Cây Hương Nhu chữa bệnh gì? Dùng thế nào đúng cách?
Nội Dung Bài Viết
Cây Hương Nhu trong Đông y được coi là một loại thảo dược quý với nhiều công dụng. Từ xa xưa cha ông ta đã biết sử dụng loài cây này để trị chứng tiêu chảy, cảm lạnh, hôi miệng…. Để hiểu rõ hơn về công dụng chữa bệnh của Hương Nhu cũng như cách dùng thế nào để đạt được hiệu quả tốt nhất mời bạn đọc cùng tham khảo những thông tin dưới đây.
Mô tả về cây Hương Nhu
Cây Hương Nhu là một trong những loại thảo dược có nhiều công dụng điều trị bệnh. Tên khoa học của thảo dược này là Ocimum sanctum L thuộc họ hoa môi (Lamiaceae). Tại nước ta cây còn được biết đến với các tên gọi khác như cây é tía, cây é rừng, cây é đỏ…. Dưới đây là những đặc điểm giúp bạn hiểu rõ hơn về loại thảo dược quý này.
Đặc điểm hình thái của cây Hương Nhu
Hương Nhu có hai loại chính là cây Hương Nhu trắng và Hương Nhu tía. Hai loại này có sự khác biệt đôi chút về đặc điểm hình thái. Dưới đây là những chi tiết cụ thể giúp bạn phân biệt được hai loại này.
Cây Hương Nhu trắng:
- Cây thuộc loại thân thảo có chiều cao từ 0.5 đến 1.5m.
- Phần thân có dạng hình vuông.
- Lá cây có nhiều lông ở cả mặt trên và mặt dưới và có hình trứng nhọn. Màu sắc của lá ở mặt trên lá xanh thẫm và đậm hơn màu ở mặt dưới của lá.
- Hoa mọc ở phần ngọn của cành và thường mọc không đều. Hoa có màu nâu rụng nhiều.
Cây Hương Nhu tía:
- Thân cao từ 1 – 2m và thân có hình vuông có màu tím.
- Lá có màu đỏ tía, có lông mềm ở cả 2 mặt lá, mép lá có răng cưa và các lá mọc đối xứng với nhau.
- Hoa mọc thành cụm mỗi cụm khoảng 6 – 8 hoa và có màu tím hoặc trắng. Hoa thường nở vào tháng 5 đến tháng 7 trong năm.
Đặc điểm phân bố của cây Hương Nhu
Hương Nhu đa phần mọc dại tại các vùng đất trống, vùng đồng cỏ, ven đường, bãi hoang…. Tại hầu hết các tỉnh thành ở nước ra đều có loại cây này, nó rất dễ kiếm. Ngoài ra một số nơi người ta có thể trồng các vườn Hương Nhu để làm thuốc.
Đặc điểm thu hái, sơ chế và bảo quản
Hương Nhu có thể sử dụng được toàn thân (thân, cành, hoa, lá) để làm thuốc, người ta chỉ bỏ rễ của cây. Cây có thể thu hái quanh năm nhưng thông thường sẽ thu hoạch khi cây nở hoa tức là vào khoảng từ tháng năm đến tháng 10.
Khi thu hoạch người ta sẽ cắt lấy toàn bộ phần thân (cắt từ gốc, bỏ rễ). Sau đó cây được rửa sạch, cắt thành các khúc ngắn khoảng 3 đến 4cm rồi đem phơi khô.
Để bảo quản người ta sẽ đem hương nhu đã phơi khô vào các túi nilon và đặt tại những nơi khô thoáng, tránh ánh nắng mặt trời, tránh ẩm mốc. Độ ẩm thích hợp để bảo quản là dưới 12%.
Đặc điểm thành phần của cây Hương Nhu
Trong cây Hương Nhu có rất nhiều thành phần tốt cho sức khỏe và có công dụng điều trị bệnh. Điều này đã được chứng thực bởi một số công trình nghiên cứu về loại thảo dược này. Các thành phần cụ thể có trong hương nhu là:
- Carvacrol: 10,15%.
- Thymol: 9,82%.
- b-Caryophyllene: 10,93%.
- Trans Bergamotene: 10,90%.
- Humulene: 11,83%.
- g-Terpinene: 4,35%.
- a-Pinene: 1,23%.
- p-Cymene: 4,06%.
- Camphene: 2,62%.
- Limonene: 0,15%.
- b-Farnesene: 0,25%.
- Elshotzidol.
Công dụng của cây Hương Nhu
Cây Hương Nhu là một trong những loại thảo dược được và Đông y và Tây y chứng minh có nhiều công dụng tích cực đối với sức khỏe con người.
Theo Đông y
Theo Đông y cây Hương Nhu không có độc tính, khí ôn, vị tân. Loại thảo dược này có công dụng làm tan độc khí nóng tồn tại ở bì phu, làm tan chỗ bị kết ở tâm phúc.
Hương Nhu có khả năng điều hòa cơ thể từ trên xuống dưới, loại trừ phiền nhiệt, loại bỏ phế uất dẫn đến chứng hôi miệng. Ngoài ra thảo dược này còn có công hiệu trong điều trị các chứng má cam, giúp hạ lợi tiểu tiện, tiêu thủy thũng, trị thổ tả, đau bụng, cầm máu…
Theo y học hiện đại
Y học hiện đại cũng đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về các thành phần hóa học có trong loại thảo dược này. Kết quả từ một số nghiên cứu cho thấy Hương Nhu có những công dụng như:
- Làm giảm căng thẳng stress, điều này đã được kiểm chứng lâm sàng trên động vật.
- Có tinh dầu methanol và hoạt chất acid linoleic, carrageenan, dịch chiết cồn giúp giảm đau, hạ sốt, kháng viêm hiệu quả.
- Có công dụng kháng khuẩn nhờ thành phần acid linoleic.
- Có khả năng chống oxy hóa nhờ tinh dầu hương nhu.
Cây Hương Nhu chữa bệnh gì?
Với các thành phần mang nhiều công dụng, cây Hương Nhu được dùng để điều trị nhiều bệnh lý khác nhau. Chẳng hạn như:
- Chữa cảm lạnh.
- Chữa bệnh tiêu chảy.
- Chữa lạnh bụng.
- Chữa đau đầu, giảm sốt.
- Chữa bệnh hôi miệng.
- Chữa bệnh lý về đường hô hấp ở trẻ em.
- Chữa bệnh chậm mọc tóc ở trẻ em, giúp tóc nhanh mọc.
- Chữa trị nước tiểu đục, tình trạng phù thũng.
Về liều dùng của hương nhu sẽ khác nhau đối với từng loại bệnh cụ thể. Những người có tuổi tác khác nhau, tình trạng sức khỏe khác nhau, bệnh lý khác nhau thì liều dùng Hương Nhu cũng sẽ khác nhau. Để dùng đúng cách nhất bạn cần tham khảo ý kiến của những người có chuyên môn, các thầy thuốc Đông y uy tín.
Các bài thuốc chữa bệnh cụ thể bằng cây Hương Nhu
Hương Nhu được dùng để điều trị nhiều bệnh lý khác nhau. Mỗi bệnh sẽ có cách dùng hương nhu khác nhau. Dưới đây là một số bài thuốc chữa bệnh cụ thể bằng Hương Nhu mà bạn có thể tham khảo và áp dụng.
Bài thuốc chữa cảm lạnh, nhiễm lạnh
Từ lâu Hương Nhu đã được dùng để chữa cảm lạnh bằng nhiều bài thuốc khác nhau. Dưới đây là một số bài thuốc mà bạn có thể tham khảo.
Bài thuốc 1
Chuẩn bị: Bạn cần có khoảng 500g Hương Nhu tía, 200g bạch biển đậu sao qua, thêm 200g hậu phác tẩm gừng nướng. Sau đó đem các loại thảo dược này tán nhỏ và trộn đều lại với nhau.
Cách dùng: Mỗi lần bạn đem khoảng 8 – 10g hỗn hợp thảo dược trên pha với nước sôi (hãm như trà) để uống. Mỗi ngày uống 2 lần sau bữa trưa và bữa tối. Uống khoảng 2 – 3 ngày để đạt được hiệu quả trị bệnh tốt nhất.
Bài thuốc 2
Với bài thuốc này bạn cần chuẩn bị khoảng 100g hương nhu tía. Sau đó đem tán nhỏ để pha với nước sôi uống. Mỗi lần pha khoảng 8g và dùng 2 lần/ngày sau bữa trưa và bữa tối. Uống liên tục cho đến khi mồ hôi ra và khỏi bệnh thì có thể dừng.
Bài thuốc 3
Đây là bài thuốc bổ trợ dùng kết hợp với bài thuốc 1 hoặc 2 để đẩy nhanh hiệu quả điều trị cảm lạnh. Để thực hiện bạn cần chuẩn bị các loại thảo dược sau:
- Lá Hương Nhu tía: 15g.
- Lá bưởi:15g
- Lá Sả: 15g.
- Lá ngải cứu:15g.
- Lá khuynh diệp: 15g.
- Lá tre: 15g.
- Lá tía tô: 15g.
- Lá gừng: 15g.
- Lá hoặc cành cây thanh táo: 15g.
- Lá húng chanh:15g.
Cách thực hiện: Đem các loại thảo dược này đi rửa sạch, sau đó cho vào nổi, đổ thêm 5 – 6 lít nước sạch và đun sôi. Khi nước sôi được khoảng 5 phút thì hạ nhỏ lửa. Sau đó dùng lá chuối hoặc một tấm vải mỏng sạch bị kín miệng nồi lại rồi đậy vung nồi tiếp tục đun khoảng 1 phút thì tắt bếp.
Cách dùng: Đặt nổi nước vào phòng kín gió, người bệnh cởi bỏ quần áo trùm chăn và ngồi cạnh nồi nước. Sau đó từ từ mở vung nồi chú ý tránh mặt ra khỏi miệng nồi để không bị hơi nóng phả vào mặt. Sau đó người bệnh hít thở mạnh để hương tinh đi vào phế nang. Xông khoảng 15 phút thì dừng.
Sau khi xông người bệnh có thể pha thêm nước vào nồi và dùng nước này để tắm. Cần lưu ý cách xông này không áp dụng cho những người bị ra nhiều mồ hôi, người bị mất nước hoặc mất máu nhiều, người có các chứng chóng mặt, trẻ em dưới 12 tuổi…
Bài thuốc chữa bệnh hôi miệng
Để chữa chứng hôi miệng bạn cần chuẩn bị 10g Hương Nhu tía. Sau đó đem các thảo dược này sắc với khoảng 200ml nước. Đun cho đến khi nước còn lại khoảng 100ml thì tắt bếp và đem dùng để ngâm hoặc súc miệng hàng ngày.
Nên dùng vào buổi sáng sau khi đánh răng và buổi tối trước khi đi ngủ. Sau khoảng 15 ngày dùng liên tục bạn sẽ thấy tình trạng hôi miệng được cải thiện.
Bài thuốc chữa đau đầu, giảm sốt
Cách thực hiện khá đơn giản, bạn cần hái lấy 1 nắm lá Hương Nhu tía tươi, đem đi rửa sạch và giã nát. Sau đó vắt lấy nước cốt vào 1 bát nước sạch rồi cho thêm 1 chút nước ấm là có thể uống.
Phần bã Hương Nhu bạn dùng để chườm vào trán hoặc vùng thái dương. Với cách làm này tình trạng đau đầu, sốt có thể được cải thiện nhanh chóng.
Bài thuốc chữa tiêu chảy do lạnh bụng
Để thực hiện bạn cần chuẩn bị các loại thảo dược gồm có 12g hương nhu tía, 9g lá và cành tía tô, 9g mộc qua. Sau đó đem các loại thảo dược này rửa sạch, cho vào nồi và sắc với khoảng 3 bát nước. Bạn đun cho đến khi nước cạn lại còn khoảng 1 bát nước thì tắt bếp.
Cách dùng: Uống một lần vào sau bữa sáng. Có thể uống cho đến khi tình trạng tiêu chảy không còn.
Bài thuốc chữa phù thũng, nước tiểu đục
Để thực hiện bạn cần chuẩn bị khoảng 9g thảo dược Hương Nhu tía, 30g thảo dược rễ cỏ tranh và 12g thảo dược ích mẫu thảo. Sau đó bạn đem các loại thảo dược này rửa sạch sau đó sắc với khoảng 600ml. Bạn đun sôi sau đó để vừa lửa, đun cho đến khi nước trong nồi cạn còn lại khoảng 200ml thì tắt bếp.
Cách dùng: Bạn uống thay trà hàng ngày và uống đều đặn trong khoảng 10 ngày sẽ thấy được kết quả. Hoặc có thể uống cho đến khi nước tiểu không còn bị đục thì dừng.
Bài thuốc chữa bệnh đường hô hấp ở trẻ em
Bài thuốc này cần khá nhiều thảo dược. Bạn có thể tìm ở các cửa hàng thuốc Đông y những loại sau:
- Hương Nhu tía: 10g
- Cam Thảo: 5g.
- Đắng Sâm: 10g.
- Hoắc dương: 10g.
- Bán hạ: 10g.
- Hoàng cầm: 10g.
- Kinh giới: 10g.
- Phục linh: 10g.
Cách thực hiện: Đem các loại thảo dược này vào nồi và sắc với một lượng nước vừa đủ. Đun sôi và để nhỏ lửa khoảng 30 phút thì tắt bếp.
Cách dùng: Mỗi ngày uống từ 3 đến 5 lần. Uống liên tục cho đến khi tình trạng bệnh được khỏi hoàn toàn.
Bài thuốc chữa chậm mọc tóc, kích thích mọc tóc
Hương Nhu cũng được dùng để chữa tình trạng chậm mọc tóc ở trẻ em hoặc kích thích cho tóc nhanh mọc, nhanh dài cho những người bị rụng tóc. Các bài thuốc cụ thể như sau:
Bài thuốc 1
Chuẩn bị khoảng 40g Hương Nhu tía sắc với khoảng 200ml nước. Đun cho đến khi nước cô đặc lại thì đem trộn với mỡ lợn. Dùng hỗn hợp này bôi lên tóc của trẻ ngày từ 1 đến 2 lần. Chú ý vệ sinh da đầu trẻ sạch sẽ trước khi bôi để tránh viêm nhiễm.
Bài thuốc 2
Nguyên liệu bạn cần chuẩn bị bao gồm 10g Hương Nhu, 10g lá bưởi hoặc vỏ bưởi, 10g bồ kết khô. Sau đó đem các thảo dược này bỏ vào nồi và đun sôi với 3 lít nước.
Cách dùng; Đem nước thảo dược đun sôi pha thêm với nước nguội cho vừa ấm và dùng để gội đầu. Bạn nên gội như vậy 2 lần/tuần sẽ giúp tóc nhanh dài và mềm mượt lên trông thấy.
Một số điều cần lưu ý khi sử dụng cây Hương Nhu
Mặc dù cây Hương Nhu được xác định là không có độc, lành tính nhưng khi sử dụng không đúng cách có thể gây nên những ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe. Chính vì vậy trước khi sử dụng Hương Nhu làm thuốc bạn cần nắm chắc những thông tin sau.
Những đối tượng cần cẩn trọng khi dùng cây Hương Nhu
Những đối tượng sau tốt nhất không nên dùng Hương Nhu để chữa bệnh. Hoặc nếu dùng cần tham khảo kỹ ý kiến của những người có chuyên môn.
- Người có tuyến mồ hôi hoạt động mạnh, tiết quá nhiều mồ hôi.
- Những đối tượng mắc âm hư và khí hư.
- Bệnh nhân ho lao không sử dụng Hương Nhu tía.
- Phụ nữ đang mang thai hoặc những người đang cho con bú cần thận trọng, tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
- Những người chuẩn bị phẫu thuật hoặc vừa phẫu thuật xong cũng không nên dùng Hương Nhu.
Cây Hương Nhu có khả năng tương tác với một số loại thuốc và gây hại cho sức khỏe
Khi sử dụng chung với một số loại thuốc Hương Nhu có thể tương tác và tạo nên các phản ứng gây hại cho sức khỏe người dùng. Chính vì vậy bạn cần cẩn trọng, không dùng Hương Nhu nếu bạn đang sử dụng các loại thuốc sau.
- Các thuốc làm chậm đông máu: Khi tương tác với Hương Nhu sẽ làm tăng nguy cơ bầm tím và chảy máu.
- Thuốc pentobarbital: Khi tương tác với hương nhu sẽ khiến người dùng thường xuyên buồn ngủ, ngủ nhiều gây mệt mỏi.
Một số lưu ý khác khi dùng cây Hương Nhu
Ngoài những vấn đề trên trước khi dùng cây Hương Nhu bạn cũng cần nắm chắc những lưu ý sau:
- Chỉ nên dùng Hương Nhu liên tục tối đa là 6 tuần, sử dụng lâu dài sẽ vượt quá ngưỡng an toàn đối với cơ thể.
- Sử dụng đúng loại dược liệu.
- Tuyệt đối không dùng Hương Nhu đã có dấu hiệu ẩm mốc hoặc xuất hiện các mùi lạ khó chịu.
- Để đảm bảo an toàn hãy tham khảo ý kiến của người có chuyên môn, dùng đúng liều lượng, đúng bài thuốc để tránh những ảnh hưởng không hay.
Trên đây là những thông tin về cây Hương Nhu cũng như cách dùng loại thảo dược này để điều trị bệnh. Có thể thấy những công dụng của loại thảo dược này là rất đáng quý nhưng bạn cũng cần sử dụng đúng cách để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của mình.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!