Cây thầu dầu: Đặc điểm, tác dụng chữa bệnh và lưu ý khi dùng
Nội Dung Bài Viết
Cây thầu dầu phân bố chủ yếu ở các tỉnh vùng núi phía Tây Bắc của Việt Nam như Hà Giang, Hòa Bình, Lào Cai và Vĩnh Phúc. Sau khi thu hái, lá và hạt cây thầu dầu được sơ chế để làm dược liệu trong một bài thuốc điều trị bệnh trĩ, táo bón, liệt dây thần kinh, mũi đột nhiên bị điếc, trực tràng, sa tử cung, đau đầu do cảm,… Tuy nhiên cần chú ý dùng với liều lượng thích hợp và đúng chỉ dẫn của thầy thuốc/bác sĩ để đảm bảo an toàn và đạt kết quả cao.
Mô tả về cây thầu dầu
- Tên khác: Đu đủ tía, đu đủ dầu,…
- Tên khoa học: Ricinus communis L.
- Họ khoa học: Euphorbiaceae (thầu dầu).
1. Đặc điểm thực vật
Cây thầu dầu là một loại thực vật thân thảo với chiều cao trung bình khoảng 4 – 5 mét. Thân cây nhẵn, tròn và rỗng bên trong, bên ngoài như phủ một lớp bột sáp và thường có màu đỏ tím, xám xanh hoặc xanh lá cây. Xung quanh thân cây có nhiều cành.
Lá cây to, có hình lanceolate (thùy ở giữa dài rộng, dạng nhọn giống ngọn giáo) hoặc hình trứng thuôn. Lá có khoảng từ 7 đến 11 thùy. Phiến lá tròn với rộng và dài khoảng trên 40cm. Mép lá có răng cưa. Trên và dưới mặt lá có gân. Cuống lá khá dày với chiều dài khoảng 35 – 40cm.
Hoa thầu dầu có hình hình chóp hoặc hình bầu dục, thường mọc các nách lá hoặc ngay trên ngọn, tạo thành từng chùy. Đài hoa có hình tam giác rộng, nhiều lông và có màng. Chúng được phân chia làm hai loại, hoa đực và hoa cái. Trong đó, hoa đực dài khoảng 7 – 10mm và có nhiều nhụy hoa, còn hoa cái dài khoảng 5 – 8mm và có nhiều chóp bao phủ bên trên.
Quả thầu dầu có hình trứng, thuộc dạng quả nang với chiều dài tầm 1,5 – 2,5cm. Bên ngoài quả có một màng nhẵn hoặc gai mềm bao bọc. Khi tách quả ra sẽ thấy hạt thầu dầu, chúng hơi dẹp và có hình elip, dài 8 – 18mm và có màu xám trắng hoặc nâu nhạt với hoa văn ngựa vằn.
2. Phân bố
Cây thầu dầu phân bố chủ yếu ở những vùng nhiệt đới trên khắp thế giới. Ngoài ra còn được trồng ở các khu vực có nhiệt độ ấm áp. Trên thế giới, loài thực vật này xuất hiện nhiều nhất ở Hoa Kỳ, Brazil, Ấn Độ, Argentina, Thái Lan,…. Tại Việt Nam, cây sinh trưởng & phát triển ở các vùng núi phía Tây Bắc như Hà Giang, Hòa Bình, Lào Cai và Vĩnh Phúc.
3. Bộ phận sử dụng
Lá và hạt thầu dầu là hai bộ phận được sử dụng để làm dược liệu trong các bài thuốc điều trị bệnh.
4. Thu hái – sơ chế – bảo quản
- Thu hái: Hạt thầu dầu thường được người dân thu hái vào khoảng tháng 5 đến tháng 6 mỗi năm. Trong khi đó, lá thầu dầu có thể được thu hái quanh năm.
- Sơ chế: Hạt thầu dầu sau khi thu hái về sẽ được làm sạch và ép thành dầu. Còn lá sẽ được dùng tươi hoặc đem đi phơi/sấy khô để sử dụng dần.
- Bảo quản: Dầu thầu dầu cho vào lọ kín (đã tiệt trùng trước đó) và đậy nắp lại để hạn chế sự ảnh hưởng của các tác nhân bên ngoài. Lá thầu dầu cho vào bao nilon cột kín lại. Sau đó đem tất cả đi bảo quản nơi thoáng mát, sạch sẽ và khô ráo, đặc biệt là tránh độ ẩm cao để dược liệu không bị hư hỏng hoặc mốc meo.
5. Thành phần hóa học
- Thành phần hóa học trong hạt thầu dầu: Tinh dầu (40 – 50 %), Anbummoit (25%), Rixin (0,15%),…
- Thành phần hóa học trong lá thầu dầu: Astragalin, Axit Tactric, Rutonozit, Axit Xitric, Quextin, Axit Corydalic, Rixin, Axit Amin,…
Vị thuốc thầu dầu
Vị thuốc thầu dầu có những đặc điểm riêng về tính vị – quy kinh và tác dụng dược lý, không trùng lặp với bất kì dược liệu khác. Tùy từng loại bệnh, mức độ bệnh, cơ địa hoặc mục đích sử dụng, bạn sẽ được thầy thuốc/bác sĩ chỉ định cách dùng và liều lượng khác nhau.
1. Tính vị – quy kinh
- Tính vị: Tính bình, vị ngọt, cay và hơi có độc.
- Quy kinh: Chưa có nghiên cứu.
2. Tác dụng dược lý
Theo nghiên cứu của Đông Y:
- Tác dụng: Tiêu viêm, giảm đau, khu phong, sát khuẩn, hoạt huyết,..
- Chủ trị: Bệnh trĩ, các bệnh lý ngoài da, đau xương khớp, sa tử cung, phong thấp, khó đẻ, sa trực tràng, táo bón, đau đầu do cảm, liệt thần kinh mặt,…
3. Cách dùng – liều lượng
- Cách dùng: Thường được sử dụng đơn lẻ hoặc kết hợp với những dược liệu khác bằng cách đắp, bôi ngoài da,…
- Liều lượng: Tuân theo sự chỉ dẫn của thầy thuốc/lương y.
Bài thuốc chữa bệnh hay từ cây thầu dầu
Lá, hạt và dầu cây thầu dầu thường được làm dược liệu trong các bài thuốc điều trị bệnh trĩ, táo bón, sa tử cung, trực tràng, đau đầu do cảm, mũi đột nhiên điếc, hỗ trợ sinh đẻ khó, giảm tình trạng sót nhau thai khi sinh,… Đây đều là những bài thuốc dân gian, chủ yếu được truyền miệng nên đòi hỏi người bệnh phải kiên trì thực hiện để đạt kết quả cao. Nhưng bù lại cách thực hiện đơn giản, giúp bạn tiết kiệm nhiều thời gian và tiền bạc.
1. Bài thuốc chữa bệnh trĩ
- Bài thuốc 1
Chuẩn bị: Lá thầu dầu tươi (4 – 5 lá).
Cách thực hiện: Rửa sạch lá thầu dầu tươi bằng nước muối pha loãng rồi đem giã nát hoặc xay nhuyễn. Sau đó đem đắp lên vùng hậu môn bị trĩ trong khoảng 10 phút. Cuối cùng là lấy lá ra và vệ sinh lại bằng nước muối pha loãng. Mỗi ngày thực hiện 1 lần, sau khoảng 4 tuần sẽ thấy bệnh cải thiện.
- Bài thuốc 2
Chuẩn bị: Lá thầu dầu và lá vông (mỗi thứ 3 lá).
Cách thực hiện: Rửa sạch tất cả dược liệu, tốt nhất nên ngâm trong nước muối pha loãng một lúc để diệt khuẩn. Sau đó đem đi giã nát rồi cho vào vải để bọc lại. Dùng túi vải có chứa dược liệu chườm lên vùng hậu môn bị trĩ và giữ nguyên trong khoảng 10 – 15 phút rồi vệ sinh lại bằng nước sạch. Thực hiện đều đặn và liên tục trong khoảng 1 tháng sẽ thấy bệnh thuyên giảm.
- Bài thuốc 3
Chuẩn bị: Hạt thầu dầu và con học trò nước (mỗi thứ với số lượng 9).
Cách thực hiện: Các dược liệu đem đi rửa sạch với nước muối pha loãng. Sau đó đem đi giã nát rồi xào với dấm thanh. Cho hỗn hợp vào một miếng vải sạch và bọc lại để đắp lên vùng bách hội (đỉnh đầu). Chờ đến khi búi trĩ co dần lại thì gỡ thuốc xuống. Duy trì đều đặn, không ngắt quãng để đạt được kết quả chữa trị tốt nhất.
- Bài thuốc 4
Chuẩn bị: Lá thầu dầu (150 gram) và muối tinh (1/2 muỗng).
Cách thực hiện: Rửa sạch lá thầu dầu để đảm bảo không còn vi khuẩn và bụi bẩn. Tiếp đến cho vào nồi đun sôi cùng với 1/2 muỗng muối tinh và 1 lít nước sạch. Chờ đến khi hỗn hợp sôi thì giảm lửa, đun thêm trong khoảng 10 phút rồi tắt bếp. Sau đó đem đi xông hơi vùng hậu môn bị trĩ. Đến khi nước ấm thì chuyển sang ngâm hậu môn trong 20 – 30 phút rồi vệ sinh lại sạch sẽ. Thực hiện mỗi ngày 1 lần, sau vài tuần bệnh sẽ cải thiện rõ rệt.
- Bài thuốc 5
Chuẩn bị: Lá thầu dầu (5 lá), Dừa cạn (5 lá) và muối tinh.
Cách thực hiện: Lá dầu dầu và lá dừa cạn đem đi rửa sạch trong nước muối pha loãng. Sau đó đem đi giã nát hoặc xoay nhuyễn rồi cho vào miếng vải mỏng (sạch) vắt lấy nước cốt để bôi trực tiếp vào vùng hậu môn bị trĩ. Thực hiện mỗi ngày 1 – 2 lần, mỗi lần khoảng 3 đợt bôi để đạt hiệu quả điều trị như mong muốn.
2. Bài thuốc chữa táo bón
Chuẩn bị: Dầu thầu dầu (30 – 60 gram).
Cách thực hiện: Cho dầu thầu dầu vào ly nước ấm rồi dùng muỗng khuấy đều. Chờ khoảng 1 tiếng thì thì tiến hành uống hỗn hợp. Trường hợp cảm thấy buồn nôn có thể thêm một chút gừng để dùng kèm.
3. Bài thuốc chữa liệt dây thần kinh mặt
Chuẩn bị: Hạt thầu dầu (một lượng vừa đủ).
Cách thực hiện: Rửa sạch hạt thầu dầu rồi cho vào cối giã nát. Sau đó đem đắp lên vùng đối diện của bên mặt bị liệt dây thần kinh trong khoảng 45 phút. Thực hiện 2 lần/ngày vào buổi sáng và tối, sau vài tuần sẽ thấy bệnh thuyên giảm dần.
4. Bài thuốc chữa mũi đột nhiên bị điếc
Chuẩn bị: Hạt thầu dầu (20 hạt) và táo tàu đã bỏ vỏ (1 quả).
Cách thực hiện: Tất cả dược liệu đem rửa sạch với nước rồi cho vào nồi đun sôi trong lửa nhỏ. Sau đó cho vào một miếng vải mỏng, bọc lại và tiến hành đắp lên mũi đến khi hết ấm. Thực hiện liên tục và đều đặn trong khoảng 30 ngày sẽ thấy mũi thông và khứu giác nhanh nhạy trở lại.
5. Bài thuốc hỗ trợ sinh đẻ nhanh, giảm tình trạng sót nhau thai
Chuẩn bị: Hạt thầu dầu (14 hạt).
Cách thực hiện: Đem hạt thầu dầu đi rửa sạch và để ráo nước. Sau đó cho vào cối giã nát rồi tiến hành đắp vào lòng bàn chân. Đến khi sinh đẻ xong hoặc kiểm tra không còn sót nhau thai thì bắt đầu bỏ thuốc ra. Vệ sinh sạch sẽ chân và những vùng da có tiếp xúc bằng nước ấm để đảm bảo an toàn.
6. Bài thuốc chữa trực tràng và sa tử cung
Chuẩn bị: Hạt thầu dầu (một lượng vừa đủ).
Cách thực hiện: Rửa sạch hạt thầu dầu rồi cho vào cối giã nát. Sau đó cho vào miếng vải mỏng và đem đi đắp lên đỉnh đầu trong khoảng 45 phút. Vệ sinh lại sạch sẽ bằng nước hoặc lau bằng khăn mềm có nước. Thực hiện mỗi ngày 2 lần (sáng và tối), sau một thời gian bệnh sẽ thuyên giảm đáng kể.
7. Bài thuốc chữa đau đầu do cảm
Chuẩn bị: Lá thầu dầu ( 2 – 4 lá).
Cách thực hiện: Lá thầu dầu đem đi rửa sạch rồi để ráo nước. Sau đó đem đắp lên 2 bên thái dương và vùng trán. Chờ đến khi cơn đau giảm hoặc khỏi hẳn thì ngưng đắp. Có thể vệ sinh lại bằng khăn ấm sau khi đắp để da luôn sạch sẽ.
Lưu ý khi sử dụng cây thầu dầu chữa bệnh
Khi sử dụng cây thầu dầu chữa bệnh, bạn cần lưu ý những điều sau đây:
- Tham khảo ý kiến thầy thuốc hoặc bác sĩ trước khi dùng cây thầu dầu chữa bệnh. Điều này giúp bạn đảm bảo an toàn và hạn chế gặp phải những tác dụng phụ không mong muốn.
- Trong hạt và lá thầu dầu có chứa độc tính. Do đó khi sử dụng để làm dược liệu chữa bệnh cần tuân thủ tuyệt đối theo sự chỉ dẫn của thầy thuốc/bác sĩ để tránh bị nhức đầu, vàng da, chuột rút, khó tiểu, viêm dạ dày ruột, tăng bạch cầu, trụy tim mạch,…
- Không áp dụng các bài thuốc chữa bệnh từ cây thầu dầu khi đang sử dụng thuốc tây để điều trị bệnh. Bởi một số thành phần trong dược liệu có thể xảy ra tương tác với thuốc tây, làm giảm hiệu quả chữa trị bệnh hoặc khiến người bệnh có thể gặp tác dụng phụ.
- Chọn mua lá, hạt và dầu thầu dầu tại những địa chỉ uy tín. Điều này sẽ giúp bạn tránh mua phải hàng kém chất lượng, không chỉ giảm hiệu quả điều trị bệnh mà còn có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
- Sau vài ngày áp dụng các bài thuốc chữa bệnh từ cây thầu dầu nếu thấy cơ thể xuất hiện những dấu hiệu bất thường thì cần ngưng ngay. Sau đó đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế để kiểm tra và có phương pháp điều trị khác phù hợp hơn.
- Không sử dụng dầu thầu dầu cho phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú, trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh. Ngoài ra, không nên dùng dầu thầu dầu trong thời gian quá dài vì có thể rơi vào tình trạng mất cân bằng điện sinh hoặc ảnh hưởng không tốt đến đại tràng.
Hi vọng với những chia sẻ về cây thầu dầu, bài thuốc chữa bệnh hay từ dược liệu và những lưu ý khi sử dụng sẽ giúp bạn đọc có thêm nhiều thông tin hữu ích. Tuy nhiên, chúng hoàn toàn chỉ có giá trị tham khảo, không thay thế cho lời khuyên của bác sĩ/thầy thuốc. Bởi vì thực tế còn phụ thuộc vào cơ địa, mức độ bệnh, tình trạng sức khỏe,… Tốt nhất, trước khi sử dụng dược liệu tại nhà, bạn nên tham khảo ý kiến những người có chuyên môn để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!