Lý do viêm họng gây hôi miệng & cách xử lý đơn giản
Nội Dung Bài Viết
Ngoài các biểu hiện thông thường, bệnh viêm họng còn có thể gây hôi miệng. Mặc dù triệu chứng này không gây nguy hiểm đến sức khỏe nhưng ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý, hoạt động giao tiếp và chất lượng cuộc sống. Để cải thiện hơi thở có mùi, cần kết hợp giữa các biện pháp tạm thời và điều trị triệt để bệnh lý nguyên nhân.
Vì sao viêm họng gây hôi miệng?
Viêm họng là một trong những bệnh viêm nhiễm đường hô hấp trên thường gặp. Bệnh thường xảy ra do nhiễm trùng virus, vi khuẩn hoặc do dị ứng, hút thuốc lá, sinh sống trong môi trường ô nhiễm, giao tiếp quá nhiều hoặc do ảnh hưởng của các bệnh hô hấp khác.
Triệu chứng điển hình của bệnh lý này là tình trạng đau rát, ngứa, vướng víu ở cổ họng, khó khăn khi ăn uống, giao tiếp, ho khan, khàn tiếng, nghẹt mũi,…
Viêm họng còn có thể gây hôi miệng do một số nguyên nhân sau:
- Virus và vi khuẩn gây nhiễm trùng hầu họng không chỉ gây sưng viêm niêm mạc mà còn tiết độc tố khiến khoang miệng có mùi hôi khó chịu.
- Nhiễm trùng hầu họng có thể khiến cơ thể mất nước và làm giảm bài tiết nước bọt ở khoang miệng. Lượng nước bọt giảm tạo điều kiện cho vi khuẩn gây sâu răng phát triển mạnh, nhanh chóng phân giải protein trong thức ăn và tạo thành chất bay hơi chứa lưu huỳnh có mùi khó chịu.
- Khi bị viêm họng, hệ hô hấp có xu hướng bài tiết nhiều dịch đờm. Dịch đờm ứ đọng tại cổ họng có xu hướng đặc quánh dần theo thời gian và gây ra mùi hôi trong khoang miệng.
- Viêm họng thường gây ngạt tắc mũi và khó khăn khi thở bằng mũi. Do đó hầu hết bệnh nhân đều thường có xu hướng thở bằng miệng. Tuy nhiên thói quen này có thể khiến vi khuẩn bùng phát mạnh, làm giảm lượng nước bọt trong khoang miệng và gây ra mùi khó chịu.
Ngoài ra tình trạng hôi miệng do bệnh viêm họng có thể xảy ra do một thói quen xấu như ít uống nước, vệ sinh răng miệng kém, dùng thực phẩm có mùi nặng, hút thuốc lá,…
Viêm họng gây hôi miệng có nguy hiểm không?
Hôi miệng là một trong những triệu chứng thường gặp của bệnh viêm họng và hầu như không gây nguy hiểm đến sức khỏe. Tuy nhiên hơi thở có mùi có thể tạo tâm lý ngại ngùng, lúng túng và thiếu tự tin trong hoạt động giao tiếp.
Ngoài ra, hôi miệng còn là dấu hiệu cho thấy cơ thể thiếu nước và nhiễm trùng cổ họng đang phát triển mạnh. Nếu không xử lý và khắc phục đúng cách, triệu chứng này có thể nghiêm trọng dần theo thời gian, ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý và chất lượng cuộc sống.
Cách xử lý hôi miệng do viêm họng tạm thời
Để giảm nhanh tình trạng hơi thở có mùi do viêm họng, bạn có thể áp dụng một số biện pháp tạm thời như:
1. Vệ sinh răng miệng đúng cách
Số lượng vi khuẩn tăng lên nhanh chóng chính là nguyên nhân gây ra mùi hôi trong khoang miệng. Do đó cần vệ sinh răng miệng đúng cách để hỗ trợ loại bỏ vi khuẩn, ngăn ngừa nhiễm trùng lan rộng và giảm tình trạng hơi thở có mùi.
Các vệ sinh răng miệng giúp giảm hôi miệng do viêm họng:
- Nên chải răng 2 – 3 lần/ ngày (sau khi ăn và trước khi đi ngủ)
- Súc miệng với nước muối ấm hoặc dung dịch kiềm để làm dịu cổ họng, giảm ngứa rát, khó chịu và hỗ trợ loại bỏ virus, vi khuẩn gây nhiễm trùng.
- Dùng chỉ nha khoa để làm sạch kẽ răng, loại bỏ thức ăn thừa và hạn chế hình thành mảng bám. Thức ăn tích tụ ở kẽ răng là nguyên nhân khiến vi khuẩn phát triển mạnh và gây ra mùi hôi khó chịu.
- Lưỡi có bề mặt nhiều gai nhỏ, tạo điều kiện cho vi khuẩn tích tụ và bùng phát mạnh. Vì vậy nên chú ý vệ sinh lưỡi bằng cách sử dụng bàn chải có mặt chải lưỡi hoặc dùng dụng cụ rơ lưỡi.
2. Điều chỉnh chế độ ăn uống
Ngoài thói quen vệ sinh răng miệng, bạn có thể điều chỉnh chế độ ăn để giảm hơi thở có mùi, làm dịu cổ họng và cải thiện sức khỏe tổng thể. Xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp còn làm giảm triệu chứng khó chịu, hỗ trợ ức chế nhiễm trùng hầu họng và rút ngắn thời gian điều trị.
Chế độ ăn uống thích hợp với người bị hôi miệng do viêm họng:
- Đầu tiên, nên uống nhiều nước để bù chất lượng và điện giải cho cơ thể. Hơn nữa, thói quen này còn giúp điều tiết lượng nước bọt trong khoang miệng, hạn chế sự bùng phát của các hại khuẩn và làm dịu vùng niêm mạc sưng nóng.
- Bổ sung các loại củ và rau xanh. Chất xơ trong nhóm thực phẩm này có tác dụng làm sạch mảng bám, khử mùi hôi và hạn chế sự phát triển của các vi khuẩn có hại.
- Tăng cường ăn trái cây – đặc biệt là trái cây giàu vitamin C. Hầu hết các loại trái cây đều chứa nhiều nước, vitamin và khoáng chất, giúp tăng cường sức đề kháng, phục hồi thể trạng và làm dịu niêm mạc cổ họng. Ngoài ra ăn trái cây thường xuyên còn hạn chế mảng bám ở kẽ răng và hạn chế mùi khó chịu trong khoang miệng.
- Hạn chế dùng các thực phẩm có mùi nặng như tỏi, hành, thực phẩm lên men (kim chi, dưa chua, cà muối),…
- Tránh dùng rượu bia và uống cà phê. Các thức uống này có đặc tính háo nước khiến khoang miệng giảm bài tiết nước bọt và tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển mạnh.
3. Mẹo trị hôi miệng tức thì
Chế độ ăn khoa học và vệ sinh răng miệng thường không đem lại hiệu quả nhanh chóng. Vì vậy bạn nên áp dụng đồng thời với các mẹo trị hôi miệng tức thì như:
– Sử dụng gừng giảm hôi miệng:
Gừng có vị cay nồng và mùi thơm đặc trưng. Thảo dược này có tác dụng kháng khuẩn, tiêu viêm và khử mùi khá hiệu quả. Do đó bạn có thể ngậm gừng tươi hoặc dùng trà gừng mật ong để làm giảm chứng hôi miệng và cải thiện một số triệu chứng do bệnh viêm họng như rát cổ, ngứa họng, ho khan, khàn giọng,…
– Trị hôi miệng do viêm họng bằng đinh hương:
Tinh dầu trong đinh hương (Eugenol) có mùi thơm, tác dụng khử mùi hôi và kháng viêm. Bạn có thể giảm triệu chứng hôi miệng do viêm họng bằng cách nhai trực tiếp 1 – 2 nụ đinh hương/ ngày.
Ngoài tác dụng khử mùi, Eugenol trong thảo dược này còn có tác dụng chống viêm, giảm đau và ức chế các loại tác nhân thường gây nhiễm trùng đường hô hấp như virus cúm, trực khuẩn, phế cầu khuẩn,…
– Uống trà bạc hà giảm hôi miệng do viêm họng:
Hoạt chất menthol trong lá bạc hà có tác dụng làm mát, giảm đau và làm dịu vùng cổ họng sưng nóng. Bên cạnh đó, tinh dầu trong loại thảo dược này còn có khả năng khử mùi, hạn chế sự phát triển quá mức của vi khuẩn và giảm nguy cơ sâu răng. Để làm giảm tình trạng viêm họng gây hôi miệng, bạn có thể uống trà bạc hà ấm 2 lần/ ngày hoặc nhai trực tiếp lá bạc hà tươi.
Ngoài ra, bạn cũng có thể tận dụng một số thảo dược khác để giảm hôi miệng do viêm họng như nghệ, thìa là, lá trầu không, mật ong, dầu dừa, nha đam,…
Khắc phục triệt để viêm họng gây hôi miệng bằng cách nào?
Các biện pháp nêu trên chỉ đem lại hiệu quả tạm thời. Để điều trị dứt điểm chứng hôi miệng, bạn cần thăm khám và xử lý triệt để bệnh viêm họng.
1. Sử dụng thuốc
Viêm họng có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau như dị ứng, nhiễm trùng, kích ứng hoặc do ảnh hưởng của các bệnh lý khác. Dựa vào từng nguyên nhân cụ thể, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc điều trị sau:
- Thuốc giảm đau, hạ sốt: Loại thuốc này có tác dụng hạ thân nhiệt, giảm đau họng và nhức mỏi mình mẩy do bệnh viêm họng gây ra. Các loại thuốc thường được sử dụng, bao gồm Acetaminophen (Paracetamol), Aspirin, Ibuprofen,…
- Thuốc kháng sinh: Kháng sinh được sử dụng khi viêm họng xảy ra do nhiễm trùng vi khuẩn. Thuốc được dùng liên tục trong khoảng 7 – 10 ngày tùy vào mức độ nhiễm trùng và chủng vi khuẩn gây bệnh.
- Thuốc kháng histamine H1: Đối với trường hợp viêm họng do dị ứng hoặc viêm họng gây sổ mũi, hắt hơi và ho nhiều, bác sĩ có thể chỉ định thuốc kháng histamine H1. Nhóm thuốc này có tác dụng ức chế histamine ở thụ thể H1, ngăn chặn phản ứng dị ứng và làm giảm các triệu chứng khó chịu.
Trong trường hợp viêm họng là hệ quả do các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp khác, bác sĩ sẽ tiến hành điều trị triệt để các ổ viêm như viêm xoang sau, viêm mũi và viêm amidan.
2. Can thiệp thủ thuật xâm lấn
Nếu viêm họng tiến triển mãn tính và tái đi tái lại nhiều lần, bạn nên trao đổi với bác sĩ để được cân nhắc thực hiện các biện pháp như sau:
- Phẫu thuật cắt amidan trong trường hợp viêm họng tái phát do nhiễm trùng amidan mãn tính.
- Phẫu thuật cắt polyp nếu có polyp mũi hoặc polyp xoang.
- Chỉnh hình cấu trúc mũi khi có dị tật vách ngăn và các dạng dị tật bẩm sinh khác.
Khi viêm họng được điều trị triệt để, triệu chứng hôi miệng sẽ thuyên giảm dần theo thời gian.
Viêm họng gây hôi miệng không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhưng tác động không nhỏ đến tâm lý và chất lượng cuộc sống. Vì vậy bạn nên tích cực điều trị bệnh lý nguyên nhân kết hợp với các biện pháp giảm hôi miệng để xử lý tình trạng này trong thời gian sớm nhất.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!