[Giải đáp] Bệnh viêm da cơ địa có lây không ? Cách phòng bệnh ?
Nội Dung Bài Viết
Viêm da cơ địa là căn bệnh viêm da mạn tính. Đây không phải là căn bệnh lây lan, nên người khỏe mạnh sẽ không bị nhiễm bệnh khi tiếp xúc với người bệnh. Bệnh viêm da cơ địa có thể tái phát bất cứ lúc nào. Để phòng bệnh tái phát, bệnh nhân cần chăm sóc cơ thể đúng cách, uống đủ nước, thoa kem dưỡng ẩm khi da khô,…
Bệnh viêm da cơ địa có lây không?
Viêm da cơ địa là một chứng bệnh thuộc về chuyên khoa Da liễu. Theo các bác sĩ chuyên khoa, bệnh lý này chỉ đơn thuần là một chứng viêm da, tuy nhiên diễn ra trong thời gian dài, là một căn bệnh mạn tính. Bệnh viêm da cơ địa có thể đi kèm với một số bệnh mạn tính khác như: viêm mũi dị ứng, hen suyễn,…
Bệnh viêm da cơ địa là một bệnh bẩm sinh, có thể khởi phát sớm ngay trong giai đoạn sơ sinh. Bệnh sẽ tiếp tục theo đuổi người bệnh ở các giai đoạn sau. Triệu chứng của bệnh viêm da cơ địa thường là:
- Da nổi mẩn đỏ;
- Ngứa tại chỗ nổi mẩn;
- Nốt mẩn đỏ thường xuất hiện vào ban đêm;
- Sau khi mẩn đỏ giảm dần, da sẽ chuyển sang màu nâu, màu xám.
Nếu đang gặp với những triệu chứng trên, rất có thể bạn đang bị viêm da cơ địa. Người bệnh viêm da cơ địa cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được điều trị. Các bệnh nhân thường có thói quen gãi ngứa mạnh tay. Điều này thường khiến vùng da bị dị ứng bị tổn thương, trầy xước, dẫn đến nhiễm trùng. Khi ấy, da có thể sẽ bị sưng viêm, tiết mủ.
Nguyên nhân gây ra viêm da cơ địa, cho đến nay vẫn chưa được xác định. Các chuyên gia da liễu đưa ra một số giả thuyết như:
- Di truyền từ các thế hệ trước;
- Da bị khô, dễ bị kích thích;
- Thói quen tắm nước nóng quá lâu;
- Dị ứng với một số loại thực phẩm (như hải sản, sữa, trứng, đậu nành,…).
Rất nhiều người thắc mắc rằng: “Bệnh viêm da cơ địa có lây không?”. Theo các chuyên gia da liễu, bệnh viêm da cơ địa không phải là một bệnh lây nhiễm mà là một bệnh có khả năng di truyền. Do vậy, người khỏe mạnh hoàn toàn có thể tiếp xúc, giao tiếp với người bệnh một cách bình thường. Chứng viêm da cơ địa hình thành và khởi phát từ trong cơ thể của mỗi người, không có khả năng truyền từ người bệnh sang người lành.
Phương pháp điều trị viêm da cơ địa
Bệnh viêm da cơ địa không gây ra biến chứng nguy hiểm, tuy nhiên có thể dẫn đến nhiễm trùng khi gãi ngứa hoặc gây ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày của người bệnh.
Bệnh viêm da cơ địa là căn bệnh bẩm sinh, không thể điều trị dứt điểm, chỉ có thể điều trị khỏi bệnh tạm thời, làm giảm triệu chứng ngứa ngáy của bệnh,…
Một số phương pháp điều trị bệnh viêm da cơ địa là:
1. Dùng thuốc giảm ngứa, kem chống ngứa
Bác sĩ có thể cho người bệnh dùng một số loại thuốc ức chế histamin sản sinh, gây ngứa trên da. Tuy nhiên, thuốc kháng histamin thường có tác dụng phụ là gây buồn ngủ. Do đó, bác sĩ thường kê thuốc uống vào buổi tối, vừa giúp da không nổi mẩn ngứa về đêm và giúp giấc ngủ sâu hơn, ngon hơn. Một số loại kem chống ngứa cũng giúp người bệnh cải thiện tình trạng ngứa ngáy, khó chịu. Người bệnh có thể bôi kem chống ngứa vào ban ngày, để bệnh không cản trở sinh hoạt của bệnh nhân.
2. Sử dụng kem dưỡng ẩm
Một trong những yếu tố khiến bệnh viêm da dị ứng dễ hình thành đó là da người bệnh bị khô ráp. Do đó, dùng kem dưỡng ẩm cũng là một cách giúp da ẩm mịn hơn, không bị mất nước, hạn chế nổi mẩn ngứa khó chịu. Bệnh nhân có thể kết hợp dùng kem dưỡng ẩm với kem chống ngứa để điều trị bệnh viêm da dị ứng vào mùa đông lạnh.
3. Thuốc kháng viêm, kháng sinh
Trong trường hợp gãi ngứa mạnh tay khiến da bị trầy xước, có dấu hiệu nhiễm trùng, bệnh nhân sẽ được bác sĩ cung cấp thêm một số loại thuốc kháng sinh, thuốc kháng viêm để loại bỏ vi trùng gây bệnh, ngăn không cho hình thành viêm nhiễm. Bác sĩ có thể cung cấp thêm một số loại thuốc vitamin dùng ở đường uống, giúp vết thương mau lành.
4. Điều trị bằng ánh sáng
Quang tuyến trị liệu là một phương pháp điều trị viêm da cơ địa mới nhất. Phương pháp này áp dụng bằng cách đưa những bước sóng ánh sáng đi sâu vào da, điều chỉnh các rối loạn dưới da, giúp da cân bằng độ ẩm, giảm thiểu hình thành các nốt mẩn ngứa. Tuy nhiên, phương pháp này cũng đi kèm với những hệ quả xấu như: nguy cơ ung thư da, lão hóa da sớm,…
Biện pháp phòng bệnh viêm da cơ địa
Vì bệnh viêm da cơ địa là căn bệnh bẩm sinh, do cơ địa của mỗi người. Do đó, trong phần biện pháp phòng bệnh này, chúng tôi sẽ trình bày những biện pháp giúp hạn chế bệnh tái phát ở người mắc bệnh.
Để phòng bệnh viêm da cơ địa tái phát, người bệnh nên thực hiện những biện pháp sau:
- Sử dụng kem dưỡng ẩm khi bước vào mùa đông lạnh, khi thấy da có dấu hiệu khô ráp;
- Uống nhiều nước mỗi ngày để da được cung cấp đủ độ ẩm và để cơ thể thanh lọc độc tố;
- Tránh ăn các loại thức ăn dễ gây dị ứng như: thịt gà, thịt bò, hải sản, trứng, sữa,…;
- Hạn chế dùng bia rượu, thuốc lá, cà phê;
- Mặc áo ấm, bảo vệ dạ khi nhiệt độ môi trường giảm;
- Mặc quần áo có chất liệu vải thoải mái, khô thoáng khi trời nóng bức;
- Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, chăn nệm, màn cửa,…;
- Tránh xa khói thuốc lá, bụi bặm, phấn hoa,…;
- Căn chỉnh nhiệt độ nước tắm phù hợp. Không nên tắm nước quá nóng hoặc quá lạnh;
- Thận trọng khi dùng xà phòng, mỹ phẩm và nước hoa;
- Dùng xà phòng có tính tẩy rửa nhẹ nhàng;
- Hạn chế gãi ngứa. Cắt móng tay gọn sạch để tránh làm trầy xước da.
Tóm lại, viêm da cơ địa là chứng bệnh do cơ địa của mỗi người tự hình thành, hoàn toàn không có sự lây nhiễm từ người bệnh sang người khỏe mạnh. Để phòng bệnh tái phát, người bệnh viêm da cơ địa nên vệ sinh cơ thể sạch sẽ hàng ngày, uống đầy đủ nước, dùng kem dưỡng ẩm, hạn chế cọ gãi mạnh tay,…
Xem thêm: [Người thật việc thật] Bệnh nhân viêm da cơ địa 7 năm chia sẻ kinh nghiệm chữa thành công
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!