Bà bầu bị đau nhức xương khớp: Nguyên nhân và hướng khắc phục
Nội Dung Bài Viết
Bà bầu bị đau nhức xương khớp khi mang thai là tình trạng thường gặp, xảy ra ở hầu hết mọi bà bầu khiến chị em vô cùng khó chịu, không chỉ ảnh hưởng đến thể trạng mà còn ảnh hưởng đến tâm lý. Dưới đây là một số nguyên nhân gây đau nhức xương khớp thường gặp và cách khắc phục an toàn cho mẹ bầu.
Nguyên nhân đau nhức xương khớp khi mang thai
Trong thời kỳ mang thai lẫn sinh nở, chị em sẽ dễ gặp phải các vấn đề liên quan đến cơ xương khớp, nhẹ thì nhức mỏi, chuột rút, đau cổ tay cổ chân, đau vùng thắt lưng, nặng thì có thể bị cơn tetani (triệu chứng co cơ không chủ ý). Có nhiều nguyên nhân khiến bà bầu bị đau nhức xương khớp có thể kể đến như:
1. Do ảnh hưởng của hormone relaxin
Relaxin là hormon protein được sản xuất ở nhiều nơi như nhau thai, tâm nhĩ, màng rụng, hoàng thể. Đặc biệt, trong suốt thời gian mang thai, nhất là 3 tháng cuối thai kỳ, hormone này sẽ được sinh sinh mạnh. Có chức năng thư giãn xương, cơ khớp, đồng thời tạo điều kiện để tử cung giãn nở, như vậy, theo sự lớn dần của tuổi thai thì em bé trong bụng sẽ có đủ không gian để phát triển.
Bên cạnh đó, hormone relaxin cũng có tác dụng thư giãn dây chằng quanh xương chậu, làm mềm cổ tử cung giúp quá trình sinh nở diễn ra thuận lợi hơn. Thế nhưng, hiện tượng giãn dây chằng này có thể làm ổ khớp mất ổn định, gây ra tình trạng ê mỏi, đau nhức khó chịu cho mẹ bầu nhất là khi đi lại vận động.
2. Do thiếu canxi
Thiếu hụt canxi là nguyên nhân chính gây đau nhức xương khớp khi mang thai cho mẹ bầu. Trong thời kỳ mang thai, thai nhi cần một lượng lớn canxi để phát triển hệ thống xương khớp. Do đó, cơ thể mẹ sẽ xảy ra tình trạng thiếu hụt canxi, giảm nồng độ canxi trong máu.
Đặc biệt, tình trạng thiếu canxi gây đau nhức xương khớp sẽ xảy ra đặc biệt thường xuyên ở những mẹ bầu bị bệnh đường tiêu hóa mạn tính dẫn đến giảm hấp thu canxi hoặc do chế độ ăn của mẹ không đủ canxi để đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Nếu các trường hợp thiếu canxi này không được chẩn đoán và điều trị không chỉ gây đau nhức xương khớp, nhức mỏi toàn thân mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ lẫn thai nhi.
3. Tăng cân đột ngột
Một trong những nguyên nhân khiến bà bầu bị đau nhức xương khớp khi mang thai phổ biến là tình trạng tăng cân đột ngột. Khi mang thai, thông thường, mẹ bầu sẽ tăng từ 10 – 15kg, có những mẹ tăng đến 20kg. Khi trọng lượng cơ thể tăng lên đột ngột sẽ khiến khớp gối, khớp háng, khớp cổ chân, đốt sống thắt lưng chịu áp lực lớn, trong quá trình vận động dễ ma sát dẫn đến sưng viêm và đau nhức cho mẹ bầu.
Thông thường, tình trạng này xảy ra ở giai đoạn tam nguyệt cá thứ 2, từ tháng thứ 4 của thai kỳ trở đi. Do trong 3 tháng đầu tiên, thai nhi chưa phát triển nhiều về trọng lượng, hơn nữa cơ thể mẹ hầu như không tăng cân quá nhiều nên hầu như mẹ ít cảm thấy đau nhức xương khớp.
4. Do chế độ dinh dưỡng không phù hợp
Để cung cấp đủ dưỡng chất cho cơ thể và đáp ứng đủ nhu cầu của thai nhi, mẹ bầu cần xây dựng chế độ dinh dưỡng, thực đơn khoa học. Việc ăn uống không lành mạnh gây thiếu hụt vi chất dinh dưỡng, đặc biệt là vitamin D, canxi sẽ khiến mẹ dễ đau nhức xương khớp. Thông thường, nhu cầu canxi cụ thể ở mẹ bầu như sau:
- Ở 3 tháng đầu, nhu cầu canxi thường là 800mg/ngày
- Ở 3 tháng giữa, nhu cầu canxi là 1.000mg/ngày
- Ở 3 tháng cuối thai kỳ và khi cho con bú, lượng canxi mỗi ngày lên đến 1.500mg/ngày.
Các thói quen ăn uống thiếu lành mạnh sau đây có thể khiến bà bầu bị đau nhức xương khớp:
- Ăn quá nhiều, quá no, tăng lượng thức ăn đột ngột, bổ sung quá nhiều dưỡng chất gây dư thừa làm cơ thể tăng cân nhanh từ đó gây áp lực lên xương khớp.
- Chế độ ăn thiếu hụt dinh dưỡng, thường xuyên sử dụng thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn gây thiếu hụt khoáng chất, nhất là các chất có vai trò quan trọng với xương khớp như vitamin D, vitamin K, canxi, sắt, magie…
- Thường xuyên sử dụng các thực phẩm, đồ uống làm giảm khả năng hấp thu canxi của cơ thể hoặc các thực phẩm gây kích thích phản ứng viêm ở ổ khớp như cà phê, nước ngọt có gas, đồ ăn nhiều muối, nhiều đường, thức ăn nhanh, rượu bia…
5. Lười vận động
Một thực tế là khi mang thai, chị em thường rất lười vận động, ngại di chuyển vì thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, uể oải. Thế nhưng, càng ít vận động thì tình trạng uể oải, mệt mỏi càng tăng, gây khó khăn khi di chuyển, hoạt động. Đặc biệt là với các mẹ bầu tăng cân nhanh chóng khi mang thai, điều này sẽ gây tổn thương xương khớp, khiến các khớp xương và đốt sống bị chèn ép. Không chỉ làm chị em dễ mệt mỏi mà việc lười vận động còn ảnh hưởng đến quá trình sinh nở, khiến chị em dễ mất sức, không đủ lực khi vượt cạn.
Thông thường, ở giai đoạn tam nguyệt cá thứ nhất, tức là 3 tháng đầu của thai kỳ, chị em nên hạn chế vận động để tránh gây động thai, sảy thai. Tuy nhiên, bắt đầu vào tháng thứ 4, đặc biệt là 3 tháng cuối thai kỳ, mẹ nên dành thời gian để đi bộ, ít nhất 30 phút mỗi ngày. Ngoài ra, có thể dành thời gian để thực hiện các bài tập nhẹ nhàng nhằm nâng cao độ dẻo dai của xương khớp, duy trì sức khỏe tổng thể, kích thích sự phát triển của thai nhi.
6. Do tiền sử chấn thương
Những mẹ bầu có tiền sử chấn thương cũng rất dễ bị đau nhức xương khớp khi mang thai do tổn thương ở vị trí bị thương chưa hoàn toàn lành và ảnh hưởng của cân nặng cũng như hormone. Khi cân nặng của mẹ tăng cao kết hợp với sự gia tăng trọng lượng của em bé trong bụng sẽ khiến các vết nứt gãy xương khớp bị kích thích. Điều này là nguyên nhân khiến mẹ có cảm giác đau nhức âm ỉ, ê mỏi toàn thân, nhất là các vị trí đã từng tổn thương trong suốt quá trình mang thai và cả những tháng đầu sau sinh.
7. Do bệnh lý về xương khớp
Hiện tượng đau nhức xương khớp khi mang thai còn có thể là biểu hiện của một số bệnh về xương khớp có thể kể đến như:
- Loãng xương: Là tình trạng mô xương thư, giòn, xốp, dễ gãy có thể xảy ra ở phụ nữ mang thai do thiếu hụt vitamin D và canxi trong thời gian dài. Tuy nhiên, bệnh chủ yếu gặp ở phụ nữ sau sinh, người cao tuổi hơn bà bầu.
- Thoát vị đĩa đệm: Khi mang thai, vùng cột sống thắt lưng và khung chậu của mẹ đều thay đổi để thích nghi với sự với triển của bào thai. Lúc này các đốt sống giãn nở, gân cơ được nới lỏng, dây chằng cũng giãn ra và yếu dần nên chức năng chống nỡ của cột sống bị giảm. Ngoài ra, do sự phát triển của em bé, phần lưng và cột sống chịu gánh nặng nhiều hơn làm đẩy đĩa đệm lệch khỏi vị trí ban đầu từ đó gây thoát vị đĩa đệm.
- Đau vai gáy: Là hội chứng phổ biến ở thai phụ lẫn sản phụ, thường gây đau nhức vùng cổ vai gáy, đau lan xuống vùng cánh tay, ngón tay kể cả bả vai. Đôi khi thường kèm theo tình trạng tê cứng vai gáy khiến mẹ bầu gặp khó khăn khi cúi gập, xoay cổ.
8. Nguyên nhân khác
Một số nguyên nhân khác có thể khiến bà bầu bị đau nhức xương khớp khi mang thai có thể kể đến như:
- Căng thẳng, lo âu, mệt mỏi kéo dài
- Làm việc quá sức
- Thường xuyên mang giày cao gót
- Giờ giấc sinh hoạt không ổn định
- Đi lại quá nhiều
- Duy trì 1 tư thế ngủ trong thời gian dài, ngủ sai tư thế
Các tổn thương xương khớp gây đau nhức thường gặp ở bà bầu
Khi mang thai, có rất nhiều vấn đề mẹ dễ gặp phải, dưới đây là một số tình trạng đau nhức xương khớp thường gặp ở mẹ bầu:
Đau vùng thắt lưng
Vùng cột sống ở thắt lưng, ngực, vùng cổ ưỡn ra, đoạn cùng cụt cong ra sau nhiều khi mang thai là những vị trí dễ gây đau nhức do biến đổi tư thế trong quá trình mang thai. Bên cạnh đó, việc tăng trọng lượng cơ thể gây áp lực cho xương khớp, cột sống cũng là nguyên nhân gây đau vùng thắt lưng.
Biểu hiện:
- Đau lưng nhất là vùng thắt lưng ở giai đoạn 3 tháng giữa và 3 tháng cuối
- Đau ở vùng thắt lưng, khớp cùng chậu đôi khi lan ra vùng lân cận
- Đau tăng lên khi vận động, sờ nắn ở lưng, giảm khi nghỉ ngơi
- Đau nhiều ở vùng chậu, không đi lại được khi chuyển dạ kéo dài, sinh thai to hoặc sau sinh
- Nghiêm trọng có thể bị viêm khớp cùng chậu nhiễm khuẩn.
Viêm bao gân
Khi cảm thấy đau mỏi cổ tay, ngón tay, rất có thể mẹ bầu đã bị viêm mỏm châm quay, lồi cầu ngoài và trong cánh tay, viêm mỏm châm trụ với chi trên. Với chi dưới, thường là viêm mấu chuyển nhỏ, mấu chuyển lớn, gân Achille ở gót chân.
Ở trường hợp này, để phòng bệnh tái phát, mẹ cần tránh các hoạt động vặn xoắn cổ tay ngón tay quá mức. Nếu đau nhiều thì phải áp dụng vật lý trị liệu, ngâm tay bằng nước ấm hoặc dùng thuốc giảm đau… Nếu không thấy thuyên giảm, bạn cần thăm khám bác sĩ chuyên khoa để được chỉ định điều trị bằng biện pháp phù hợp.
Cơn tetani do hạ canxi máu
Thường xảy ra ở những người nôn nghén nhiều do mất nước, điện giải và gặp phải tình trạng kiềm hóa dẫn đến sự xuất hiện của các cơn tetani (tình trạng kích thích quá mức của hệ thống thần kinh cơ).
Biểu hiện:
- Dấu hiệu cảnh báo trước là hiện tượng dị cảm, cảm giác nặng nề ở chân tay, vùng quanh miệng
- Co cơ đột ngột, nhất là ở ngón tay, bàn tay và có thể biểu hiện ở các vị trí như chân, mặt, đôi khi kèm theo co thắt cơ trên dẫn đến khó thở
- Các cơn co cơ có thể kéo dài từ vài phút đến vài giờ khiến thai phụ lo lắng, hoảng hốt, mạch nhanh
Khi gặp các triệu chứng trên, khi thăm khám, xét nghiệm thấy canxi trong máu giảm, tuy nhiên cũng có những trường hợp lượng canxi trong máu không giảm. Được điều trị và dự phòng bằng cách bổ sung canxi và vitamin ở dạng dược phẩm. Ngoài ra, cần kết hợp với chế độ dinh dưỡng phù hợp, giàu canxi cùng chế độ hoạt động ngoài trời từ 15 – 30 phút.
Bà bầu bị đau nhức xương khớp có nguy hiểm không?
Như đã đề cập, đau nhức xương khớp là tình trạng phổ biến khi mang thai, thường xảy ra ở 3 tháng cuối của thai. Nếu không liên quan đến sự thiếu hụt canxi trong cơ thể thì tình trạng này không nguy hiểm, không ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ hay sự phát triển của thai nhi. Sau khi sinh một thời gian thì các triệu chứng đau nhức khó chịu này sẽ biến mất do cân nặng ổn định trở lại và nội tiết tố được cân bằng.
Tuy nhiên, nếu tình trạng đau nhức xương khớp kéo dài khiến mẹ suy nhược, mệt mỏi, khó khăn khi đi lại, vận động, ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ thì mẹ nên thăm khám, trao đổi với bác sĩ. Bởi lẽ khi tình trạng này kéo dài, ngày một gia tăng về tần suất, mức độ sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống và sức khỏe của mẹ bầu.
Đặc biệt, khi tình trạng đau nhức xương khớp xuất phát từ nguyên nhân thiếu hụt canxi trong cơ thể thì mẹ nên đặc biệt lưu ý. Các dấu hiệu thiếu canxi ở mẹ bầu có thể kể đến như đau lưng, đau khớp, mệt mỏi, đau nhức cơ bắp, tê chân, răng lung lay, chuột rút. Nghiêm trọng hơn có thể gây co giật cơ mặt, chi trên bàn tay, các ngón tay co lại giống bàn tay người đỡ đẻ.
Thiếu hụt canxi không chỉ ảnh hưởng đến xương khớp của mẹ mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của bé. Hậu quả là bé sinh ra bị còi xương bẩm sinh, thấp lùn, dễ bị biến dạng các xương gây dị hình…
Hướng khắc phục khi bà bầu bị đau nhức xương khớp
Đau nhức xương khớp không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn ảnh hưởng đến tâm lý của mẹ, gây tác động không tốt đến sức phát triển của thai nhi. Do đó, điều mẹ cần làm là áp dụng các biện pháp cải thiện tình trạng này. Dưới đây là một số cách giúp mẹ bầu cảm thấy dễ chịu hơn khi bị đau nhức xương khớp:
1. Dùng dụng cụ hỗ trợ
Đa số các trường hợp đau nhức xương khớp xuất phát từ việc mẹ bầu tăng cân quá mức, thói quen ăn uống không phù hợp, ảnh hưởng của hormone trong thai kỳ. Chỉ có khoảng 5 – 7% bị đau nhức có liên quan đến các bệnh lý về xương khớp. Khi gặp phải tình trạng này, mẹ có thể sử dụng các dụng cụ hỗ trợ để cải thiện tình trạng đau nhức khớp, giảm áp lực lên các cơ quan. Có thể kể đến như:
- Gối ngủ cho bà bầu: Gối ngủ bà bầu thường được thiết kế ở dạng chữ J hoặc chữ U, có tác dụng nâng đỡ bụng, làm điểm tựa cho lưng và chân, giúp mẹ thoải mái hơn khi ngủ. Đây là dụng cụ giúp làm giảm áp lực cho cột sống thắt lưng, để mẹ bầu dễ dàng đổi tư thế ngủ hoặc có thể duy trì 1 tư thế trong thời gian dài, rất phù hợp với những mẹ bầu khó ngủ.
- Đai đỡ bụng bầu: Là sản phẩm dành cho bà bầu có vùng cột sống thắt lưng yếu hoặc mắc bệnh lý về xương khớp, có tác dụng làm giảm áp lực từ thai nhi lên xương khớp và các cơ quan xung quanh. Bên cạnh đó, dụng cụ này còn giúp kiểm soát đau nhức xương khớp, giúp mẹ bầu dễ dàng vận động, đi lại, sinh hoạt.
2. Áp dụng biện pháp giảm đau
Với những mẹ bầu bị đau nhức xương khớp ở mức độ nhẹ, mẹ có thể áp dụng một số biện pháp giảm đau an toàn, đơn giản có thể kể đến như:
- Chườm lạnh: Phù hợp với các mẹ bầu bị đau nhức do đi lại nhiều, phù nề, sưng viêm tại khớp. Chườm lạnh khoảng 10 – 15 phút có thể giúp co mạch máu, cải thiện hiện tượng đau nhức khó chịu và giúp giảm viêm.
- Chườm nóng: Phù hợp với mẹ bầu đau lưng, đau khớp gối, đau mỏi vai gáy do lưu lượng tuần hoàn máu kém. Tình trạng tuần hoàn máu kém do thiếu máu nuôi dưỡng sẽ khiến cơ thể suy yếu, dễ ê mỏi, đau nhức. Trường hợp này, mẹ có thể chườm ấm lên ổ khớp trong 10 – 15 phút để thúc đẩy tuần hoàn máu. Bên cạnh đó, việc chườm ấm cũng giúp giãn nở không gian trong ổ khớp, từ đó hạn chế đầu xương chèn ép lên dây thần kinh, giảm đau nhức và giảm áp lực lên dây chằng.
- Massage: Là phương pháp giảm đau, giảm căng thẳng mệt mỏi, thúc đẩy tuần hoàn máu, giảm đau nhức xương khớp. Tuy nhiên, chỉ nên massage, xoa bóp nhẹ nhàng, không nên bấm huyệt châm cứu khi mang thai. Lý do là khi bấm ở một số huyệt vị có thể gây co thắt tử cung, động thai thậm chí dọa sảy thai.
3. Tắm nước ấm
Tắm nước ấm được xem là mẹo giảm đau tuyệt vời mà mẹ bầu có thể áp dụng. Phương pháp này giúp cơ thể được thư giãn đồng thời làm dịu các cơ, xương khớp bị đau khi mang thai. Nhiệt độ nước ấm sẽ giúp thư giãn mạch máu, giảm đau nhức căng thẳng, mang đến cảm giác thoải mái hơn cho mẹ.
Nhiều mẹ bầu sẽ e ngại vì thông tin tắm nước nóng sẽ gây dị tật bẩm sinh về ống thần kinh cho bé, làm giảm huyết áp và ảnh hưởng đến lượng máu từ mẹ đến bào thai. Tuy nhiên, mẹ bầu hoàn toàn có thể tắm nước ấm, chỉ cần không quá 39 độ C (102,2 độ F), đồng thời mỗi lần tắm không quá 10 phút. Ngoài ra, để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé, mẹ cần tránh xông hơi ở spa hoặc phòng xông hơi khô.
4. Xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp
Chế độ dinh dưỡng hợp lý, khoa học đóng vai trò vô cùng quan trọng trong thai kỳ, giúp em bé phát triển khỏe mạnh và đảm bảo sức khỏe cho mẹ. Khi xây dựng thực đơn cần lưu ý những vấn đề sau đây:
- Nên chú ý ăn uống theo từng giai đoạn phát triển của thai nhi nhằm đáp ứng đủ nhu cầu của bé và tránh tình trạng tăng cân đột ngột ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ.
- Nên tăng cường bổ sung các nhóm thực phẩm lành mạnh như nhóm thực phẩm giàu canxi, vitamin D, trái cây, rau xanh, thịt trắng, sữa chua, các loại hạt…
- Nên ăn nhiều các thực phẩm tốt cho xương khớp như chuối, bông cải xanh, cải Brussel, sữa chua, các loại đậu…
- Không nên ăn các thực phẩm như đồ ăn cay nóng, thực phẩm nhiều chất béo bão hòa, đường tinh chế, thực phẩm đóng hộp, thực phẩm chứa nhiều oxalat như củ cải Thụy Sĩ, rau chân vịt…
5. Xây dựng lối sống lành mạnh
Bên cạnh chế độ dinh dưỡng, lối sống lành mạnh cũng đóng vai trò quan trọng giúp mẹ bầu giảm thiểu cảm giác đau nhức xương khớp. Khi gặp phải tình trạng này, mẹ bầu nên:
- Hạn chế khối lượng công việc, tránh đi giày cao gót, không nên mang vác vật nặng, tránh đi lại quá nhiều
- Ngủ đúng giờ, đủ giấc, tránh căng thẳng mệt mỏi, tránh thức quá khuya để không ảnh hưởng đến sức khỏe.
- Đến tháng thứ 4 của thai kỳ, mỗi ngày mẹ nên dành 30 phút để đi bộ nhẹ nhàng hoặc luyện tập các bộ môn cải thiện độ dẻo dai của xương chậu, kiểm soát cơn gò tử cung như yoga, thiền, bơi lội…
- Không nên dùng cà phê, rượu bia, nước ngọt có gas…
Khi nào bà bầu bị đau nhức xương khớp nên thăm khám bác sĩ?
Đa số các trường hợp đau nhức xương khớp ở mẹ bầu không quá nguy hiểm, ít ảnh hưởng đến mẹ bầu cũng như sự phát triển của thai nhi. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp do bệnh lý hoặc do thiếu hụt canxi nghiêm trọng. Lúc này mẹ cần thăm khám để kịp thời phát hiện vấn đề và có biện pháp xử lý phù hợp.
Đặc biệt, khi xuất hiện các triệu chứng dưới đây, mẹ bầu nên chủ động tìm gặp bác sĩ:
- Tình trạng đau nhức xương khớp kéo dài, ngày một nghiêm trọng hơn và không có dấu hiệu thuyên giảm
- Đau nhức nghiêm trọng, có mức độ nặng khiến mẹ bầu khó khăn khi làm việc, thực hiện các hoạt động sinh hoạt
- Đau nhức toàn thân, ê mỏi tê cứng ở đốt sống, ổ khớp
- Có hiện tượng chèn ép dây thần kinh với các biểu hiện như rối loạn cảm giác, tê bì, nóng ran, dị cảm…
- Có kèm theo các biểu hiện toàn thân như ăn uống kém, sốt nhẹ, mệt mỏi
Như vậy, có thể thấy bà bầu bị đau nhức xương khớp là tình trạng thường gặp ở 3 tháng cuối thai kỳ, xảy ra khá phổ biến. Để giảm đau, mẹ nên xây dựng lối sống và chế độ dinh dưỡng phù hợp, có thể áp dụng các biện pháp giảm đau an toàn và các dụng cụ hỗ trợ. Trong trường hợp các triệu chứng kéo dài, mẹ nen nhanh chóng thăm khám và trao đổi với bác sĩ để có biện pháp xử lý kịp thời.
Có thể bạn quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!