Đau thần kinh tọa là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị thế nào?

Bị đau dây thần kinh tọa có nên đi bộ không?

Đau thần kinh tọa theo Đông y và các bài thuốc điều trị

7 Cách chữa trị đau dây thần kinh tọa tại nhà đơn giản dễ thực hiện

5 Cây thuốc nam chữa đau thần kinh tọa dễ tìm quanh nhà

Bị đau thần kinh tọa có nên tập yoga không?

Bị đau thần kinh tọa nên ăn gì và kiêng gì tốt nhất?

Mách bạn cách chữa đau thần kinh tọa bằng lá lốt cực hay

Bị đau thần kinh tọa có quan hệ được không? Thế nào đúng cách?

Sữa tỏi và công dụng chữa đau thần kinh tọa ít ai biết

Đau thần kinh tọa là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị thế nào?

Đau thần kinh tọa (đau dây thần kinh hông to) là hội chứng thần kinh thường gặp ở nam giới từ 30 – 60 tuổi. Hội chứng này đặc trưng bởi cơn đau khởi phát ở vùng thắt lưng, sau đó lan dọc xuống mông, hông, đùi và bàn chân kèm theo cảm giác tê bì, châm chích và dị cảm. Điều trị đau dây thần kinh hông to chủ yếu là các phương pháp bảo tồn như bất động, dùng thuốc, vật lý trị liệu và chỉ can thiệp phẫu thuật khi thực sự cần thiết.

Đau thần kinh tọa là gì
Đau thần kinh tọa là gì? Nguy hiểm không?

Đau thần kinh tọa là gì?

Đau thần kinh tọa (đau dây thần kinh tọa/ đau dây thần kinh hông to) là hội chứng thần kinh đặc trưng bởi cơn đau khởi phát ở vùng thắt lưng và lan dọc xuống chi dưới. Bệnh xảy ra do rễ thần kinh bị chèn ép bởi đĩa đệm, gai xương, cột sống hoặc do khối u bất thường.

Có rất nhiều nguyên nhân gây đau thần kinh tọa nhưng nguyên nhân phổ biến nhất là thoát vị đĩa đệm (chiếm từ 60 – 90% trường hợp). Bệnh thường gặp ở người từ 30 – 60 tuổi và xảy ra chủ yếu ở nam giới (gấp 3 lần so với nữ giới). Đau dây thần kinh tọa là bệnh lý có tính nghề nghiệp. Thống kê cho thấy, tỷ lệ mắc bệnh tăng lên đáng kể nếu làm những công việc như lái xe, lái tàu, khuân vác nặng hoặc người làm công việc văn phòng.

Dây thần kinh tọa (dây thần kinh hông to) không chỉ chi phối cảm giác và điều khiển hoạt động của chi dưới mà còn có vai trò vận chuyển dinh dưỡng. Vì vậy, rễ thần kinh bị chèn ép lâu ngày có thể gây ra nhiều biến chứng nặng nề.

Nguyên nhân gây đau thần kinh tọa

Như đã đề cập, có rất nhiều nguyên nhân có khả năng gây đau thần kinh tọa. Trong đó phổ biến nhất là do tổn thương ở vùng cột sống thắt lưng – đặc biệt là thoát vị đĩa đệm.

1. Do thoát vị đĩa đệm

Thoát vị đĩa đệm là nguyên nhân phổ biến nhất gây hội chứng đau dây thần kinh tọa. Bệnh lý này thường xảy ra do chấn thương và ảnh hưởng của quá trình lão hóa khiến bao đĩa đệm bị xơ hóa, phình giãn và thoát nhân nhầy ra bên ngoài.

Thoát vị xảy ra ở đĩa đệm L4-L5 và L5-S1 có thể gây chèn ép rễ thần kinh và làm phát sinh hội chứng đau dây thần kinh hông to. Thống kê cho thấy, có khoảng 60% trường hợp bị thoát vị đĩa đệm thắt lưng gặp phải hội chứng này.

2. Giải phẫu cột sống bất thường

Đau dây thần kinh tọa cũng có thể là hệ quả do bất thường ở cột sống thắt lưng cùng hoặc do một số dị tật bẩm sinh khác. Tuy nhiên hiện nay, giải phẫu cột sống bất thường do bẩm sinh không được xem là nguyên nhân trực tiếp mà chỉ được xác định là điều kiện thuận lợi làm tăng nguy cơ đau dây thần kinh tọa.

5. Ảnh hưởng của một số bệnh lý cột sống

Ngoài thoát vị đĩa đệm, đau dây thần kinh hông to cũng có thể là hệ quả của một số bệnh lý cột sống khác, như:

đau dây thần kinh tọa là gì
Đau thần kinh tọa có thể là hệ quả của các bệnh lý ở cột sống như thoái hóa, trượt đốt sống,…
  • Thoái hóa cột sống thắt lưng: Thoái hóa cột sống thắt lưng khiến khoang đĩa đệm, mô mềm xung quanh, các mô nâng đỡ và khớp liên mấu bị suy yếu và mất cân bằng. Cấu trúc cột sống bị rối loạn gây chèn ép rễ thần kinh và dẫn đến hội chứng đau dây thần kinh tọa.
  • Loãng xương: Loãng xương đặc trưng bởi chất lượng và mật độ xương suy giảm. Theo thời gian, cột sống thắt lưng có xu hướng xẹp lún do áp lực từ trọng lượng cơ thể, dẫn đến chèn ép dây thần kinh hông to và các mô mềm xung quanh.
  • Viêm cột sống: Viêm cột sống có thể gây hẹp ống sống, hẹp lỗ liên hợp dẫn đến chèn ép rễ thần kinh. Bệnh lý này thường khởi phát do nhiễm trùng (có thể xảy ra do trực khuẩn lao sau lao cột sống hoặc do tụ cầu sau khi nhiễm trùng phổi, tiết niệu hoặc nhiễm trùng da).
  • Viêm cột sống dính khớp: Viêm cột sống dính khớp khiến cho khớp cột sống thắt lưng bị tê cứng hoàn toàn. Theo thời gian, các đốt sống dính liền vào nhau, dây chằng bị vôi hóa và không gian trong đốt sống có xu hướng thu hẹp lại. Những yếu tố này dẫn đến chèn ép rễ thần kinh và gây hội chứng đau thần kinh tọa.
  • Trượt cột sống: Trượt cột sống là tình trạng cột sống bị trượt về phía trước hoặc phía sau do chấn thương hoặc do ảnh hưởng của quá trình thoái hóa. Tình trạng này thường gặp ở nữ giới nhiều hơn nam giới – đặc biệt là ở nữ giới cao tuổi. Đốt sống bị trượt ra khỏi cấu trúc có thể gây chèn ép rễ thần kinh L5, S1 và dẫn đến hội chứng đau thần kinh tọa.

4. Chấn thương

Đau dây thần kinh hông to có thể xảy ra do chấn thương trực tiếp vào rễ thần kinh (tai nạn, té ngã,…). Ngoài ra, một số chấn thương gián tiếp như chấn thương gãy xương chậu, gãy xương cột sống thắt lưng,… cũng có thể gây chèn ép rễ thần kinh và làm bùng phát hội chứng đau dây thần kinh hông to.

5. Các yếu tố rủi ro

Nguy cơ đau dây thần kinh tọa có thể tăng lên khi có những yếu tố rủi ro sau:

  • Là nam giới trong độ tuổi từ 30 – 60
  • Bị tiểu đường
  • Mắc các bệnh viêm nhiễm như nhiễm virus herpes, HIV, giang mai,…
  • Sinh sống trong khí hậu lạnh, ẩm
  • Ngồi nhiều, lao động nặng, tư thế sai lệch,…
  • Ung thư di căn
  • Rễ thần kinh L5, S1 có kích thước lớn hơn bình thường

Triệu chứng của đau dây thần kinh tọa

Đau dây thần kinh tọa có triệu chứng tương đối điển hình. Tuy nhiên, biểu hiện của hội chứng này có thể không đồng nhất tùy thuộc vào nguyên nhân cụ thể, mức độ chống chịu và thể trạng của từng trường hợp.

Đau thần kinh tọa có nguy hiểm không
Đau dây thần kinh hông to đặc trưng bởi triệu chứng đau nhói kèm tê bì, nóng rát và dị cảm (kiến bò)

Các triệu chứng nhận biết đau dây thần kinh tọa:

  • Cơn đau xuất hiện ở vùng thắt lưng khi có các yếu tố cơ học như chấn thương, ngồi nhiều, đi đứng nhiều, té ngã, khuân vác vật nặng,…
  • Triệu chứng có thể khởi phát đột ngột hoặc xuất hiện từ từ theo kiểu bán cấp/ mãn tính
  • Bệnh nhân đau dây thần kinh tọa cấp kéo dài có thể gây vẹo cột sống. Nguyên nhân gây ra tình trạng này là do bệnh nhân vẹo người sang 1 bên nhằm giảm chèn ép lên dây thần kinh, từ đó giúp làm dịu cơn đau và một số triệu chứng đi kèm
  • Đau thắt lưng ở vị trí L4, L5, S1 là triệu chứng điển hình của hội chứng đau thần kinh hông to. Cơn đau cấp xảy ra dưới 6 tuần, bán cấp xảy ra từ 6 – 12 tuần và đau mãn tính được xác định khi xảy ra trên 12 tuần
  • Cơn đau cấp thường có mức độ nặng, dữ dội. Trong khi đó nếu bán cấp và mãn tính, cơn đau chủ yếu có mức nhẹ và âm ỉ
  • Đau do hội chứng đau dây thần kinh tọa có tính chất cơ học. Cơn đau tăng lên khi xoay người, vận động và giảm nhẹ khi nằm nghỉ
  • Đau kéo dài gây hạn chế khi thực hiện các động tác như xoay, nghiêng, cúi hoặc ngửa người
  • Theo thời gian, cơn đau có xu hướng lan dọc xuống mông, đùi và cẳng chân theo đường đi của rễ thần kinh
  • Đôi khi cơn đau xảy ra sâu bên trong xương, cơ, có cảm giác buốt nhói, nhức nhối như bị điện giật, cháy bỏng hoặc như dao đâm
  • Cơn đau đi kèm với với cảm giác dị cảm ở đầu chi (kiến bò) và tê bì
  • Ở giai đoạn nặng, cơn đau còn có thể tăng lên khi hắt hơi, ho, đau nhiều khi trời lạnh và về đêm. Một số bệnh nhân cũng có thể bị đau liên tục mà không phụ thuộc vào tư thế
  • Dần dần, rễ thần kinh bị suy yếu, gây rối loạn vận động (yếu cơ) và rối loạn phản xạ gân cơ
  • Ngoài ra, đau dây thần kinh tọa còn có thể gây rối loạn thực vật – dinh dưỡng với các biểu hiện như teo cơ, mất phản xạ dựng lông, rối loạn tiết mồ hôi, nhiệt độ da giảm…

Mức độ triệu chứng của đau dây thần kinh có xu hướng nghiêm trọng dần theo thời gian. Chính vì vậy khi nhận thấy các biểu hiện bất thường, bệnh nhân cần thăm khám và điều trị trong thời gian sớm nhất.

Đau dây thần kinh tọa có nguy hiểm không?

Đau dây thần kinh tọa là hội chứng thần kinh khá phổ biến. Hội chứng này có thể thuyên giảm hoàn toàn nếu thăm khám và điều trị kịp thời. Ngược lại, tình trạng chủ quan có thể khiến rễ thần kinh bị chèn ép nghiêm trọng và gây ra một số biến chứng như:

Đau thần kinh tọa có nguy hiểm không
Đau dây thần kinh hông to có thể gây yếu liệt chi dưới và tăng nguy cơ tàn phế
  • Hội chứng chùm đuôi ngựa: Hội chứng chùm đuôi ngựa là biến chứng do rễ thần kinh bị chèn ép lâu ngày dẫn đến tổn thương nặng, suy yếu và rối loạn. Hội chứng này đặc trưng bởi triệu chứng chi dưới yếu liệt, rối loạn cảm giác kèm theo các rối loạn cơ tròn như bất lực (nam giới), táo bón và bí tiểu.
  • Liệt chi dưới: Yếu liệt chi dưới là biến chứng thường gặp của hội chứng đau dây thần kinh tọa. Biến chứng này xảy ra do rễ thần kinh bị chèn ép dẫn đến giảm chức năng chi phối vận động. Ngoài ra, yếu liệt chi dưới cũng có thể là hệ quả do giảm chức năng vận chuyển dinh dưỡng của dây thần kinh hông to.
  • Giảm chất lượng cuộc sống: Các triệu chứng của đau dây thần kinh tọa có mức độ nặng dần theo thời gian. Ban đầu, bệnh chỉ gây khó chịu và giảm khả năng vận động trong thời gian ngắn. Tuy nhiên nếu không điều trị, các triệu chứng này có thể xuất hiện với tần suất thường xuyên và mức độ nặng nề hơn khiến bệnh nhân không thể thực hiện các hoạt động sinh hoạt thường ngày, giảm hiệu suất lao động, ảnh hưởng đến đời sống tình dục,…

Chẩn đoán đau dây thần kinh tọa

Đau dây thần kinh tọa là hội chứng rối loạn thần kinh thường gặp. Để chẩn đoán hội chứng này, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện một số kỹ thuật sau:

nguyên nhân đau thần kinh tọa
Chẩn đoán đau thần kinh tọa bao gồm thăm khám lâm sàng, chụp X-quang, MRI, CT,…
  • Thăm khám lâm sàng: Đau dây thần kinh tọa có triệu chứng tương đối điển hình. Vì vậy, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng trước khi chỉ định các kỹ thuật chẩn đoán cận lâm sàng.
  • Chụp X-Quang quy ước: Xét nghiệm hình ảnh X-Quang không thực sự có ý nghĩa trong chẩn đoán đau dây thần kinh tọa. Tuy nhiên qua hình ảnh của xét nghiệm này, bác sĩ có thể xác định được nguyên nhân gây bệnh (thoát vị đĩa đệm). Đồng thời loại trừ các nguyên nhân có thể xảy ra như u đốt sống, chấn thương, hẹp đốt sống, trượt đốt sống, viêm cột sống, thoái hóa cột sống,…
  • MRI (Chụp cộng hưởng từ): MRI là kỹ thuật chẩn đoán có giá trị nhất đối với đau dây thần kinh tọa do thoát vị đĩa đệm. Qua hình ảnh từ xét nghiệm này, bác sĩ có thể loại trừ tổn thương bên trong tủy sống và xác định được vị trí, mức độ của đĩa đệm thoát vị.
  • CT scan (Chụp cắt lớp vi tính): Chụp CT có ít có giá trị hơn so với MRI trong chẩn đoán đau dây thần kinh tọa do thoát vị đĩa đệm. Tuy nhiên, kỹ thuật này có thể được áp dụng nếu bệnh nhân không có khả năng chi trả hoặc chống chỉ định với chụp cộng hưởng từ.
  • Các xét nghiệm sinh hóa – tế bào: Xét nghiệm công thức máu, sinh hóa máu, tốc độ lắng máu, xét nghiệm nước tiểu,… cũng có thể được chỉ định trong chẩn đoán đau thần kinh tọa. Mục đích của các xét nghiệm này là loại trừ trường hợp đau dây thần kinh do bệnh lý cột sống kết hợp với bệnh hệ thống và bệnh viêm nhiễm.
  • Chẩn đoán phân biệt: Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể tiến hành chẩn đoán phân biệt đau dây thần kinh tọa với một số bệnh lý có triệu chứng tương tự như đau khớp cùng chậu, thoái hóa khớp háng,…

Trên thực tế, các kỹ thuật chẩn đoán đau dây thần kinh tọa được chỉ định phụ thuộc vào biểu hiện lâm sàng và lịch sử bệnh lý của từng trường hợp. Ở một số trường hợp không có biểu hiện điển hình, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện một số chẩn đoán không được đề cập trong bài viết.

Các phương pháp điều trị đau dây thần kinh tọa

Đau dây thần kinh tọa có thể được điều trị và kiểm soát hoàn toàn. Thống kê cho thấy, có khoảng 90% trường hợp có đáp ứng tốt với điều trị nội khoa.

Dưới đây là một số phương pháp điều trị đau dây thần kinh tọa phổ biến nhất hiện nay:

1. Điều trị nội khoa

Điều trị nội khoa đối với đau dây thần kinh tọa bao gồm sử dụng thuốc và bất động.

– Bất động:

Bất động là biện pháp cần thiết đối với đau dây thần kinh tọa cấp và nặng do thoát vị đĩa đệm. Mục đích của biện pháp này là giảm chèn ép dây thần kinh và ngăn chặn dịch nhầy từ đĩa đệm tràn ra bên ngoài.

  • Bệnh nhân nằm bất động trên phản cứng ở tư thế ngửa. Hai chân co nhẹ ở khớp háng và khớp gối nhằm giảm áp lực nội đĩa đệm.
  • Thời gian bất động kéo dài khoảng 1 – 2 ngày hoặc 5 – 6 ngày đối với những trường hợp nặng.
  • Sau khi kết thúc thời gian bất động, bệnh nhân có thể đi lại và thực hiện các bài tập có cường độ nhẹ để cải thiện khả năng vận động.

– Điều trị bằng thuốc:

Sử dụng thuốc trong điều trị đau dây thần kinh tọa với mục đích giảm đau, cải thiện các triệu chứng đi kèm và phòng ngừa thoái hóa dây thần kinh do rễ thần kinh bị chèn ép lâu ngày. Loại thuốc được chỉ định tùy thuộc vào mức độ triệu chứng, tình trạng sức khỏe, khả năng đáp ứng và nguyên nhân cụ thể.

nguyên nhân đau thần kinh tọa
Sử dụng thuốc trị đau thần kinh tọa có tác dụng giảm đau nhức, tê bì và một số triệu chứng đi kèm

Các loại thuốc được dùng trong điều trị đau dây thần kinh hông to, bao gồm:

  • Thuốc giảm đau kháng viêm: Các loại thuốc giảm đau, kháng viêm như Paracetamol, Aspirin, Diclofenac,… được sử dụng nhằm giảm đau nhức và cải thiện hiện tượng viêm ở bệnh nhân đau dây thần kinh tọa. Tùy theo mức độ cơn đau, bác sĩ có thể chỉ định thuốc đường uống hoặc đường tiêm.
  • Thuốc giãn cơ: Thuốc giãn cơ được sử dụng trường hợp đau nhiều, cơ cạnh sống co thắt dữ dội. Trong trường hợp này, bác sĩ có thể kê toa một số loại thuốc giãn cơ vân như Decontracyl hoặc Mydocalm.
  • Thuốc kích thích tăng dẫn truyền và phục hồi thần kinh: Nhóm thuốc này (Mecobalamin) có tác dụng phục hồi tế bào thần kinh, thúc đẩy quá trình chuyển hóa protein, lipid và bình thường hóa tốc độ dẫn truyền của dây thần kinh hông to.
  • Vitamin nhóm B: Vitamin nhóm B có chức năng thúc đẩy chuyển hóa tế bào và phục hồi tổn thương ở dây thần kinh. Ngoài ra, nhóm vitamin này có giúp cải thiện cơ bắp và ngăn chặn thoái hóa thần kinh do rễ thần kinh bị chèn ép lâu ngày.
  • Một số loại thuốc khác: Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể chỉ định một số loại thuốc khác như kháng sinh (trong trường hợp xảy ra do nhiễm trùng), tiêm Novocaine, sử dụng thuốc tái tạo bao myelin,…

Để đảm bảo hiệu quả điều trị, cần sử dụng thuốc theo chỉ định. Đồng thời nên chủ động thông báo với bác sĩ nếu xuất hiện các tác dụng không mong muốn.

2. Các phương pháp vật lý trị liệu

Vật lý trị liệu thường được kết hợp với điều trị nội khoa nhằm giảm đau, kiểm soát triệu chứng, cải thiện khả năng vận động và hỗ trợ phục hồi chức năng của dây thần kinh tọa. Các phương pháp vật lý trị liệu được áp dụng trong điều trị đau dây thần kinh hông to, bao gồm:

  • Xoa bóp bấm huyệt, châm cứu (cấy chỉ, điện châm, thủy châm,…)
  • Tác động cơ học bằng cách vận động trị liệu, phương pháp Chiropractic, nắn cột sống, kéo giãn cột sống
  • Sử dụng siêu âm trị liệu, điện trị liệu hoặc nhiệt trị liệu (dùng sóng ngắn, tia hồng ngoại,…) để giảm viêm, cải thiện đau nhức, tê bì và một số triệu chứng đi kèm

Nếu tuân thủ điều trị, đau dây thần kinh tọa có thể thuyên giảm sau 3 – 6 tháng.

3. Điều trị ngoại khoa

Điều trị ngoại khoa (phẫu thuật) chỉ được cân nhắc trong những trường hợp sau:

nguyên nhân đau thần kinh tọa
Phẫu thuật được cân nhắc khi điều trị nội khoa thất bại hoặc đã phát sinh biến chứng
  • Xuất hiện biến chứng teo cơ, yếu liệt: Trong trường hợp này, bác sĩ thường yêu cầu phẫu thuật trong thời gian sớm nhất để bảo tồn chức năng vận động và tránh tàn phế.
  • Hội chứng chùm đuôi ngựa: Hầu hết bệnh nhân đau thần kinh tọa xuất hiện hội chứng chùm đuôi ngựa đều phải can thiệp phẫu thuật. Nếu không phẫu thuật kịp thời, bệnh nhân có thể phải đối mặt với những biến chứng nặng nề như bất lực, mất khả năng tự chủ khi đại tiện, tiểu tiện,…
  • Điều trị bảo tồn thất bại: Can thiệp ngoại khoa cũng được chỉ định đối với các trường hợp điều trị bảo tồn từ 3 – 6 tháng nhưng không có tiến triển, cơn đau nặng, dữ dội và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống.
  • Đau thần kinh tọa tái phát nhiều lần: Thực tế, đau dây thần kinh tọa cũng có thể tái phát nhiều lần (chủ yếu là do các tổn thương ở cột sống). Trong trường hợp này, bác sĩ có thể cân nhắc phẫu thuật để loại bỏ hoàn toàn yếu tố gây chèn ép rễ thần kinh nhằm hạn chế nguy cơ tái phát, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Can thiệp ngoại khoa đi kèm với nhiều rủi ro và biến chứng. Vì vậy, bác sĩ chỉ yêu cầu phẫu thuật trong những trường hợp cần thiết. Thống kê cho thấy, chỉ có khoảng dưới 10% bệnh nhân bị đau dây thần kinh hông to phải điều trị ngoại khoa.

Phòng ngừa đau dây thần kinh tọa

Đau dây thần kinh tọa xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng yếu tố trực tiếp bắt nguồn từ vấn đề ở cột sống thắt lưng. Vì vậy để phòng ngừa bệnh lý này, cần kiểm soát các tổn thương ở cột sống và tránh những hoạt động gây tổn thương cơ quan này.

trị bệnh đau thần kinh tọa
Tập thể dục thường xuyên là một trong những biện pháp phòng ngừa đau dây thần kinh tọa hiệu quả

Các biện pháp phòng ngừa đau dây thần kinh tọa:

  • Hạn chế các hoạt động làm tăng áp lực lên cột sống L4, L5 và S1 như khuân vác nặng, ngồi xổm,… Ngoài ra, cần hạn chế lao động nặng, ngồi hoặc đứng quá nhiều.
  • Kiểm soát và điều trị kịp thời các vấn đề ở cột sống là biện pháp phòng ngừa đau dây thần kinh hiệu quả nhất.
  • Thay đổi các tư thế sai lệch và tránh các hoạt động gây chèn ép thần kinh như ngồi bắt chéo chân, mang balo 1 bên, nằm nệm mềm, nằm nghiêng khi ngủ,…
  • Dành 20 – 30 phút/ ngày để tập thể dục. Hoạt động thể chất giúp tăng độ dẻo dai, cải thiện sức khỏe, phòng ngừa đau dây thần kinh tọa và một số bệnh xương khớp thường gặp.
  • Nữ giới nên hạn chế đi giày cao gót. Thay vào đó, nên lựa chọn loại giày có chất liệu mềm, thoải mái và chiều cao vừa phải.
  • Kiểm soát cân nặng là một trong những biện pháp phòng ngừa các bệnh lý cột sống và đau dây thần kinh tọa hiệu quả. Tuy nhiên, cần giảm cân khoa học bằng cách tập luyện thường xuyên và xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý.
  • Khi thời tiết chuyển lạnh, nên giữ ấm cơ thể và tăng cường tập thể dục để phòng ngừa đau thần kinh tọa và đau dây thần kinh liên sườn.
  • Chủ động phòng ngừa và điều trị các bệnh nhiễm trùng như lao cột sống, nhiễm virus herpes, tụ cầu vàng,…

Đau dây thần kinh tọa là hội chứng thần kinh khá phổ biến. Nếu điều trị kịp thời, hội chứng này có thể thuyên giảm hẳn chỉ sau 3 – 6 tháng. Ngược lại, tình trạng chủ quan có thể khiến rễ thần kinh bị chèn ép nghiêm trọng và gây ra các biến chứng nặng nề như yếu liệt chi dưới, rối loạn đại tiểu tiện, tàn phế,…

Cùng chuyên mục

Bị đau dây thần kinh tọa có nên đi bộ không?

Bị đau dây thần kinh tọa có nên đi bộ không?

Đau dây thần kinh toạ là tình trạng xuất hiện các cơn đau khó chịu gây ảnh hưởng rất nhiều tới hoạt động và sinh hoạt hàng ngày của người...

Đau thần kinh tọa theo Đông y và các bài thuốc điều trị

Ngoài sử dụng thuốc Tây, nhiều người bệnh lựa chọn điều trị đau thần kinh tọa bằng Đông y vì có độ an toàn khá cao và lành tính. Thuốc...

5 Cây thuốc nam chữa đau thần kinh tọa dễ tìm quanh nhà

Lá lốt, cỏ xước, ngải cứu, gừng,... là các cây thuốc nam chữa đau thần kinh tọa dễ tìm, độ an toàn cao và chi phí thấp. Tuy nhiên, các...

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Ẩn