Vết rạn da màu trắng: Nguyên nhân và cách chữa trị triệt để
Nội Dung Bài Viết
Nếu những vết rạn màu tím hoặc đỏ không được điều trị đúng cách, chúng sẽ chuyển thành các vết rạn da màu trắng. Tình trạng này xuất hiện ở vùng bụng, mông, ngực, đùi, khoeo chân… Tuy không tác động nghiêm trọng đến sức khỏe làn da nhưng vấn đề này có thể ảnh hưởng đáng kể đến yếu tố thẩm mỹ.
Nguyên nhân gây ra vết rạn da màu trắng
Rạn da là tình trạng xuất hiện những vết/đường/dải sọc với nhiều màu sắc khác nhau trên bề mặt da. Hiện tượng này bắt nguồn từ sự tăng cân đột ngột, một số thay đổi của cơ thể trong giai đoạn mang thai, thói quen lạm dụng kem bôi ngoài da, hội chứng Ehlers-Danlos hoặc hội chứng Cushing.
Quá trình hình thành rạn da trải qua 2 thời kỳ. Lúc đầu, làn da sẽ xuất hiện nhiều đường răn li ti màu đỏ tím hoặc hồng nhạt. Đồng thời, bạn sẽ cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu tại vị trí rạn da. Sau đó, nếu không được xử lý kịp thời, chúng sẽ nhanh chóng chuyển sang màu trắng và tạo nên những đường rãnh hơi lõm xuống.
Các chuyên gia cho biết, các vết rạn da màu trắng có thể hình thành khi chúng ta:
- Dậy thì: Đây là giai đoạn cơ thể phát triển mạnh mẽ về chiều cao lẫn cân nặng. Sự thay đổi bất thường của nội tiết tố khiến làn da trở nên yếu ớt, nhạy cảm, thậm chí đứt gãy một số liên kết dưới da, từ đó dẫn đến tình trạng rạn da.
- Mang thai: Phụ nữ mang thai là nhóm đối tượng dễ bị rạn da nhất. Khi thai nhi ngày càng phát triển, vùng da bụng buộc phải căng giãn quá mức (nhằm tạo thêm không gian cho em bé). Đây chính là thời điểm các vết rạn màu trắng bắt đầu xuất hiện.
- Thay đổi cân nặng đột ngột: Nếu trọng lượng cơ thể tăng lên quá nhanh, làn da của bệnh nhân sẽ bị kéo căng rõ rệt. Lúc này, các mô liên kết rất dễ bị tổn thương. Thông thường, vị trí hình thành vết rạn phụ thuộc vào khu vực tăng trưởng, nhất là ở đùi, bụng, bắp tay.
- Tập luyện quá sức: Trong quá trình luyện tập thể dục – thể thao, đặc biệt là lúc tập gym, cơ bắp có xu hướng phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ. Điều này vô tình sản sinh áp lực lên làn da và kéo theo sự đứt gãy của các mô liên kết.
- Nâng ngực: Nâng ngực là một trong những nguyên nhân gây ra các vết rạn da màu trắng ở chị em phụ nữ. Nguy cơ rạn da bị chi phối bởi nhiều yếu tố, trong đó có mức độ đàn hồi của da và kích thước vòng một.
- Một số nguyên nhân khác: Hiện nay, dù giới chuyên môn vẫn chưa đưa ra kết luận chính thức nhưng nhiều nghiên cứu cho thấy rằng, rạn da có thể liên quan đến tác nhân di truyền. Nhiều người thừa hưởng một số đặc điểm cấu trúc da đặc biệt từ người thân và dễ bị rạn da hơn. Ngoài ra, bệnh tiểu đường, hội chứng Ehlers-Danlos hay hội chứng Cushing cũng khiến làn da suy yếu sau một khoảng thời gian uống thuốc, từ đó gây ra các vết rạn da màu trắng.
Bị rạn da màu trắng có nguy hiểm không?
Làn da con người bao gồm 3 lớp: biểu bì (trên cùng), hạ bì (ở giữa) và mô dưới da (dưới cùng). Rạn da là những vết sẹo với màu sắc khác biệt màu da tự nhiên, hình thành tại lớp hạ bì và có thể quan sát được bằng mắt thường.
Tình trạng này xuất hiện khi làn da đột ngột bị kéo căng trong một khoảng thời gian ngắn. Khi đó, các sợi eslatin và collagen bắt đầu đứt gãy. Lúc mới hình thành, những vết rạn có màu tím hoặc đỏ (màu sắc của những mạch máu nằm bên dưới lớp hạ bì). Theo thời gian, những vết rạn đó mờ dần và từ từ chuyển sang màu bạc hoặc trắng.
Nhìn chung, những vết rạn da màu trắng khó chữa hơn so với các vết rạn sậm màu. Thế nhưng, dù ảnh hưởng khá lớn đến yếu tố thẩm mỹ nhưng chúng không phải dấu hiệu cảnh báo vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nào.
Hướng dẫn điều trị vết rạn da màu trắng
Những vết rạn màu đỏ và tím dễ dàng điều trị hơn hẳn so với các vết rạn màu trắng. Bởi lúc này, những mạch máu bên dưới làn da vẫn đang hoạt động ổn định và bình thường. Do đó, các phương pháp điều trị thông thường hoàn toàn có thể mang đến hiệu quả nhanh chóng.
Thế nhưng, khi vết rạn chuyển sang màu trắng, các mạch máu dưới da đang dần thu hẹp, từ đó ngăn cản quá trình sản sinh collagen bên trong cơ thể. Điều này gây ra nhiều khó khăn trong công tác chữa lành.
Rất khó để có thể đánh bay triệt để các vết rạn màu trắng. Tuy nhiên, chúng ta có thể chủ động làm mờ và giảm thiểu phạm vi ảnh hưởng của chúng bằng cách áp dụng những cách điều trị an toàn, đơn giản dưới đây:
Bổ sung vitamin C
Để hỗ trợ quá trình điều trị, bạn có thể tăng cường dung nạp nhóm thực phẩm giàu vitamin C (trái cây, rau củ) đồng thời uống thêm vitamin C 500mg 3 lần/ngày.
Bôi kem dưỡng ẩm
Đa số sản phẩm dưỡng ẩm chứa thành phần vitamin C đều có thể giúp bạn xóa mờ vết rạn da màu trắng. Nguồn dưỡng chất dồi dào từ thành phần kem dưỡng có thể kích thích quá trình sản xuất collagen, nhờ đó làm mờ vết rạn. Đây chính là sự lựa chọn lý tưởng để chữa khỏi tình trạng này khi chúng vừa hình thành.
Tẩy tế bào chết
Tẩy tế bào chết thường xuyên là một trong những cách làm đơn giản góp phần hạn chế sự hình thành các vết rạn da màu trắng. Bên cạnh đó, bí quyết này cũng có thể loại bỏ những tế bào cằn cỗi, dư thừa tại vùng da bị rạn và làm sẹo mờ dần. Ngoài ra, thói quen tẩy tế bào chết cũng hỗ trợ các biện pháp điều trị khác, từ đó nhanh chóng cải thiện vấn đề này.
Thoa dầu dừa, dầu hạnh nhân
Với đặc tính dưỡng ẩm vượt trội, dầu hạnh nhân chứa nhiều thành phần dưỡng chất tuyệt vời, đặc biệt:
- Vitamin E giúp thúc đẩy sản xuất collagen và dưỡng ẩm làn da vô cùng hiệu quả.
- Magie và protein kích thích tế bào tổn thương hồi phục nhanh chóng.
Để ngăn ngừa các vết rạn da màu trắng hình thành và phát triển, người đọc có thể vệ sinh khu vực cần điều trị, sau đó nhẹ nhàng bôi đều dầu hạnh nhân lên vùng da này trong vòng 15 phút, thực hiện 1 – 2 lần/ngày.
Theo một nghiên cứu của Đại học Kerala, dầu dừa nguyên chất có công dụng chữa lành vết thương thông qua việc đẩy nhanh quá trình sản xuất collagen. Hơn nữa, với đặc tính kháng viêm mạnh mẽ, dầu dừa còn giữ ẩm cho làn da và xóa mờ các vết rạn màu trắng. Bạn có thể làm sạch vị trí rạn da, sau đó thoa đều dầu dừa nguyên chất và massage thư giãn trong vòng 15 – 20 phút trước khi rửa lại bằng nước sạch.
Đắp gel nha đam
Nha đam là một trong những nguyên liệu làm đẹp vô cùng phổ biến. Dược liệu đặc biệt này chứa nhiều dưỡng chất tốt cho làn da, bao gồm:
- Vitamin A, C, E có thể thúc đẩy quá trình sản xuất collagen và eslatin, se khít lỗ chân lông, tăng cường mức độ đàn hồi, phòng chống lão hóa, giúp làn da luôn mịn màng, trắng sáng.
- Lignin có thể ức chế quá trình lão hóa, từ đó chữa lành tổn thương và làm dịu làn da.
Với mẹo dân gian này, bạn chỉ cần tách lấy gel nha đam nguyên chất, xay nhuyễn, sau đó đắp lên vùng da cần điều trị trong vòng 15 phút mỗi ngày.
Sử dụng thuốc điều trị tại chỗ
Để cải thiện các vết rạn da màu trắng, độc giả có thể dùng thêm thuốc mỡ hoặc kem thoa ngoài chứa thành phần retinoid. Nhìn chung, tuy có thể làm sáng khu vực cần điều trị nhưng những loại thuốc này không thể loại bỏ vết rạn hoàn toàn. Bên cạnh đó, bạn cần đảm bảo sử dụng thuốc bôi theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa nhằm phòng tránh những tác dụng không mong muốn.
Chiếu tia laser
Đây là một trong những công nghệ phổ biến được nhiều bệnh nhân tin tưởng lựa chọn trong quá trình điều trị các vết rạn màu trắng. Tia laser có khả năng thúc đẩy quá trình tái tạo mô xung quanh vùng da bị tổn thương, kích thích làn da tăng cường sản sinh elastin và collagen, đồng thời kích hoạt những tế bào sắc tố.
Bạn có thể dễ dàng nhận thấy kết quả khả quan sau buổi trị liệu đầu tiên. Thông thường, tùy thuộc vào mức độ rạn da, mỗi liệu trình sẽ kéo dài từ 3 đến 5 buổi.
Áp dụng phương pháp Microdermabrasion
Với tác dụng xóa bỏ các vết rạn màu trắng trên da, Microdermabrasion là thủ thuật xâm lấn hiện đại, không gây đau đớn. Phương pháp này hoạt động dựa trên nguyên tắc kích thích vừa đủ vào lớp biểu bì nhằm thắt chặt các sợi elastin và collagen.
Bằng cách làm sáng vùng da cần điều trị và loại bỏ mọi tế bào chết, kỹ thuật này có thể đẩy lùi tình trạng rạn da. Tuy nhiên, kết quả thu được tùy thuộc vào tình trạng rạn da hiện tại của bệnh nhân. Bạn cần kiên trì thực hiện trong một khoảng thời gian tương đối lâu dài.
Hơn nữa, phương pháp Microdermabrasion không đảm bảo xóa bỏ 100% vết rạn da màu trắng. Do đó, độc giả cần cân nhắc kỹ lưỡng và lựa chọn trung tâm thẩm mỹ uy tín, chất lượng trước khi tiến hành điều trị.
Phẫu thuật thẩm mỹ
Phẫu thuật thẩm mỹ là phương pháp chữa khỏi rạn da rất hiệu quả nhưng khá tốn kém. Cách làm này có thể loại bỏ gần như toàn bộ vết rạn da xấu xí của bạn. Thế nhưng, phẫu thuật thẩm mỹ cũng đi kèm nhiều rủi ro tiềm ẩn về mặt sức khỏe. Vì vậy, hãy trao đổi kỹ lưỡng với bác sĩ chuyên khoa trước khi quyết định can thiệp.
Biện pháp phòng ngừa các vết rạn da màu trắng
Kiểm soát cân nặng, uống nhiều nước, xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh, sử dụng kem dưỡng, bổ sung collagen, điều chỉnh thói quen luyện tập và chủ động điều trị rạn da ngay từ khi chúng vừa hình thành chính là những cách phòng ngừa hiệu quả nhất.
Duy trì cân nặng
Cân nặng là một trong những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến tình trạng làn da. Sự tăng cân nhanh chóng khiến các tế bào da bị kéo giãn quá mức và hình thành vết rạn. Trong khi đó, nếu sút cân đột ngột, làn da sẽ trở nên xấu xí, chảy xệ.
Do đó, tất cả chúng ta, đặc biệt là phụ nữ mang thai, bệnh nhân béo phì, những người đang trong độ tuổi trưởng thành, cần chú ý kiểm soát cân nặng nhằm ngăn ngừa rạn da.
Uống nhiều nước
Cơ thể con người cần được cung cấp đủ 2 lít nước/ngày để đảm bảo hoạt động nhịp nhàng của mọi cơ quan, bộ phận, trong đó có làn da. Những tế bào da ngậm nước sẽ mềm mại, linh hoạt và đàn hồi hơn ngay cả khi chúng ta tăng cân hoặc cơ bắp phát triển quá mức.
Xây dựng chế độ dinh dưỡng cân bằng
Chế độ dinh dưỡng tác động sâu sắc đến trọng lượng cơ thể. Các dưỡng chất thiết yếu (protein, chất béo, vitamin, khoáng chất) từ nguồn thực phẩm mà chúng ta dung nạp hàng ngày có khả năng nuôi dưỡng – bảo vệ làn da, thúc đẩy quá trình tăng sinh collagen, tăng cường hệ miễn dịch, phục hồi tổn thương và cải thiện sắc tố da nhanh chóng.
Vì vậy, độc giả nên ưu tiên bổ sung nhóm thực phẩm tươi ngon giàu protein, kẽm, vitamin C, D, E… đồng thời hạn chế sử dụng thức ăn đóng hộp hay thực phẩm tinh chế.
Điều chỉnh thói quen
Người đọc hãy tập luyện thể dục – thể thao khoảng 15 – 30 phút/ngày. Thói quen luyện tập điều độ không chỉ củng cố sức khỏe xương khớp mà còn kích thích quá trình tuần hoàn máu đến mô da. Nhờ đó, cơ thể chúng ta sẽ tự chữa lành tình trạng rạn da.
Hơn nữa, độc giả cần chú ý dùng thuốc corticosteroid đúng cách. Bởi loại thuốc này có thể tạo thành nhiều vết rạn ở bắp tay, bắp chân. Ngoài ra, collagen dễ dàng bị tụt giảm hoặc đứt gãy nếu tiếp xúc trực tiếp với tia UV từ ánh nắng mặt trời. Do đó, bạn cần bôi kem chống nắng và che chắn cẩn thận trước khi ra ngoài.
Thoa kem dưỡng ẩm
Hiện nay, nhiều người chỉ tập trung chăm sóc da mặt mà vô tình lơ là vùng da toàn thân. Bạn có biết, lượng nước cơ thể hấp thu hàng ngày sẽ được phân chia đồng đều cho mọi cơ quan mà không chỉ tập trung vào làn da. Đây chính là lý do chúng ta cần bổ sung độ ẩm cần thiết cho làn da bằng cách thoa kem dưỡng đều đặn. Hãy ưu tiên lựa chọn những loại kem dưỡng với thành phần: glycerin, shea butter, axit hyaluronic…
Bên cạnh đó, bạn có thể tận dụng những loại tinh dầu thiên nhiên giàu vitamin, axit béo, polyphenol, nguyên tố vi lượng… để chăm sóc và dưỡng ẩm làn da.
Bổ sung collagen
Collagen là loại protein đặc biệt chiếm đến khoảng 70% cấu trúc làn da. Chúng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc liên kết tế bào, củng cố tình trạng săn chắc và duy trì mức độ đàn hồi của da. Khi chúng ta ngày càng lớn tuổi, hàm lượng collagen bắt đầu suy giảm theo thời gian. Lúc này, sự thiếu hụt collagen sẽ dẫn đến nhiều vấn đề bất thường, trong đó có những vết rạn da màu trắng.
Nếu đã bước qua tuổi 30, độc giả có thể chủ động bổ sung viên uống collagen. Tuy nhiên, các chuyên gia da liễu vẫn luôn khuyến khích chúng ta ăn nhiều thực phẩm giàu collagen như: tỏi, trứng, bơ, lựu, dâu tây, đu đủ, đậu nành, rau xanh, cà chua, hải sản, thịt gà, thịt đỏ, tảo biển…
Điều trị rạn da ngay từ đầu
Đây là một trong những giải pháp ngăn ngừa sự xuất hiện của các vết rạn màu trắng an toàn và hiệu quả nhất. Khi các tổn thương trên da vừa xuất hiện, người đọc có thể bôi kem chứa thành phần axit alpha hydroxy hoặc retinol. Lưu ý, hai hoạt chất này không phù hợp với phụ nữ mang thai. Để đảm bảo an toàn tối đa, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa nhằm tìm ra sản phẩm phù hợp nhất.
Tình trạng rạn da màu trắng khá phổ biến và tương đối khó trị. Do đó, bạn cần chủ động phòng tránh từ bây giờ và điều trị tích cực ngay khi các vết rạn màu tím, đỏ vừa mới hình thành.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!