Bài tập giảm đau khớp thái dương hàm bạn nên thử
Nội Dung Bài Viết
Trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, chắc hẳn có nhiều người sẽ không bao giờ để ý đến khớp thái dương hàm. Tuy nhiên, trên thực tế thì khớp này lại là bộ phận hoạt động được sử dụng với tần suất khá cao như nhai, nói, há miệng, nuốt…Vì vậy, việc khớp thái dương hàm bị tổn thương cũng là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, bạn không cần phải quá lo lắng, bệnh này không quá nguy hiểm và hoàn toàn có thể khắc phục được trong giai đoạn đầu khi bệnh vừa khởi phát bằng cách thực hiện các bài tập giảm đau khớp thái dương hàm.
Triệu chứng khi bị viêm khớp thái dương hàm
Về mặt cấu tạo của các cơ quan thì khớp thái dương hàm là khớp nối xương hàm với hộp sọ. Vì thế, khi cơ hàm và khớp của bạn xảy ra vấn đề khiến hàm bị cứng, sai lệch vị trí thì tình trạng viêm khớp thái dương hàm sẽ xảy ra.
Khi gặp phải tình trạng này, người bệnh sẽ gặp phải một số triệu chứng sau:
- Xuất hiện các cơn đau nhói khi nhai, nói, há miệng…
- Khớp hàm bị cứng
- Sưng một bên mặt
- Đau nhức bên trong mặt, hàm, tai và cổ
- Hàm phát ra những âm thanh lạ (giống tiếng click chuột) khi mở hoặc đóng miệng.
- Đau đầu, mệt mỏi.
Tác dụng của các bài tập giảm đau khớp thái dương hàm
Theo lời khuyên của các chuyên gia, đối với bệnh viêm khớp thái dương hàm (hay tình trạng rối loạn khớp thái dương hàm) trong giai đoạn nhẹ và vừa thì việc thực hiện các bài tập giảm đau khớp thái dương hàm đúng cách sẽ giúp đẩy lùi các cơn đau và người bệnh sẽ hồi phục chức năng cơ hàm nhanh hơn.
Các bài tập giúp giảm đau khớp thai dương hàm sẽ giúp:
- Giảm tần suất đau và mức độ đau xuống thấp nhất ở cơ hàm
- Kéo căng và làm xoa dịu hàm.
- Cải thiện khả năng linh hoạt của hàm
- Loại bỏ những tiếng âm thanh lạ xuất hiện bên trong hàm
- Thúc đẩy quá trình hồi phục chức năng hàm
10 bài tập giảm đau khớp thái dương hàm đơn giản và hiệu quả
Dưới đây là các bài tập giảm đau khớp thái dương hàm được các chuyên gia khuyến khích thực hiện nhằm cải thiện sự vận động của khớp hàm. Tùy vào mỗi bài tập khác nhau mà chuyên gia sẽ khuyến nghị tần suất thực hiện bài tập khác nhau.
Bài tập 1: Thư giãn hàm
Cách thực hiện:
- Bạn giữ cho lưỡi chạm nhẹ nhàng vào khoang miệng trên và ở mặt sau của răng.
- Đồng thời, miệng mở ra vừa phải để hàm thư giãn.
Bài tập 2: Mở hàm bằng tay
Cách thực hiện:
- Thực hiện khép và mở miệng từ từ, nhẹ nhàng lặp lại thao tác này khoảng vài lần để khởi động.
- Đặt ngón tay trỏ lên cằm, gần nơi của các răng cửa hàm dưới.
- Từ từ kéo tay xuống cho miệng mở ra, giữ khoảng 30 giây cho đến khi bạn cảm thấy hơi khó chịu ở phía bên hàm bị cứng, sa đó từ từ đưa hàm về vị trí ban đầu.
- Có thể thực hiện động tác này trong vòng 3 – 5 phút. Càng về sau càng tăng thời gian tập lên để đạt được hiệu quả tốt nhất.
Bài tập 3: Duỗi khớp hàm
Đây là bài tập giúp làm giảm các cơ và dây thần kinh ở hàm, từ đó giúp giảm đau hiệu quả.
Cách thực hiện:
- Dùng một lực vừa phải ấn đầu lưỡi lên hàm trên, ở ngay phía sau răng cửa mà không chạm vào nó.
- Dùng lưỡi để tạo áp lực nhẹ và từ từ mở miệng ra lớn nhất có thể rồi khép miệng lại.
- Hãy thực hiện liên tục và lặp lại trong vòng 10 lần, dừng lại khi bạn cảm thấy mỏi hàm. Lưu ý với bài tập này nếu cảm thấy đau đớn trong lần tập đầu tiên thì tốt nhất không nên thực hiện.
Bài tập 4: Duỗi cơ bằng động tác cười
Với bài tập này sẽ giúp giảm hiệu quả những đau đớn và căng thẳng xuất hiện ở hàm, trên cơ mặt, hàm dưới và cổ.
Cách thực hiện:
- Mở miệng rộng nhất có thể giống như đang cười mà không gây ra đau nhức hoặc cảm thấy căng cứng.
- Trong lúc cười, hãy từ từ mở hàm thêm khoảng 5cm nữa và hít thật sâu bằng miệng, sau đó nhẹ nhàng thở ra trong khi vẫn giữ tư thế đang cười.
- Khuyến khích lặp lại bài tập này 10 lần cho mỗi lần tập và thực hiện đều đặn mỗi ngày.
Bài tập 5: Cằm đôi
Đây là bài tập đơn giản và bất kỳ ai cũng có thể tự tập tại nhà để giảm đau hàm hiệu quả.
Cách thực hiện:
- Bạn có thể ngồi hoặc đứng tùy thích, giữ cho lưng và cổ thẳng rồi từ từ đưa cằm ra phía sau, tạo thành hình giống như cằm đôi.
- Giữ nguyên tư thế này trong vòng 3 giây và thực hiện liên tục 10 lần cho mỗi lần tập.
Bài tập 6: Tư thế kéo miệng mở ra
Cách thực hiện:
- Đặt ngón tay vào cằm dưới, từ từ mở miệng ra rồi dùng một lực nhẹ để đẩy cằm kháng lại.
- Giữ tư thế trong này trong 3 – 5 giây rồi ngậm miệng lại.
- Thực hiện trong khoảng 5 – 10 lần cho mỗi lần tập.
Bài tập 7: Tư thế kéo miệng đóng lại
Bài tập này có tác dụng cải thiện sức mạnh cơ hàm và hồi phục chức năng nhai nuốt của nó.
Cách thực hiện:
- Dùng ngón cái và ngón trỏ bóp cằm bằng một lực nhẹ vừa phải.
- Sau đó, ngậm miệng lại từ từ trong khi vẫn đang giữ cằm bằng tay.
Bài tập 8: Nhướn lưỡi
Cách thực hiện:
- Bạn dùng lưỡi chạm vào mặt sau của hàm răng trên.
- Giữ nguyên tư thế này và từ từ mở miệng, ngậm miệng liên tục.
- Thực hiện khoảng 3 – 5 phút để đạt được hiệu quả trị liệu tốt nhất.
Bài tập 9: Chuyển động hàm sang hai bên
Thực hiện bài tập chuyển động hàm sang hai bên sẽ giúp giải phóng hệ thống cơ – khớp cũng như kích thích sự trao đồi dịch khớp nhằm làm mới dịch khớp, bôi trơn khớp và giúp lớp sụn xơ trở nên mềm dẻo hơn.
Cách thực hiện:
- Sử dụng một vật tròn có đường kính khoảng 2cm đặt vào vị trí giữa răng cửa của 2 hàm răng.
- Sau đó thực hiện đẩy hàm sang 2 bên.
- Đến khi hoạt động của hàm trở nên trơn tru hơn thì có thể thay thế bằng một vật có kích thước lớn hơn.
- Thực hiện đều đặn từ 5 – 10 lần cho mỗi lần tập.
Bài tập 10: Chuyển động hàm về phía trước
Cách thực hiện:
- Dùng một vật có kích thước 2cm đặt vào vị trí giữa 2 hàm răng trước.
- Di chuyển hàm dưới nhẹ nhàng về phía trước sao cho hàm răng dưới nhô ra trước nhiều hơn so với hàm răng trên.
- Càng về sau khi đã quen với bài tập này thì bạn có thể thay thế bằng một vật có kích thước dày hơn để tăng hiệu quả trị liệu.
Một số lưu ý khi thực hiện các bài tập giảm đau khớp thái dương hàm
Để việc thực hiện những bài tập giúp giảm đau khớp thái dương hàm đạt hiệu quả tối ưu nhất thì ngoài việc tập đúng cách, theo hướng dẫn của chuyên gia, bác sĩ điều trị thì người bệnh cũng cần hết sức lưu ý một số điều sau:
- Nếu đang trong giai đoạn khớp hàm đang bị đau dữ dội thì không nên thực hiện các bài tập này. Hãy đợi đến khi cơn đau được cải thiện hơn mới bắt đầu thực hiện các bài tập giảm đau khớp thái dương hàm.
- Khi mới bắt đầu tập luyện thì tập từ từ. Ở những ngày đầu, bạn sẽ cảm nhận được những cơn đau nhẹ, đây hoàn toàn là điều bình thường. Dần dần, các cơn đau sẽ được cải thiện, tuy nhiên, nếu cơn đau không biến mất mà còn có xu hướng ngày càng nặng nề hơn thì hãy dừng tập ngay và tham khảo ý kiến của bác sĩ.
- Hãy tập luyện trong trạng thái tinh thần thoải mái và thư giãn nhất để đạt hiệu quả tốt và tránh tình trạng các cơn đau xuất hiện nhiều hơn.
- Kết hợp một chế độ dinh dưỡng khoa học, ăn uống đủ chất, ưu tiên các loại thực phẩm mềm như cháo, canh súp, sinh tố…để tránh làm ảnh hưởng đến khớp thái dương hàm.
- Không nên nhai kẹo cao su vì động tác nhai liên tục dễ khiến hàm mỏi và gây ra đau nhức.
- Từ bỏ thói quen cắn móng tay vì sẽ khiến hàm dễ bị lệch và gây ra đau nhức.
- Hạn chế các cử động mạnh ở hàm như hát to, hét hay ngáp. Tốt nhất luôn giữ cho hàm ở tư thế chuẩn nhất sẽ nhanh chóng làm giảm các cơn đau khó chịu.
Hãy tham khảo ý kiến tư vấn của bác sĩ về việc thực hiện các bài tập giảm đau khớp thái dương hàm. Bác sĩ sẽ hướng dẫn các bài tập phù hợp và cách tập luyện tốt nhất cho bạn. Ngoài ra, hãy chú ý quan sát các biểu hiện của cơ thể, nếu gặp các triệu chứng bất ổn thì hãy dừng tập ngay để tránh gây những tổn thương ngoài mong muốn và bệnh càng khó điều trị dứt điểm hơn.
Có thể bạn quan tâm: Viêm khớp thái dương hàm có chữa được không? Bao lâu thì khỏi?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!