Viêm khớp cùng chậu có nguy hiểm không? Có chữa khỏi được không?
Nội Dung Bài Viết
Trong những năm gần đây, số lượng người bị viêm khớp cùng chậu có xu hướng tăng lên đáng kể. Để hiểu rõ hơn về bệnh lý này, bạn đọc có thể tham khảo thông tin giải đáp Viêm khớp cùng chậu có nguy hiểm không? Chữa khỏi được không? trong bài viết sau.
Viêm khớp cùng chậu có nguy hiểm không?
Viêm khớp cùng chậu là tình trạng khớp cùng chậu bị tổn thương, viêm sưng do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, nguyên nhân phổ biến nhất là do ảnh hưởng của các bệnh xương khớp, hệ quả do quá trình mang thai – sinh nở hoặc khởi phát sau khi bị nhiễm trùng đường tiết niệu, sinh dục và tiêu hóa.
Viêm khớp cùng chậu là bệnh xương khớp có liên quan đến yếu tố cơ địa (kháng nguyên HLA B27) và có tính chất gia đình. Bệnh lý này có tiến triển dai dẳng, mãn tính và phục hồi chậm. Ban đầu, bệnh chỉ gây đau nhức ở vùng xương cùng chậu, thắt lưng. Sau đó cơn đau tăng dần về mức độ, tần suất và ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng vận động.
Khác với các bệnh xương khớp do thoái hóa, viêm khớp cùng chậu khởi phát sớm (thường ở độ tuổi sinh nở). Nếu không kịp thời điều trị, việc chữa trị khi về già sẽ rất khó khăn và dễ phát sinh biến chứng do đi kèm với hiện tượng lão hóa mô sụn. Hơn nữa, các triệu chứng của bệnh còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống, giấc ngủ và tâm lý của bệnh nhân.
Có thể thấy, viêm khớp cùng chậu là bệnh xương khớp có mức độ nặng nề. Trong trường hợp chủ quan hoặc điều trị không đúng cách, bệnh có thể gây ra các biến chứng như:
1. Làm giảm khả năng vận động
Viêm khớp cùng chậu thường gây đau âm ỉ và dai dẳng ở vùng thắt lưng dưới, xương chậu và vùng mông. Mức độ đau tăng lên đáng kể khi đi lại, vận động và mang vác nặng. Vì vậy, bệnh nhân thường có xu hướng hạn chế một số hoạt động để tránh cơn đau bùng phát mạnh. Tuy nhiên, tình trạng này kéo dài có thể khiến khớp cùng chậu trở nên kém linh hoạt, uyển chuyển và dễ bị tê cứng.
Ngoài ra nếu không điều trị, tổn thương ở khớp có thể tiến triển nặng hơn và ảnh hưởng nghiêm trong đến quá trình vận động. Lúc này, bệnh nhân có thể gặp khó khăn khi cúi người, xoay người, nghiêng người,… Đối với những trường hợp nặng, bệnh nhân hầu như không thể ngồi làm việc và thực hiện các hoạt động sinh hoạt thông thường.
2. Tổn thương dây thần kinh tọa
Dây thần kinh tọa (dây thần kinh hông to) bắt nguồn từ cột sống thắt lưng, chạy dọc xuống vùng hông, đùi và bắp chân. Trong một số trường hợp, viêm khớp cùng chậu có thể lan rộng ra những cơ quan xung quanh và gây tổn thương dây thần kinh tọa.
Khi xuất hiện biến chứng đau thần kinh tọa, bệnh nhân còn có thể gặp phải một số triệu chứng khác như đau nhói, cơn đau khởi phát đột ngột, khó khăn khi vận động, có cảm giác tê bì, nóng rát,… Các triệu chứng của đau thần kinh tọa cùng với ảnh hưởng của viêm khớp cùng chậu khiến bệnh nhân không thể cử động, đi lại như bình thường, dần dần giảm khả năng vận động và suy nhược cơ thể.
3. Teo cơ mông
Teo cơ mông, đùi là các biến chứng thường gặp của bệnh viêm khớp cùng chậu. Tình trạng này xảy ra khi kích thước và sức mạnh của khối cơ bị giảm đi đáng kể. Teo cơ mông là hệ quả do tổn thương ở khớp cùng chậu, dây thần kinh tọa, đốt sống thắt lưng,… tiến triển trong thời gian dài nhưng không được điều trị đúng cách.
Sức mạnh và kích thước của khối cơ suy giảm khiến bệnh nhân khó khăn khi đứng thẳng, đi lại, đau nhức vùng lưng dữ dội, bất thường trong dáng đi và ảnh hưởng không nhỏ đến ngoại hình (phần mông 2 bên không đồng đều).
4. Tăng nguy cơ dính khớp
Viêm khớp cùng chậu không được điều trị có thể dẫn đến viêm cột sống dính khớp. Khác với đau thần kinh tọa và teo cơ mông, biến chứng này không có các triệu chứng đặc trưng và điển hình nên đa phần bệnh nhân đều bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo.
Nếu không được điều trị sớm, viêm cột sống dính khớp có thể tiến triển nặng dẫn đến gù vẹo, bất thường trong dáng đi, ảnh hưởng đến cấu trúc cột sống và làm tăng nguy cơ tàn phế.
5. Giảm chất lượng cuộc sống
Viêm khớp cùng chậu là bệnh xương khớp mãn tính, có tiến triển âm ỉ và dai dẳng. Mức độ đau có xu hướng nặng dần theo thời gian, dẫn đến giảm chức năng vận động và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Ngoài ra ở một số trường hợp, cơn đau do viêm khớp cùng chậu cũng có thể bùng phát đột ngột và gây đau nhức dữ dội.
Trong thời gian đầu, bệnh chỉ gây đau nhẹ và cơn đau có thể thuyên giảm sau khoảng vài giờ đồng hồ. Tuy nhiên khi bệnh tiến triển nặng, các triệu chứng của bệnh có thể bùng phát vào bất cứ thời điểm nào trong ngày, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu suất lao động và chất lượng giấc ngủ.
Ngoài biểu hiện viêm khớp cùng chậu, một số bệnh nhân còn có thể gặp phải các triệu chứng ở đường tiết niệu và sinh dục như tiểu đục, tiểu buốt, buồn nôn, nôn mửa, rét run, khí hư ra nhiều, tiểu rắt,… Các triệu chứng này không chỉ gây khó chịu mà còn tác động tiêu cực đến đời sống tình dục, giấc ngủ và hiệu suất lao động.
6. Tăng nguy cơ đẻ mổ ở phụ nữ mang thai
Phụ nữ mang thai là đối tượng có nguy cơ cao bị viêm khớp cùng chậu. Theo lý giải từ các chuyên gia, thai nhi phát triển lớn dần gây chèn ép các mạch máu ở vùng tiểu khung và cơ quan tiết niệu (bàng quang, niệu quản) dẫn đến tăng nguy cơ viêm nhiễm đường tiết niệu ở những tháng cuối thai kỳ.
Ban đầu, hiện tượng viêm nhiễm chỉ khu trú ở cơ quan tiết niệu và sau đó lan dần đến khớp cùng chậu. Ở phụ nữ mang thai, viêm khớp cùng chậu không chỉ gây đau nhức, khó chịu mà còn làm tăng nguy cơ đẻ mổ.
Vào tuần thứ 37 – 42, khung chậu và các cơ quan lân cận sẽ giãn nở để chuẩn bị cho quá trình chuyển dạ. Tuy nhiên nếu bị viêm khớp cùng chậu, khung chậu và tiểu khung khó giãn nở và gây khó khăn trong việc lấy thai. Do đó phụ nữ bị viêm khớp cùng chậu thường phải can thiệp đẻ mổ.
Viêm khớp cùng chậu có chữa khỏi được không?
Viêm khớp cùng chậu là bệnh xương khớp có mức độ nghiêm trọng và dễ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, bệnh có thể được kiểm soát hoàn toàn bằng sử dụng thuốc và tập vật lý trị liệu. Đặc biệt đối với viêm khớp cùng chậu do nhiễm khuẩn, bệnh tương đối dễ điều trị và có thể thuyên giảm hoàn toàn chỉ sau vài tuần.
Đối với viêm khớp cùng chậu xảy ra do ảnh hưởng của các bệnh viêm khớp khác (viêm cột sống dính khớp, viêm khớp vảy nến,…), thời gian điều trị thường kéo dài hơn và bệnh có khả năng tái phát cao. Tuy nhiên nếu tuân thủ chỉ định của bác sĩ, bệnh nhân có thể kiểm soát triệu chứng, cải thiện chức năng vận động và làm giảm ảnh hưởng của bệnh.
Hiện nay, viêm khớp cùng chậu được điều trị bằng thuốc và vật lý trị liệu. Tuy nhiên trên thực tế, phương pháp cụ thể sẽ được cân nhắc tùy vào nguyên nhân gây bệnh, mức độ thương tổn khớp, độ tuổi, tình trạng sức khỏe và khả năng đáp ứng của từng bệnh nhân. Vì vậy khi nhận thấy các triệu chứng bất thường, bệnh nhân nên chủ động đến bệnh viện để được thăm khám và tư vấn hướng điều trị thích hợp.
Trên đây là những thông tin giải đáp “Bệnh viêm khớp cùng chậu có nguy hiểm không? Có chữa khỏi được không?”. Hy vọng qua nội dung trên, bạn đọc có thể hiểu rõ hơn về bệnh lý này và chủ động trong việc thăm khám – điều trị.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:
- Cảnh giác với chứng viêm khớp cùng chậu sau sinh ở phụ nữ
- Bị viêm khớp cùng chậu nên uống thuốc gì?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!