Viêm phế quản ở trẻ em: Nguyên nhân, dấu hiệu và điều trị
Nội Dung Bài Viết
Viêm phế quản ở trẻ em là căn bệnh thường gặp nhất là khi thời tiết thời đổi, có thể khỏi bệnh trong thời gian ngắn nếu kịp thời chăm sóc và điều trị. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng bệnh kéo dài, không kịp thời phát hiện và chăm sóc đúng cách, trẻ có thể sẽ gặp các biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe của bé.
Nguyên nhân viêm phế quản ở trẻ
Viêm phế quản là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp. Xảy ra khi các ống phế quản, đường thở nối giữa khí quản và phổi bị tổn thương, các tổ chức quanh phế quản như niêm mạc, tiểu phế quản nhiễm trùng dẫn đến tình trạng khó khăn trong việc lưu thông khí trong phế quản. Các nguyên nhân có thể khiến đường hô hấp sưng viêm là do bé bị viêm họng, cảm cúm, cảm lạnh, nhiễm trùng xoang mũi…
Viêm phế quản ở trẻ em được chia thành cấp tính và mạn tính. Trong đó, viêm phế quản cấp tính thường diễn ra trong thời gian ngắn còn viêm phế quản mạn tính có thể kéo dài vài tháng tới vài năm. Thông thường, trẻ sơ sinh rất ít bị viêm phế quản, trẻ lớn dễ mắc viêm tiểu phế quản. Trong khoảng 24 – 72 giờ sau khi tiếp xúc với tác nhân gây bệnh viêm phế quản, bé mới có ác triệu chứng đầu tiên của bệnh.
Các nguyên nhân gây viêm phế quản ở trẻ em có thể kể đến như:
- Chủ yếu là do virus, dẫn đến bội nhiễm vi khuẩn: Phổ biến nhất là liên cầu khuẩn, phế cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn (H.influenzae)… Xảy ra khi sức đề kháng của bé yếu hoặc thuyên giảm hay khi thời tiết trở lạnh đột ngột, môi trường ô nhiễm tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus hoạt động mạnh mẽ nhất là ở vùng mũi và miệng gây viêm phế quản.
- Do trẻ mắc các chứng bệnh liên quan đến đường hô hấp như sổ mũi, cảm lạnh, ho, viêm xoang khiến các vi khuẩn gây viêm phổi hoạt động mạnh mẽ. Trong trường hợp bé dùng nhiều kháng sinh, sức khỏe suy yếu khả năng đề kháng giảm sẽ khiến virus ảnh hưởng đến cuống phổi gây viêm ở khí quản. Lúc này, khí quản sẽ có màu đỏ, bị sưng phồng, có dịch nhầy ở phổi, đường thở bị viêm, có dịch nhầy làm bé khó thở, ho nhiều.
- Viêm phế quản cũng thường xảy ra khi bé thường xuyên hít phải bụi bẩn, khói thuốc lá, khói xăng xe, hơi độc… Nếu tình trạng này kéo dài, bệnh của bé có thể chuyển sang mãn tính, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe lại rất khó điều trị.
- Ngoài ra, bệnh viêm phế quản ở trẻ có thể do trẻ tắm nước quá lạnh, quá lâu, ngồi điều hòa hoặc nhiễm lạnh nhưng đứng trước điều hòa, máy quạt cũng là những nguyên nhân gây bệnh thường gặp.
Dấu hiệu nhận biết bệnh viêm phế quản ở trẻ
Viêm phế quản là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, rất dễ bị nhầm lẫn với các bệnh như cảm lạnh, cảm cúm, viêm họng. Ở trẻ sơ sinh mắc viêm phế quản, các dấu hiệu thường không rõ ràng, ban đầu, nếu mẹ để ý sẽ thấy bé bỏ bú hoặc ít bú, chán ăn, khó thở, nôn ói, chán ăn, đau ngực… Ngoài ra, biểu hiện dễ nhận biết ở trẻ viêm phế quản là ho nhiều, nghẹt mũi, khó thở, sốt và ho kéo dài đến tuần thứ 2 thì khả năng bé mắc viêm phế quản là rất cao.
Các triệu chứng bệnh viêm phế quản ở trẻ em có thể kể đến như:
- Ho kéo dài khoảng 2 – 3 tuần kèm theo đờm, đau rát ở cổ họng, đờm có thể màu xám, xanh,, xanh hơi vàng, kèm theo các triệu chứng như đau ngực, sốt nhẹ, người mệt mỏi
- Ở giai đoạn khởi phát, trẻ sẽ có các triệu chứng viêm đường hô hấp trên như hắt hơi, sổ mũi, ho khan, sốt nhẹ
- Ở giai đoạn phát bệnh, bé sốt nặng hơn, có thể thở khò khè, phần ngực hóp lại, nếu nghẹt mũi nặng sẽ phải thở bằng miệng, da tím tái, xanh xao và có những triệu chứng rối loạn tiêu hóa nhẹ.
- Ở giai đoạn nguy hiểm, bé sốt cao trên 39 độ, da và môi khô, bỏ ăn, khó thở, chảy mồ hôi, tay chân yếu mềm, người mệt mỏi, uể oải. Có thể kèm theo ho kéo dài, có đờm, lồng ngực hoạt động mạnh, thở khò khè thậm chí phải thở bằng miệng, môi và đầu ngón tay, ngón chân tím tái, da xanh xao. Có các biểu hiện rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy, nôn.
- Khi mắc viêm phế quản ở mức độ nghiêm trọng, bé có thể bị hôn mê, nằm li bì, mạch yếu, tim đập nhanh thậm chí xuất hiện các cơn co giật.
Bệnh viêm phế quản ở trẻ em rất dễ bị nhầm lẫn với sốt thông thường hay viêm họng. Nếu không được sớm phát hiện, để các triệu chứng bệnh kéo dài sẽ khiến bé dễ gặp các biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, suy hô hấp, thậm chí tử vong.
Các yếu tố nguy cơ
So với các trẻ khác, thì các nhóm sau đây là những đối tượng dễ mắc viêm phế quản hơn hết. Cụ thể:
- Trẻ bị béo phì: Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, chỉ số khối của cơ thể có liên quan đến bệnh viêm phế quản, tức là khi trẻ bị thừa cân, béo phì thì nguy cơ mắc bệnh cao hơn thông thường. Nguyên nhân xuất phát từ việc giảm hoạt động của hệ hô hấp.
- Trẻ bị dị ứng đường hô hấp: Những trẻ có cơ địa dị ứng, thường dị ứng với bụi nhà, lông động vật, phấn hoa dễ bị viêm phế quản hơn các trẻ khác dù điều kiện sống như nhau.
- Trẻ thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc lá: Trong khói thuốc lá chứa đến 4000 chất độc hại, gây viêm các tế bào lông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bé khiến bé có nguy cơ mắc viêm phổi, viêm phế quản mãn tính.
- Trẻ sống trong môi trường có độ ẩm cao: Môi trường sống chật chội, độ ẩm cao khiến nấm mốc, vi khuẩn có điều kiện phát triển làm trẻ có nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp, trong đó có viêm phế quản rất cao.
Khi nào trẻ cần đến gặp bác sĩ ngay?
Khi mắc viêm phế quản với các triệu chứng sau đây, mẹ nên nhanh chóng đưa con đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị nhanh chóng:
- Sốt cao trên 39 độ, không đáp ứng với các biện pháp hạ sốt kể cả thuốc hạ sốt, có thể kèm theo co giật
- Trẻ khó thở, tím tái, nhịp thở nhanh, có thể xác định bằng cách đếm nhịp thở ở ngực khi trẻ ngủ hoặc nằm yên trong vòng 1 vòng, đếm 3 lần. Mức độ thở nhanh của trẻ được tính như sau:
- Với trẻ dưới 2 tháng tuổi: Nhịp thở 60 lần/phút
- Với trẻ từ 2 tháng đến 12 tháng tuổi: Nhịp thở trên 50 lần/phút
- Với trẻ từ 1 – 5 tuổi: Nhịp thở trên 40 lần/phút.
- Bỏ bú, bú ít; trẻ li bì, khó đánh thức; ho kéo dài không ngừng, mặt đỏ bừng.
Chẩn đoán và điều trị viêm phế quản ở trẻ em
Chẩn đoán viêm phế quản
Bệnh viêm phế quản ở trẻ em có thể được chẩn đoán dựa trên các biểu hiện lâm sàng của bệnh và tiền sử khám bệnh. Trong một số trường hợp, trẻ cần được thực hiện các xét nghiệm để loại trừ các bệnh lý như viêm phổi, hen suyễn. Các xét nghiệm chẩn đoán gồm:
- X-quang ngực: Tạo hình ảnh của các mô bên trong, xương và các cơ quan
- Lấy mẫu đờm và nước mũi: Để tìm mầm bệnh gây nhiễm trùng
- Đo oxy xung trong máu: Bác sĩ sẽ đặt một cảm biến nhỏ vào ngón chân hoặc ngón tay bé, khi bật sẽ thấy ánh sáng đỏ nhỏ trong cảm biến, dùng để đo lượng oxy trong máu.
Điều trị viêm phế quản ở trẻ em
Thông thường, nếu trẻ mắc viêm phế quản cấp thì chỉ cần chú ý đến chế độ chăm sóc là trẻ có thể tự khỏi trong 7 – 10 ngày. Trong hầu hết các trường hợp, có 90% các bé mắc viêm phế quản là do virus, do đó, tuyệt đối không nên sử dụng kháng sinh điều trị khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Kể cả với những trường hợp bé ho trong 8 – 10 ngày thì cũng không cần dùng kháng sinh mà dùng thuốc làm giảm triệu chứng. Chỉ khi bé bị viêm phế quản do vi khuẩn thì bác sĩ mới kê toa thuốc kháng sinh.
Tùy vào nguy nhân, tình trạng và mức độ bệnh mà sẽ có các phương pháp điều trị khác nhau. Chủ yếu là thông tắc đờm trong cổ họng và nới rộng khí quản của trẻ. Một số biện pháp giúp cải thiện các triệu chứng khó chịu cho bé có thể kể đến như:
- Nếu bé sốt, có thể hạ sốt, giảm đau bằng cách cho bé uống ibuprofen hoặc acetaminophen với liều hợp lý. Tuyệt đối không nên cho bé uống aspirin vì có thể gây ra hội chứng Reye, có nguy cơ gây tử vong cho trẻ.
- Không nên cho bé uống thuốc cảm lạnh hoặc thuốc ho không kê toa vì hoa sẽ giúp tống xuất đờm giúp bé cảm thấy dễ chịu mà bệnh cũng nhanh khỏi hơn. Các loại thuốc ho và cảm lạnh không có hiệu quả ở trẻ em mà còn khiến các triệu chứng của bệnh viêm phế quản nghiêm trọng hơn.
- Với trẻ trên 1 tuổi, mẹ có thể cho bé uống mật ong để hỗ trợ điều trị, nên uống một ít mật ong pha với nước ấm, có thể thêm một ít gừng và chanh. Do mật ong có tính kháng khuẩn, kháng viêm, hỗ trợ phục hồi tổn thương, tăng cường hệ miễn dịch nên rất tốt cho trẻ.
- Với trường hợp nặng, có thể bác sĩ sẽ cho bé uống thuốc cortisone, nếu bé bị hen suyễn, bác sĩ sẽ cho bé uống thuốc giãn phế quản hoặc thuốc giảm viêm.
Chăm sóc cho trẻ bị viêm phế quản
Khi trẻ bị viêm phế quản, cách chăm sóc của bố mẹ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị cho bé. Các biện pháp chăm sóc sức khỏe để bé nhanh khỏi bệnh và dễ chịu hơn bao gồm:
1. Vệ sinh mũi, miệng
Khi bé bị viêm phế quản, mẹ có thể dùng nước muối pha loãng hoặc nước muối sinh lý mua ở tiệm thuốc để giúp bé giảm triệu chứng nghẹt mũi khó thở. Với bé nhỏ, bạn dùng 1 – 2 giọt nước muối nhỏ mũi bé rồi lấy khăn sạch lau lại. Với bé lớn hơn, bạn có thể dạy bé cách tự vệ sinh, rửa mũi của mình.
Nếu bé đã lớn, bạn hãy khuyến khích con thường xuyên súc miệng bằng nước muối. Biện pháp này có thể giảm đờm ở họng, cải thiện chứng đau rát cổ họng và nghẹt mũi rất tốt. Chỉ cần dùng nước muối ngậm và khò ở cổ họng nhiều lần rồi nhổ ra ngoài. Không nên nuốt nước muối, và nhớ súc lại miệng bằng nước thông thường.
2. Tạo độ ẩm cho phòng ngủ
Không khí hanh khô, thiếu ẩm khiến niêm mạc mũi họng dễ bị kích ứng làm tình trạng viêm và dịch nhầy ở mũi cũng như đờm ở họng nhiều hơn. Do đó, bạn nên dùng máy tạo độ ẩm cho phòng của bé, điều này sẽ giúp bé nhà bạn dễ thở và thoải mái hơn.
Tuy nhiên, khi sử dụng máy, cần vệ sinh sạch sẽ, một khi bị nhiễm bẩn nó có thể làm lây lan vi trùng trong không khí. Nếu không dùng máy tạo ẩm, bạn có thể cho bé ngồi trong phòng tắm rồi xả vòi sen nóng, cho bé hít thở hơi nóng ẩm trong 10 – 15 phút. Ngoài ra, có thể dùng tinh dầu bạc hà hoặc khuynh diệp để bé xông mũi cũng là một cách giảm nghẹt mũi rất tốt.
3. Chú ý môi trường sống
Các tác nhân bên ngoài như bụi bẩn, khói thuốc lá, lông động vật, thời tiết lạnh… cũng là nguyên nhân gây kích ứng đường hô hấp của bé. Vì vậy, bố mẹ nên giữ cho phòng bé ấm áp, sạch sẽ, giặt giũ chăn mền của bé và giữ bé tránh xa môi trường nhiều bụi bẩn, có khói thuốc lá để bé nhanh hồi phục hơn. Bên cạnh đó, hãy khuyến khích bé ngủ sớm, kê cao gối cho bé khi nằm chơi hoặc ngủ để bé dễ thở hơn.
4. Thay đổi chế độ ăn uống
Chế độ ăn uống đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc hỗ trợ phục hồi cho bé mắc viêm phế quản. Khi xây dựng chế độ ăn uống cho bé, bố mẹ nên:
- Cho bé uống nhiều nước, khi viêm phế quản bé dễ mất nước, việc uống nhiều nước sẽ giúp bù đắp nước mất đi đồng thời giúp bé dễ ho, tống xuất đờm và giảm bớt tắc nghẽn đường hô hấp.
- Cân bằng chế độ dinh dưỡng, tăng cường bổ sung các loại vitamin như vitamin A, C , E… thông qua các thực phẩm như bông cải xanh, cam, quýt, dâu tây, cà rốt, các loại quả mọng.
- Nên cho bé ăn nhiều sữa chua, các thực phẩm giàu canxi, protein và vitamin D để cung cấp dưỡng chất cần thiết, nâng cao sức đề kháng.
- Nên chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ, chế biến thức ăn ở dạng lỏng, mềm dễ nuốt như cháo, canh, súp và chọn các thực phẩm dễ tiêu hóa như đậu phụ, sữa bò, ngũ cốc… cho bé dễ sử dụng.
- Mẹ nên hạn chế cho con ăn các thực phẩm nhiều muối, có hàm lượng muối cao trong món ăn, việc thừa muối sẽ khiến cơ thể tích trữ nước làm gia tăng sự tạo nhầy ở phế quản
- Không nên cho bé uống nước có ga, ăn bánh kẹo ngọt, trái cây vị chua chát, đồ ăn đóng hộp chế biến sẵn, đồ ăn nhanh, thực ăn nhiều dầu mỡ, đồ ăn cay nóng…
Biện pháp phòng ngừa bệnh viêm phế quản ở trẻ em
Viêm phế quản là bệnh thường gặp, nhất là ở thời điểm giao mùa, khi thời tiết trở lạnh, bệnh mặc dù không quá nguy hiểm nhưng lại khiến bé khó chịu trong thời gian dài, ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Dưới đây là một số biện pháp giúp phòng ngừa viêm phế quản nói riêng và các bệnh về đường hô hấp nói chung cho trẻ em:
- Luôn chú ý giữ ấm cơ thể cho bé, nhất là vào thời điểm giao mùa, khi thời tiết trở lạnh, các bộ phận quan trọng là chân, bụng, và cổ cần luôn được đủ ấm
- Giữ vệ sinh sạch sẽ môi trường sống, cho bé đeo khẩu trang khi ra ngoài, hạn chế cho trẻ tiếp xúc với các dị nguyên dễ gây kích thích như phấn hoa, bụi bẩn, lông động vật…
- Thường xuyên vệ sinh phòng ngủ, giặt giũ gối mền của bé và luôn giữ cho môi trường sống sạch sẽ thoáng mát
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, đầy đủ dưỡng chất để tăng cường sức đề kháng, nâng cao sức khỏe
- Tiêm phòng đầy đủ, kháng sức khỏe định kỳ (6 tháng một lần) cho trẻ để kịp thời phát hiện các bệnh lý sớm nhất có thể
- Hạn chế, cách ly trẻ với người đang mắc các bệnh lý về đường hô hấp
- Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với môi trường ẩm mốc, ô nhiễm và khói thuốc lá.
Trên đây là một số thông tin về bệnh viêm phế quản ở trẻ em, các triệu chứng nhận biết và cách chăm sóc, điều trị phù hợp. Nếu trẻ có các triệu chứng bất thường, sốt cao, bỏ bú, ngủ li bì, bố mẹ nên nhanh chóng đưa con đến cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán.
Có thể bạn quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!