Bị viêm da cơ địa ở chân phải làm sao ?
Nội Dung Bài Viết
Viêm da cơ địa ở bàn chân thường xảy ra do mang giày chật, căng thẳng thần kinh, rối loạn nội tiết tố hoặc do thời tiết thay đổi đột ngột. Điều trị bệnh lý này bao gồm sử dụng thuốc bôi ngoài da, thuốc uống, loại bỏ nguyên nhân và chăm sóc tại nhà.
Viêm da cơ địa ở chân & Những thông tin cần biết
Viêm da cơ địa là một dạng viêm da mãn tính, đặc trưng bởi tình trạng da khô, nứt nẻ và ngứa ngáy. Tổn thương da do bệnh lý này có thể xảy ra ở bất cứ vị trí nào – trong đó có bàn chân.
Bệnh thường tiến triển qua 2 giai đoạn chính, cấp tính – mãn tính. Trong giai đoạn cấp tính, các triệu chứng thường khởi phát đột ngột và bùng phát mạnh. Tuy nhiên ở giai đoạn mãn tính, tổn thương da có tiến triển chậm và thường đi kèm với triệu chứng ngứa âm ỉ.
Hiện tại bệnh viêm cơ địa nói chung và viêm da cơ địa ở chân đều chưa thể điều trị dứt điểm. Do đó mục đích chính của việc điều trị là cải thiện triệu chứng, giảm tổn thương da, ngăn ngừa biến chứng và hạn chế tái phát.
1. Nguyên nhân
Nguyên nhân gây bệnh viêm cơ địa bàn chân vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên theo các chuyên gia da liễu, bệnh có mối liên hệ mật thiết với yếu tố di truyền và hoạt động rối loạn của hệ miễn dịch. Chính vì vậy ở một số trường hợp, viêm da cơ địa không chỉ gây ra tổn thương da mà còn đi kèm với sốt cỏ khô, viêm mũi dị ứng và hen suyễn.
Bên cạnh yếu tố di truyền và rối loạn miễn dịch, bệnh viêm da cơ địa ở chân có thể khởi phát do một số yếu tố thuận lợi như:
- Nhiễm trùng: Nhiễm trùng toàn thân hoặc khu trú ở chân có thể kích thích các triệu chứng của viêm da cơ địa bùng phát.
- Tiếp xúc với hóa chất: Sử dụng xà phòng làm sạch da có độ pH cao hoặc tiếp xúc với các hóa chất có tính tẩy mạnh (bột giặt, nước lau sàn) có thể khiến vùng da ở lòng bàn chân, gót chân bị kích thích và tổn thương.
- Mang giày chật: Thường xuyên mang giày chật có thể làm tăng ma sát lên vùng da của bàn chân và tăng nguy cơ mắc bệnh viêm da cơ địa.
- Rối loạn nội tiết tố: Nội tiết tố mất cân bằng là một trong những yếu tố tác động đến hoạt động của hệ miễn dịch. Vì vậy ngoài các triệu chứng thường gặp (kinh nguyệt không đều, mất ngủ, suy nhược), rối loạn nội tiết tố có thể kích thích các bệnh da liễu mãn tính bùng phát.
Ngoài ra, viêm da cơ địa ở chân có thể xảy ra do thời tiết khô hanh, nhiệt độ tăng giảm đột ngột, căng thẳng thần kinh, béo phì, chế độ ăn không phù hợp, lạm dụng rượu bia,…
2. Dấu hiệu nhận biết
Viêm da cơ địa ở chân thường có triệu chứng khá đồng nhất ở cả giai đoạn cấp và mãn tính. Nguyên nhân được xác định có thể do vùng da này khá dày và ít bị tác động hơn so với những vùng da mỏng, nhạy cảm như da mặt, lưng, cổ và tay.
Dấu hiệu của bệnh viêm da cơ địa ở chân:
- Xuất hiện các mảng da khô, đỏ/ hồng
- Bề mặt vùng da tổn thương có nổi các mụn nước nhỏ, mọc khu trú và gây ngứa
- Sau đó mụn nước vỡ ra khiến da chảy dịch và đóng mài, bong vảy
- Theo thời gian tổn thương da có dấu hiệu dày sừng, thâm nhiễm và khô ráp
Tổn thương da do viêm da cơ địa ở chân thường kéo dài trong khoảng vài tuần rồi biến mất. Tuy nhiên ở một số trường hợp, vùng da có thể bị dày sừng, thâm nhiễm và nứt nẻ kéo dài. Nếu không có các biện pháp chăm sóc và phòng ngừa kịp thời, tổn thương da có thể bị viêm nhiễm – hay được gọi là viêm da cơ địa bội nhiễm.
3. Biến chứng
Viêm da cơ địa xảy ra ở phạm vi rộng không chỉ ảnh hưởng đến làn da mà còn tăng nguy cơ hen suyễn, viêm kết mạc dị ứng, viêm mũi dị ứng và sốt cỏ khô. Tuy nhiên nếu chỉ xảy ra khu trú ở tay hoặc chân, bệnh lý này thường có mức độ nhẹ và dễ kiểm soát.
Phần lớn các trường hợp bị viêm da cơ địa khu trú đều đáp ứng tốt sau khi chăm sóc và điều trị. Ngược lại nếu không tiến hành điều trị, viêm da cơ địa ở chân có thể gây ra một số biến chứng như:
- Bội nhiễm: Bội nhiễm là tình trạng tổn thương da ở chân bị nhiễm trùng do vi khuẩn, virus hoặc nấm. Khi có bội nhiễm, da thường có dấu hiệu sưng đỏ, nóng, tụ mủ và đi kèm với triệu chứng ngứa rát, sưng đau và khó chịu.
- Hoại tử da: Hoại tử da là biến chứng xảy ra khi viêm da cơ địa bội nhiễm không được kiểm soát và điều trị đúng cách.
- Làm giảm chất lượng cuộc sống: Viêm da cơ địa đặc trưng với triệu chứng ngứa ngáy dữ dội và kéo dài. Tình trạng này không chỉ gây ra cảm giác bứt rứt, khó chịu mà còn làm giảm chất lượng giấc ngủ, gây suy nhược cơ thể, giảm khả năng làm việc và ảnh hưởng đến các hoạt động sinh hoạt.
Với tình chất mãn tính và dai dẳng, viêm da cơ địa còn gây ra tâm lý ám ảnh, tự ti và rối loạn lo âu.
Điều trị viêm da cơ địa ở bàn chân bằng cách nào?
Bệnh viêm da cơ địa ở chân không thể điều trị dứt điểm. Chính vì vậy nguyên tắc điều trị chính là cải thiện ngứa ngáy, giảm thiểu tổn thương da, ngăn ngừa biến chứng và giảm thiểu nguy cơ bệnh tái phát.
1. Điều trị bằng thuốc
Viêm da cơ địa ở chân được điều trị bằng thuốc uống và thuốc bôi ngoài da. Loại thuốc được chỉ định dựa trên mức độ tổn thương da, giai đoạn phát bệnh, khả năng đáp ứng và độ tuổi của bệnh nhân.
Một số loại thuốc điều trị viêm da cơ địa ở chân được sử dụng phổ biến:
- Kẽm oxide 10%: Thuốc kẽm thường được dùng trong giai đoạn cấp, có tác dụng làm bảo vệ, làm dịu da và sát trùng nhẹ.
- Corticoid bôi ngoài da: Corticoid bôi ngoài da là thuốc điều trị chủ yếu trong viêm da cơ địa. Ban đầu, bác sĩ thường chỉ định các corticoid có hoạt tính nhẹ và vừa như Dexamethason, Hydrocoritison, Triamcinolon acetonid. Tuy nhiên nếu không có đáp ứng, bác sĩ có thể thay thế bằng các corticoid mạnh như Betamethasone valerat và Hydrocortison butirat.
- Thuốc kháng histamine (kháng H1): Nhóm thuốc này có tác dụng chính là chống dị ứng và giảm ngứa. Với trường hợp ngứa nhẹ, thuốc kháng H1 thường được dùng ở dạng bôi tại chỗ. Tuy nhiên nếu ngứa ngáy dữ dội và kéo dài, bác sĩ có thể chỉ định thuốc kháng histamine ở dạng uống.
- Thuốc chống viêm không steroid và steroid: Trong trường hợp da chân bị viêm nặng, thuốc chống viêm không steroid (NSAID) và steroid sẽ được chỉ định. Thông thường, chỉ định ưu tiên luôn là NSAID vì steroid đường uống có thể gây ra nhiều tác dụng phụ nguy hiểm.
- Kháng sinh & thuốc chống nấm: Nhóm thuốc này được chỉ định khi tổn thương da dấu hiệu bội nhiễm. Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ sinh thiết mủ hoặc mô da sẽ xác định tác nhân gây nhiễm trùng để chỉ định loại thuốc tương ứng.
Thuốc điều trị viêm da cơ địa ở chân thường chỉ định trong một thời gian ngắn – đặc biệt là corticoid dạng bôi và steroid đường uống. Khi triệu chứng thuyên giảm dần, bác sĩ thường ưu tiên chỉ định các loại thuốc an toàn như thuốc bôi kháng histamine H1 và các loại kem dưỡng ẩm lành tính nhằm bảo vệ da, ngăn ngừa nứt nẻ và giảm ngứa ngáy.
2. Điều trị tại nhà
Song song với các biện pháp y tế, bạn có thể áp dụng một số cách giúp giảm ngứa và phục hồi da tại nhà. Thường xuyên áp dụng các biện pháp này giúp tăng tốc độ hồi phục và giảm nguy cơ phụ thuộc thuốc.
Điều trị tại nhà đối với bệnh viêm da cơ địa ở chân:
- Ngâm chân: Ngâm chân với một số thảo dược như gừng, bạc hà, muối biển,… có thể giảm ngứa, ngăn ngừa bội nhiễm và làm mềm vùng da tổn thương. Sau khi ngâm chân, bạn nên lau khô với khăn sạch và sử dụng thuốc bôi theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Sử dụng dầu dừa: Nếu vùng da tổn thương khi khô ráp và nứt nẻ nghiêm trọng, bạn có thể dùng dầu dừa để dưỡng ẩm và phục hồi da. Trong trường hợp bị dị ứng dầu dừa, bạn có thể thay thế bằng dầu ô liu hoặc dầu hạnh nhân.
- Dùng tỏi: Trong trường hợp da gây ngứa dữ dội, bạn có thể thoa nước ép tỏi để kháng khuẩn, giảm ngứa và tiêu viêm. Tuy nhiên tỏi có vị cay nồng nên cần tránh dùng cho vùng da có vết thương hở và lở loét.
Bé bị viêm da cơ địa ở chân – Mẹ phải làm sao?
Viêm da cơ địa ở chân có thể xảy ra ở cả trẻ em, bởi làn da trẻ thường mỏng, nhạy cảm và dễ tổn thương khi có yếu tố tác động. Hơn nữa do hệ miễn dịch chưa phát triển hoàn chỉnh nên tổn thương da ở bàn chân có khả năng lây lan rộng và nhiễm trùng. Do đó khi bé có các dấu hiệu của bệnh viêm da cơ địa, phụ huynh nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ.
Điều trị viêm da cơ địa ở chân trẻ em chủ yếu là:
- Loại bỏ các yếu tố thuận lợi gây viêm da cơ địa ở chân.
- Sử dụng kem dưỡng ẩm và làm dịu như Vaseline, A-derma, Bioderma, Eucerin, Cetaphil…
- Dùng thuốc kháng histamine H1 dạng bôi hoặc uống để giảm ngứa.
- Có thể sử dụng một số dung dịch hoặc kem bôi có tác dụng sát trùng nhẹ.
Thuốc bôi chứa corticoid, thuốc chống viêm và steroid đường uống thường không được chỉ định với trẻ dưới 12 tuổi. Trong trường hợp viêm da cơ địa ở chân xảy ra ở trẻ trên độ tuổi này, bác sĩ có thể cân nhắc về nguy cơ và lợi ích trước khi chỉ định các nhóm thuốc nói trên.
Biện pháp chăm sóc và phòng ngừa viêm da cơ địa ở chân
Viêm da cơ địa ở chân tiến triển qua 2 giai đoạn chính – giai đoạn bùng phát (cấp tính) và giai đoạn ổn định (mãn tính). Trong đó giai đoạn cấp thường gây ra các triệu chứng đột ngột và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống. Ở giai đoạn mãn tính, các triệu chứng của bệnh thường không biểu hiện rõ ràng và có tiến triển chậm.
Chính vì vậy khi bệnh ổn định, bạn nên thực hiện một số biện pháp nhằm ngăn chặn bệnh bùng phát trở lại.
- Loại trừ các yếu tố thuận lợi khiến viêm da cơ địa ở bàn chân tái phát như mang giày chật hoặc bí, để da quá khô, căng thẳng, rối loạn nội tiết và sử dụng thuốc điều trị.
- Mang vớ và dưỡng ẩm cho da thường xuyên khi thời tiết khô hanh.
- Thay đổi xà phòng và sữa tắm, nên lựa chọn các sản phẩm dịu nhẹ và có độ pH cân bằng.
- Nâng cao hệ miễn dịch bằng cách ăn uống điều độ, cân bằng thời gian làm việc – nghỉ ngơi và tập thể dục thường xuyên.
Viêm da cơ địa ở chân thường có đáp ứng tốt sau khi được chăm sóc và điều trị đúng cách. Vì vậy ngay khi triệu chứng bùng phát trên da, bạn nên chủ động thăm khám để được bác sĩ chỉ định thuốc và hướng dẫn các biện pháp chăm sóc khoa học.
Tham khảo thêm: Viêm da cơ địa ở tay: Cách xử lý và phòng ngừa
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!