Cây Đại Tướng Quân: Vị thuốc dân gian được lưu truyền
Nội Dung Bài Viết
Cây Đại Tướng Quân hay còn gọi là cây Náng, tỏi voi, chuối nước, được sử dụng để chữa đau nhức xương khớp, trật gân, bong gân khi bị ngã. Ngoài ra, Đại Tướng Quân có vị cay, tính mát còn được dùng để chữa các bệnh như chướng bụng, khó tiêu, rối loạn tiêu hóa, buồn nôn,… Cùng theo dõi bài viết sau để biết thêm những thông tin chi tiết về vị thuốc dân gian được lưu truyền này nhé.
Đặc điểm sinh thái
Cây Đại Tướng Quân có tên khoa học là Crinum Asiaticum, thường được dân gian gọi với tên cây Náng, chuối nước, tỏi voi. Cây thuộc họ Loa Kèn đỏ (danh pháp khoa học là Amaryllidaceae).
Cây Náng thuộc loại cây thân thảo lâu năm, thân hành. Cây trưởng thành cao khoảng 1m, có đường kính trung bình từ 5-10cm. Thân cây thuôn dài có lá mọc từ gốc, so le hoặc đối xứng nhau. Lá cây có hình ngọn giáo, bền mặt lá lõm, rộng khoảng 5-10cm và có thể dài tới 1m.
Đại Tướng Quân thường ra hoa vào mùa hè. Hoa mọc thành cụm, mỗi cụm hoa thường có khoảng 6-12 bông hoặc hơn. Hoa Đại Tướng Quân có màu trắng, cánh hoa mảnh, hoa có mùi thơm đặc biệt về chiều. Cây ra trái hình tròn, quả có đường kính 3-5cm, mỗi quả có chứa một hạt.
Cây Đại Tướng Quân phân bố ở những khu vực như Indonesia, Ấn Độ, đảo Molluyc. Tại Việt Nam, cây thuốc thường mọc ở những nơi mát mẻ, ẩm ướt như gần các kênh rạch. Không chỉ được trồng làm cảnh, cây còn được người dân thu hái quanh năm để dùng làm thuốc.
Thành phần hóa học
Mỗi bộ phận của cây Đại Tướng Quân đều có chứa hoạt chất có tác dụng chữa bệnh. Theo đó, thân cây có chứa Lycorin, rễ cây chứa Alcaloid Narcissin, vitamin và một số hợp chất kiềm khác. Ngoài ra, hạt cây có chứa hoạt chất Crinamin và Lycorin.
Bộ phận dùng, thu hái, chế biến và bảo quản
Mọi bộ phận của cây Đại Tướng Quân đều được người dân tận dụng để chữa bệnh. Cây có hai loại là hoa trắng và hoa đỏ nhưng Náng hoa trắng được sử dụng phổ biến hơn cả. Cây thường được thu hái quanh năm nhưng mùa hè khi hoa nở được xem là thời điểm thích hợp nhất để hái.
Các bộ phận của cây như rễ, thân, hoa, lá, hạt đều được sử dụng, được rửa sạch, đem phơi khô hoặc dùng tươi bằng cách nấu thành cao, sắc uống hoặc bôi ngoài da. Để đảm bảo chất lượng dược tính, bạn cần bảo quản dược liệu tại nơi khô ráo, thoáng mát.
Vị thuốc dân gian Đại Tướng Quân
Cây Đại Tướng Quân là cây dược liệu được sử dụng khá phổ biến trong nhiều bài thuốc dân gian. Dưới đây là những thông tin chi tiết về tính vị, quy kinh và tác dụng dược lý của cây dược liệu.
Tính vị
Cây Náng có vị cay và đắng, thân cây có tính ấm, lá cây và hạt cây có tính mát. Tuy nhiên phần củ cây Đại Tướng Quân có chứa độc tố.
Quy kinh
Hoạt chất trong cây Náng có tác dụng hữu hiệu đến các kinh lạc là phế, tỳ và vị. Những kinh lạc trên là vị trí mà thuốc có tác dụng đến nhiều nhất.
Tác dụng dược lý
Cây Náng được sử dụng theo những cách khác nhau sẽ có công dụng điều trị, tác dụng dược lý khác nhau. Cụ thể:
Theo y học hiện đại
Theo y học hiện đại, cây Náng có tác dụng điều trị và chữa một số chứng bệnh như:
- Hỗ trợ điều trị và phòng ngừa xơ tuyến tiền liệt, làm giảm bớt phì đại tuyến tiền liệt.
- Chữa bong gân, đau nhức xương khớp và chấn thương do ngã.
- Chữa đau họng, đau răng.
- Có tác dụng chữa viêm da, viêm mủ, mụn nhọt, viêm loét ở tay và chân.
- Điều trị khó tiêu, đau bụng, rối loạn tiêu hóa.
Theo y học cổ truyền
Theo y dược học cổ truyền, cây Náng có vị đắng, tính nóng có tác dụng thông huyết, tiêu sưng và giảm đau hiệu quả. Cây được dùng trong các bài thuốc dân gian để lợi tiểu, nhuận tràng, long đờm và điều hòa kinh nguyệt.
Người bệnh có thể sử dụng từ 10-30 gram dược liệu mỗi ngày để dùng làm thuốc. Bạn có thể dùng dược liệu tươi hoặc phơi khô sắc thuốc và nấu thành cao bôi.
Bài thuốc sử dụng cây Náng
Đại Tướng Quân là thành phần quan trọng trong nhiều bài thuốc dân gian. Dưới đây là những bài thuốc có sử dụng cây Náng để chữa bệnh.
Điều trị đau nhức xương khớp và bong gân
Sử dụng 20gr lá cây dược liệu, rửa sạch trong nước muối rồi để ráo nước. Giã dập lá cây sau đó thêm chút rượu, hơ nóng rồi đắp vào vị trí đau nhức. Thực hiện đắp lá liên tục trong 3 ngày để đảm bảo hiệu quả giảm đau nhức xương khớp. Ngoài ra, có thể sử dụng 10 lá Đại Tướng Quân, 8 gam lá bạc thau, 10 gam lá đòn gánh rửa sạch với nước muối, để ráo rồi giã nát đắp vào vị trí đau.
Điều trị bệnh ngoài da, mụn nhọt, rắn cắn
Sử dụng lá cây Náng, rửa sạch với nước muối rồi giã nát, đắp vào vị trí da bị bệnh sau đó dùng gạc băng lại. Ngoài ra, người bệnh có thể giã nát lá cây dược liệu, bỏ bã rồi lấy nước uống mỗi ngày một lần.
Điều trị đau lưng
Lấy lá dược liệu rửa sạch với nước muối, để ráo nước rồi đem đi rang với chút muối hạt. Cho dược liệu được rang khô vào khăn bông và chườm vào chỗ bị đau, chườm đến khi khăn hết nóng. Chườm nóng liên tục trong khoảng 3-5 ngày sẽ giúp chứng đau lưng giảm đi rõ rệt.
Ngoài bài thuốc trên, người bệnh có thể dùng 10 gam lá Đại Tướng Quân, 20 gam lá cây Ngũ Trảo, 20 gam lá Bồ Công Anh rửa sạch, để ráo nước rồi đem giã nát. Cho thêm ít muối hạt vào hỗn hợp rồi trộn với rượu trắng 40 độ sau đó đắp vào vị trí đau lưng sẽ giúp giảm đau nhanh chóng.
Điều trị trĩ ngoại
Dùng lá dược liệu đem rửa sạch với nước muối rồi để ráo nước. Sau đó đem lá cây giã nát rồi chắt lấy nước uống. Phần bã sau khi chắt hết nước dùng để đắp vào hậu môn. Thực hiện bài thuốc thường xuyên, mỗi ngày một lần sẽ giúp trị trĩ ngoại hiệu quả.
Điều trị viêm họng
Với người bị viêm họng, có thể dùng lá dược liệu rửa sạch, giã nát, chắt lấy nước rồi đem uống mỗi ngày một lần. Cách dùng này giúp các triệu chứng viêm họng, đau họng được giảm đi đáng kể.
Lưu ý khi sử dụng
Cây Náng tuy là dược liệu có khả năng hỗ trợ chữa nhiều bệnh khác nhau nhưng phần củ hành của cây có chứa độc tố, có thể gây nguy hiểm cho con người. Do đó, để sử dụng dược liệu an toàn, đạt hiệu quả thì bạn nên ghi nhớ những lưu ý quan trọng sau:
- Cây có tác dụng chữa nhiều chứng bệnh nhưng người dùng chỉ nên thực hiện đúng liều lượng được thầy thuốc kê, không nên lạm dụng.
- Các bài thuốc chữa bong gân, đau nhức xương khớp chỉ được thực hiện chườm ngoài da, không được dùng để uống.
- Phần củ cây Náng có chứa độc tố nên người dùng cần lưu ý, không được sử dụng bộ phận này để làm thuốc. Nếu ăn hoặc uống nước ép của củ hành, người bệnh có thể gặp phải các triệu chứng như tiêu chảy, nôn mửa, hô hấp không đều, đau bụng, mạch đập nhanh. Khi đó, cần sơ cứu cho người bệnh bằng cách dùng dung dịch acid tannic 1-2% hoặc trà nóng để uống.
Bài viết trên đây là những thông tin tham khảo cơ bản về đặc điểm, công dụng, và các bài thuốc của cây Đại Tướng Quân. Tuy cây thuốc được sử dụng phổ biến nhưng để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi dùng, bạn cần tham khảo ý kiến chuyên gia, bác sĩ để nhận được lời khuyên hợp lý.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!