Viêm da tiếp xúc ở vùng kín và cách xử lý
Nội Dung Bài Viết
Viêm da tiếp xúc ở vùng kín thường xảy ra do ma sát với quần lót, kích ứng với dung dịch vệ sinh, côn trùng cắn hoặc do dị ứng với bao cao su/ gel bôi trơn. Để làm giảm thương tổn da và ngăn ngừa biến chứng, bạn nên vệ sinh vùng kín đúng cách, cách ly với yếu tố kích thích và sử dụng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Viêm da tiếp xúc ở vùng kín và dấu hiệu nhận biết
Viêm da tiếp xúc vùng kín là tình trạng da ở cơ quan sinh dục bị viêm do tiếp xúc với các chất kích ứng. Vùng da ở vị trí này thường khá nhạy cảm, mỏng, yếu nên dễ bị tổn thương khi có yếu tố tác động.
Phần lớn, các trường hợp tổn thương da ở vùng kín do tiếp xúc thường có mức độ nhẹ đến trung bình. Vì vậy nếu chăm sóc và xử lý đúng cách, triệu chứng có thể thuyên giảm nhanh chỉ sau khoảng vài ngày đến vài tuần.
Một số dấu hiệu nhận biết bệnh viêm da tiếp xúc ở vùng kín, bao gồm:
- Vùng da ở bẹn, môi lớn, bìu và thân dương vật có dấu hiệu đỏ, hồng hơn so với các vùng da xung quanh.
- Nổi phát ban có hình dáng và kích thước không đồng đều.
- Bề mặt dát ban nổi bọng nước hoặc mụn nước
- Tổn thương da đi kèm với triệu chứng nóng rát tại chỗ
- Ngoài ra viêm da tiếp xúc vùng kín còn có thể bị ngứa, đau nhức và sưng viêm
Với những trường hợp tổn thương nặng, hạch ở gần bẹn có thể sưng to, gây đau nhức và hạn chế khả năng vận động.
Nguyên nhân gây viêm da tiếp xúc vùng kín
Viêm da tiếp xúc xảy ra do nhiều nguyên nhân và yếu tố khác nhau. Trong trường hợp phát sinh ở vùng kín, các nguyên nhân bạn có thể gặp phải bao gồm:
1. Ma sát với quần lót
Mặc quần lót chật hoặc có chất liệu dày cứng là nguyên nhân phổ biến gây ra viêm da tiếp xúc vùng kín. Ma sát giữa da và quần lót có thể khiến da bị sưng viêm, tổn thương, ngứa ngáy và đau rát.
Nếu do nguyên nhân này, tổn thương da thường ít xuất hiện mụn nước mà chủ yếu gây trợt loét da và chảy dịch. Ngoài ra một số trường hợp còn bùng phát mề đay ở vùng kín và các vùng da lân cận.
2. Dị ứng dung dịch vệ sinh vùng kín
Vùng kín là vị trí nhạy cảm và dễ bị kích ứng với các thành phần làm sạch da. Nếu sử dụng dung dịch vệ sinh chứa nhiều xà phòng, cồn, hương liệu và hoạt chất tổng hợp, làn da có thể bị kích ứng, nổi ban, mụn nước và ngứa ngáy.
3. Kích ứng với bao cao su/ gel bôi trơn
Latex trong bao cao su là thành phần dễ gây dị ứng với những người có cơ địa nhạy cảm. Bên cạnh đó việc sử dụng một số gel bôi trơn gốc silicone và gốc dầu cũng có thể khiến da ở vùng kín bị kích thích và sưng viêm.
Bên cạnh đó, thành phần trong gel bôi trơn còn gây mất cân bằng hệ vi sinh, thay đổi độ pH trong âm đạo và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh phụ khoa.
4. Do dịch tiết côn trùng
Ngoài ra viêm da tiếp xúc ở vùng kín còn có thể xảy ra do bị côn trùng cắn. Bên cạnh đó, côn trùng có thể bám vào quần lót, chăn và drap giường, sau đó tiết dịch/ nọc độc và gây tổn thương da gián tiếp.
Viêm da tiếp xúc vùng kín có lây nhiễm và nguy hiểm không?
Viêm da tiếp xúc là hệ quả khi da tiếp xúc với các chất dị ứng và kích ứng. Do đó bệnh không có khả năng lây nhiễm thông qua tiếp xúc vật lý hoặc hoạt động tình dục. Nếu chăm sóc và điều trị kịp thời, tổn thương da sẽ thuyên giảm chỉ sau khoảng 7 – 21 ngày.
Tuy nhiên với những trường hợp chủ quan không can thiệp điều trị hoặc áp dụng biện pháp xử lý không đúng cách, bệnh có thể gây ra một số biến chứng như:
- Bội nhiễm da: Bội nhiễm da xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào vùng da tổn thương và gây nhiễm trùng. Biến chứng này thường gặp ở người có thói quen vệ sinh kém, thường xuyên gãi cào lên vùng da tổn thương và không can thiệp điều trị kịp thời.
- Tăng nguy cơ mắc bệnh vùng kín: Viêm da tiếp xúc xảy ra ở vùng kín có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh vùng kín như nhiễm nấm âm đạo, viêm nang lông, viêm bao quy đầu, viêm miệng sáo,…
Chẩn đoán viêm da tiếp xúc vùng kín
Viêm da tiếp xúc có tổn thương da điển hình và khác biệt so với viêm da cơ địa và bệnh chàm bìu. Tuy nhiên khi xảy ra ở vùng kín, bệnh có thể bị nhầm lẫn với viêm da do virus herpes simplex II (mụn rộp sinh dục). Bệnh lý này xảy ra khi nhiễm virus herpes simplex loại II thông qua hoạt động tình dục.
Trước khi điều trị, bác sĩ sẽ tiến hành chẩn đoán phân biệt với mụn rộp sinh dục thông qua biểu hiện lâm sàng và một số xét nghiệm sau:
- Thăm khám thực thể: Mụn rộp sinh dục thường gây mệt mỏi, ớn lạnh, sốt và buồn nôn tương tự cảm cúm. Sau đó, da xuất hiện các mụn nước nhỏ chứa dịch trong suốt và mọc thành cụm ở vùng kín. Ngoài ra bệnh còn có thể gây ngứa, nóng rát và đau nhức tương tự như viêm da tiếp xúc.
- Sinh thiết: Để chắc chắn tổn thương da ở vùng kín không phải mụn rộp sinh dục, bác sĩ sẽ sinh thiết mô da hoặc dịch từ mụn nước để tìm sự hiện diện của virus.
- Xét nghiệm máu: Trong trường hợp thương tổn da không có vết loét, bác sĩ có thể đề nghị xét nghiệm máu để tìm ra kháng thể đối kháng với virus herpes simplex type II.
Cách xử lý viêm da tiếp xúc vùng kín đơn giản
Ngay sau khi thăm khám, bạn nên tiến hành điều trị trong thời gian sớm nhất để giảm mức độ thương tổn da và ngăn ngừa biến chứng. Các biện pháp xử lý bạn có thể áp dụng, bao gồm:
1. Đảm bảo vệ sinh vùng kín đúng cách
Khi nhận thấy da xuất hiện phát ban, mụn nước kèm nóng rát và ngứa ngáy, bạn nên vệ sinh vùng kín bằng nước sạch để loại bỏ chất kích thích và làm dịu vùng da tổn thương.
Ngoài ra có thể pha nước muối loãng để ngâm rửa vùng kín nhằm sát trùng, giảm ngứa, sưng viêm và ngăn ngừa bội nhiễm.
2. Thay đổi quần lót và dung dịch vệ sinh
Sử dụng dung dịch vệ sinh và quần lót có chất liệu dày cứng là các nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm da tiếp xúc vùng kín. Do đó khi da bùng phát các triệu chứng nói trên, bạn nên kiểm tra chất liệu, kích cỡ quần lót và thay đổi nếu cần thiết.
Bên cạnh đó trong thời gian điều trị, cần tránh sử dụng các dung dịch vệ sinh vùng kín. Đồng thời nên kiểm tra thành phần của sản phẩm để xác định mức độ kích ứng đối với da.
3. Sử dụng thuốc theo hướng dẫn
Để sát trùng, giảm viêm, ngứa ngáy và đau rát ở vùng kín, bạn nên tìm gặp dược sĩ để được tư vấn các loại thuốc điều trị sau:
- Hồ nước: Hồ nước chứa thành phần chính là kẽm oxide và glycerin có tác dụng làm dịu thương tổn da, giảm sưng và giúp tổn thương da nhanh khô. Thuốc thường được sử dụng trong giai đoạn triệu chứng mới phát.
- Thuốc bôi chứa corticoid: Khi mụn nước vỡ gây đóng vảy tiết và khô ráp da, bạn có thể dùng thuốc bôi chứa corticoid để giảm viêm và ngứa ngáy. Tuy nhiên nhóm thuốc này có nguy cơ cao nên chỉ được sử dụng trong thời gian ngắn.
- Thuốc kháng histamine H1: Thuốc kháng histamine H1 được dùng để giảm ngứa và ngăn ngừa bùng phát các triệu chứng mới. Tuy nhiên nhóm thuốc này có thể gây buồn ngủ, thiếu tập trung,… trong thời gian sử dụng.
- Thuốc giảm đau: Nếu triệu chứng trên da gây đau nhức, bạn có thể dùng Paracetamol để cải thiện cơn đau và giảm sốt (trong trường hợp có bội nhiễm).
- Kháng sinh: Khi tổn thương da bị nhiễm khuẩn, kháng sinh nhóm penicillin và cephalosporin thường được chỉ định nhằm kìm hãm và tiêu diệt vi khuẩn có hại.
4. Các biện pháp chăm sóc khác
Ngoài ra trong thời gian điều trị viêm da tiếp xúc vùng kín, bạn nên thực hiện một số biện pháp chăm sóc như:
- Viêm da tiếp xúc không lây nhiễm qua hoạt động tình dục. Tuy nhiên trong thời gian điều trị bạn cần hạn chế quan hệ do hoạt động này có thể làm tăng ma sát và khiến tổn thương da trở nên nghiêm trọng hơn.
- Tuyệt đối không gãi, cào và chà xát lên vùng da ngứa ngáy.
- Trong thời gian chữa bệnh, bạn nên mặc quần lót và trang phục rộng rãi, thoáng mát và có chất liệu mỏng.
- Nên thay quần lót 2 – 3 lần/ ngày nhằm giảm nguy cơ viêm nhiễm.
- Hạn chế các hoạt động gây đổ nhiều mồ hôi như đá bóng, chạy bộ, đạp xe,…
- Tuyệt đối không tự ý ngâm rửa vùng kín bằng các thảo dược tự nhiên. Thực tế đã có một số trường hợp bị nhiễm trùng do áp dụng tùy tiện các biện pháp điều trị từ dân gian.
- Không dùng rượu bia, hút thuốc, cà phê và tránh ăn các loại thức ăn gây đổ nhiều mồ hôi như thức ăn nhiều muối, ớt, thức ăn nhanh,…
Phòng ngừa viêm da tiếp xúc ở vùng kín
Làn da ở vùng kín mỏng, nhạy cảm và dễ bị tổn thương khi có yếu tố tác động. Vì vậy nếu không chủ động phòng ngừa, da có thể bị tổn thương tái phát do viêm da tiếp xúc hoặc các bệnh da liễu khác.
Vì vậy, sau khi điều trị bạn nên thực hiện một số biện pháp phòng ngừa đơn giản như:
- Lựa chọn quần lót có chất liệu mềm, mỏng và có kích cỡ phù hợp cân nặng.
- Trao đổi với nhân viên y tế về tình trạng kích ứng vùng kín khi sử dụng dung dịch vệ sinh để được tư vấn các sản phẩm dịu nhẹ và an toàn.
- Tránh phơi quần áo vào ban đêm. Thay vào đó nên phơi vào ban ngày dưới trời nắng và nhiều gió. Ánh nắng mặt trời có thể tiêu diệt vi khuẩn có hại và hạn chế tình trạng côn trùng tiếp xúc với quần áo.
- Thay đổi loại gel bôi trơn và bao cao su nếu nghi ngờ viêm da tiếp xúc bùng phát do các sản phẩm này.
- Thường xuyên giặt mền, vỏ gối và drap giường để giảm nguy cơ côn trùng trú ngụ và gây tổn thương da.
- Vệ sinh không gian sống và xịt tiêu diệt côn trùng theo định kỳ.
- Vào những ngày thời tiết nóng ẩm, nên mặc trang phục thoáng mát để tránh đổ mồ hôi vùng kín, gây kích ứng da và tăng nguy cơ viêm nhiễm.
Viêm da tiếp xúc vùng kín có thể thuyên giảm nhanh sau khi chăm sóc và điều trị. Tuy nhiên nếu nhận thấy tổn thương da có dấu hiệu tụ mủ, sưng đau nghiêm trọng gây mệt mỏi và sốt, bạn nên tìm gặp bác sĩ để được thăm khám và can thiệp điều trị kịp thời.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!