Axit folic là gì? Vì sao cần bổ sung Axit folic khi mang thai?
Nội Dung Bài Viết
Axit folic có vai trò quan trọng trong quá trình mang thai. Đây là dưỡng chất thiết yếu giúp thai nhi phát triển toàn diện, hạn chế nguy cơ dị tật bẩm sinh. Chính vì thế, thai phụ nên lưu ý và bổ sung Axit folic để con sinh ra được khỏe mạnh, an toàn.
Axit folic là gì?
Axit folic có nhiều tên gọi khác nhau như Folacin, Folat, nằm trong nhóm vitamin B, cụ thể là vitamin B9. Axit folic là một dưỡng chất cần thiết của cơ thể con người. Đây là yếu tố nuôi dưỡng và tăng sinh tế bào phát triển. Đặc biệt, nó đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với phụ nữ mang thai và sau khi sinh.
Axit folic hiện là một trong số những dưỡng chất được đưa vào các sản phẩm ngũ cốc, bột mì, bánh quy, cookie,…Ngoài ra, bà bầu có thể tìm hiểu và bổ sung dưỡng chất này thông qua một số thực phẩm như rau chân vịt, bông cải, măng tây, hạt, chuối, dưa gang, thận bò,…
Vì sao cần bổ sung Axit folic khi mang thai?
Axit folic có vai trò quan trọng trong quá trình mang thai. Dưỡng chất có nhiệm vụ bảo vệ và phát triển não bộ cũng như tủy sống của thai nhi. Thậm chí, ngay từ khi bào thai hình thành trong tử cung thì não và tủy sống đã được hình thành. Điều này diễn ra trước khi phụ nữ biết được mình đang mang thai.
Chính vì thế, việc bổ sung Axit folic trong giai đoạn thai kỳ sẽ giúp cho đứa trẻ được phát triển toàn diện. Đồng thời, loại axit này sẽ hỗ trợ bà bầu và thai nhi tránh được những rủi ro không mong muốn về sức khỏe. Theo các chuyên gia, nếu bổ sung đủ Axit folic sẽ giúp mẹ và bé giảm được đến 72% nguy cơ biến chứng thai kỳ.
Tác dụng của Axit folic đối với thai phụ và thai nhi
Giai đoạn mang thai, bà bầu cần bổ sung nhiều dưỡng chất để đáp ứng nhu cầu của bản thân và dinh dưỡng cho thai nhi. Một trong số các dưỡng chất đó không thể không nhắc đến Axit folic, bởi vì:
Axit folic giúp ngăn ngừa khuyết tật bẩm sinh
Một số ảnh hưởng liên quan đến não và tủy sống của trẻ sẽ được khắc phục nếu bà bầu bổ sung đủ lượng Axit folic trong thai kỳ. Các khuyết tật có thể sẽ gồm cả các khiếm khuyết nứt đốt sống, thiếu một phần não bộ,…
Axit folic giúp phòng ngừa thiếu máu
Phụ nữ mang thai rất dễ rơi vào tình trạng thiếu máu. Axit folic lúc này sẽ đảm nhận vai trò cực kỳ quan trọng. Đó là: Cung cấp tế bào máu, sản sinh ra tế bào mới cho cơ thể. Trường hợp thiếu Axit folic, thai phụ phải đối mặt với nguy cơ sảy thai, sinh non cao. Thậm chí, một số vấn đề liên quan đến thần kinh như tâm thần sau sinh hoặc tình trạng suy dinh dưỡng bào thai cũng là mối đe dọa nếu thiếu loại axit này.
Ngoài ra, thai nhi cũng dễ mắc phải các bệnh lý liên quan đến tim mạch, dị tật hở hàm ếch nếu thai phụ bị thiếu hụt Axit folic. Do đó, mẹ bầu cần chú ý và bổ sung các thực phẩm chứa Axit folic trong thời kỳ mang thai để tránh những nguy cơ kể trên.
Axit folic giúp giảm nguy cơ ung thư
Dưỡng chất này có một vai trò nữa đó là giúp giảm tỷ lệ nhỏ biến chứng ung thư, điển hình là ung thư vú. Ngoài ra, các dạng tổn thương liên quan đến ruột kết, cổ tử cung cũng có thể được kiểm soát nếu bổ sung đủ Axit folic.
Và hơn thế, loại axit này cũng góp phần cải thiện tình trạng tim mạch, ngăn ngừa nguy cơ đột quỵ,…Tuy nhiên, cho đến nay những giả thuyết này vẫn chưa được giới chuyên môn đưa ra kết luận cụ thể.
Axit folic giúp ngăn ngừa bệnh lý
Ngoài những tác dụng tích cực kể trên, Axit folic còn đóng vai trò quan trọng giúp thai phụ cải thiện tình trạng quên nhớ khi mang thai. Ngoài ra, nó còn là dưỡng chất giúp người bệnh mất trí nhớ, giảm thính lực, lão hóa, gặp vấn đề xương khớp,…khắc phục tình trạng hiệu quả.
Axit folic giúp phát triển khả năng ngôn ngữ
Axit folic như đã đề cập có tác dụng tích cực đối với não bộ và tủy sống của trẻ. Chính vì thế, việc bổ sung đủ loại axit này trong quá trình mang thai sẽ giúp em bé chào đời phát triển tốt hơn về khả năng ngôn ngữ. Trẻ em tránh được nguy cơ chậm phát triển về ngôn ngữ và tư duy.
Mặc dù có nhiều dưỡng chất góp phần vào quá trình phát triển tư duy của trẻ. Tuy nhiên, vai trò của Axit folic có phần cao hơn so với những dưỡng chất cần thiết khác. Do đó, nếu muốn con sinh ra được phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn trí tuệ, bà bầu nên chú ý đến việc bổ sung dưỡng chất này trong suốt quá trình mang thai.
Axit folic giúp cải thiện sức khỏe trẻ nhỏ
Nhờ vào tác dụng ngăn ngừa những dị tật bẩm sinh không mong muốn về não và tủy sống của trẻ mà Axit folic trở thành dưỡng chất quan trọng trong suốt quá trình mang thai. Trường hợp trẻ bị thiếu hụt Axit folic có nguy cơ mắc anencephaly (dạng dị tật khiến trẻ không có não hoặc một phần hộp sọ.
Những em bé sinh ra có dị tật này thường có vòng đời ngắn ngủi. Ngoài ra, nếu thiếu Axit folic nguy cơ dị tật đốt sống cũng khá cao. Nguy hại cho sức khỏe và khả năng vận động của trẻ nhỏ. Do đó, lợi ích mà loại axit này mang lại là vô cùng quan trọng đối với sức khỏe của cả mẹ và bé.
Bà bầu cần bổ sung Axit folic như thế nào?
Một vài dấu hiệu nhận diện việc cần bổ sung Axit folic cho bà bầu:
- Phụ nữ khi mang thai gặp một số vấn đề về tâm lý, không thể tập trung, hay quên, dễ nổi giận,..
- Cơ thể bị đau mỏi thường xuyên.
- Màu sắc của da thay đổi, xuống sắc và trông nhợt nhạt hơn bình thường.
- Gặp vấn đề về hô hấp như khó thở.
- Tiêu hóa khó, dễ bị buồn nôn, đau bụng tiêu chảy, chán ăn,…
- Miệng bị lở, loét, sưng viêm vùng lưỡi, giảm vị giác,…
Bà bầu nên bổ sung Axit folic với lượng vừa đủ khoảng 400mcg/ ngày. Đây là liều lượng được các chuyên gia khuyên dùng. Bà bầu có thể bổ sung thông qua các thực phẩm bổ sung dạng viên uống tổng hợp. Tuy nhiên, bạn nên lưu ý xem liều lượng trong một viên đã đủ hay không.
Bên cạnh đó, việc bổ sung Axit folic từ các nguồn thực phẩm khác cũng rất cần thiết. Bà bầu có thể tham khảo liều lượng theo các giai đoạn cơ bản để việc dung nạp đủ dưỡng chất đạt hiệu quả tốt nhất:
- Giai đoạn trước khi mang thai: Liều lượng đủ 400mcg.
- Tam cá nguyệt thứ nhất: Liều lượng đủ 400mcg.
- Hai tam cá nguyệt tiếp theo: Liều lượng đủ 600mcg.
- Giai đoạn cho con bú: Liều lượng đủ 500mcg.
Bà bầu nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi mua và sử dụng thực phẩm bổ sung. Đặc biệt, để tránh các tác dụng không mong muốn, bà bầu nên chọn mua sản phẩm viên uống ở những nơi uy tín. Bên cạnh đó, hãy chú ý đến nhãn dán và liều lượng cần nạp vào cơ thể.
Trường hợp nhận thấy thai nhi có nguy cơ mắc dị tật ống thần kinh, các chuyên gia có thể cho phép thai phụ gia tăng liều lượng sử dụng cao hơn 5mcg/ ngày cho đến tuần thứ 12. Ngoài ra, bạn cũng nên lưu ý, nếu bố hoặc mẹ từng bị dị tật ống thần kinh thì tỷ lệ con mắc phải tình trạng này là khá cao.
Phụ nữ đang sử dụng thuốc chống động kinh, trước khi sử dụng Axit folic cần thăm hỏi ý kiến của bác sĩ. Nếu cần thiết sẽ được chỉ định dùng với liều lượng cao hơn. Do đó, trước khi có ý định mang thai, phụ nữ cần kiểm tra và lập kế hoạch để thai nhi có điều kiện phát triển toàn diện và khỏe mạnh nhất.
Một số lưu ý khi sử dụng Axit folic cho bà bầu
Bên cạnh việc lưu ý về liều lượng Axit folic nạp vào cơ thể, bà bầu cũng nên lưu ý các vấn đề sau:
- Thời gian thích hợp để bổ sung Axit folic là vào giữa 2 bữa ăn.
- Uống viên bổ sung Axit folic cùng với nước cam sẽ làm tăng khả năng hấp thụ. Ngoài ra, bạn cũng có thể chọn các loại nước trái cây có vitamin C khác, không nhất thiết chỉ dùng cố định một loại nước cam.
- Tránh uống cùng với cà phê, nước trà,…các thức uống chứa cồn và cafein sẽ làm giảm khả năng hấp thụ Axit folic của cơ thể.
- Bổ sung Axit folic có thể làm tăng nguy cơ bị táo bón. Chính vì thế, bà bầu nên uống nhiều nước và ăn nhiều rau xanh.
- Bên cạnh bổ sung Axit folic, bà bầu nên chú ý cân bằng dinh dưỡng. Dung nạp vào cơ thể các loại vitamin và khoáng chất cần thiết. Đây là yếu tố quan trọng quyết định sức khỏe và trí tuệ của trẻ mà bà bầu không nên chủ quan.
Trên đây là thông tin về Axit folic trong thời kỳ mang thai. Hy vọng bài viết đã đem lại kiến thức hữu ích cho bạn đọc. Giai đoạn thai kỳ và sau sinh sẽ gặp nhiều khó khăn. Chính vì thế, bà bầu nên chủ động tìm kiếm thông tin và tham vấn ý kiến bác sĩ để bảo vệ sức khỏe của mẹ và bé.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!