Cảnh giác với chứng viêm khớp cùng chậu sau sinh ở phụ nữ
Nội Dung Bài Viết
Viêm khớp cùng chậu ở phụ nữ sau sinh có tiến triển dai dẳng, mãn tính và kéo dài. Bệnh không chỉ gây đau nhức, tê cứng khớp và khó khăn khi vận động mà còn ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ và tâm lý của sản phụ. Nếu không điều trị kịp thời, tổn thương ở khớp có thể tiến triển nặng và gây ra các hậu quả nặng nề như teo cơ mông, đau thần kinh tọa và viêm cột sống dính khớp.
Nhận biết viêm khớp cùng chậu ở phụ nữ sau sinh
Viêm khớp cùng chậu là tình trạng tổn thương khớp cùng chậu (khớp nối giữa xương cùng cụt với cột sống thắt lưng và hai xương cánh chậu). Bệnh có thể gặp ở cả nam và nữ giới nhưng thường gặp nhiều hơn ở phụ nữ – đặc biệt là phụ nữ đang mang thai và sau khi sinh.
Viêm khớp cùng chậu có thể điều trị hoàn toàn nếu thăm khám và can thiệp kịp thời. Ngược lại, tình trạng chủ quan có thể khiến bệnh tiến triển nặng, kéo dài và gây ra các hậu quả nghiêm trọng.
Dấu hiệu nhận biết bệnh viêm khớp cùng chậu ở phụ nữ sau sinh:
- Đau nhức ở vùng cột sống thắt lưng lan xuống vùng chậu và toàn bộ phần mông
- Cơn đau có tính chất âm ỉ, dai dẳng và kéo dài
- Tuy nhiên cũng có những trường hợp đau dữ dội, đau khởi phát thành từng cơn khiến sản phụ không thể cúi người, khó khăn khi ngồi, xoay người và nghiêng người
- Một số trường hợp bị viêm khớp cùng chậu có thể phát triển lan tỏa và gây tổn thương dây thần kinh tọa, teo cơ mông, đùi
- Ở một số ít trường hợp, các dấu hiệu của viêm khớp cùng chậu có thể đi kèm với biểu hiện phụ khoa và tiết niệu như âm đạo chảy máu/ tiết dịch bất thường, đau khi đại tiểu tiện, đau bụng dưới, đau bụng âm ỉ, buồn nôn, rét run, sốt, nôn mửa, đau khi giao hợp,… Nguyên nhân gây ra tình trạng này là do viêm khớp cùng chậu khởi phát sau khi mắc các bệnh viêm nhiễm ở tiết niệu, tiêu hóa và phụ khoa
Viêm khớp cùng chậu thường khởi phát vài tháng sau khi mang thai, kéo dài suốt thai kỳ và thời gian sau khi sinh. Với tính chất đau dai dẳng, bệnh còn ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, đời sống sinh hoạt và tâm lý của sản phụ.
Nguyên nhân gây bệnh viêm khớp cùng chậu sau khi sinh
Viêm khớp cùng chậu có thể gặp ở cả nam và nữ giới. Tuy nhiên, bệnh gặp nhiều hơn ở phụ nữ mang thai và sau khi sinh do những nguyên nhân sau:
- Ảnh hưởng của các bệnh viêm nhiễm phụ khoa: Khớp vùng chậu nằm liền kề với cơ quan sinh sản của nữ giới. Vì vậy, tình trạng viêm nhiễm phụ khoa (viêm cổ tử cung, viêm vòi trứng,…) có thể gây viêm khớp cùng chậu và dẫn đến đau nhức âm ỉ.
- Do mắc các bệnh viêm khớp khác: Viêm khớp cùng chậu có thể chỉ là biểu hiện của một số bệnh viêm khớp khác như viêm cột sống dính khớp, viêm khớp vảy nến và viêm khớp phản ứng.
- Ảnh hưởng của các bệnh nhiễm trùng tiết niệu và đường ruột: Tương tự như viêm nhiễm phụ khoa, tình trạng nhiễm trùng ở đường ruột và cơ quan tiết niệu cũng có thể gây viêm và tổn thương khớp cùng chậu. Nếu do những nguyên nhân này, các triệu chứng của bệnh có thể đi kèm với biểu hiện bất thường khác như đau bụng dưới, tiết dịch âm đạo,…
- Do sự giãn nở của tử cung và áp lực từ thai nhi: Trong quá trình mang thai, tử cung phải giãn nở để thai nhi có đủ không gian phát triển. Tình trạng này khiến cho các cơ quan xung quanh như bàng quang, đường ruột, xương cùng chậu và cột sống thắt lưng bị chèn ép. Mức độ chèn ép có xu hướng tăng lên khi thai nhi phát triển và tăng trọng lượng nhanh chóng trong những tháng cuối thai kỳ. Do đó, viêm khớp cùng chậu thường khởi phát trong khi mang thai và kéo dài đến thời điểm sau sinh.
- Yếu tố di truyền: Trên thực tế, viêm khớp cùng chậu là một trong những bệnh lý xương khớp có mối liên hệ mật thiết với yếu tố di truyền. Nghiên cứu di truyền học cho thấy, hầu hết sản phụ mắc bệnh lý này đều có kháng nguyên HLA B27.
Ngoài những nguyên nhân trên, viêm khớp cùng chậu ở phụ nữ sau sinh cũng có thể khởi phát khi có các yếu tố thuận lợi như:
- Tăng cân quá nhiều trong thời gian mang thai (trung bình chỉ nên tăng từ 10 – 12kg)
- Loãng xương
- Béo phì
- Từng có tiền sử chấn thương ở khớp cùng chậu
- Sai tư thế
Viêm khớp cùng chậu sau sinh có nguy hiểm không?
Viêm khớp cùng chậu thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Bệnh có tính chất dai dẳng, âm ỉ, kéo dài và có thể dẫn đến các biến chứng nặng nề nếu không được điều trị kịp thời.
Một số biến chứng của bệnh viêm khớp cùng chậu ở phụ nữ sau sinh:
- Viêm cột sống dính khớp: Viêm khớp cùng chậu kéo dài có thể dẫn đến tình trạng dính khớp làm cho khung chậu giảm tính linh hoạt và dẻo dai. Nếu không can thiệp kịp thời, bệnh có thể tiến triển nặng dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng hơn như gù vẹo cột sống, khó khăn khi đi lại,…
- Đau thần kinh tọa, teo cơ mông: Tình trạng tổn thương ở khớp cùng chậu kéo dài có thể gây tổn thương dây thần kinh tọa và gây teo cơ mông. Các biến chứng này ảnh hưởng không nhỏ đến chức năng vận động và sức khỏe của sản phụ.
- Ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống: Cơn đau do viêm cùng chậu ở phụ nữ sau sinh có xu hướng dai dẳng và kéo dài. Tình trạng này không chỉ gây mệt mỏi, khó khăn khi vận động mà còn ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, sinh hoạt và hình thành tâm lý lo âu, căng thẳng,…
Nếu viêm cột sống cùng chậu khởi phát do các bệnh viêm nhiễm phụ khoa và tiết niệu, sản phụ có thể phải đối mặt với những biến chứng khác như tắc vòi trứng, tích mủ vòi trứng, nhiễm khuẩn mãn tính,…
Chẩn đoán bệnh viêm khớp cùng chậu sau sinh
Viêm khớp cùng chậu rất dễ bị chẩn đoán nhầm với thoái hóa cột sống thắt lưng và một số bệnh xương khớp khác. Vì vậy để chẩn đoán bệnh lý này, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện thêm một số xét nghiệm bổ sung bên cạnh thăm khám lâm sàng và chụp X-Quang như các vấn đề xương khớp thông thường.
Các kỹ thuật chẩn đoán bệnh viêm khớp cùng chậu sau sinh:
- Thăm khám lâm sàng: Bệnh nhân được yêu cầu nằm nghiêng và hai chân duỗi thẳng. Sau đó bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám bằng cách ấn mạnh vào xương cánh chậu. Hoặc bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân nằm ngửa, ép ngửa khung chậu để quan sát phản ứng.
- Chụp X-Quang: Chụp X-Quang là xét nghiệm cận lâm sàng có giá trị trong chẩn đoán viêm khớp cùng chậu. Qua hình ảnh từ xét nghiệm này, bác sĩ có thể xác định được mức độ tổn thương của khớp và kịp thời phát hiện biến chứng (khớp dính hoàn toàn). Bên cạnh đó, X-Quang còn giúp phát hiện tình trạng viêm ở một số khớp lân cận như viêm khớp háng, viêm khớp mu và gai xương chậu.
- Xét nghiệm máu, nước tiểu: Nếu nghi ngờ viêm khớp cùng chậu xảy ra do nhiễm trùng, bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm nước tiểu và máu để kiểm tra. Xét nghiệm này có thể xác định được một số nguyên nhân gây ra viêm khớp cùng chậu như HIV, giang mai, N. gonorrhoeae, Clamydia trichomonas,…
- Nuôi cấy vi khuẩn: Bác sĩ cũng có thể lấy bệnh phẩm trong cổ tử cung và tiến hành nhuộm gram, nuôi cấy để xác định chủng vi khuẩn gây viêm nhiễm phụ khoa và viêm khớp cùng chậu trong trường hợp cần thiết.
Các phương pháp điều trị viêm khớp cùng chậu sau sinh
Điều trị viêm khớp cùng chậu sau sinh phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và mức độ tổn thương khớp. Nếu điều trị kịp thời, bệnh có thể được kiểm soát hoàn toàn và không gây ra các hậu quả nghiêm trọng. Ngược lại đối với những trường hợp chủ quan và không tuân thủ điều trị theo hướng dẫn, tổn thương ở khớp cùng chậu có thể tiến triển mãn tính và lan tỏa sang các cơ quan khác.
Hiện nay, điều trị viêm khớp cùng chậu cho phụ nữ sau sinh bao gồm 2 phương pháp chính là sử dụng thuốc và tập vật lý trị liệu trong giai đoạn lui bệnh.
1. Sử dụng thuốc
Sử dụng thuốc là phương pháp chính trong điều trị viêm khớp cùng chậu – đặc biệt là trong giai đoạn bệnh bùng phát mạnh. Tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ của các triệu chứng, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc như:
- Kháng sinh: Kháng sinh được sử dụng khi viêm khớp cùng chậu khởi phát sau khi bị nhiễm trùng đường tiết niệu, sinh dục, đường ruột,… Thông thường, bác sĩ sẽ ưu tiên sử dụng Amoxicillin hoặc Doxycyclin. Tuy nhiên trong trường hợp nặng, bác sĩ sẽ yêu cầu dùng thêm Ceftriaxone, Cefotaxime cùng với Roxithromycine, Azithromycine, Metronidazole, Gentamycine, Clindamycin để hạn chế tình trạng kháng thuốc.
- Thuốc giảm đau chống viêm: Để giảm triệu chứng đau nhức do viêm khớp cùng chậu gây ra, bác sĩ có thể kê toa thuốc giảm đau và chống viêm bên cạnh thuốc kháng sinh. Tùy theo mức độ cơn đau, sản phụ có thể dùng Paracetamol, NSAID hoặc các loại thuốc có hoạt tính mạnh như opioids, corticoid,…
- Tiêm corticoid vào khớp cùng chậu: Trong trường hợp khớp bị đau nhức nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định tiêm corticoid. Corticoid có tác dụng ức chế hoạt động của hệ miễn dịch, từ đó làm giảm phản ứng viêm và cải thiện cơn đau. Tuy nhiên, tiêm corticoid tiềm ẩn nhiều rủi ro và biến chứng nên chỉ được thực hiện trong trường hợp cần thiết.
Lưu ý: Phụ nữ sau sinh có thể phải ngưng cho trẻ bú trong thời gian sử dụng thuốc để đảm bảo an toàn.
2. Vật lý trị liệu
Trong giai đoạn lui bệnh, sản phụ cần tập vật lý trị liệu để cải thiện chức năng vận động của cột sống, hạn chế các biến chứng thứ phát như dính khớp, teo cơ, biến dạng khớp và cột sống. Ngoài ra, sản phụ sẽ được hướng dẫn thay đổi các thói quen xấu để tránh gây thương tổn và ảnh hưởng đến cấu trúc của xương cùng chậu.
Một số kỹ thuật vật lý trị liệu được áp dụng cho bệnh viêm khớp cùng chậu sau sinh:
- Các kỹ thuật vật lý trị liệu giúp kiểm soát triệu chứng: Để giảm nhẹ các triệu chứng do viêm khớp cùng chậu gây ra và hạn chế tình trạng lạm dụng thuốc, sản phụ có thể thực hiện một số kỹ thuật vật lý trị liệu như siêu âm, điện xung giảm đau, nhiệt nóng – nhiệt lạnh, thủy trị liệu,…. Các kỹ thuật này giúp giảm đau tại chỗ, chống viêm và cải thiện hiện tượng phù nề.
- Vận động trị liệu: Trong giai đoạn bệnh thoái lui, sản phụ cần thực hiện các bài tập vật lý trị liệu theo hướng dẫn của bác sĩ để phục hồi chức năng của cột sống, khớp cùng chậu và khớp háng. Bên cạnh đó, có thể kết hợp với kỹ thuật xoa bóp, di dộng mô mềm và khớp để tăng hiệu quả.
Vật lý trị liệu có vai trò quan trọng trong điều trị viêm khớp cùng chậu. Biện pháp này có thể kiểm soát cơn đau, giảm phù nề và chống viêm, đồng thời phục hồi chức năng vận động và phòng ngừa các biến chứng thứ phát.
Phòng ngừa viêm khớp cùng chậu tái phát
Viêm khớp cùng chậu là vấn đề xương khớp thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh nở – đặc biệt là vào giai đoạn mang thai và sau khi sinh. Bệnh có tiến triển âm ỉ, kéo dài và dai dẳng, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
Vì vậy sau khi điều trị, cần chủ động phòng ngừa bệnh tái phát với một số biện pháp đơn giản như:
- Hầu hết các trường hợp bị viêm khớp cùng chậu đều khởi phát sau khi bị nhiễm trùng đường tiết niệu, phụ khoa và đường ruột. Do đó, cần điều trị triệt để các bệnh lý nhiễm trùng để hạn chế tổn thương ở khớp cùng chậu.
- Cần uống nhiều nước, vệ sinh vùng kín đúng cách và tránh tình trạng nhịn tiểu. Đồng thời cần quan hệ tình dục an toàn và vệ sinh cơ quan sinh dục sau khi giao hợp. Các biện pháp này giúp giảm thiểu nguy cơ bị viêm nhiễm phụ khoa và đường tiết niệu, từ đó hạn chế tái phát bệnh viêm khớp cùng chậu.
- Phụ nữ mang thai cần xây dựng chế độ ăn uống khoa học và tập luyện nhẹ nhàng để cải thiện độ linh hoạt của cột sống thắt lưng, khớp cùng chậu và khớp háng. Hơn nữa, việc ăn uống và tập luyện khoa học còn giúp kiểm soát cân nặng và làm giảm áp lực lên hệ thống xương khớp.
- Thay đổi các thói quen xấu như ngồi xổm, kê gối quá cao, mang vác nặng,… Bởi các thói quen này có thể làm tăng áp lực lên khớp cùng chậu và kích thích bệnh tái phát.
- Nên điều chỉnh thói quen ăn uống, sinh hoạt khoa học và tập thể dục thường xuyên để giảm thiểu nguy cơ bị viêm khớp cùng chậu và các vấn đề xương khớp khác.
Viêm khớp cùng chậu sau sinh là vấn đề tương đối phổ biến ở phụ nữ trong độ tuổi sinh nở. Bệnh lý này có tiến triển mãn tính, dai dẳng và có thể để lại các hậu quả nặng nề nếu không điều trị kịp thời. Vì vậy, sản phụ cần chủ động tìm gặp bác sĩ Cơ xương khớp nếu phát hiện các biểu hiện bất thường.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:
- Quan hệ tình dục sau sinh và những điều cần biết
- Đau nhức xương khớp: Nguyên nhân, dấu hiệu và điều trị
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!