Bị viêm da cơ địa nên uống thuốc gì?
Nội Dung Bài Viết
Thuốc kháng histamine H1, corticoid đường uống, kháng sinh,… là một số loại thuốc uống được dùng trong điều trị viêm da cơ địa. Tuy nhiên thuốc đường uống thường có nguy cơ cao hơn so với kem bôi ngoài da, do đó bạn chỉ nên sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ da liễu.
Bị viêm da cơ địa khi nào nên dùng thuốc uống?
Viêm da cơ địa là bệnh da liễu có tính chất mãn tính và dai dẳng. Bệnh đặc trưng bởi tổn thương da khô ráp, dày sừng đi kèm với triệu chứng sưng nề, đau rát và ngứa âm ỉ đến dữ dội.
Với những trường hợp nhẹ, viêm da cơ địa thường được điều trị bằng thuốc bôi ngoài da. Tuy nhiên trong một số trường hợp, bác sĩ có chỉ định điều trị tại chỗ kết hợp thuốc uống để kiểm soát hoàn toàn các triệu chứng của bệnh.
Các trường hợp cần sử dụng thuốc uống trị viêm da cơ địa:
- Tổn thương da gây sưng viêm, đau rát, ngứa dữ dội và không có đáp ứng tốt với thuốc điều trị tại chỗ.
- Viêm da cơ địa bội nhiễm (vùng da tổn thương bị nhiễm trùng do virus hoặc vi khuẩn).
- Viêm da cơ địa kéo dài và tái phát nhiều lần.
So với thuốc bôi, thuốc uống chữa viêm da cơ địa thường có hiệu lực mạnh và dễ phát sinh các tác dụng không mong muốn. Chính vì vậy bạn chỉ nên sử dụng thuốc sau khi đã tham vấn y khoa.
Bị viêm da cơ địa nên uống thuốc gì?
Thuốc uống trị viêm da cơ địa có tác dụng điều trị triệu chứng và biến chứng của bệnh. Để giảm thiểu nguy cơ phụ thuộc và lạm dụng, bác sĩ thường chỉ định thuốc uống trong một thời gian ngắn và thay thế bằng thuốc bôi ngoài da khi triệu chứng đã thuyên giảm.
Một số thuốc uống trị viêm da cơ địa được sử dụng phổ biến:
1. Thuốc kháng histamine H1
Viêm da cơ địa là một dạng tổn thương bị kích thích do phản ứng dị ứng. Do đó thuốc kháng histamine H1 thường được chỉ định trong cả giai đoạn cấp và mãn tính của bệnh. Nhóm thuốc này hoạt động bằng cách ức chế phóng thích histamine – thành phần trung gian trong phản ứng dị ứng.
Thông thường, thụ thể histamine có sẵn trong mô da, niêm mạc dạ dày, phổi, miệng ở dạng phức hợp với protein và không có hoạt tính. Tuy nhiên khi có dị nguyên (hóa chất, phấn hoa, mạt bụi,…), hệ miễn dịch sẽ tạo ra kháng nguyên. Kháng nguyên này tác động lên phức hợp protein và giải phóng histamine gây phát ban da, nổi mề đay, ngứa, nổi mụn nước,…
Chính vì vậy thuốc kháng histamine H1 thường được chỉ định trong điều trị các vấn đề sức khỏe có liên quan đến dị ứng. Hiện nay trong điều trị viêm da cơ địa, bác sĩ thường ưu tiên chỉ định thuốc kháng histamine H1 thế hệ II như Loratidin, Cetirizin, Fexofenadin, Astemizol, Acrivastin. Do thuốc ở thế hệ II có tác dụng ức chế thụ thể màng não yếu, ít tác dụng phụ hơn so với thế hệ I và có tốc độ thải trừ chậm nên chỉ cần dùng 1 lần/ ngày.
2. Thuốc chống viêm không steroid (NSAID)
Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) được dùng trong điều trị viêm da cơ địa khi tổn thương da sưng viêm nhẹ, gây đau và nóng rát. NSAID hoạt động bằng cách ức chế enzyme cyclooxygenase 1 và 2, từ đó làm giảm quá trình sinh tổng hợp prostaglandin – thành phần trung gian trong phản ứng gây viêm.
Ngoài ra, NSAID cũng được chỉ định đối với viêm da cơ địa bội nhiễm. Trong trường hợp có bội nhiễm, tổn thương da thường có xu hướng tụ mủ gây sốt cao, đau nhức và sưng viêm nặng nề.
Tuy nhiên NSAID có thể ức chế prostaglandin ở đường tiêu hóa nên cần tránh sử dụng cho người có các vấn đề về dạ dày như viêm loét dạ dày tiến triển, tiền sử xuất huyết tiêu hóa trên,…
3. Thuốc corticoid đường uống
Corticoid đường uống hiếm khi được chỉ định trong điều trị viêm da cơ địa. Bởi nhóm thuốc này có tác dụng chống viêm và chống dị ứng mạnh nhưng dễ gây ra các biến chứng nguy hiểm như loãng xương, suy tuyến thượng thận, tăng nguy cơ nhiễm trùng, tăng huyết áp và đường huyết.
Chính vì vậy thuốc chỉ được dùng khi viêm da cơ địa cấp gây viêm và phù nề nghiêm trọng. Corticoid đường uống không được chỉ định trong giai đoạn mãn tính do độc tính của thuốc có thể khiến triệu chứng của bệnh bùng phát trở lại.
Tuy nhiên thuốc corticoid đường bôi thường được dùng trong điều trị các dạng viêm da mãn tính. Thuốc bôi có tác dụng giảm dị ứng và chống viêm mạnh nhưng ít gây ra tác dụng phụ hơn so với đường uống.
4. Thuốc kháng sinh/ kháng nấm
Thuốc kháng sinh/ kháng nấm dạng uống được chỉ định trong điều trị viêm da cơ địa bội nhiễm. Nếu do vi khuẩn (thường là tụ cầu vàng), bác sĩ sẽ chỉ định thuốc kháng sinh nhóm penicillin và macrolid. Trong trường hợp bội nhiễm do nấm, bác sĩ có thể kê toa một số thuốc kháng nấm toàn thân như Itraconazole, Fluconazole,…
Thuốc kháng sinh và kháng nấm thường được chỉ định liên tục trong vòng 7 – 10 ngày. Với những trường hợp bội nhiễm gây ứ mủ, bác sĩ có thể chọc hút mủ và yêu cầu phối hợp với thuốc kháng sinh và kháng nấm dạng điều trị tại chỗ.
Khi sử dụng nhóm thuốc này, bạn cần dùng đều đặn để tránh nguy cơ vi nấm và vi khuẩn kháng thuốc. Ngoài ra khi sử dụng thuốc, nên bổ sung sữa chua, rau xanh và uống đủ nước để hạn chế tình trạng rối loạn tiêu hóa.
5. Viên uống bổ sung
Viên uống bổ sung được dùng cho bệnh nhân bị viêm da cơ địa tái phát nhiều lần do thiếu hụt vi chất dinh dưỡng, thể trạng yếu và suy giảm sức đề kháng.
Các viên uống bổ sung (vitamin C và vitamin B) không có tác động đến tổn thương da và các triệu chứng cơ năng. Tuy nhiên sử dụng các loại thuốc này thường xuyên có thể giảm tần suất và mức độ của các triệu chứng.
Những lưu ý khi uống thuốc trị viêm da cơ địa
Thuốc uống trị viêm da cơ địa có thể giảm ngứa ngáy, sưng viêm, đau, nóng rát và ức chế vi khuẩn gây bội nhiễm. Tuy nhiên khi sử dụng nhóm thuốc này, bạn nên lưu ý những thông tin sau:
- Hầu hết các loại thuốc uống đều có thể gây ra các tác dụng phụ không mong muốn. Do đó bạn chỉ nên sử dụng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
- Nên thông báo với dược sĩ hoặc bác sĩ tình trạng sức khỏe (mang thai, dị ứng thuốc, suy thận,…) để được chỉ định loại thuốc phù hợp.
- Chỉ sử dụng thuốc uống chữa viêm da cơ địa theo liều lượng và thời gian được chỉ định. Lạm dụng thuốc trong thời gian dài có thể ảnh hưởng đến chức năng gan/ thận và tuần hoàn máu.
- Khi sử dụng viên uống bổ sung, bạn nên điều chỉnh chế độ dinh dưỡng nhằm hạn chế nguy cơ bổ sung quá liều lượng.
- Không dùng thuốc với rượu bia và đồ uống chứa caffeine – đặc biệt là thuốc kháng histamine, corticoid và NSAID. Sử dụng đồng thời có thể tăng tác dụng an thần và gây độc lên thận, gan, hệ tiêu hóa,…
- Nên phối hợp thuốc uống trị viêm da cơ địa với các dung dịch và thuốc dùng ngoài da.
- Có thể tận dụng một số thảo dược quen thuộc như lá trà xanh, tỏi đen, gừng, lá trầu không chữa viêm da cơ địa nhằm hạn chế thời gian và tần suất sử dụng thuốc.
- Nếu nhận thấy tác dụng phụ và biểu hiện dị ứng khi dùng thuốc, bạn nên thông báo với bác sĩ để được hướng dẫn cách khắc phục cụ thể.
Bài viết đã giải đáp thắc mắc “Bị viêm da cơ địa nên uống thuốc gì?” và đề cập đến một số thông tin cần lưu ý khi dùng thuốc. Nếu có thắc mắc về vấn đề này, bạn nên trao đổi trực tiếp với bác sĩ da liễu để được tư vấn cụ thể.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!