Nữ giới có bị yếu sinh lý không? Nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết
Nội Dung Bài Viết
Trên thực tế, yếu sinh lý không chỉ xảy ra ở nam giới mà nữ giới cũng có thể mắc bệnh lý này. Suy giảm sinh lý nữ thường xảy ra do thiếu hụt nội tiết tố, ảnh hưởng của các bệnh phụ khoa, dị tật cơ quan sinh dục, chế độ ăn uống – sinh hoạt thiếu khoa học và đời sống tình dục phóng túng.
Nữ giới có bị yếu sinh lý không?
Yếu sinh lý là bệnh lý tương đối phổ biến, ảnh hưởng chủ yếu đến người trong độ tuổi trung niên – đặc biệt là nam giới. Tuy nhiên thực tế, bệnh lý này vẫn có thể xảy ra ở nữ giới. Khác với nam giới, yếu sinh lý nữ có biểu hiện không điển hình và rõ ràng nên đa phần khó phát hiện và nhận biết trong giai đoạn mới phát.
Yếu sinh lý nữ đề cập đến các rối loạn chức năng tình dục, bao gồm cả yếu tố tinh thần và thể chất. Bệnh hầu như không gây nguy hiểm đến sức khỏe mà chỉ tác động đến hoạt động tình dục và chức năng sinh sản. Bệnh lý này thường gặp ở nữ giới trên 45 tuổi, phụ nữ sau khi sinh nở hoặc lao động nặng.
Hiện nay, không có biện pháp đặc hiệu đối với bệnh yếu sinh lý nói chung và yếu sinh lý nữ nói riêng. Phương pháp điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân cụ thể, mức độ triệu chứng và giai đoạn phát triển của bệnh.
Nguyên nhân gây yếu sinh lý ở nữ giới
Nguyên nhân chủ yếu gây bệnh yếu sinh lý nữ là do suy giảm nội tiết tố. Bên cạnh đó, bệnh cũng có thể là hệ quả do chế độ dinh dưỡng – sinh hoạt không lành mạnh, quan hệ tình dục quá độ, dị tật bẩm sinh vùng sinh dục,…
Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến gây yếu sinh lý ở nữ giới, bao gồm:
1. Suy giảm nội tiết tố
Nội tiết tố là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tổng thể và chức năng sinh lý của nữ giới. Tuy nhiên, nồng độ nội tiết có xu hướng suy giảm khi tuổi tác tăng lên – đặc biệt trong giai đoạn tiền mãn kinh và sau mãn kinh.
Suy giảm hormone estrogen và progesterone có thể khiến nữ giới giảm ham muốn, gặp khó khăn khi hoạt động tình dục, cơ thể mệt mỏi, tâm lý bất ổn, tình tính gắt gỏng,… Bên cạnh đó, nồng độ hormone giảm còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính.
Ngoài nguyên nhân do tuổi tác, thiếu hụt hormone sinh lý ở nữ giới còn do phẫu thuật cắt buồng trứng, lạm dụng thuốc tránh thai hoặc ảnh hưởng của một số bệnh lý mãn tính.
2. Mắc các bệnh phụ khoa
Nữ giới mắc các bệnh phụ khoa như viêm âm đạo, lạc nội mạc tử cung, viêm vùng chậu, ung thư cổ tử cung,… có nguy cơ yếu sinh lý cao. Các bệnh lý này khiến âm đạo thường xuyên đau rát, chảy máu và ngứa ngáy – đặc biệt là khi quan hệ tình dục.
Hơn nữa, nữ giới bị các bệnh phụ khoa thường e dè, ngại ngùng và thiếu tự tin khi “ân ái”. Theo thời gian, nữ giới không còn ham muốn tình dục và hiếm khi nghĩ đến chuyện “giường chiếu”.
3. Chế độ ăn uống – sinh hoạt không lành mạnh
Chế độ ăn uống – sinh hoạt tác động trực tiếp đến thể trạng và chức năng sinh lý ở cả nam và nữ giới. Thực tế cho thấy, người có lối sống không lành mạnh, thường xuyên dung nạp rượu bia, đồ uống chứa chất kích thích, thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn, thức khuya, hút thuốc lá,… có nguy cơ bị yếu sinh lý và mắc các bệnh mãn tính cao.
Các thói quen này khiến cơ thể suy nhược, giảm khả năng tuần hoàn máu, gây thoái hóa tế bào thần kinh, ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp, tuyến thượng thận và buồng trứng (các cơ quan sản xuất hormone sinh lý nữ).
4. Đời sống tình dục phóng túng
Ngoài chế độ sinh hoạt và ăn uống, yếu sinh lý nữ cũng có thể là hệ quả do đời sống tình dục phóng túng. Chức năng sinh lý và khả năng sinh sản ở nữ giới có thể suy giảm mạnh do quan hệ tình dục quá mức, quan hệ không an toàn, quan hệ tập thể hoặc quan hệ với những đối tượng mắc bệnh xã hội.
Ngoài ra, nữ giới có thói quen thủ dâm quá mức, thường xuyên xem phim ảnh và tạp chí đồi trụy cũng có khả năng gặp phải các rối loạn tình dục.
5. Ảnh hưởng của các bệnh lý mãn tính
Các bệnh mãn tính như huyết áp cao, tiểu đường, bệnh gút, lupus ban đỏ, viêm khớp, ung thư,… có thể tác động tiêu cực đến hoạt động tình dục của nữ giới. Ngoài ra, một số bệnh lý rối loạn chuyển hóa còn ảnh hưởng đến chức năng các cơ quan bài tiết hormone như buồng trứng, tuyến thượng thận và tuyến giáp.
Bên cạnh đó, can thiệp ngoại khoa điều trị bệnh lý ở vùng chậu, buồng trứng và vùng cột sống cũng có thể là nguyên nhân gây yếu sinh lý nữ. Tác động từ phẫu thuật khiến cơ vùng hông suy giảm, gây đau rát, khó chịu khi ân ái và dần dần khiến nữ giới giảm nhu cầu tình dục.
6. Do các vấn đề tâm lý
Ngoài các nguyên nhân thực thể, yếu sinh lý còn có thể bắt nguồn từ các vấn đề tâm lý. Khi nghiên cứu các nhà khoa học nhận thấy, hầu hết nữ giới suy giảm chức năng sinh lý đều gặp phải các vấn đề như trầm cảm, căng thẳng kéo dài, từng bị lạm dụng tình dục, gặp sự cố khi “ân ái” hoặc có thể do rắc rối trong đời sống hôn nhân.
Bên cạnh đó, một số nữ giới còn e ngại khi quan hệ tình dục do kỹ năng giường chiếu yếu kém, không tự tin về hình thể,…
7. Một số nguyên nhân khác
Ngoài những nguyên nhân trên, yếu sinh lý nữ còn có thể khởi phát do các yếu tố sau:
- Lạm dụng sản phẩm hỗ trợ hoạt động tình dục: Thuốc kích dục, gel bôi trơn, bao cao su có gai,… là các sản phẩm hỗ trợ hoạt động tình dục được sử dụng khá phổ biến. Các sản phẩm này giúp cả nam và nữ giới dễ dàng đạt được “khoái cảm” và thăng hoa khi ân ái. Tuy nhiên tình trạng lạm dụng quá mức có thể khiến nữ giới không còn hứng thú khi quan hệ tình dục thông thường.
- Tác dụng phụ của thuốc điều trị: Ngoài ra, yếu sinh lý nữ còn là hệ quả do sử dụng một số loại thuốc điều trị như thuốc điều trị tăng huyết áp, thuốc giảm mỡ máu, thuốc chống loạn thần, thuốc chống động kinh, thuốc an thần, thuốc kháng histamine, thuốc giảm đau gây nghiện,…
- Dị tật vùng kín bẩm sinh: Nữ giới bị dị tật vùng kín thường gặp khó khăn khi “ân ái”, đau rát, chảy máu và ngứa ngáy khi hoạt động tình dục. Hơn nữa, dị tật âm đạo và âm hộ còn gây tâm lý thiếu tự tin và e ngại trước bạn tình.
- Mất ngủ kéo dài: Mất ngủ kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể mà còn tác động gián tiếp đến chức năng tình dục. Ngủ không đủ giấc khiến buồng trứng giảm sản xuất hormone, dẫn đến nhu cầu tình dục thấp, cơ thể mệt mỏi và thiếu sinh lực.
Yếu sinh lý nữ biểu hiện qua dấu hiệu nào?
Yếu sinh lý nữ có biểu hiện không rõ rệt và khó nhận biết ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên khi bệnh lý tiến triển, nữ giới không chỉ gặp phải các rối loạn tình dục mà còn phát sinh kèm theo các triệu chứng toàn thân.
1. Triệu chứng yếu sinh lý nữ về khía cạnh tình dục
Nữ giới bị yếu sinh lý thường biểu hiện qua các triệu chứng sau:
- Nhu cầu tình dục suy giảm hoặc thậm chí không có ham muốn
- Âm đạo khô hạn, đau rát và ngứa ngáy khi giao hợp
- Đau khi quan hệ và có xu hướng chảy máu sau khi ân ái do niêm mạc âm đạo quá khô
- Khó khăn hoặc không thể đạt được cực khoái
- Có xu hướng trốn tránh chuyện giường chiếu và khó chịu trong suốt thời gian “ân ái”
2. Nhận biết yếu sinh lý nữ qua triệu chứng toàn thân
Bên cạnh những triệu chứng về khía cạnh tình dục, yếu sinh lý nữ còn biểu hiện qua một số triệu chứng toàn thân như:
- Cơ thể mệt mỏi, thiếu sức sống và giảm mức độ tập trung
- Rối loạn kinh nguyệt
- Thường xuyên đổ mồ hôi, bốc hỏa, khó ngủ, ngủ chập chờn
- Đau nhức xương khớp, loãng xương
- Dễ cáu gắt và trở nên nhạy cảm
- Vòng 1 thiếu săn chắc, chảy xệ
- Da sạm, xuất hiện tàn nhang, nám và nếp nhăn
- Tóc rụng nhiều
- Tăng kích thước vòng 2
- Suy giảm trí nhớ
- Móng giòn, dễ gãy
Ảnh hưởng của chứng yếu sinh lý ở nữ giới
Như đã đề cập, yếu sinh lý ở nữ giới không gây nguy hiểm đến sức khỏe. Tuy nhiên bệnh lý này có thể làm giảm ham muốn và gây ra các rối loạn tình dục. Nếu không kịp thời điều trị và kiểm soát, yếu sinh lý ở nữ giới có thể dẫn đến các ảnh hưởng nghiêm trọng như:
- Giảm khả năng sinh sản: Hầu hết nữ giới suy giảm nội tiết đều có vùng kín khô hạn, ít chất nhờn, độ pH trong âm đạo bất ổn, chu kỳ kinh nguyệt không đều,… Các điều kiện này khiến tinh trùng khó khăn khi thâm nhập vào tử cung và “gặp gỡ”trứng. Nếu không điều trị kịp thời, nữ giới bị yếu sinh lý có thể bị suy giảm hoặc mất hẳn chức năng sinh sản.
- Ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình: Thực tế, tình dục là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến đời sống hôn nhân. Hòa hợp về chuyện giường chiếu giúp các cặp vợ chồng duy trì tình cảm mặn nồng, gần gũi và thấu hiểu nhau. Ngược lại, đời sống tình dục không viên mãn khiến cả hai xuất hiện rào cản và dễ phát sinh mâu thuẫn.
- Tác động đến sức khỏe và tâm lý nữ giới: Yếu sinh lý nữ không chỉ ảnh hưởng đến đời sống tình dục mà còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như loãng xương, tim mạch, tiểu đường, rối loạn tiền đình,… Ngoài ra, chức năng sinh lý suy giảm còn khiến nữ giới lo lắng về hạnh phúc gia đình, thiếu tự tin và e ngại khi gần gũi với bạn đời.
Các phương pháp điều trị yếu sinh lý nữ
Khắc phục yếu sinh lý nữ phụ thuộc vào nguyên nhân cụ thể. Vì vậy trước khi can thiệp điều trị, nữ giới nên tìm gặp bác sĩ Sản phụ khoa để được thăm khám và chẩn đoán.
Dựa vào kết quả chẩn đoán, bác sĩ có thể chỉ định một số phương pháp điều trị như sau:
1. Điều trị bằng biện pháp tâm lý
Trong trường hợp suy giảm sinh lý nữ khởi phát do căng thẳng, trầm cảm, ám ảnh về hoạt động tình dục, rắc rối trong đời sống hôn nhân, mất ngủ,… bác sĩ thường chỉ định điều trị bằng biện pháp tâm lý.
Tùy vào từng vấn đề tâm lý, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc như thuốc ngủ, thuốc an thần,… để cải thiện tình trạng mất ngủ, giảm căng thẳng và chống trầm cảm.
Tuy nhiên đối với những trường hợp ám ảnh về vấn đề tình dục, thiếu tự tin về kỹ năng giường chiếu hoặc từng gặp sự cố khi “ân ái”, bác sĩ có thể đề nghị điều trị bằng liệu pháp hôn nhân, liệu pháp tâm lý cá nhân, liệu pháp hành vi,…
Mục đích của các liệu pháp này là loại bỏ cảm xúc/ suy nghĩ tiêu cực, thay đổi nhận thức, cảm xúc và cải thiện các hành vi bất thường. Ngoài ra, liệu pháp tâm lý còn giúp nữ giới cải thiện kỹ năng tình dục và tự tin hơn khi giao hợp.
2. Sử dụng thuốc tăng sinh lý nữ
Thống kê cho thấy, hầu hết nữ giới bị yếu sinh lý đều bắt nguồn từ suy giảm nội tiết tố. Dựa vào mức độ thiếu hụt estrogen và progesterone, bác sĩ có thể chỉ định các loại thuốc tăng sinh lý nữ sau:
- Thuốc bổ sung nội tiết đặc hiệu: Đối với nữ giới tiền mãn kinh, mãn kinh, suy buồng trứng hoặc phải cắt bỏ buồng trứng, thuốc bổ sung nội tiết đặc hiệu thường được chỉ định nhằm cân bằng hormone estrogen và progesterone. Ngoài khả năng tăng cường sinh lý, loại thuốc này còn giúp làm các triệu chứng tiền mãn kinh, khô âm đạo, loãng xương, cải thiện tóc và làn da. Một số loại thuốc bổ sung nội tiết đặc hiệu thường được sử dụng, bao gồm Femoston và thuốc Progynova.
- Thuốc hỗ trợ tăng cường sinh lý nữ: Thuốc hỗ trợ tăng cường sinh lý thường chứa thành phần là các thảo dược tự nhiên có khả năng sản sinh nội tiết tố như mầm đậu nành, nhân sâm, bạch quả, xuyên khung, tinh dầu hoa anh thảo,… So với thuốc bổ sung nội tiết đặc hiệu, các viên uống hỗ trợ có độ an toàn cao, phù hợp với nhiều đối tượng nhưng thường có hiệu quả chậm.
3. Can thiệp ngoại khoa
Can thiệp ngoại khoa được cân nhắc khi yếu sinh lý xảy ra do dị tật ở âm đạo và âm hộ (màng trinh quá dày, dị tật vách ngăn âm đạo, hẹp âm hộ,…). Đối với dị tật bẩm sinh, bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng, siêu âm, chụp X-Quang,… để xác định vị trí dị tật và phẫu thuật cắt bỏ.
Ngoài ra, can thiệp ngoại khoa cũng được áp dụng đối với nữ giới có mong muốn chỉnh sửa hình dạng “cô bé”, làm hồng vùng kín, thu nhỏ kích thước âm đạo,… để tự tin hơn khi “ân ái”.
Tuy nhiên, phẫu thuật thường đi kèm với các biến chứng và rủi ro tiềm ẩn. Vì vậy, nữ giới chỉ nên can thiệp ngoại khoa khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
4. Cải thiện yếu sinh lý nữ bằng lối sống lành mạnh
Hiện nay, các biện pháp điều trị y tế chỉ giúp cân bằng nồng độ nội tiết, hỗ trợ cải thiện ham muốn và chức năng tình dục. Vì vậy, nữ giới nên kết hợp với chế độ chăm sóc khoa học để tăng cường sức khỏe tổng thể, giảm các rối loạn tình dục và làm chậm quá trình lão hóa.
Xây dựng lối sống khoa học đối với nữ giới bị yếu sinh lý:
- Tăng hormone estrogen với các loại thực phẩm lành mạnh như đậu nành, hàu, socola đen, quả lựu, rau bina, chuối,… Ngoài tác dụng cải thiện nội tiết tố, các loại thực phẩm này còn hỗ trợ nâng cao sức khỏe tổng thể và tăng cường miễn dịch.
- Tránh sử dụng các loại thực phẩm và đồ uống ảnh hưởng đến sức khỏe nói chung và chức năng sinh lý nữ nói riêng như cà phê, rượu bia, đồ ăn nhanh, thức ăn đóng hộp, gia vị, dầu mỡ,…
- Dành thời gian nghỉ ngơi và giảm khối lượng công việc để hạn chế căng thẳng và lo lắng quá mức. Ngoài ra, nữ giới cũng có thể giải tỏa stress bằng cách nghe nhạc, đọc sách, chơi với thú cưng và tâm sự với bạn đời.
- Không sử dụng thuốc lá và chất kích thích. Đồng thời tránh lạm dụng thuốc kích dục, sản phẩm hỗ trợ và hạn chế xem quá nhiều phim ảnh, tạp chí đồi trụy.
- Chung thủy với 1 bạn tình và quan hệ tình dục với tần suất phù hợp.
- Hoạt động thể chất có thể làm chậm quá trình lão hóa, cải thiện nồng độ và ham muốn tình dục. Hơn nữa, tập thể dục còn giúp giảm căng thẳng, cải thiện độ dẻo dai của xương khớp và giúp nữ giới linh hoạt hơn khi “ân ái”. Do đó, nên dành từ 15 – 30 phút/ ngày để bơi lội, đi bộ, đạp xe hoặc tập yoga.
- Thay đổi một số thói quen xấu như thức khuya, ngủ không đủ giấc, làm việc quá sức,…
5. Một số biện pháp khác
Yếu sinh lý nữ xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Vì vậy ngoài những biện pháp điều trị nói trên, nữ giới có thể cải thiện các rối loạn tình dục bằng một số cách sau:
- Trao đổi với bác sĩ để ngưng sử dụng một số loại thuốc ảnh hưởng đến chức năng sinh lý. Đồng thời điều trị triệt để các bệnh lý nguyên nhân như viêm đường tiết niệu, bệnh phụ khoa, gút, tiểu đường, tuyến giáp,…
- Nếu có mâu thuẫn với bạn đời, cả hai nên chủ động trò chuyện để tìm hướng giải quyết. Trong trường hợp không tìm được tiếng nói chung, nên tìm gặp bác sĩ Tâm lý.
- Chủ động bày tỏ với bạn tình mong muốn khi “ân ái” để được đáp ứng. Tránh tình trạng chịu đựng các tư thế hoặc một số hành động khiến bạn khó chịu.
- Nếu cảm thấy nhàm chán khi quan hệ, nên trao đổi trực tiếp với bạn đời để cả hai tìm kiếm các tư thế mới lạ, thay đổi không gian và thời điểm “ân ái” nhằm tạo cảm giác mới mẻ và hứng thú. Hoặc có thể kích thích ham muốn tình dục và hâm nóng tình cảm bằng các buổi hẹn hò lãng mạn.
Yếu sinh lý ở nữ giới không chỉ ảnh hưởng đến đời sống tình dục và khả năng sinh sản mà còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý mãn tính như trầm cảm, loãng xương, cao huyết áp, tiểu đường,… Do đó khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường, nữ giới nên tìm gặp bác sĩ Sản phụ khoa để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị trong thời gian sớm nhất.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!