13 Dấu hiệu nhận biết mẹ bầu sắp sinh cực chuẩn xác
Nội Dung Bài Viết
Vào tháng cuối thai kỳ, rất nhiều thai phụ lo lắng về thời điểm sinh chính xác bởi ai cũng mong muốn chào đón thiên thần nhỏ một cách chu đáo nhất. Để quá trình “vượt cạn” diễn ra thuận lợi, mẹ bầu có thể dựa vào một số dấu hiệu sắp sinh được tổng hợp trong bài viết sau.
13 Dấu hiệu nhận biết mẹ bầu sắp sinh chính xác
Thai đủ 38 tuần tuổi được xác định là đã trưởng thành và hoàn toàn có khả năng tồn tại bên ngoài tử cung của mẹ. Do đó, thời điểm sinh có thể rơi vào tuần thứ 39 – 41 (thông thường là tuần thứ 40). Vì khoảng thời gian dự sinh tương đối dài (2 – 3 tuần) nên khá nhiều mẹ bầu lo lắng về thời điểm chuyển dạ chính xác để có thể nhập viện kịp thời. Bởi bất cứ ai cũng mong muốn có sự chuẩn bị chu đáo nhất để quá trình sinh nở diễn ra thuận lợi, an toàn cho cả mẹ và bé.
May mắn là trước thời điểm chuyển dạ (trước sinh khoảng 1 vài tuần), thai phụ sẽ có các biểu khá rõ rệt. Vì vậy, mẹ bầu có thể dựa vào các dấu hiệu này để nhận biết thời điểm sắp sinh.
Dưới đây là 13 dấu hiệu mẹ bầu sắp sinh cực chuẩn xác:
1. Co thắt tử cung thưa, nhẹ và không đau
Co thắt tử cung là dấu hiệu sắp sinh gặp ở hơn 80% mẹ bầu. Tuy nhiên, cơn co thắt thường có mức độ nhẹ, xảy ra với tần suất thưa và không đau hoặc đau nhẹ và không rõ rệt. Tình trạng co thắt có thể kéo dài trong vài tuần và có xu hướng tăng mức độ co thắt lên khi sắp sinh. Khi chuyển dạ thật sự, tử cung sẽ co thắt mạnh gây đau bụng từng cơn và mức độ đau tăng dần theo thời gian.
Thống kê cho thấy, đa phần thai phụ sắp sinh đều xuất hiện cơn đau gò tử cung với tần suất 30 phút/ lần, sau đó khoảng cách được thu ngắn lại khoảng 20 phút/ lần cho đến khi 2 – 3 phút/ lần. Đây là dấu hiệu sắp sinh rõ rệt và phổ biến nhất. Có khoảng 95% thai phụ sinh con kể tính từ 24 giờ sau khi xuất hiện cơn co thắt tử cung dữ dội.
2. Cảm nhận được sự giãn nở của tử cung
Vào tuần thứ 34 – 35 (đối với mang thai lần đầu) và tuần thứ 36 – 37 (đối với mang thai từ lần thứ 2 trở đi), thai nhi sẽ quay đầu đổi ngôi để chuẩn bị cho quá trình sinh nở. Càng cận ngày sinh, thai phụ có thể cảm nhận được sự giãn nở của tử cung ngày một rõ rệt – đặc biệt là trước khi sinh khoảng 1 – 2 tuần.
Việc giãn nở tử cung chính là phản xạ của cơ thể để tạo điều kiện cho thai nhi chào đời một cách thuận lợi. Chính vì vậy trong những tuần cuối thai kỳ, mẹ bầu nên thăm khám thường xuyên để được bác sĩ dự đoán thời điểm sinh chính xác.
3. Đau lưng và chuột rút nhiều hơn
Đau lưng và chuột rút là những triệu chứng thường gặp ở thời gian cuối thai kỳ. Các triệu chứng này là hệ quả do áp lực từ thai nhi đè nén lên thắt lưng và rễ thần kinh, dân đến tình trạng chuột rút, đau nhức và ê mỏi lưng.
Tuy nhiên gần đến ngày sinh, tình trạng đau lưng và chuột rút có xu hướng gia tăng về mức độ và tần suất khiến mẹ bầu gặp nhiều khó khăn khi sinh hoạt và dễ mất ngủ, khó ngủ – đặc biệt là những người mang thai lần đầu tiên.
4. Bụng bầu sa xuống rõ rệt
Trong tháng cuối thai kỳ, mẹ bầu sẽ nhận thấy bụng bầu có xu hướng sa xuống đáng kể. Tình trạng này là do thai nhi bắt đầu xoay ngôi và chuẩn bị chào đời. Đặc biệt, trước khi sinh khoảng 1 – 2 tuần, phần bụng có xu hướng chúi xuống rất rõ rệt. Nếu chú ý, mẹ bầu có thể phát hiện được dấu hiệu sắp sinh và chuẩn bị chu đáo hơn để chào đón thiên thần nhỏ.
Vì bụng bầu sa xuống rõ rệt nên mẹ bầu có thể gặp phải một số triệu chứng thứ phát như cơ thể nặng nề, khó khăn khi sinh hoạt, đi lại,… Những bù lại, mẹ bầu ít bị khó thở và ăn uống thoải mái hơn do áp lực lên cơ quan tiêu hóa trên và cơ quan hô hấp được giải phóng. Đây là một trong những dấu hiệu mẹ bầu sắp sinh cực kỳ chuẩn xác nhưng khá nhiều người bỏ qua.
5. Dịch nhầy cổ tử cung tiết nhiều hơn bình thường
Khi mang thai, tử cung sẽ bài tiết chất nhầy và tích tụ ở cổ tử cung để ngăn ngừa viêm nhiễm, bảo vệ sức khỏe cho cả mẹ và thai nhi. Tuy nhiên khi đến gần ngày sinh, nút nhầy ở cổ tử cung có xu hướng loãng hơn và bài tiết qua âm đạo để chuẩn bị cho quá trình sinh nở. Nếu nhận thấy dịch nhầy cổ tử cung tiết ra nhiều hơn bình thường rất có thể đây là dấu hiệu trước sinh khoảng 2 ngày hoặc 1 – 2 tuần (tùy cơ địa).
Để phân biệt với dịch nhầy sinh lý, mẹ bầu nên quan sát tính chất và màu sắc của dịch tiết. Theo các chuyên gia, dịch nhầy báo hiệu sắp sinh thường trong suốt đi kèm với 1 ít máu tươi hoặc dịch có màu hồng nhạt. Trong trường hợp âm đạo chảy máu bất thường, thai phụ cần đến bệnh viện gấp bởi đây có thể là dấu hiệu của các biến chứng thai kỳ.
6. Tiêu chảy
Tiêu chảy từ tuần thứ 38 trở đi rất có thể là dấu hiệu sắp sinh mà nhiều mẹ bầu bỏ qua. Nếu đã loại trừ hết tất cả nguyên nhân có thể gây tiêu chảy (ăn thức ăn lạ, dùng quá nhiều thực phẩm có tính hàn, thức ăn dị ứng,…), mẹ bầu nên cân nhắc về khả năng sắp sinh.
Nguyên nhân là do khi gần với thời điểm sinh, cơ thể sản sinh ra nhiều hormone hơn bình thường để chuẩn bị cho thai nhi chào đời. Tuy nhiên, lượng hormone này có thể tác động đến đường ruột của mẹ bầu khiến mẹ dễ bị tiêu chảy và đau bụng. Ngoài ra, áp lực từ tử cung cũng có thể khiến đường ruột co thắt, gây ra đau thắt bụng dưới và đi ngoài.
Nếu gặp phải tình trạng này, mẹ bầu nên bổ sung nhiều nước để tránh mất nước và rối loạn điện giải. Sau đó, nên sắp xếp đến bệnh viện trong thời gian sớm nhất để bác sĩ dự tính thời gian sắp sinh và nhập viện trong trường hợp cần thiết.
7. Đau vùng xương chậu, khớp háng
Hormone relaxin được sản sinh mạnh vào những tháng cuối thai kỳ nhằm giúp giãn xương chậu, tạo điều kiện cho thai nhi dễ dàng đổi ngôi và chuẩn bị cho quá trình sinh nở. Ngoài ra, hormone này còn giúp tử cung giãn nở và mềm hơn để bé có thể chào đời một cách thuận lợi.
Tuy nhiên, hormone này “vô tình” làm giãn dây chằng ở khớp háng và xương chậu khiến cấu trúc khớp trở nên lỏng lẻo, dễ đau nhức và tê mỏi. Tình trạng đau khớp háng và xương chậu có xu hướng bùng phát ở 1 – 2 tháng cuối thai kỳ. Tuy nhiên ở thời gian sắp sinh, triệu chứng này có thể xảy ra với mức độ nghiêm trọng và tần suất thường xuyên hơn.
8. Thường xuyên cảm thấy mệt mỏi
Trong 1 tháng cuối thai kỳ, mẹ bầu thường xuyên bị uể oải và mệt mỏi như thời gian đầu mang thai. Lý do là vì bụng bầu nặng dần và sa xuống gây chèn ép các cơ quan nội tạng, đồng thời khiến cơ thể mẹ trở nên nặng nề và gặp nhiều phiền toái khi sinh hoạt. Tương tự như các dấu hiệu trên, tình trạng mệt mỏi có xu hướng nghiêm trọng hơn trước ngày sinh khoảng 1 – 2 tuần.
Tuy nhiên, dấu hiệu này không thực sự đúng với tất cả mẹ bầu – đặc biệt là với những người có thể trạng tốt. Thực tế, có không ít thai phụ duy trì được sức khỏe tốt ngay cả những ngày sắp sinh. Mặc dù không phải là dấu hiệu điển hình nhưng để đảm bảo cho quá trình “vượt cạn” diễn ra thuận lợi, bạn không nên bỏ qua dấu hiệu này nếu nhận thấy mức độ mệt mỏi tăng rõ rệt lên từng ngày.
9. Ngưng tăng cân hoặc giảm cân
Từ tuần thứ 38 trở đi, thai nhi gần như không phát triển về cân nặng do đã trưởng thành và có thể tồn tại bên ngoài tử cung của mẹ. Do đó vào thời điểm gần sinh, mẹ gần như không tăng lên hoặc thậm chí có dấu hiệu giảm cân do lượng nước ối trong bào thai giảm đi đáng kể.
Tuy nhiên nếu cơ thể giảm cân đột ngột, người mệt mỏi và uể oải, thai phụ nên thông báo ngay với bác sĩ để được thăm khám và xử lý kịp thời. Bởi giai đoạn gần sinh là thời điểm vô cùng nhạy cảm. Trong trường hợp đáng tiếc, cả sức khỏe của mẹ và bé đều có thể bị đe dọa.
10. Tăng số lần tiểu tiện, đại tiện
Phụ nữ mang thai có xu hướng tiểu tiện và đại tiện nhiều hơn người bình thường do tăng áp lực tử cung lên đường ruột và bàng quang. Đặc biệt trong giai đoạn cuối thai kỳ, bụng bầu có xu hướng sa trễ hơn bình thường và tăng chèn ép lên bàng quang, đại tràng và trực tràng.
Vì vậy, một số mẹ bầu có thể tăng số lần đại tiện và tiểu tiện lên đáng kể. Nếu nhận thấy tình trạng này, mẹ bầu nên chuẩn bị kỹ lưỡng vì đây có thể là dấu hiệu sắp sinh trước 1 – 2 tuần.
11. Vùng kín của mẹ phù nề
Vùng kín bị phù nề là một trong những dấu hiệu mẹ bầu sắp sinh vô cùng chuẩn xác. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do nội tiết tố thai kỳ, ngôi thai lớn và sự giãn nở của tử cung khiến mạch máu nuôi dưỡng âm đạo, âm hộ và tầng sinh môn giãn rộng, dẫn đến tăng lưu lượng máu về “vùng kín” và khiến cơ quan này bị phù nề.
Ngoài ra, mục đích của tăng lưu lượng máu đến vùng kín còn giúp ống âm đạo giãn nở tốt và giúp quá trình sinh nở diễn ra thuận lợi hơn. Tuy nhiên nếu vùng kín sưng nề kèm đau rát âm đạo, chảy máu bất thường, ngứa ngáy,… mẹ bầu nên tìm gặp bác sĩ Sản phụ khoa vì đây rất có thể là biểu hiện của các bệnh phụ khoa hoặc một số biến chứng thai kỳ.
12. Mất ngủ, phù 2 chân
Mất ngủ và phù 2 chân là dấu hiệu mẹ bầu sắp sinh không điển hình, tức là chỉ gặp ở một số ít thai phụ. Nguyên nhân gây ra tình trạng mất ngủ là do tâm lý lo lắng ở mẹ bầu khi sắp gần ngày sinh – nhất là với những người lần đầu tiên làm mẹ.
Đối với tình trạng phù 2 chân, nguyên nhân bắt nguồn từ hiện tượng tử cung đè nén lên tĩnh mạch chủ dưới gây ứ trệ máu và dẫn đến phù chân. Ở một số mẹ bầu, tình trạng này cũng có thể xảy ra trong suốt 1 – 2 tháng cuối thai kỳ. Tuy nhiên, tình trạng phù chân chỉ xảy ra trong khoảng vài tuần sau đó tự biến mất và chỉ xuất hiện lại trước khi sinh khoảng 3 – 5 ngày.
13. Vỡ nước ối – Dấu hiệu sắp sinh chính xác nhất
Nước ối là phần dung dịch bao xung quanh thai nhi. Tuy nhiên khi đến thời điểm sắp sinh, túi ối có thể bị vỡ bất cứ lúc nào nhưng thường là vỡ khi sắp chuyển dạ. Vỡ nước ối có biểu hiện khá rõ rệt, mẹ bầu có thể dễ dàng cảm nhận được tiếng túi ối vỡ bên trong. Sau đó, nước chảy ra từ âm đạo khá nhiều kèm theo cảm giác đau hoặc không đau.
Trong một số ít trường hợp, mẹ bầu có thể không cảm nhận được nước ối vỡ, đồng thời không có cảm giác đau, nước ối chảy từng dòng nhỏ hoặc chỉ rỉ dịch chậm. Vì vậy ở thời điểm cuối thai kỳ, thai phụ cần phải chú ý tất cả các biểu hiện bất thường để đến bệnh viện kịp thời.
Ngay khi nhận biết hoặc nghi ngờ vỡ túi ối, thai phụ cần đến bệnh viện ngay để tránh vi khuẩn, vi trùng xâm nhập và gây tổn thương thai nhi. Trong trường hợp không thể sinh thường, các bác sĩ buộc phải can thiệp sinh mổ để hạn chế tối đa nguy cơ nhiễm trùng.
Phân biệt dấu hiệu sắp sinh với chuyển dạ giả
Chuyển dạ giả (cơn gò tử cung sinh lý/ cơn co Braxton Hicks) dễ bị nhầm lần với các dấu hiệu sắp sinh thực sự. Triệu chứng này có thể xuất hiện vào tháng thứ 4 của thai kỳ với tần suất không đều và không có tính chu kỳ.
Mục đích của cơ thể khi tạo ra các cơn gò tử cung sinh lý là để mẹ rèn luyện khả năng chịu đựng và là bước đầy để tử cung luyện tập khi đến ngày sinh nở. Tần suất của các cơn chuyển dạ giả có thể tăng lên vào những tháng cuối thai kỳ và khiến không ít mẹ bầu nhầm lẫn với chuyển dạ thực sự.
Để tránh trường hợp phải đến bệnh viện khi không cần thiết, mẹ bầu nên trang bị kiến thức để phân biệt được cơn gò sinh lý và chuyển dạ thực sự.
- Cơn gò tử cung sinh lý thường không gây đau, tính chất thất thường, mức độ và cường độ hầu như không tăng lên rõ rệt theo thời gian. Trong khi đó, chuyển dạ thực sự gây đau, mức độ đau mạnh hơn và mau hơn.
- Không có hiện tượng rỉ dịch tiết hay vỡ nước ối.
- Cơn gò tử cung sinh lý có thể giảm khi thay đổi tư thế. Ngược lại, chuyển dạ thực sự hoàn toàn không thuyên giảm mà trái lại còn tăng dần hơn theo thời gian.
Một số lời khuyên cho mẹ bầu trong tháng cuối thai kỳ
Trong thời gian cuối thai kỳ, không ít mẹ bầu rơi vào trạng thái lo lắng, muộn phiền và trở nên nhạy cảm hơn với những biểu hiện của cơ thể. Điều này khiến thể trạng của mẹ suy giảm và ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình “vượt cạn”.
Để việc sinh nở diễn ra thuận lợi, mẹ bầu trong tháng cuối thai kỳ nên:
- Vấn đề quan trọng nhất là giữ tâm lý thoải mái và thư giãn. Căng thẳng quá mức được cho là nguyên nhân làm tăng rủi ro khi sinh nở và các biến chứng trong thời kỳ chu sinh (7 ngày đầu sau khi sinh).
- Khi đến cận ngày sinh, mẹ bầu nên nằm nghiêng bên trái để tránh tử cung đè nén lên động mạch chủ – cơ quan vận chuyển dinh dưỡng và oxy để nuôi dưỡng thai nhi.
- Không nên làm việc trong thời điểm gần sinh, thay vào đó nên dành thời gian nghỉ ngơi, đi bộ nhẹ nhàng, ăn uống điều độ và thực hiện các hoạt động thư giãn như nấu ăn, đọc sách, xem phim,… Tránh thức khuya và hạn chế tiếp xúc với các thiết bị điện tử quá 2 giờ đồng hồ.
- Từ tuần thứ 35 trở đi, thai nhi có những cử động rõ rệt. Do đó gần thời điểm sinh nở, mẹ nên chú ý những cử động của thai. Nếu nhận thấy thai cử động nhiều hoặc ít bất thường, nên đến bệnh viện kiểm tra để tránh các tình huống rủi ro.
- Từ tuần thứ 36 – 37, mẹ nên chuẩn bị sẵn những đồ dùng cần thiết bởi quá trình chuyển dạ có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Vì thời điểm dự sinh của bác sĩ chỉ mang tính chất tham khảo và có thể thay đổi do cơ địa, sức khỏe của mẹ. Do đó, mẹ vẫn nên chủ động chuẩn bị để chào đón thiên thần nhỏ một cách chu đáo nhất.
Dấu hiệu sắp sinh cần đến bệnh viện?
Trước thời điểm sinh khoảng 1 tháng, cơ thể mẹ sẽ có những dấu hiệu cảnh báo. Tuy nhiên, các dấu hiệu này có xu hướng rõ rệt hơn khi đến gần ngày sinh. Do đó, mẹ bầu cần đến bệnh viện ngay khi nhận thấy các biểu hiện sắp sinh trước 1 – 3 ngày như:
- Dịch tiết âm đạo ra nhiều kèm đau bụng, dịch nhớt, trong suốt và có màu hồng
- Rỉ hoặc vỡ nước ối (nước có màu vàng nâu hoặc xanh lục)
- Co thắt bụng kèm đau, cơn gò tăng dần mức độ và tần suất theo thời gian
Ngoài ra, thai phụ cũng cần chủ động đến bệnh viện khi có những dấu hiệu bất thường sau:
- Chảy máu âm đạo, đau bụng và sốt nhẹ đến sốt cao
- Thai nhi ít cử động hơn thường ngày
- Các dấu hiệu tiền sản giật (biến chứng thai kỳ nguy hiểm) như thay đổi thị lực, đau vùng bụng trên, đau đầu, hoa mắt, sợ ánh sáng, đau hạ sườn phải,…
Giai đoạn sắp sinh là thời điểm vô cùng nhạy cảm. Do đó, mẹ bầu cần chú ý các biểu hiện của cơ thể để kịp thời phát hiện và xử lý trong thời gian sớm nhất. Trong trường hợp thai phụ có nhiều bệnh lý nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng sức khỏe đến cả mẹ và bé, nên theo dõi tại bệnh viện trước khi sinh khoảng 1 – 2 tuần để đảm bảo an toàn.
Bài viết đã tổng hợp 13 dấu hiệu nhận biết mẹ bầu sắp sinh cực chuẩn xác. Hy vọng qua những thông tin hữu ích trên, thai phụ có thể hiểu rõ hơn về quá trình sinh nở và chuẩn bị chu đáo nhất để chào đón thiên thần nhỏ.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!