Các bước xét nghiệm chẩn đoán viêm da cơ địa
Nội Dung Bài Viết
Xét nghiệm chẩn đoán viêm da cơ địa thường được thực hiện trước khi can thiệp các phương pháp điều trị. Dựa vào tiền sử bệnh lý và tổn thương thực thể của từng trường hợp mà bác sĩ có thể chỉ định chẩn đoán lâm sàng, xét nghiệm cận lâm sàng, chẩn đoán phân biệt, chẩn đoán xác định và chẩn đoán dựa trên biến chứng của bệnh.
Khái niệm bệnh viêm da cơ địa
Viêm da cơ địa (chàm thể trạng) là một dạng tổn thương da mãn tính, dai dẳng và tái phát nhiều lần. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ và có mối liên hệ mật thiết với yếu tố cơ địa, di truyền. Triệu chứng điển hình của bệnh là tổn thương da đi kèm với tình trạng ngứa ngáy, khó chịu.
Chàm thể tạng phát triển qua 3 giai đoạn bao gồm, giai đoạn cấp tính, bán cấp và mãn tính. Hình thái tổn thương và triệu chứng cơ năng ở 3 giai đoạn này thường có đặc điểm riêng biệt.
Các xét nghiệm chẩn đoán viêm da cơ địa
Hiện tại không có xét nghiệm đặc hiệu đối với bệnh viêm da cơ địa. Vì vậy tùy vào từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ có thể chỉ định một số xét nghiệm sau:
1. Chẩn đoán lâm sàng theo giai đoạn bệnh
Da là vị trí ảnh hưởng chủ yếu của bệnh viêm da cơ địa. Vì vậy bác sĩ sẽ tiến hành quan sát biểu hiện lâm sàng để xác định bệnh lý và giai đoạn phát triển.
Giai đoạn cấp tính: Triệu chứng bùng phát đột ngột, dữ dội và có xu hướng lây lan nhanh chóng.
- Ở giai đoạn này, viêm da cơ địa thường gây ra vết ban da có màu hồng hoặc đỏ, ranh giới không rõ ràng.
- Sau đó trên bề mặt vết ban sẽ xuất hiện đám sẩn, mụn nước nhỏ, nông và không có vảy da.
- Da bắt đầu tiết dịch, phù nề và đóng thành các vảy tiết màu trắng hoặc vàng.
- Nếu có cào và gãi, các vết xước trên da sẽ tạo thành các vết trợt loét hoặc thậm chí bị nhiễm trùng (viêm da cơ địa bội nhiễm).
- Tổn thương da khởi phát khu trú ở cằm, má, cổ và trán hoặc có thể lây lan ra chân, tay và thân mình.
Giai đoạn bán cấp: Triệu chứng có mức độ nhẹ, không điển hình và khó nhận biết.
- Triệu chứng thuyên giảm dần
- Da không tiết dịch và phù nề
Giai đoạn mãn tính: Triệu chứng thường tiến triển chậm, ít sưng viêm nhưng thường gây ngứa ngáy từ âm ỉ đến dữ dội – đặc biệt ngứa nhiều vào ban đêm.
- Tổn thương da bị thâm nhiễm do gãi, cào nhiều
- Vùng da thương tổn dày sừng, khô và nứt nẻ gây đau
- Phạm vi ảnh hưởng ít hơn so với giai đoạn cấp tính nhưng thường có ranh giới rõ ràng so với những vùng da xung quanh
Ngoài tổn thương da, bệnh viêm da cơ địa còn có thể đi kèm với một số bệnh lý liên quan đến cơ địa khác như viêm kết mạc dị ứng, hen suyễn, viêm mũi dị ứng, chứng vẽ nổi, dày sừng nang lông và bệnh vảy cá thông thường.
2. Xét nghiệm cận lâm sàng
Sau khi thăm khám tổn thương thực thể, bác sĩ có thể yêu cần bạn thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng nhằm chẩn đoán bệnh viêm da cơ địa.
- Xét nghiệm định lượng IgE: Hơn 80% người mắc bệnh viêm da cơ địa thường có nồng độ IgE (kháng thể dị ứng) cao hơn bình thường. Để đo định lượng IgE, bác sĩ sẽ tiến hành lấy máu và đem xét nghiệm. Tuy nhiên có khoảng 20% bệnh nhân viêm da cơ địa có mức IgE bình thường.
- Xét nghiệm bạch cầu ái toan: Bạch cầu ái toan thường có xu hướng tăng lên trong giai đoạn bùng phát của bệnh viêm da cơ địa. Vì vậy bác sĩ sẽ đề nghị xét nghiệm máu nhằm đo nồng độ bạch cầu ái toan để có thêm dữ liệu trong quá trình chẩn đoán.
- Test áp bì (Patch test): Test áp bì là xét nghiệm dị ứng được thực hiện bằng tấm dán. Xét nghiệm này thường được chỉ định trong chẩn đoán viêm da cơ địa và hen suyễn. Khi thực hiện test áp bì, bác sĩ sẽ sát khuẩn lưng bằng cồn, sau đó sử dụng miếng dán có chứa các yếu tố nghi ngờ là dị nguyên. Xét nghiệm này cho phép bác sĩ xác định yếu tố kích thích bệnh bùng phát.
- Xét nghiệm tìm dị nguyên huyết thanh: Thông thường khi tiếp xúc với dị nguyên, hệ miễn dịch sẽ tạo ra IgE đặc hiệu để đối kháng. Vì vậy bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm máu để phát hiện sự hiện diện của IgE đặc hiệu.
3. Chẩn đoán xác định
Chẩn đoán xác định bệnh viêm da cơ địa bao gồm 4 tiêu chuẩn chính và một số tiêu chuẩn phụ. Bệnh nhân được chẩn đoán viêm da cơ địa cần có ít nhất 3 tiêu chuẩn chính và 3 tiêu chuẩn phụ.
Bốn tiêu chuẩn chính:
- Ngứa: Ngứa da là triệu chứng điển hình của viêm da cơ địa. Ngứa da có thể có mức độ âm ỉ đến dữ dội và thường tăng lên vào ban đêm, nhiệt độ cơ thể cao hoặc khi có ma sát.
- Tổn thương tái phát và kéo dài: Triệu chứng trên da của bệnh thường có xu hướng kéo dài khoảng vài tuần đến vài tháng. Hơn nữa, triệu chứng thường có đặc tính tái phát nhiều lần trong năm.
- Vị trí và hình thái thương tổn điển hình: Tổn thương da điển hình ở người lớn và trẻ trên 12 tuổi thường là dày da, nứt nẻ và có dấu hiệu lichen hóa. Trong khi đó, trẻ nhỏ thường xuất hiện tổn thương khu trú ở vùng duỗi, mặt, có màu hồng, đỏ và ranh giới không rõ ràng.
- Tiến sử gia đình hoặc tiền sử cá nhân: Có tiền sử liên quan đến các bệnh cơ địa như hen suyễn, viêm da cơ địa và viêm mũi dị ứng.
Một số tiêu chuẩn phụ:
- Viêm môi
- Mặt thường tái và đỏ
- Da khô
- Viêm kết mạc mắt
- Dị ứng thức ăn
- Đục thủy tinh thể
- Ngứa nhiều khi ra mồ hôi
- Nồng độ IgE tăng
- Tổn thương da xuất hiện ở tay
- Chứng vẽ nổi
- Da dễ bị nhiễm trùng và hay tái phát
- Xuất hiện vảy phấn trắng
- Giác mạc có hình chóp
- Mắt xuất hiện quầng thâm
- Chàm núm vú
- Tổn thương da tương tự chứng dày sừng nang lông
- Nếp dưới mắt
- Tuổi phát bệnh sớm (từ 2 tuần – 2 tuổi)
- Phản ứng da tức thì tuýp 1 dương tính (+)
Chẩn đoán dựa trên các tiêu chuẩn chính và phụ thường mất nhiều thời gian hơn so với chẩn đoán cận lâm sàng. Bởi ở hầu hết bệnh nhân, các tiêu chuẩn phụ thường không rõ ràng và thiếu tính điển hình. Vì vậy hiện nay chẩn đoán xác định đối với bệnh viêm da cơ địa ít khi được thực hiện.
4. Chẩn đoán phân biệt
Viêm da cơ địa có thể gây ra tổn thương da không điển hình và dễ nhầm lẫn với các bệnh da liễu mãn tính khác. Vì vậy bác sĩ có đề nghị chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý sau đây:
Chẩn đoán phân biệt ở trẻ em:
- Viêm da tiếp xúc: Viêm da tiếp xúc là tổn thương da xảy ra khi tiếp xúc vật lý với mỹ phẩm, thuốc bôi, nước hoa, nhựa thực vật, mủ độc từ côn trùng,… Bệnh gây ra tổn thương da có màu đỏ/ hồng, đi kèm với triệu chứng rộp, đau rát và ngứa ngáy.
- Ghẻ chàm hóa: Ghẻ chàm hóa là tình trạng tổn thương da do ghẻ bị gãi, cào trong thời gian dài và có dấu hiệu chàm hóa. Bác sĩ có thể sinh thiết mô da để xác định sự hiện diện của ký sinh trùng Sarcoptes scabiei.
- Viêm da dầu/ viêm da tiết bã nhờn: Viêm da dầu là bệnh lý da liễu thường gặp ở trẻ nhỏ, chủ yếu gây tổn thương da ở mặt duỗi của chi, mặt và vùng da đầu. Triệu chứng điển hình của bệnh lý này là tổn thương da có màu đỏ, ít gây ngứa và có vảy tiết màu nâu vàng.
- Nấm da: Nấm da (hắc lào) thường gây tổn thương có hình nhẫn, da khô, hơi đỏ và ngứa.
- Hội chứng Wiskott-Aldrich: Hội chứng Wiskott-Aldrich là chứng suy giảm miễn dịch đặc hiệu tiên phát, đặc trưng bởi sự suy giảm chức năng của tế bào T. Trẻ mắc hội chứng này thường bị tổn thương da dạng chàm nặng.
Chẩn đoán phân biệt ở người lớn:
- Viêm da ánh nắng: Viêm da ánh nắng là tình trạng viêm da do nhạy cảm hoặc tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng hoặc các nguồn tia ánh sáng khác. Tổn thương da điển hình là tình trạng phù, đỏ da, xuất hiện mụn nhỏ, tiết nước và thường xảy ra ở môi.
- Vảy nến: Vảy nến là một dạng viêm da đặc trưng bởi tình trạng da khô và có vảy trắng bạc như nến. Bệnh có liên quan đến rối loạn miễn dịch và yếu tố di truyền.
- Các bệnh lý khác: Phân biệt với viêm da tiếp xúc, viêm da dầu, ghẻ chàm hóa và nấm da tương tự như viêm da cơ địa ở trẻ.
5. Chẩn đoán biến chứng bệnh
Viêm da cơ địa là bệnh da liễu khá lành tính. Tuy nhiên do tính chất dai dẳng và tái phát nhiều lần nên bệnh có khả năng gây ra nhiều biến chứng. Vì vậy bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh thông qua các biến chứng sau:
– Trẻ bị viêm da cơ địa có thể chậm lớn
Viêm da cơ địa thực chất là bệnh hệ thống, có liên quan đến cơ địa dễ dị ứng. Ngoài tổn thương da, bệnh còn có thể đi kèm với một số vấn đề sức khỏe khác như viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc dị ứng, hen suyễn và sốt cỏ khô. Vì vậy trẻ bị viêm da cơ địa thường chậm lớn hơn so với những trẻ khỏe mạnh.
– Ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống
Do tính chất dai dẳng và gây ngứa dữ dội nên bệnh nhân viêm da cơ địa thường phải đối với tình trạng mất ngủ, khó ngủ, tự tin, lo lắng quá mức,…
Ngoài ra tổn thương da theo thời gian có thể bị thâm nhiễm, lichen hóa, dày sừng, gây ảnh hưởng đến ngoại hình và sự tự tin trong giao tiếp và các hoạt động sinh hoạt khác.
– Đỏ da toàn thân
Ở một số trường hợp, tổn thương do viêm da cơ địa có thể bùng phát và lây lan toàn thân. Biến chứng này thường gặp ở trẻ nhỏ và người có cơ địa cực kỳ nhạy cảm.
– Mắc các bệnh về mắt (đục thủy tinh thể, viêm kết mạc dị ứng)
Bệnh nhân bị viêm da cơ địa ở mặt thường gặp phải các biến chứng về mắt như viêm kết mạc dị ứng và đục thủy tinh thể. Hiện tại các chuyên gia vẫn chưa thể xác định cơ chế tác động giữa các bệnh lý này. Tuy nhiên theo thống kê, có đến 15% người bị viêm da cơ địa phát triển các bệnh lý nói trên.
– Có nguy cơ nhiễm khuẩn da cao
Viêm da cơ địa kéo dài có thể tăng nguy cơ nhiễm khuẩn da. Virus và vi khuẩn có thể xâm nhập vào vết lở loét hoặc vết xước do gãi cào và gây bội nhiễm.
Sau khi thực hiện các xét nghiệm cần thiết, bác sĩ có thể cân nhắc các dữ liệu đã được thu thập và đưa ra chẩn đoán cuối cùng.
Bài viết đã tổng hợp một số xét nghiệm chẩn đoán viêm da cơ địa được áp dụng phổ biến. Tuy nhiên, bác sĩ có thể chỉ định một số xét nghiệm khác tùy vào tình trạng sức khỏe và biểu hiện lâm sàng của từng trường hợp.
Tham khảo thêm: [Giải đáp] Bệnh viêm da cơ địa có lây không ? Cách phòng bệnh ?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!