Chế độ ăn uống hợp lý cho người bị viêm đại tràng
Nội Dung Bài Viết
Viêm đại tràng là bệnh về đường tiêu hóa thường gặp, bệnh có các biểu hiện phức tạp có thể kể đến như đau tức vùng bụng dưới, chướng bụng, sôi bụng, phân không thành khuôn, đại tiện bất thường. Để điều trị, thúc đẩy quá trình hồi phục, bên cạnh việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, cần xác định được chế độ ăn cho người viêm đại tràng.
Nguyên tắc xây dựng chế độ ăn cho người viêm đại tràng
Viêm đại tràng khởi phát từ một đợt viêm cấp tính do nhiễm khuẩn bởi các vi khuẩn hoặc các ký sinh vật qua đường ăn uống nhưng lại không được điều trị dứt điểm gây ra hiện tượng kháng thuốc, nhờn thuốc. Bệnh tái phát nhiều lần rồi chuyển sang viêm đại tràng mãn tính, có thể xuất phát từ chế độ ăn uống hoặc các yếu tố khác như tâm lý căng thẳng, lo lắng… dẫn đến tăng tiết các chất loét ruột gây viêm. Khi bị viêm đại tràng, người bệnh cần xây dựng chế độ ăn uống khoa học, hỗ trợ tốt cho quá trình hồi phục và cần tuân theo nguyên tắc sau:
- Xây dựng chế độ ăn đầy đủ thành phần dưỡng chất, trong đó đạm nên bổ sung 1g/kg/1ngày; năng lượng khoảng 30 – 35 kcal/kg/ngày, tùy vào thể trạng của mỗi người mà có sự điều chỉnh phù hợp
- Chất béo nên ăn hạn chế, không nên dùng quá 15g/ngày
- Cung cấp đủ vitamin, muối khoáng và nước cho cơ thể để thúc đẩy quá trình hồi phục.
Chế độ ăn uống tùy thuộc vào triệu chứng đặc trưng:
- Khi bị táo bón: Nên tăng cường ăn nhiều chất xơ, đặc biệt là các chất xơ hòa tan như insulin, pectin, giảm chất béo, nên chia nhỏ bữa ăn, ăn nhiều lần trong ngày, khoảng 2 tiếng thì ăn 1 bữa.
- Khi bị tiêu chảy: Nên tránh hẳn các chất xơ không tan như cellulose nhằm tránh tình trạng thành ruột bị cọ xát. Bên cạnh đó, cũng tránh ăn trái cây đóng hộp, trái cây khô, rau sống; riêng với trái cây tươi thì nên gọt bỏ vỏ trước khi ăn, kể cả nho, trái cây xay có thể ăn chuối, táo.
Bị viêm đại tràng nên ăn gì?
Đại tràng là bộ phận chính có nhiệm vụ tiếp nhận và tiêu hóa thức ăn cho cơ thể, do đó, việc bổ sung những thực phẩm nào, xây dựng chế độ ăn cho người viêm đại tràng ra sao ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình hồi phục của đại tràng. Các thực phẩm tốt cho người viêm đại tràng có thể kể đến như:
- Các loại cá: Các loại cá giàu Omega 3, có khả năng kích thích sản sinh tế bào, giảm viêm, điều hòa quá trình đông máu, có thể kể đến như cá mòi, cá thu, cá hồi…
- Rau họ bí: Chứa nhiều chất xơ hòa tan, hỗ trợ chống lại viêm loét, giúp đường ruột khỏe mạnh và thúc đẩy hồi phục các tổn thương, có thể kể đến như bí xanh, bí ngô, bí đao…
- Sữa chua: Sữa chua chứa nhiều probiotics, có tác dụng cung cấp lợi khuẩn cho đường ruột, tăng cường sức đề kháng, nâng cao hệ miễn dịch. Tuy nhiên, chỉ nên ăn với mức độ vừa phải, nên chọn loại ít đường, ăn sau khi ăn cơm khoảng 30 phút đến 1 tiếng, tránh ăn khi bụng đói.
- Thực phẩm giàu đạm: Cung cấp khoáng chất và năng lượng cần thiết, giúp làm lành niêm mạc, ngăn ngừa viêm nhiễm. Có thể kể đến như thịt nạc, cá, đậu phụ…
- Trái cây tươi: Thúc đẩy làm lành tổn thương, nâng cao sức khỏe, bổ sung dưỡng chất, ngăn ngừa nguy cơ tái viêm. Có thể kể đến như chuối chín, táo, dưa hấu.
- Thực phẩm dễ tiêu hóa: Có thể kể đến như gạo, khoai tây, các loại rau xanh nhiều lá như rau cải, rau muống, rau ngót.
Thực phẩm người viêm đại tràng không nên ăn
Khi xây dựng chế độ ăn cho người viêm đại tràng, để tránh gây kích thích đại tràng, không làm vùng viêm lan rộng hơn, bạn nên loại bỏ những thực phẩm sau đây khỏi chế độ ăn. Cụ thể:
- Nên tránh thức ăn nhiều dầu mỡ vì dễ gây tiêu chảy, chướng bụng, đầy hơi vì các thực phẩm này khó tiêu khiến hệ tiêu hóa phải hoạt động quá mức. Các thực phẩm này là lạp xưởng, xúc xích, các món ăn chiên xào
- Nên ăn chín, uống sôi, tránh đồ tanh sống, đồ lạnh, để quá lâu vì có thể chứa các vi khuẩn gây hại, làm mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, gây kích thích đến đại tràng
- Các thực phẩm ngọt như kẹo ngọt, socola, sữa tươi, bánh ngọt… vì dễ gây khó tiêu đầy bụng, khiến các cơn co thắt ở đại tràng xuất hiện với tần suất nhiều hơn.
- Chất xơ không hòa tan, đồ ăn cứng có thể gây khó tiêu, cọ xát niêm mạc đại tràng khiến đại tràng tổn thương nghiêm trọng hơn
- Chất kích thích như rượu, cà phê hay những gia vị cay nóng như ớt với tiêu có thể kích thích đường ruột, làm vùng viêm loét trở nên nghiêm trọng hơn.
Gợi ý chế độ ăn uống cho người viêm đại tràng
Khi bị viêm đại tràng, bạn có thể tham khảo thực đơn ăn uống do PGS.TS Trần Minh Đạo đề xuất sau đây:
Ngày thứ nhất
- 7h: Ăn cháo thịt băm 300ml (30g gạo nấu với 20g thịt nạc băm); 100ml sữa chua
- 11h00: Cơm nát (150g gạo) với trứng kho thịt nhừ (30g trứng, 30g thịt), 2000g bí xanh luộc kỹ và nước luộc bí.
- 14h00: Thanh long 200g
- 18h00: Cơm nát (gạo 150g), 60g thịt băm sốt cà chua, 200g rau cải xào thái nhỏ, canh rau
Ngày thứ hai
- 7h: Ăn phở thịt băm (150g bánh phở nấu với 20g thịt nạc vai băm), 100ml sữa chua
- 11h00: Cơm nát (gạo 150g), đậu phụ om thịt cà chua (50g đậu phụ, 30g thịt, 50g cà chua), 200g su su luộc
- 14h00: Dưa hấu 200g
- 18h00: Cơm nát (gạo 150g), thịt gà rang băm nhỏ 60g, dầu ăn cả ngày 5g, 200g rau bí đỏ xào.
Ngày thứ ba
- 7h: Bánh mì ruốc 1 cái, 100ml sữa chua
- 11h: Cơm nát (150g gạo), 60g cá quả hấp, 30g thịt nạc rim, 200g rau cải trắng xào thái nhỏ, 5g dầu ăn
- 14h: Hồng ngọt 200g
- 18h: Cơm nát (gạo 150g), 30g thịt rang băm đỏ, 40g tôm biển rang bóc vỏ; khoai tây cà chua hầm nhừ (50g cà rốt, 80g khoai tây).
Giá trị dinh dưỡng của thực đơn:
- Năng lượng: 1600 – 1700 kcal
- Chất béo: 17 – 18g (chiếm 10 – 11% năng lượng của khẩu phần ăn)
- Chất đạm: 60 – 70g (chiếm 15 – 16% năng lượng của khẩu phần ăn)
- Tinh bột: 300 – 320g (73 – 75% năng lượng của khẩu phần ăn).
Một số lưu ý khi xây dựng khẩu phần ăn cho người viêm đại tràng
Khi bị viêm đại tràng, người bệnh cũng cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Ăn chậm nhai kỹ để giảm bớt gánh nặng cho đại tràng
- Tránh ăn quá no để không khiến bụng căng tức làm tăng áp lực cho hệ tiêu hóa
- Ăn uống điều độ, đúng giờ, không nên để bụng quá đói rồi mới ăn
- Uống đủ nước, đúng cách, nên uống vào lúc sáng sớm khi mới ngủ dậy hoặc trước khi ăn một giờ.
- Nếu chưa biết cách xây dựng chế độ ăn, tốt nhất bạn nên tham khảo bác sĩ để có thể lên thực đơn phù hợp với tình trạng bệnh
Bên cạnh chế độ ăn uống, người bị viêm đại tràng cũng cần xây dựng lối sống khoa học kết hợp với việc điều trị dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Nên luyện tập thể dục thể thao mỗi ngày, tránh thức khuya, làm việc quá sức, tránh mệt mỏi căng thẳng. Mỗi khi bệnh chuyển biến nặng, bạn nên đến gặp bác sĩ để được kiểm tra sức khỏe, theo dõi tình trạng bệnh của mình.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!