Bị viêm da tiếp xúc với côn trùng và hướng xử lý

Viêm da tiếp xúc: Dấu hiệu nhận biết và hướng điều trị an toàn

Viêm da tiếp xúc ở vùng kín và cách xử lý

Bị viêm da tiếp xúc nên kiêng ăn gì để tránh nặng thêm?

Bị viêm da tiếp xúc nên bôi hay uống thuốc gì?

Bị viêm da dị ứng tiếp xúc bao lâu thì khỏi ?

Viêm da tiếp xúc ở trẻ em: Cách phòng và trị bệnh an toàn

Bị viêm da tiếp xúc bội nhiễm có nguy hiểm không? Chữa khỏi không?

Bị viêm da tiếp xúc bội nhiễm có nguy hiểm không? Chữa khỏi không?

Viêm da tiếp xúc bội nhiễm xảy ra khi vùng da tổn thương bị nhiễm trùng do vi khuẩn, nấm hoặc virus. Tình trạng này không chỉ gây thương tổn trên da mà còn làm phát sinh một số triệu chứng toàn thân. Nếu không phát hiện và can thiệp điều trị kịp thời, bội nhiễm da có thể tiến triển nặng gây nhiễm trùng huyết và viêm mô tế bào.

viêm da tiếp xúc bội nhiễm
Viêm da tiếp xúc bội nhiễm là tình trạng vùng da tổn thương bị nhiễm trùng do vi khuẩn, nấm hoặc virus

Viêm da tiếp xúc bội nhiễm là gì?

Viêm da tiếp xúc bội nhiễm là biến chứng thường gặp của bệnh viêm da tiếp xúc. Biến chứng này xảy ra khi virus, nấm và vi khuẩn xâm nhập vào vùng da tổn thương và gây viêm nhiễm.

So với viêm da tiếp xúc thông thường, viêm da kèm bội nhiễm có mức độ nặng, tiếp triển phức tạp và có thể gây ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe nếu không được xử lý kịp thời.

Nguyên nhân gây viêm da tiếp xúc bội nhiễm

Viêm da tiếp xúc thường khởi phát do tiếp xúc trực tiếp với hóa chất, dung môi công nghiệp, chất tẩy rửa, xà phòng, nhựa thực vật, mủ côn trùng, kim loại, thuốc bôi ngoài da, phấn hoa,… Phần lớn các trường hợp mắc bệnh đều có đáp ứng tốt với phương pháp điều trị và thuyên giảm dần sau khoảng vài tuần.

viêm da tiếp xúc bội nhiễm
Thường xuyên gãi, cào lên vùng da tổn thương là nguyên nhân gây ra viêm da tiếp xúc bội nhiễm

Tuy nhiên bội nhiễm da có thể xảy ra do một số nguyên nhân và yếu tố thuận lợi sau:

  • Vệ sinh da kém: Da thường xuất hiện phát ban, nổi mụn nước dễ vỡ, chảy dịch tiết và ngứa ngáy khó chịu sau khi tiếp xúc với chất kích ứng. Nếu không vệ sinh và chăm sóc đúng cách, vi khuẩn, virus hoặc nấm có thể xâm nhập vào vết thương hở và gây viêm nhiễm.
  • Không cách ly với tác nhân gây kích ứng: Viêm da tiếp xúc là tình trạng da bị viêm do tiếp xúc với tác nhân kích ứng/ dị ứng. Vì vậy nếu không cách ly khỏi các tác nhân này, tổn thương da có xu hướng lan tỏa rộng, gây viêm nặng, kéo dài và tăng nguy cơ nhiễm trùng.
  • Sức đề kháng suy giảm: Những người có hệ miễn dịch và thể trạng kém thường có tốc độ hồi phục da chậm. Đây là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn xâm nhập và gây bội nhiễm.
  • Lạm dụng thuốc bôi corticoid: Corticoid là thuốc bôi có tác dụng chống viêm và giảm dị ứng, được sử dụng phổ biến trong điều trị các bệnh da liễu thường gặp. Tuy nhiên loại thuốc hoạt động bằng cách gây ức chế miễn dịch của da. Chính vì vậy da có thể giảm sức đề kháng và viêm nhiễm do lạm dụng nhóm thuốc này trong thời gian dài.
  • Sử dụng thuốc tùy tiện: Mặc dù viêm da tiếp xúc là bệnh da liễu có mức độ nhẹ và ít gây nguy hiểm. Tuy nhiên nếu tùy tiện sử dụng thuốc, tổn thương da có thể bị lở loét, chảy dịch kéo dài và tăng nguy cơ nhiễm trùng.
  • Chà xát và gãi, cào lên da: Ngứa ngáy, nóng rát và khó chịu là các triệu chứng cơ năng thường gặp của bệnh viêm da tiếp xúc. Để giảm triệu chứng, nhiều bệnh nhân có thói quen cào, gãi và chà xát lên da. Tuy nhiên các thói quen này có thể khiến da bị xây xước, vỡ mụn nước, lở loét và tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus và nấm xâm nhập vào bên trong.

Dấu hiệu nhận biết viêm da tiếp xúc bội nhiễm

Khác với viêm da tiếp xúc đơn thuần, viêm da tiếp xúc có bội nhiễm không chỉ gây triệu chứng tại chỗ mà còn làm bùng phát một số triệu chứng toàn thân.

Triệu chứng tại chỗ của bệnh viêm da tiếp xúc bội nhiễm:

viêm da tiếp xúc bội nhiễm
Bội nhiễm da thường gây nổi mụn mủ kèm sưng đỏ, nóng rát và đau nhức
  • Vùng da tổn thương sưng đỏ và viêm nặng nề hơn so với bình thường.
  • Xuất hiện các nốt mụn mủ kèm sưng đau và nóng rát hơn các vùng da xung quanh.
  • Tổn thương da có thể gây ngứa, rát và đau nhức nặng nề (mức độ đau tăng lên so với viêm da tiếp xúc mới khởi phát).
  • Nếu để kéo dài, toàn bộ vùng da xung quanh có thể bị sưng nề, đau nhức và hạn chế khả năng vận động (trong trường hợp xảy ra ở khuỷu tay, bàn tay, khớp gối và bàn chân).

Một số triệu chứng toàn thân đi kèm:

viêm da tiếp xúc bội nhiễm là gì
Bội nhiễm da còn có thể gây sốt cao, chán ăn và mệt mỏi
  • Sốt nhẹ hoặc giảm thân nhiệt
  • Mệt mỏi
  • Khát nước
  • Chán ăn

Triệu chứng toàn thân chỉ xảy ra khi nhiễm trùng tiến triển nặng nề và thường phát sinh ở nhóm đối tượng có thể trạng, hệ miễn dịch suy yếu như trẻ nhỏ, người cao tuổi, bệnh nhân tiểu đường, nhiễm HIV,…

Viêm da tiếp xúc bội nhiễm nguy hiểm không? Có chữa khỏi không?

Viêm da tiếp xúc bội nhiễm là biến chứng của viêm da tiếp xúc. Chính vì vậy tình trạng này thường có mức độ nặng nề và diễn tiến phức tạp hơn so với bệnh ở giai đoạn mới khởi phát. Tuy nhiên nếu kịp thời phát hiện, bội nhiễm da có thể được điều trị hoàn toàn bằng cách sử dụng thuốc và chăm sóc đúng cách.

viêm da tiếp xúc bội nhiễm là gì
Viêm da tiếp xúc bội nhiễm có thể gây viêm mô tế bào nếu không được điều trị kịp thời

Ngược lại với những trường hợp chậm trễ, viêm da tiếp xúc bội nhiễm có thể gây ra các biến chứng như sau:

  • Viêm mô tế bào: Viêm mô tế bào là một dạng nhiễm trùng xảy ra ở tổ chức liên kết của da, thường do liên cầu nhóm A hoặc tụ cầu vàng. Viêm mô tế bào có mức độ nặng nề hơn so với bội nhiễm thông thường. Biến chứng này có thể dẫn đến áp xe dưới da, hoại tử, viêm gân và nhiễm khuẩn huyết.
  • Sẹo vĩnh viễn: Bội nhiễm thường gây tổn thương da sâu và dễ để lại thâm sẹo. Ở những người có làn da nhạy cảm và suy yếu, thâm sẹo có thể tồn tại vĩnh viễn và không thể khắc phục hoàn toàn.
  • Nhiễm khuẩn huyết: Nếu không được điều trị kịp thời, viêm nhiễm da có xu hướng bùng phát mạnh, đi vào tuần hoàn máu và gây nhiễm trùng huyết. Đây là biến chứng nặng nề, có thể gây suy hô hấp, trụy tim mạch, sốc và tử vong.

Ngoài ra, các triệu chứng tại chỗ và toàn thân của viêm da tiếp xúc bội nhiễm còn gây ảnh hưởng đến sức khỏe, thể trạng, hiệu suất làm việc và tạo tâm lý căng thẳng, thiếu tự tin.

Điều trị viêm da tiếp xúc bội nhiễm bằng cách nào?

Điều trị viêm da tiếp xúc bội nhiễm cần được thực hiện trong thời gian sớm nhất nhằm kiểm soát nhiễm trùng, giảm tổn thương da và ngăn ngừa biến chứng.

1. Nguyên tắc điều trị

Viêm da tiếp xúc bội nhiễm được điều trị theo nguyên tắc sau:

  • Trước tiên phải kiểm soát bội nhiễm
  • Xác định và cách ly với tác nhân kích thích
  • Giảm triệu chứng tại chỗ và toàn thân
  • Sau đó tiến hành điều trị bệnh viêm da tiếp xúc

2. Điều trị y tế

Dùng thuốc là biện pháp điều trị chính đối với bệnh viêm da tiếp xúc bội nhiễm. Các loại thuốc được chỉ định, bao gồm:

viêm da tiếp xúc bội nhiễm
Điều trị viêm da tiếp xúc bội nhiễm bao gồm sử dụng kháng sinh, thuốc giảm đau, dung dịch sát trùng
  • Thuốc kháng sinh: Kháng sinh được chỉ định ưu tiên trong điều trị viêm da tiếp xúc bội nhiễm. Nhóm thuốc này thường được dùng trong khoảng 7 – 15 ngày tùy vào mức độ viêm nhiễm. Một số loại kháng sinh được dùng trong điều trị bội nhiễm da, bao gồm Amoxicillin, Ceftriaxon,…
  • Dung dịch sát khuẩn: Trong giai đoạn cấp (tổn thương da có mụn nước, vỡ, chảy dịch và lở loét), bác sĩ có thể chỉ định một số dung dịch sát khuẩn như dung dịch Jarish, hồ nước,… Các dung dịch này có tác dụng sát trùng nhẹ, giảm viêm và làm dịu da.
  • Thuốc kháng sinh dạng bôi: Với trường hợp bội nhiễm xảy ra trong giai đoạn mãn tính (tổn thương da khô, có vảy tiết và bong tróc), bạn có thể dùng kháng sinh dạng bôi ngoài để ức chế vi khuẩn. Hiện nay thuốc kháng sinh điều trị tại chỗ thường được bổ sung thêm hoạt chất corticoid để giảm viêm và sưng đau.
  • Thuốc giảm đau và chống viêm: Thuốc giảm đau (Paracetamol) và chống viêm (NSAID) có thể được dùng để giảm thân nhiệt, chống viêm và giảm đau do bội nhiễm da gây ra. Tuy nhiên cần thận trọng khi dùng nhóm thuốc này cho người có vấn đề về gan, thận, dạ dày và tim mạch.
  • Thuốc kháng virus và chống nấm: Trong một số ít trường hợp, bội nhiễm có thể xảy ra do nấm hoặc virus. Lúc này, bác sĩ chỉ định thuốc chống nấm và thuốc kháng virus dạng bôi/ uống tương ứng với từng trường hợp cụ thể.

Sau khi bội nhiễm da được kiểm soát, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc điều trị viêm da tiếp xúc như thuốc kháng histamine, thuốc uống corticoid, thuốc bôi chứa Tacrolimus,…

3. Biện pháp chăm sóc

Viêm da tiếp xúc bội nhiễm có diễn biến phức tạp và dễ phát sinh biến chứng nặng nề. Vì vậy bên cạnh việc sử dụng thuốc, bạn cần thực hiện các biện pháp chăm sóc như:

viêm da tiếp xúc bội nhiễm
Nên nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc trong thời gian điều trị bệnh
  • Xác định nguyên nhân gây bệnh và loại trừ tác nhân kích ứng/ dị ứng. Đồng thời cần cách ly với các yếu tố có nguy cơ cao.
  • Nên nghỉ ngơi và điều trị tại nhà trong ít nhất 3 – 5 ngày.
  • Cần uống nhiều nước, bổ sung thêm nước ép, trái cây và thức ăn giàu dinh dưỡng nhằm tăng sức đề kháng và thúc đẩy tốc độ hồi phục của da.
  • Tuyệt đối phải giữ vệ sinh và luôn đảm bảo vùng da tổn thương ở trạng thái thông thoáng. Hạn chế mặc quần áo chật và gãi cào lên da. Các thói quen này có thể khiến bội nhiễm da lan rộng và dễ phát sinh biến chứng nguy hiểm.
  • Trong thời gian điều trị, nên hạn chế vận động mạnh hoặc tập thể dục cường độ cao. Các hoạt động này có thể khiến da bài tiết nhiều mồ hôi gây ngứa ngáy, khó chịu và khiến tổn thương da chậm lành.
  • Không tự ý dùng các bài thuốc dân gian hay mẹo chữa tại nhà trong giai đoạn viêm da có bội nhiễm.

Phòng ngừa viêm da tiếp xúc bội nhiễm bằng cách nào?

Viêm da tiếp xúc có khả năng tái phát cao – đặc biệt là ở người có hệ miễn dịch suy giảm hoặc người có tính chất công việc buộc phải tiếp xúc nhiều với hóa chất. Bên cạnh đó, nếu tiếp tục duy trì các thói quen thiếu khoa học và mắc phải sai lầm trong quá trình điều trị, tổn thương da có thể bị viêm nhiễm trở lại.

viêm da tiếp xúc bội nhiễm
Nên sử dụng bao tay khi phải tiếp xúc với hóa chất, dung dịch tẩy rửa và dung môi công nghiệp

Do đó bạn nên chủ động phòng tránh tình trạng này với một số biện pháp đơn giản sau:

  • Sử dụng bao tay và mang ủng khi tiếp xúc với hóa chất, xà phòng, dung dịch tẩy rửa,… Đồng thời cần vệ sinh không gian sống thường xuyên nhằm tiêu diệt côn trùng, nấm mốc, bò sát.
  • Cần nâng cao hệ miễn dịch và sức khỏe bằng cách xây dựng lối sống lành mạnh. Tránh làm việc quá sức, căng thẳng thần kinh và thức khuya.
  • Sau khi tiếp xúc với nhựa thực vật hoặc mủ côn trùng, nên rửa sạch da với nước mát và xà phòng diệt khuẩn. Sau đó nên thoa 1 lớp kem dưỡng ẩm để làm dịu da.
  • Giữ vệ sinh cơ thể, mặc quần áo rộng rãi và mang giày đúng kích cỡ để giảm nguy cơ kích ứng và tổn thương da.
  • Khi phát sinh triệu chứng của viêm da tiếp xúc, cần điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc hay điều trị tại nhà.

Viêm da tiếp xúc bội nhiễm thường có mức độ nặng nề hơn so với bệnh ở giai đoạn mới khởi phát. Tuy nhiên nếu kịp thời phát hiện và can thiệp điều trị, tổn thương da có thể thuyên giảm hoàn toàn chỉ sau khoảng 2 – 4 tuần. Do đó khi nhận thấy các biểu hiện bất thường, bạn cần tìm gặp bác sĩ để được thăm khám và xử lý trong thời gian sớm nhất.

Cùng chuyên mục

Viêm da tiếp xúc ở trẻ em: Cách phòng và trị bệnh an toàn

Viêm da tiếp xúc ở trẻ em là tình trạng khá phổ biến. Bệnh có mức độ nhẹ và hầu hết chỉ gây các triệu chứng tại chỗ như phát...

Bị viêm da tiếp xúc nên bôi hay uống thuốc gì?

Khi bị viêm da tiếp xúc, bạn có thể sử dụng một số loại thuốc bôi và thuốc uống để sát trùng, làm dịu da, giảm viêm, ngứa ngáy và...

Bị viêm da tiếp xúc nên kiêng ăn gì để tránh nặng thêm?

Khi bị viêm da tiếp xúc, bạn cần hạn chế ăn thực phẩm chứa nhiều chất béo, gia vị, thịt đỏ và một số loại hải sản. Các loại thực...

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Ẩn