Bệnh vảy nến ở trẻ em – Đặc điểm, cách chăm sóc, chữa trị
Nội Dung Bài Viết
Vảy nến ở trẻ em tuy ít khi gây ra các biến chứng nghiêm trọng nhưng nó lại gây khó chịu, mất thẩm mỹ. Hiểu rõ về bệnh vảy nến ở trẻ em sẽ giúp các bậc phụ huynh có thể chủ động hơn trong việc điều trị và phòng ngừa cho con.
I/ Các thông tin cần biết về bệnh vảy nến ở trẻ em
Các thông tin dưới đây sẽ giúp các bậc phụ huynh hiểu rõ hơn về bệnh vảy nến ở trẻ em cũng như cách điều trị chứng bệnh này:
Vẩy nến là gì?
Vảy nến là một bệnh da liễu phổ biến, có thể gặp ở cả người lớn và trẻ em. Nó xảy ra khi tốc độ phát triển của các tế bào da diễn ra quá nhanh, làm tích tụ trên bề mặt da. Nó khiến cho làn da trở nên dày lên, tạo thành các mảng mẩn đỏ. Lúc này, người bệnh sẽ cảm thấy ngứa ngáy, trên da phủ đầy vảy màu trắng bạc. Mặc dù các mảng đỏ có thể xảy ra ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể, nhưng thường xuất hiện phổ biến nhất ở da đầu, đầu gối, khuỷu tay, thân mình…
Theo các chuyên gia, bệnh vảy nến xuất hiện cho là do sự hoạt động quá mức của hệ thống miễn dịch trên cơ thể. Ngoài ra, yếu tố di truyền cũng có thể là một nguyên nhân gây bệnh vảy nến. Những đứa trẻ có cha hoặc mẹ đã từng bị vảy nến thì sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người khác. Nếu có cả cha hoặc mẹ đã từng bị vảy nến, nguy cơ mắc bệnh của con cái họ có thể lên đến 50% hoặc cao hơn.
Triệu chứng bệnh vảy nến ở trẻ em
Vảy nến ở trẻ em được chia thành nhiều loại. Cứ mỗi loại lại gây ra các triệu chứng khác nhau. Tuy nhiên, các triệu chứng phổ biến nhất mà bệnh nhân có thể gặp phải bao gồm:
- Xuất hiện các mảng vảy nến là những vảy trắng bạc. Chúng phồng lên trên da, có màu đỏ. Tuy nhiên, biểu hiện này thường bị nhầm lẫn với chứng hăm tã ở trẻ nhỏ, do đó cần phải lưu ý để xác định đúng bệnh và điều trị đúng bệnh cho con.
- Làn da bị khô, nứt nẻ và có thể chảy cả máu
- Xung quang vùng da bị ảnh hưởng có cảm giác nóng rát, ngứa.
- Sự dày lên của móng tay, móng chân và xuất hiện các đường lằn sâu.
Với đặc trưng là một bệnh mạn tính nên các triệu chứng bệnh vảy nến thường phát triển mạnh ở một thời điểm, sau đó nó lại bước vào thời kỳ thuyên giảm rồi lại xuất hiện trở lại. Tuy nhiên, khi trong quá trình đang hoạt động thì chúng sẽ biểu hiện một cách rõ ràng hơn. Sau một tuần hoặc một vài tháng, các triệu chứng có thể được cải thiện hoặc biến mất. Nhưng nó lại có thể tái phát bất cứ lúc nào, kể cả bác sĩ và bệnh nhân đều không thể xác định được thời điểm bệnh xuất hiện. Đồng thời, họ cũng không thể lường được một cách chính xác về mức độ nặng nhẹ của các triệu chứng, khi bệnh vảy nến bắt đầu một chu kỳ mới.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh
Cho đến nay, nguyên nhân gây bệnh vảy nến vẫn chưa được xác định được một cách chính xác. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh vảy nến ở trẻ em được đề cập, chẳng hạn:
- Mắc các bệnh nhiễm trùng
- Căng thẳng kéo dài
- Bị kích ứng da
- Béo phì
- Do thời tiết thay đổi thất thường, đặc biệt là trời lạnh.
Tỉ lệ mắc bệnh vảy nến ở trẻ em
Vảy nến có thể xảy ra ở bất cứ đối tượng nào, trong đó trẻ em cũng là đối tượng dễ mắc phải chứng bệnh này. Theo kết quả của nhiều khảo sát cho thấy, đa số bệnh nhân sẽ xuất hiện các đợt vảy nến đầu tiên ở độ tuổi khoảng 15 – 35. Nhưng cũng có các trường hợp, bệnh khởi phát ở độ tuổi nhỏ hơn hoặc cao hơn. Trong đó, có khoảng 40% bệnh nhân cho biết các biểu hiện vảy nến của họ bắt đầu xuất hiện từ thuở còn nhỏ. Tuy nhiên, các triệu chứng này thường ít nghiêm trọng và ít thường xuyên khi lớn lên. Nhưng cũng có các trường hợp phải sống chung với căn bệnh này trong suốt cả cuộc đời.
II/ Các phương pháp điều trị bệnh vảy nến ở trẻ em
Cho đến nay, bệnh vảy nến vẫn chưa có biện pháp điều trị dứt điểm. Những phương pháp được áp dụng cũng chỉ nhằm vào mục đích làm giảm triệu chứng, giảm thiểu các mức độ nặng của các đợt cấp. Thông thường, các biện pháp điều trị bệnh vảy nến ở trẻ em gồm:
Các loại thuốc bôi tại chỗ
Đây được xem là phương pháp điều trị vảy nến được sử dụng phổ biến nhất. Chúng có tác dụng làm giảm các triệu chứng ngoài da ở cả mức độ nhẹ đến trung bình. Các loại thuốc này thường chứa cả những hoạt chất có tác dụng chữa trị và cả kem dưỡng ẩm để tăng cường độ ẩm cho làn da. Các dạng thường được dùng bao gồm:
- Lotion
- Thuốc mỡ
- Dung dịch bôi
- Kem thoa ngoài
Tùy vào cơ địa và đối tượng bệnh nhân mà các bác sĩ chỉ định cho một liều dùng phù hợp. Với trẻ em, nên sử dụng khoảng 2 – 3 lần trong ngày để mang đến tác dụng tốt. Nên tập cho bé thói quen thoa thuốc vào một khung giờ nhất định trong ngày chẳng hạn như trước khi đi ngủ hoặc sau khi ngủ dậy. Dùng thuốc dạng bôi tại chỗ chữa bệnh vảy nến sẽ ít khi gây ra các tác dụng phụ hơn những phương pháp khác. Do đó khi chữa chữa bệnh vảy nến bằng thuốc này cho trẻ cũng sẽ yên tâm hơn.
Liệu pháp điều trị bằng ánh sáng
Để điều trị bệnh vảy nến bằng ánh sáng, có thể sử dụng cả ánh sáng tự nhiên và nhân tạo. Chúng đều có tác dụng giảm bớt những triệu chứng do bệnh gây ra. Hiện nay, có một vài cách chữa trị mới hơn bằng cách sử dụng tia laser và các dược chất được kích hoạt bằng một nguồn ánh sáng đặc biệt.
Việc tiếp xúc quá nhiều với ánh sáng có thể khiến các triệu chứng trở nên trầm trọng. Do đó, hãy chắc chắn là đã tham khảo kỹ ý kiến của bác sĩ trước khi điều trị cho con. Để liệu pháp này mang đến tác dụng tốt, các bác sĩ cũng khuyên các mẹ nên cho con tiếp xúc nhiều hơn với nguồn ánh sáng tự nhiên. Cha mẹ có thể đưa con đi dạo ở trong công viên, khuyến khích con chơi đùa cùng với bạn bè ở sân trường sau mỗi giờ học.
Sử dụng các loại thuốc dạng uống và dạng tiêm
Với những trẻ bị bệnh vảy nến mức độ vừa đến nặng, các bác sĩ có thể chỉ định các loại thuốc dạng uống và dạng tiêm tĩnh mạch. Tuy nhiên, so với các loại thuốc bôi tại chỗ, sử dụng thuốc dạng uống hoặc dạng tiêm có thể gây ra nhiều tác dụng phụ hơn. Do đó, các bác sĩ thường phải cân nhắc kỹ trước khi điều trị cho trẻ. Bác sĩ có thể chỉ chỉ định những loại thuốc này cho những bé lớn hơn và chỉ được dùng trong một khoảng thời gian ngắn.
Xây dựng một thói quen ăn uống và sinh hoạt phù hợp
Để giúp trẻ tránh được các đợt cấp của bệnh vảy nến, kiểm soát tốt các yếu tố có thể khiến bệnh khởi phát là việc làm rất cần thiết. Do đó, các mẹ nên tham khảo một số biện pháp sau đây để áp dụng cho con:
- Bổ sung cho cơ thể bé đầy đủ các chất dinh dưỡng, nhất là rau xanh và trái cây tươi. Đồng thời, không để con ăn những thực phẩm dễ gây dị ứng như đồ ăn cay nóng, hải sản, các đồ ngọt và đồ uống có gas…
- Cho con tập luyện thể dục thường xuyên để tăng sức đề kháng cho cơ thể. Bởi khi được nghỉ ngơi và tập luyện thường xuyên sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh hơn, nguy cơ mắc bệnh cũng được giảm bớt.
- Cần tắm rửa hàng ngày để giúp da bé luôn được sạch sẽ. Thường xuyên thoa kem dưỡng ẩm để tăng độ ẩm cho da. Đồng thời, không nên sử dụng xà phòng, các loại hóa chất khi tắm rửa để tránh tình trạng da bị kích ứng. Bên cạnh đó, có thể giảm bớt các đợt cấp của bệnh vảy nến.
Các biện pháp điều trị trên đây có thể được sử dụng riêng lẻ hoặc được kết hợp với nhau để tăng hiệu quả. Việc các bậc phụ huynh cần làm là phải đồng hành cùng con, thực hiện theo đúng sự chỉ định của bác sĩ trong việc điều trị để giảm thiểu các biểu hiện do bệnh gây ra.
III/ Chăm sóc đúng cách khi trẻ bị vảy nến
Với một số trẻ, bệnh vẩy nến chỉ gây khó chịu và một vài rắc rối nhỏ khi có những đợt bệnh khởi phát. Tuy nhiên, lại có những trường hợp khác, vảy nến gây ra rất nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhất là khi các mảng da đỏ nổi ở những vị trí nhạy cảm như da mặt, chân tay, bộ phận sinh dục sẽ khiến bé cảm thấy tự ti về bản thân. Khi đi học hoặc khi chơi đùa cùng với các bạn, con dễ bị trêu chọc, bắt nạt. Điều này sẽ làm con dần tách biệt với cộng đồng, thậm chí dẫn đến trầm cảm. Đồng thời nó cũng sẽ làm bệnh trở nên nặng thêm, việc điều trị cũng khó khăn hơn.
Trong trường hợp này, các bậc phụ huynh cần phải chú ý và bên cạnh con nhiều hơn. Hãy trò chuyện nhiều hơn với con để con hiểu được rằng cha mẹ và các bác sĩ đang cố gắng hết sức để chữa bệnh và mang lại cuộc sống bình thường cho con. Thường xuyên động viên, khuyến khích con cũng là việc nên làm. Bởi điều này sẽ giúp con nhận ra được giá trị của bản thân, con sẽ không cảm thấy tự ti vì chính mình. Nếu có điều kiện, các mẹ có thể nhờ đến chuyên gia tâm lý hoặc là nhờ đến sự giúp đỡ từ những người bản thân của con.
Điều trị bệnh vảy nến ở trẻ em không chỉ tập trung vào việc làm thuyên giảm các triệu chứng cho con mà cần phải tác động tâm lý đến con. Bởi đây là lứa tuổi nhạy cảm, rất dễ bị tổn thương. Nếu không quan tâm con kịp thời và đúng cách, những tác động tâm lý thậm chí còn gây ra những hậu quả nghiêm trọng hơn các triệu chứng bệnh vảy nến gây ra. Do đó, các bậc phụ huynh cần theo dõi sát tình hình sức khỏe của con. Đồng thời kết hợp với việc áp dụng các biện pháp điều trị đã được chỉ định để giúp con mau khỏe trở lại.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!