm cho những tế bào da tăng nhanh gấp 10 lần so với bình thường.
Khi cơ thể khỏe mạnh, quá trình thay thế tế bào chết trong cơ thể phải mất từ 28 – 30 ngày. Tuy nhiên, khi bị vảy nến thời gian này sẽ bị rút ngắn và chỉ còn lại khoảng 3 – 4 ngày. Tốc độ thay thế tế bào diễn ra quá nhanh làm cho các tế bào da chết bị tích tụ trên bề mặt gây sưng viêm, xuất hiện vảy trắng mà chúng ta gọi là bệnh vảy nến.
Các yếu tố nguy cơ
Bất cứ ai cũng có thể bị vảy nến, tuy nhiên những người sau đây sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn khi thuộc một trong những trường hợp sau đây:
- Trong gia đình có cha mẹ đã từng bị vảy nến: Theo các chuyên gia, bệnh vảy nến có yếu tố di truyền. Những đứa trẻ có cha, mẹ hoặc cả cha lẫn mẹ đã từng bị vảy nến sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những đứa trẻ khác.
- Sống trong trạng thái căng thẳng, lo âu kéo dài.
- Dùng quá nhiều rượu, bia hoặc các chất kích thích như thuốc lá.
- Do chấn thương vật lý, gây trầy xước trên da.
- Những đối tượng đang sử dụng các loại thuốc điều trị tình trạng rối loạn lưỡng cực hoặc bệnh cao huyết áp.
- Mắc các bệnh nhiễm trùng: Người bị nhiễm trùng đường hô hấp trên do liên cầu khuẩn như viêm amidan, viêm họng có khả năng gây bệnh vảy nến hoặc làm cho các triệu chứng nặng nề hơn.
- Sự thay đổi đột ngột của thời tiết, nhất là khi trời lạnh. Bởi lúc này, da dễ bị khô làm cho bệnh dễ tái phát. Khi trời nắng nóng và ẩm thì ít khi gặp hơn. Nhưng cũng có những trường hợp bệnh bùng phát nặng hơn khi gặp ánh nắng.
- Người bị HIV
Không chỉ làm tăng nguy cơ mắc bệnh mà những yếu tố trên đây có thể làm cho những triệu chứng bệnh trở nên trầm trọng hơn. Chính vì thế, bệnh nhân cần đi khám để nhận được sự tư vấn điều trị từ bác sĩ.
II/ Điều trị và phòng ngừa bệnh vẩy nến thể mảng
Các biện pháp điều trị
Giống như các dạng khác của bệnh vảy nến, vảy nến thể mảng chưa có thuốc để điều trị dứt điểm. Các phương pháp được áp dụng để chữa bệnh vảy nến thể mảng chỉ nhằm kiểm soát triệu chứng, giúp bệnh nhân thoải mái hơn, bao gồm:
*) Điều trị bằng thuốc:
- Thuốc bôi tại chỗ: Với những người mắc bệnh nhẹ, các mảng da bị bệnh ít, bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân sử dụng các loại thuốc kem để điều trị. Các loại thường được dùng gồm: Anthralin, corticosteroid, vitamin D, A. Ngoài ra, những loại thuốc có chứa các thành phần như zinc pyrithione, axit salicylic, chiết xuất từ lô hội, nhựa than đá… cũng có thể được chỉ định. Bên cạnh đó, bệnh nhân nên sử dụng thêm các loại kem có tác dụng dưỡng ẩm để thoa lên da thường xuyên. Nó sẽ giúp giảm bớt tình trạng ngứa ngáy, bong tróc trên da.
- Thuốc có tác dụng toàn thân: Nếu mắc bệnh vảy nến thể mảng nặng, các loại thuốc dạng uống hoặc dạng tiêm như methotrexate, acitretin, cyclosporine… sẽ được sử dụng. Nó sẽ giúp hệ thống miễn dịch được dịu bớt hoặc ức chế sự phát triển của các tế bào da. Nhưng sử dụng các loại thuốc có tác dụng toàn thân có thể gây ra nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng cho bệnh nhân như: Gây trầm cảm, mắc các vấn đề về gan, dễ kích động hoặc làm tăng nguy cơ gây ung thư da. Do đó, cần chú ý trao đổi kỹ với các bác sĩ trước khi sử dụng.
- Các loại thuốc sinh học: Etanercept (Enbrel), ixekizumab (Taltz), adlimumad (Humira), etanercept (Enbrel), brodalumab (Siliq), guselkumab (Tremfya), ustekinumab (Stelara)… cũng là những loại thuốc toàn thân nhắm vào hệ thống miễn dịch để chữa trị vảy nến. Nó sẽ tác động đến một loại tế bào miễn dịch cụ thể đang gây viêm hoặc sẽ giữ các protein không gây viêm. Từ đó làm giảm thiểu các triệu chứng bệnh vảy nến thể mảng. Tuy nhiên, vì chúng thường được dùng bằng cách tiêm qua đường tĩnh mạch nên có nguy cơ khiến bệnh nhân bị nhiễm trùng.
*) Chữa bệnh vảy nến thể mảng bằng liệu pháp ánh sáng:
Ngoài việc dùng thuốc, chữa bệnh bằng liệu pháp ánh sáng cũng có khả năng kiểm soát các triệu chứng bệnh cho bệnh nhân. Phương pháp này thường được áp dụng cho những trường hợp bị nặng, các mảng da bị bệnh lan rộng. Việc điều trị bằng tia cực tím hoặc phơi nắng cần được tiến hành dưới sự giám sát của nhân viên y tế để đảm bảo an toàn. Bởi nếu thực hiện không đúng cách, nó có thể phản tác dụng khiến các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn.
Cách phòng ngừa và lưu ý cho người bị bệnh vảy nến thể mảng
Vì là bệnh mạn tính do đó các dạng của bệnh vảy nến, kể cả vảy nến thể mảng đều có nguy cơ tái phát bất cứ lúc nào. Để hạn chế nguy cơ mắc phải tình trạng này cũng như làm giảm bớt các triệu chứng, bệnh nhân nên tham khảo và áp dụng các biện pháp dưới đây:
- Bổ sung cho cơ thể các thực phẩm tốt cho sức khỏe như rau củ giàu vitamin B12, đồ ăn giàu omega – 3, các thức ăn giàu kẽm…
- Thường xuyên vệ sinh cơ thể sạch sẽ để loại bỏ vi khuẩn và lớp da bị viêm. Nên sử dụng các loại kem dưỡng ẩm để thoa lên da nhằm hạn chế tình trạng khô da, bong tróc trên da.
- Có chế độ sinh hoạt, ăn uống điều độ.
- Nên tạo tâm lý thoải mái, vui vẻ. Tránh căng thẳng, mệt mỏi vì đây chính là một trong những yếu tố có thể làm cho các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn.
- Không sử dụng các chất kích thích, đồ uống có cồn như rượu bia, thuốc lá… Cần thận trọng khi sử dụng các thức ăn chứa nhiều protein và tanh như tôm, cua, ghẹ.
- Khi tắm không nên dùng nước quá nóng hoặc các loại xà phòng có chất tẩy quá mạnh. Nó sẽ làm cho vùng da bị tổn thương trở nên trầm trọng hơn.
- Hạn chế tiếp xúc với các loại hóa chất, chất tẩy rửa, các loại mỹ phẩm, nước hoa… để tránh gây kích ứng cho da.
Tương tự như các dạng khác của bệnh vảy nến, vảy nến thể mảng gây ra không ít khó chịu và ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt động hàng ngày của bệnh nhân. Do đó, tham khảo các thông tin trên để có được hướng điều trị và phòng ngừa phù hợp cho bản thân là cần thiết.
[Tham khảo kinh nghiệm chữa bệnh]: Bệnh nhân bị vảy nến 10 năm đã chữa khỏi nhờ bài thuốc này
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!