Viêm họng đỏ là như thế nào, làm sao trị?
Nội Dung Bài Viết
Viêm họng đỏ là tình trạng niêm mạc họng bị nhiễm trùng cấp tính, đặc trưng bởi triệu chứng cổ họng sưng viêm và xung huyết đỏ. Bệnh lý này thường khởi phát do virus hoặc vi khuẩn và bùng phát mạnh vào mùa lạnh hoặc thời điểm giao mùa.
Viêm họng đỏ là gì?
Viêm họng đỏ thực chất là viêm họng trong giai đoạn cấp tính. Thuật ngữ này được sử dụng để chỉ tình trạng toàn bộ niêm mạc họng bị nhiễm trùng, sưng viêm và có màu đỏ. Bệnh bùng phát mạnh vào thời điểm giao mùa và mùa lạnh, có thể khởi phát riêng biệt nhưng có thể xuất hiện đồng thời với các bệnh truyền nhiễm khác như ho gà, cúm, bệnh sởi, sốt phát ban, viêm amidan và viêm thanh quản.
Ở giai đoạn cấp tính, viêm họng được chia thành 2 thể thường gặp – viêm họng đỏ và viêm họng trắng. Viêm họng trắng là một dạng nhiễm trùng họng do liên cầu khuẩn, đặc trưng bởi tình trạng amidan và hầu họng xuất hiện giả mạc màu trắng.
So với viêm họng trắng, viêm họng đỏ có mức độ nhẹ hơn, phần lớn đều tiến triển lành tính và thuyên giảm nhanh. Tuy nhiên nếu không điều trị kịp thời, niêm mạc họng có thể bị bội nhiễm và gây ra các biến chứng nghiêm trọng.
Nguyên nhân gây bệnh viêm họng đỏ
Viêm họng đỏ thường xảy ra do nhiễm trùng. Các yếu tố có khả năng gây nhiễm trùng hầu họng thường gặp, bao gồm:
- Virus: Chủ yếu là virus sởi và virus cúm.
- Vi khuẩn: Liên cầu, phế cầu và các chủng vi khuẩn có sẵn trong khoang miệng.
Bên cạnh nguyên nhân trực tiếp, bệnh cũng có khả năng bùng phát mạnh do một số yếu tố rủi ro như:
- Thời tiết lạnh hoặc thay đổi đột ngột
- Vệ sinh răng miệng kém
- Sinh sống trong môi trường ô nhiễm
- Thường xuyên tiếp xúc với các yếu tố kích thích như khói thuốc, hóa chất, rượu bia,…
- Đang mắc các bệnh truyền nhiễm như sởi, cúm, viêm mũi họng, ho gà, viêm amidan,…
- Người có hệ miễn dịch suy giảm
- Trẻ từ 1 – 7 tuổi
Nhận biết bệnh viêm họng đỏ
Viêm họng đỏ thường bùng phát triệu chứng đột ngột với các biểu hiện điển hình như:
- Người sốt cao 39 – 40 độ C, ớn lạnh, đau nhức mình mẩy, ăn ngủ kém
- Ban đầu cổ họng có hiện tượng khô nóng, sau đó tăng dần cảm giác đau rát khi ăn uống và giao tiếp
- Cơn đau có thể lan đến tai và đau nhói khi nuốt
- Khàn tiếng nhẹ
- Ho khan
- Chảy nước mũi nhầy
- Ngạt tắc mũi
- Quan sát cổ họng nhận thấy toàn bộ niêm mạc họng sưng và đỏ rực
- Trụ sau, trụ trước, màn hầu và thành sau họng có hiện tượng xung huyết đỏ và phù nề
- Amidan bị sưng to, bề mặt được bao phủ bởi chất nhầy trong suốt
- Một số trường hợp có thể xuất hiện bựa trắng như nước cháo phủ ở các hốc hoặc bề mặt của amidan
- Hạch dưới hàm và cổ sưng, đau nhức
Ngoài ra, triệu chứng lâm sàng của bệnh còn có sự khác biệt tùy thuộc vào từng nguyên nhân cụ thể:
- Viêm họng đỏ do virus cúm: Khác với các loại virus thông thường, virus cúm xâm nhập vào bên trong niêm mạc đường hô hấp nên thường gây ra các triệu chứng khá nặng nề như đau cổ, nhức đầu và xuất huyết thành họng.
- Viêm họng đỏ do virus APC ở trẻ em: Đặc trưng bởi tình trạng sưng hạch cổ, viêm màng tiếp hợp, cổ họng đỏ sưng, đau và chảy nước mũi.
- Viêm họng đỏ do vi khuẩn: Nhiễm trùng họng do vi khuẩn thường có mức độ nặng hơn so với nhiễm trùng do virus. Các triệu chứng có thể gặp phải, bao gồm ngạt mũi, sốt cao, co giật, nôn mửa, hạch cổ sưng và đau nhức.
Viêm họng đỏ có nguy hiểm không? Có lây không?
Viêm họng đỏ là một trong những thể bệnh thường gặp. Thể bệnh này tương đối lành tính và có thể thuyên giảm nhanh sau khi chăm sóc và điều trị. Tuy nhiên trong trường hợp khởi phát do vi khuẩn hoặc có hiện tượng bội nhiễm phế cầu, tụ cầu hoặc liên cầu, bệnh có thể gây ra một số biến chứng như:
- Viêm tai giữa
- Viêm phế quản
- Viêm mũi
Ngoài ra nhiễm trùng ở họng không được điều trị triệt để còn làm tăng nguy cơ bị viêm họng mãn tính. So với giai đoạn cấp, bệnh trong giai đoạn mãn tính có triệu chứng tiến triển âm thầm nhưng dai dẳng và rất khó chữa trị dứt điểm.
Phần lớn các trường hợp bị viêm họng đỏ đều xảy ra do nhiễm virus và vi khuẩn. Bệnh có khả năng lây nhiễm do tiếp xúc gián tiếp hoặc trực tiếp với nước bọt và dịch tiết hô hấp của người nhiễm bệnh. Vì vậy khi mắc bệnh, cần giữ khoảng cách, tránh ôm hôn và sử dụng vật dụng cá nhân (khăn mặt, chén, dĩa,…) với người khỏe mạnh.
Chẩn đoán viêm họng đỏ bằng cách nào?
Viêm họng đỏ có thể bị nhầm lẫn với các bệnh lý ở đường hô hấp trên. Vì vậy bác sĩ cần tiến hành chẩn đoán trước khi điều trị. Hơn nữa, chẩn đoán còn giúp xác định nguyên nhân trực tiếp gây nhiễm trùng họng và giúp bác sĩ đưa ra biện pháp điều trị tương ứng.
- Chẩn đoán lâm sàng: Chủ yếu dựa vào các triệu chứng điển hình như sốt cao đột ngột, khám họng nhằm quan sát tổn thương thực thể, cổ họng đau rát,…
- Xét nghiệm máu: Với thể viêm họng đỏ, xét nghiệm máu cho kết quả bạch cầu không tăng.
Trên thực tế, bác sĩ có thể yêu cầu các kỹ thuật chẩn đoán khác tùy vào từng trường hợp cụ thể.
Các phương pháp điều trị bệnh viêm họng đỏ
Viêm họng đỏ có tiến triển tương đối lành tính và thuyên giảm nhanh sau khi điều trị. Các phương pháp thường được áp dụng trong quá trình điều trị viêm họng đỏ, bao gồm:
1. Sử dụng thuốc tây
Các loại thuốc được dùng trong điều trị viêm họng đỏ phụ thuộc vào nguyên nhân và độ tuổi của từng cá thể. Đối với viêm họng do virus, điều trị chủ yếu là sử dụng thuốc làm giảm triệu chứng. Trong khi đó nếu xảy ra do vi khuẩn, bác sĩ có thể chỉ định phối hợp các loại kháng sinh đặc hiệu.
Một số loại thuốc được dùng để chữa viêm họng đỏ:
- Thuốc hạ sốt: Viêm họng cấp nói chung và viêm họng đỏ đều gây sốt cao, đau nhức cơ thể, đau đầu,… Vì vậy các loại thuốc hạ sốt (Paracetamol, Ibuprofen, Aspirin,…) thường được sử dụng phổ biến trong quá trình điều trị bệnh lý này.
- Súc miệng với dung dịch kiềm: Kết hợp dùng thuốc hạ sốt với súc miệng với các dung dịch kiềm như nước muối sinh lý, BBM hoặc dung dịch clorat kali 1% nhằm giảm đau họng và hỗ trợ loại bỏ virus, vi khuẩn gây nhiễm trùng.
- Thuốc bôi Glycerin borat 5%: Thoa thuốc trực tiếp lên niêm mạc cổ họng giúp giảm viêm và đau rát. Loại thuốc này thường được sử dụng cho trẻ nhỏ.
- Nhỏ mũi Argyron 1%: Nhỏ mũi 2 – 3 lần/ ngày giúp dẫn lưu dịch ra bên ngoài, làm dịu và giảm phù nề niêm mạc mũi.
- Viên ngậm thảo dược: Có thể sử dụng các loại viên ngậm chứa thảo dược như cam thảo, bạc hà, mật ong, gừng,… để tiêu đờm, giảm đau họng và ho khan do viêm họng đỏ gây ra.
- Dùng kháng sinh toàn thân/ tại chỗ: Kháng sinh được sử dụng khi viêm họng đỏ xảy ra do vi khuẩn. Để hạn chế tình trạng kháng thuốc, cần sử dụng kháng sinh đều đặn và duy trì việc dùng thuốc ít nhất trong 3 ngày sau khi triệu chứng thuyên giảm hẳn.
Lưu ý rằng, việc dùng các loại thuốc kháng sinh hay thuốc hạ sốt, nước súc miệng,… kể trên chỉ là phương pháp điều trị tức thì. Những loại thuốc này có thể giúp người bệnh khắc phục nhanh các biểu hiện của bệnh viêm họng đỏ, tuy nhiên khó chữa trị tận gốc, nếu ngưng thuốc, bệnh có thể quay lại. Bên cạnh đó, sử dụng thuốc kháng sinh trong thời gian dài có khả năng khiến người bệnh suy giảm hệ miễn dịch, sức đề kháng, đối với trẻ nhỏ, người cao tuổi,… điều này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe.
2. Biện pháp hỗ trợ
Sử dụng thuốc chỉ có tác dụng làm giảm triệu chứng. Vì vậy cần kết hợp với các biện pháp hỗ trợ để kiểm soát tiến triển của bệnh, nâng cao thể trạng và giảm nguy cơ lạm dụng thuốc.
Các biện pháp hỗ trợ điều trị viêm họng đỏ, bao gồm:
- Dùng khăn mát lau người và chườm đắp lên vùng bẹn, nách, cổ và trán để hạ sốt. Đồng thời cần giữ không gian sống mát mẻ, mặc quần áo rộng và có chất liệu thấm hút để làm giảm thân nhiệt.
- Uống trà gừng mật ong, trà bạc hà,… để làm dịu cổ họng, giảm viêm và hỗ trợ ức chế virus/ vi khuẩn gây nhiễm trùng.
- Xông mũi với nước ấm thêm vài giọt tinh dầu khuynh diệp giúp thông mũi, làm dịu niêm mạc hô hấp và hỗ trợ dẫn lưu dịch tiết ra bên ngoài.
- Súc miệng với nước muối ấm thường xuyên có thể giảm viêm đau cổ họng, hỗ trợ loại bỏ vi khuẩn có hại trong khoang miệng và làm loãng đờm.
- Ngậm 1 lát gừng tươi trước khi ngủ giúp giữ ấm cổ và hạn chế cơn ho bùng phát vào ban đêm và sau khi ngủ dậy.
3. Chăm sóc đúng cách
Chức năng miễn dịch và thể trạng là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến tiến triển của các bệnh nhiễm trùng nói chung và viêm họng đỏ nói riêng. Vì vậy song song với các phương pháp điều trị, bạn nên thực hiện chế độ chăm sóc khoa học nhằm kiểm soát bệnh, phục hồi thể trạng và rút ngắn thời gian điều trị.
Các biện pháp chăm sóc trong thời gian điều trị viêm họng đỏ:
- Trong giai đoạn đầu, bệnh có xu hướng bùng phát mạnh gây ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể và dễ lây nhiễm cho người khỏe mạnh. Vì vậy bạn nên nghỉ ngơi tại nhà trong ít nhất 1 – 3 ngày đầu.
- Uống nhiều nước, có thể bổ sung nước ép từ rau xanh và trái cây nhằm bù chất lỏng, cân bằng điện giải, làm dịu niêm mạc cổ họng và tăng cường sức đề kháng.
- Trong thời gian điều trị, nên dùng các món ăn có kết cấu mềm, giàu dinh dưỡng và dễ nuốt như cháo gà, cháo thịt mằm, miến, canh hoặc súp. Hạn chế các món ăn khô cứng, nhiều gia vị và dầu mỡ như bánh mì, thức ăn nhanh, đồ ăn đóng hộp,…
- Không hút thuốc lá, sử dụng rượu bia và dùng đồ uống lạnh.
- Dùng máy lọc không khí và máy tạo độ ẩm nhằm loại bỏ chất dị ứng, kích ứng và làm dịu niêm mạc hô hấp.
- Hạn chế la hét và nói quá nhiều trong thời gian điều trị. Bên cạnh đó, nên dành thời gian ngủ nghỉ, hạn chế căng thẳng và làm việc quá sức.
Ngăn ngừa bệnh viêm họng đỏ tái phát
Bệnh viêm họng đỏ có thể thuyên giảm nhanh chỉ sau 5 – 7 ngày. Tuy nhiên bệnh lý này có khả năng tái phát cao – đặc biệt là với trẻ nhỏ, người có thói quen xấu hoặc sinh sống trong khí hậu lạnh.
Tham khảo thêm: Cách chữa viêm họng tại nhà (mẹo dân gian + lời khuyên y tế)
Vì vậy sau khi điều trị dứt điểm, bạn nên chủ động phòng bệnh với các biện pháp đơn giản như:
- Không tiếp xúc thân mật và sử dụng chung vật dụng cá nhân với người nhiễm bệnh.
- Đeo khẩu trang khi đến những nơi đông người như bệnh viện, bến xe hoặc sân bay.
- Có thể phẫu thuật cắt amidan nếu viêm họng và viêm amidan tái phát nhiều lần.
- Chải răng và súc miệng 2 – 3 lần/ ngày nhằm hạn chế sâu răng và ngăn ngừa tái phát các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp.
- Chủ động thay bàn chải sau khi bị các bệnh truyền nhiễm hoặc thay định kỳ 3 tháng/ lần.
- Thay đổi các thói quen xấu như nói quá nhiều, la hét, hút thuốc lá, dùng đồ uống lạnh, thức ăn cay nóng hoặc lạm dụng rượu bia.
- Nếu sinh sống trong môi trường ô nhiễm, cần dùng máy lọc không khí, vệ sinh nhà cửa thường xuyên, trồng nhiều cây xanh và đeo khẩu trang khi đi ra ngoài.
- Các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp thường bùng phát ở nhóm đối tượng có hệ miễn dịch suy giảm. Do đó bạn nên ăn uống điều độ, sinh hoạt và luyện tập khoa học để cải thiện thể trạng, nâng cao chức năng miễn dịch và hạn chế nguy cơ bùng phát các bệnh lý hô hấp.
- Viêm họng đỏ có thể là tình trạng nhiễm trùng thứ phát do sởi, cúm, viêm amidan,… Vì vậy cần chủ động thăm khám và điều trị các bệnh lý viêm nhiễm nhằm hạn chế nguy cơ tái phát bệnh viêm họng.
Viêm họng đỏ là một trong những thể thường gặp của viêm họng cấp. Mặc dù khởi phát đột ngột và tiến triển nhanh nhưng bệnh lý này tương đối lành tính và có thể thuyên giảm sau khi chăm sóc và điều trị. Tuy nhiên với những trường hợp chủ quan, virus/ vi khuẩn gây bệnh có thể xâm nhập sâu vào niêm mạc, gây tổn thương cơ quan hô hấp và làm phát sinh các biến chứng nặng nề.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!