Hướng dẫn cách xoa bóp bấm huyệt chữa rối loạn tiền đình
Nội Dung Bài Viết
Tiền đình là hệ thống nằm phía sau hai bên ốc tai, có chức năng giữ cân bằng cho cơ thể khi thực hiện các hoạt động, di chuyển, xoay người, cúi, nằm… Rối loạn tiền đình là tình trạng rối loạn chức năng giữ cân bằng của cơ thể, có thể điều trị bằng nhiều cách, trong đó có xoa bóp bấm huyệt. Dưới đây là cách xoa bóp bấm huyệt chữa rối loạn tiền đình theo y học cổ truyền được ứng dụng rộng rãi hiện nay.
Rối loạn tiền đình theo quan điểm của Đông y
Theo Đông y, rối loạn tiền đình thuộc chứng huyễn vựng, trong đó, huyễn tức là hoa mắt, vựng tức đầu choáng váng, do hai chứng này thường đến cùng lúc nên bệnh được gọi là chứng huyễn vựng. Các triệu chứng điển hình của bệnh là hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, nôn mửa, choáng váng, người quay cuồng, ngả nghiêng, đau đầu, đi đứng không vững, có thể kèm theo các rối loạn vận mạch, nhịp tim nhanh, vã mồ hôi, da tái xanh.
Theo quan điểm của Đông y, rối loạn tiền đình là bệnh thường gặp ở người cao tuổi, thế nhưng người trẻ có có nguy cơ mắc phải căn bệnh này. Có nhiều nguyên nhân gây bệnh, nhưng phần lớn đều liên quan đến chữ “hỏa”. Cụ thể, chân thủy tiên thiên suy thì hỏa bốc lên, âm huyết hậu thiên hư thì hỏa động, khi hỏa động sẽ gây chứng hoa mắt, chóng mặt. Rối loạn tiền đình chủ yếu liên quan đến mạch máu nuôi não, do thần kinh suy nhược, bệnh thường gặp ở người bị thoái hóa đốt sống cổ, xơ vữa động mạch.
Rối loạn tiền đình được y học cổ truyền chia thành 2 thể là:
- Huyễn vựng do hư chứng: Các biểu hiện thường gặp là đau đầu, choáng váng, người mệt mỏi, uể oải, thường xuyên hồi hộp căng thẳng, tứ chi lạnh, buồn nôn, trí nhớ kém, mất ngủ
- Huyễn vựng do thực chứng: Các biểu hiện của bệnh thường nhanh và nặng, hay gặp là buồn nôn, đau đầu, choáng váng không đứng dậy được, hay đầy bụng, miệng đắng, lưỡi đỏ, đau buốt thắt lưng, ngủ hay mộng mị, mạch huyền hoạt.
Chữa rối loạn tiền đình bằng xoa bóp bấm huyệt vùng đầu
Xoa bóp bấm huyệt là phương pháp điều trị rối loạn tiền đình được biết đến từ hàng nghìn năm trước. Ngày nay, phương pháp này vẫn còn nguyên giá trị ứng dụng, được kiểm chứng bằng các kết quả nghiên cứu khoa học.
Khi nghiên cứu về tác dụng của huyệt đạo trên cơ thể, các nhà khoa học đã nhận thấy ra, khi tác dụng một lực vừa đủ lên các huyệt đạo có kết nối với não bộ thì lưu lượng máu tuần hoàn lên não được cải thiện đáng kể, có thể giúp tăng cường máu và oxy đến nuôi dưỡng các tế bào não. Kết quả được kiểm chứng qua việc đo chỉ số lưu huyết não đồ khi thực hiện bấm huyệt đúng kỹ thuật.
Cách xoa bóp chữa rối loạn tiền đình được thực hiện như sau:
- Chải đầu: Dùng ngón tay bắt đầu xoa bóp bằng các động tác chải đầu, trước tiên chải theo hướng thẳng, sau chải theo hướng ngang, vừa chải vừa kết hợp kéo nhẹ chân tóc
- Ấn day chân tóc: Dùng đầu ngón tay tiến hành ấn theo hình lò xo vùng chân tóc ở vùng Thái Dương. Tiếp đó tìm điểm đau, ấn day điểm đau ở vùng đầu, nếu điểm đau càng ấn càng khó chịu thì chứng tỏ bạn mới mắc bệnh. Lúc này, cần day ấn nhanh mạnh khoảng 30 – 60 giây cho 1 điểm đau. Nếu điểm đau càng ấn càng dễ chịu thì chứng tỏ bạn mắc rối loạn tiền đình đã lâu, bệnh hay tái đi tái lại nhiều lần. Với trường hợp này, nên ấn day nhẹ nhàng, mỗi 1 huyệt nên kéo dài 2 – 3 phút.
- Vỗ đầu: Sau khi đã ấn day chân tóc, bạn thực hiện động tác vỗ đầu bằng thủ thuật chặt bằng đầu ngón tay, dùng 2 bàn tay chập lại vào nhâu rồi vỗ với lực vừa phải lên vùng đầu.
- Gõ đầu: Lấy các ngón tay vỗ quanh đầu, hai tay thực hiện theo hai hướng ngược chiều nhau tạo thành vòng tròn.
- Bóp đầu: Đặt ngón cái lên trên vùng đỉnh đầu, các ngón còn lại ở hai bên, thực hiện bóp đầu theo hướng từ dưới lên, bóp nhẹ nhàng, nhịp nhàng sẽ giúp người bệnh cảm giác thoải mái hơn.
- Rung: Dùng hai tay ôm đầu, thực hiện kỹ thuật rung với tần số nhanh.
Lưu ý: Thực hiện 1 lần/ngày, mỗi lần 20 – 30 phút, sau 3 – 5 ngày mà không thấy hiệu quả thì nên thăm khám chuyên khoa để có biện pháp điều trị phù hợp với tình trạng bệnh.
Chữa rối loạn tiền đình bằng bấm huyệt
Bên cạnh việc áp dụng biện pháp xoa bóp, day ấn đầu để chữa rối loạn tiền đình, bệnh có thể điều trị bằng bấm huyệt. Chữa rối loạn tiền đình bằng bấm huyệt phải được thực hiện bởi các thầy thuốc, bác sĩ có tay nghề, trình độ chuyên môn cao. Quy trình xoa bóp bấm huyệt chữa rối loạn tiền đình:
Chỉ định
Bệnh nhân được chẩn đoán mắc rối loạn tiền đình
Chống chỉ định
- Người bệnh đang sốt cao
- Người có khối u
- Người mắc bệnh ngoài da ở vùng đầu mặt
- Người mắc bệnh truyền nhiễm cấp tính
- Người mắc bệnh ưa chảy máu
Chuẩn bị
- Người thực hiện: Bác sĩ, y sĩ được đào tạo về chuyên ngành y học cổ truyền, có chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật về khám chữa bệnh
- Phương tiện: Cồn sát trùng, bột talc, phòng xoa bóp bấm huyệt, gối, ga trải giường
- Người bệnh: Đồng ý bấm huyệt, xem hướng dẫn vị trí bấm huyệt, đã được khám và làm hồ sơ bệnh án theo quy định.
Tiến hành
- Xoa, vuốt, phân, hợp, miết, day, véo, bóp, gõ, vùng đầu mặt cổ
- Ấn các huyệt: Bách hội, thượng tinh, phong phủ, giác tôn, tam âm giao, thiên trị, hợp cốc, thái xung, phong trì, thái dương, nội quan.
- Liệu trình xoa bóp bấm huyệt chữa rối loạn tiền đình thường kéo dài 30 phút/lần/ngày, mỗi liệu trình từ 15 – 30 ngày tùy vào mức độ và diễn biến của bệnh.
Lưu ý: Nếu trong lúc bấm huyệt, người bệnh có các triệu chứng như hoa mắt, chóng mặt, vã mồ hôi, sắc mặt nhợt nhạt, mạch nhanh thì cần dừng xoa bóp, để người bệnh lau mồ hôi, ủ ấm, uống nước chè đường nóng, theo dõi mạch, huyết áp, để người bệnh nằm nghỉ ngơi tại chỗ.
Các vị trí huyệt đạo có tác dụng với rối loạn tiền đình
Bấm huyệt chữa rối loạn tiền đình là phương pháp điều trị không gây tác dụng phụ, không ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh, đây là biện pháp tác động trực tiếp vào huyệt đạo để kích thích quá trình lưu thông máu trong cơ thể. Các bác sĩ, y sĩ chỉ sử dụng đôi bàn tay kết hợp với kỹ thuật đã được đào tạo bài bản với nhiều năm kinh nghiệm, đã xác định được chính xác vị trí huyệt đạo, lực cần thiết để tác dụng lên nên bạn có thể yên tâm về mức độ an toàn của phương pháp này.
Các vị trí huyệt đạo có tác dụng với người bệnh rối loạn tiền đình bao gồm:
Huyệt bách hội
- Vị trí: Nằm ở đỉnh đầu, nơi giao nhau của hai đường vuông góc, trong đó một đường đi ngang qua đỉnh vành tai, đường còn lại dọc qua giữa đầu. Khi sờ vào bạn sẽ thấy có một khe xương lõm xuống, nếu ấn sẽ có cảm giác tức nặng. Bạn có thể xác định bằng cách cắm hai ngón tay tay cái vào trong hai lỗ tay, xòe các ngón tay còn lại ra, ngón tay giữa vươn thẳng về phía đỉnh đầu. Tiếp đó, dùng các ngón tay ôm chặt đầu để hai đầu ngón giữa của hai bàn tay chạm vào nhau. Điểm tiếp nhau của hai đầu ngón tay giữa chính là vị trí của huyệt Bách hội.
- Công dụng: Trong hệ thống huyệt vị, huyệt Bách hội có công dụng chính là tỉnh thần tô quyết, bình can tức phong, thăng dương cử khí, có tác dụng chữa đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, mất ngủ, tim đập hồi hộp, ngạt mũi, sa trực tràng, sa tử cung, hay quên, trúng phong, ù tai…
- Cách bấm huyệt: Khi đã xác định được chính xác vị trí của huyệt đạo, bạn lấy ngón giữa đặt hơi vuông góc với huyệt, gốc bàn tay tì vào đầu, tiến hành ấn và day theo chiều kim đồng hồ. Thao tác thực hiện cần nhanh nhưng phải đảm bảo đủ lực thì mới thấy hiệu quả.
Huyệt thượng tinh
- Vị trí: Huyệt thượng tinh nằm trên đỉnh đầu, được coi là một ngôi sao nên gọi là thượng tinh, nằm ở đường thẳng giữa đầu, chính giữa đoạn nối từ huyệt Bách hội đến ấn đường.
- Công dụng: Là huyệt thứ 23 của mạch Đốc, có công dụng trị liệu các vấn đề liên quan đến mắt và thị lực như đau đầu, hoa mắt, đau mắt, cận thị, đỏ mắt… Ngoài ra, đây là huyệt vị chính sử dụng để điều trị các bệnh liên quan đến mũi như viêm mũi, đau đầu do viêm xoang, polyp mũi, ngạt mũi, các vấn đề liên quan đến tâm lý hay tinh thần.
Bấm huyệt phong phủ chữa rối loạn tiền đình
- Vị trí: Huyệt phong phủ nằm sau gáy, giữa xương chẩm và đốt sống cổ C1, là huyệt đạo thứ 16 của Đốc mạch. Huyệt phong phủ nằm phía trên đường chân tóc, là nơi quy tụ của nhiều khí dương. Bạn có thể xác định bằng cách giữa thẳng đầu, từ tóc gáy tính lên một đốt ngón tay, tiếp đó xác định điểm hõm giữa khe xương chẩm và đốt sống cổ đầu tiên, điểm hõm này chính là vị trí của huyệt phong phủ.
- Công dụng: Trị đau đầu, khó cử động cổ, chóng mặt, ù tai, tim đập nhanh, người lãnh, hỗ trợ trị nghẹt mũi, sa tử cung…
Huyệt giác tôn
- Vị trí: Nằm ở góc trên của vành tai, khi há mồm có chỗ lõm xuống, hoặc khi ép sát vành tai vào đầu huyệt ở trên chân tóc, chỗ cao nhất của vành tai áp vào đầu là vị trí của huyệt giác tôn.
- Công dụng: Hỗ trợ chữa mờ mắt, đau sưng loa tai, sưng lợi răng, đau răng, nhai khó.
Huyệt tam âm giao
- Vị trí: Là huyệt thứ 6 của đường kinh Tỳ, nằm ở vị trí giao giữa 3 đường kinh âm là thái âm tỳ, thiếu âm thận và quyết âm can. Vị trí ở phần lõm phía sau xương chày nằm cách mắt cá chân trong khoảng 6,5cm với người trưởng thành.
- Công dụng: Chữa mất ngủ, điều hòa thần kinh, giảm căng thẳng, mệt mỏi ở người cóhuyeê chứng âm hư hỏa vượng, giải độc, tăng cường chuyển hóa…
- Cách thực hiện: Bệnh nhân ngồi trên nệm hoặc dưới đất, cánh tay gập nhẹ để bàn tay ôm lấy cổ chân, ấn vào huyệt vị với một lực vừa phải, vừa bấm vừa day thành vòng tròn trong 7 – 10 phút.
Huyệt thiên trụ
- Vị trí: Là huyệt thứ 10 của kinh Bàng Quang, nằm ở vùng gáy, dưới u lồi chẩm phía ngoài, ở vị trí giữa chân tóc gáy đo lên 0,5 tấc, đo nang 1,3 tấc
- Công dụng: Chữa đau sau đầu, suy nhược thần kinh.
Huyệt hợp cốc
- Vị trí: Là huyệt thứ tư của đường kinh Đại Đường, nằm trên mu bàn tay, ở khe chính giữa điểm kết nối của ngón tay cái với ngón tay trỏ, khi mở rộng bàn tay ra, đặc biệt là ngón trỏ và ngón cái có cảm giác giống miệng hồ nên gọi là huyệt Hổ Khẩu.
- Công dụng: Chữa mỏi mắt, ù tai, đau họng, đau răng…
Huyệt thái xung
- Vị trí: Là huyệt của kinh Can, nằm ở vị trí Nguyên khí sở cư, có thể xác định bằng cách đặt lòng bàn chân song song với mặt đất, tiếp đó tìm đến điểm sau khe giữa ngón cái với ngón thứ 2. Từ khe giữa này đo lên 1,5 thốn sẽ thấy huyệt này nằm ở vùng lõm của hai đầu xương ngón cái và ngón thứ 2.
- Công dụng: Giảm đau, cải thiện tinh thần, hỗ trợ điều trị bệnh về gan, kích thích gan đào thải độc tố.
Bấm huyệt phong trì chữa rối loạn tiền đình
- Vị trí: Là huyệt thứ 20 của nhóm Kinh Đởm, nằm ở bờ lõm bên trong của ức đòn chũm, phía sau tai chỗ hõm chân tóc.
- Công dụng: Thông lợi cơ khớp, chữa thiếu máu não, đau nửa đầu, suy giảm thị lực, cải thiện chức năng tuần hoàn não, có tác dụng rất lớn trong việc hỗ trợ điều trị rối loạn tiền đình.
Huyệt thái dương
- Vị trí: Nằm ở đường mạch xanh ngay sau đuôi lông mày, khi ấn vào sẽ cảm thấy hơi ê tức, có mạch máu hiện rõ
- Công dụng: Chữa đau đầu đau mắt, giảm áp lực đến hệ thần kinh, giúp giải phóng cơn đau, giãn cơ, giảm lo âu mệt mỏi, tăng cường hệ miễn dịch, có hiệu quả tốt với người ăn kém
Huyệt nội quan
- Vị trí: Là huyệt đạo thứ 6 của kinh Tâm Đào, nằm ở cổ tay, ở mặt trước cổ tay, giữa hai đường gân của cơ gan tay lớn và tay bé. Bạn nắm lòng bàn tay lại, gập cổ tay vào cẳng tay, nghiêng lòng bàn tay vào phía trong, huyệt nội quan nằm ở đường vân nổi lên sau khi nghiêng.
- Công dụng: Điều hòa sóng thần kinh, giúp cơ thể thư giãn, chữa thiếu máu ở tiêu, giúp ngủ ngon giấc, cải thiện tình trạng mất ngủ…
Một số lưu ý khi chữa rối loạn tiền đình bằng bấm huyệt
Khi chữa rối loạn tiền đình bằng huyệt đạo kết hợp với xoa bóp, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Các biện pháp xoa bóp bấm huyệt chữa rối loạn tiền đình chỉ áp dụng cho bệnh nhân đã thăm khám và xác định là mắc rối loạn tiền đình
- Người bệnh cần được bấm huyệt bởi các bác sĩ, y sĩ được đào tạo bài bản, được cấp chứng chỉ hành nghề, có trình độ chuyên môn cao, tuyệt đối không nên tự ý bấm huyệt tại nhà. Việc tự xác định huyệt đạo và bấm huyệt có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn ảnh hưởng đến sức khỏe
- Để phòng ngừa rối loạn tiền đình tái phát, nên thực hiện các bài tập vận động nhẹ nhàng, tránh các động tác nhanh mạnh, đột ngột. Tránh lo âu, căng thẳng mệt mỏi, không nên đọc sách báo khi đang đi xe, nếu thấy chóng mặt, mệt mỏi thì nên ngồi hoặc nằm xuống để nghỉ ngơi
- Khi mắc rối loạn tiền đình, nên thăm khám và điều trị theo phác đồ của bác sĩ, không được tự ý mua thuốc ngoài để sử dụng, nếu không điều trị có thể khiến bệnh chuyển biến nặng, nguy hiểm đến tính mạng.
Trên đây là một số thông tin về cách xoa bóp bấm huyệt chữa rối loạn tiền đình theo y học cổ truyền mà bạn có thể tham khảo. Bạn có thể xoa bóp tại nhà nhưng tuyệt đối không nên tự bấm huyệt điều trị vì việc bấm huyệt không có kỹ thuật, trình độ chuyên môn là cực kỳ nguy hiểm, cần đặc biệt thận trọng.
Có thể bạn quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!