Cây xương sông: Loại rau dại có nhiều tác dụng chữa bệnh
Nội Dung Bài Viết
Cây xương sông là loài thực vật mọc dại tại nhiều tỉnh thành ở nước ta. Nhân dân thường sử dụng lá cây để tăng hương vị món ăn, kích thích tiêu hóa, khử mùi tanh và chống dị ứng khi dùng một số loại thực phẩm có tính hàn. Ngoài ra, lá xương sông còn có tác dụng chữa cảm sốt, ho, nôn trớ, buồn nôn, thấp khớp,…
Xương sông là cây gì?
Xương sông (rau húng ăn gỏi, xang sông, hoạt lộc thảo) là cây thân thảo sống lâu năm. Loài thực vật này có tên khoa học Blumea lanceolaria – thuộc họ Cúc (Asteraceae). Xương sông mọc hoang tại nhiều địa phương ở nước ta. Nhân dân thường sử dụng lá để trộn gỏi hoặc ăn kèm với một số loại thực phẩm giảm mùi tanh, chống dị ứng.
Ngoài ra, lá của cây xương sông còn được sử dụng để điều trị một số chứng bệnh thường gặp. Hiện tại, thảo dược này không chỉ được sử dụng phổ biến trong các bài thuốc Đông y mà đã được khoa học nghiên cứu, phân tích và công nhận về nhiều tác dụng chữa bệnh.
Mô tả cây xương sông
1. Đặc điểm cây xương sông
Xương sống là cây thân thảo, sống lâu năm với chiều cao trung bình khoảng 1m hoặc hơn. Thân cây thẳng, màu lục và vỏ có nhiều rãnh dọc chạy xung quanh. Lá có hình ngọn giáo, mép răng cưa, chóp nhọn và gốc thuôn dài. Một số cuống lá có tai ngắn, lá trên có kích thước nhỏ hơn lá dưới gốc.
Hoa mọc ở nách lá, phát triển thành cụm, có màu vàng nhạt và mào lông màu trắng. Hoa lưỡng tính ở giữa có tràng 5 răng nhưng hoa cái chỉ có tràng 3 răng. Cây ra hoa vào tháng 1 – 2 và kết quả vào tháng 4 – 5 hằng năm. Quả bế hình trụ và có 5 cạnh.
2. Phân bố
Cây xương sông là loài thực vật có nguồn gốc từ Ấn Độ và Malaysia. Hiện nay, cây đã được di thực và trồng ở nhiều nơi. Ở nước ta, loại cây này thường mọc ở ven rừng và ven đường đi. Một số địa phương còn trồng xương sông để làm rau gia vị và làm thuốc chữa bệnh.
3. Bộ phận dùng
Nhân dân sử dụng lá xương sông để làm thuốc. Tuy nhiên, một số nơi có thể dùng cả cây.
4. Thu hái – sơ chế
Có thể thu hái lá xương sông quanh năm, dùng sống hoặc phơi trong râm/ sấy nhẹ cho khô vào bảo quản dùng dần.
5. Thành phần hóa học
Lá xương sông đã được khoa học nghiên cứu về thành phần hóa học. Thảo dược này chứa 0.24% tinh dầu, trong đó chủ yếu là limonene, p-cymen, methylthymol,… Ngoài ra, lá xương sông còn cung cấp cho cơ thể nhiều khoáng chất và vitamin như vitamin B1, B2, C, PP, phosphor, sắt, canxi, đường, chất xơ và protein. Với thành phần dinh dưỡng đa dạng và dồi dào, xương sông còn được sử dụng để làm thực phẩm.
Vị thuốc xương sông
1. Tính vị – Quy kinh
- Vị cay, tính bình (một số tài liệu cho là dược liệu có tính ấm).
2. Tác dụng của lá xương sông theo y học cổ truyền
Theo y học cổ truyền, xương sống có vị cay, hơi đắng, tính ấm/ bình và có những công năng sau:
- Trừ tanh hôi, kích thích tiêu hóa, được sử dụng để giảm mùi tanh của các loại thực phẩm và hay dùng ăn kèm với hải sản để phòng ngừa dị ứng, chống đầy hơi.
- Thông kinh hoạt lạc, khu phong trừ thấp, được dùng để giảm đau nhức xương khớp
- Tiêu thũng chỉ thống, tiêu đàm thấp, chủ trị các chứng bệnh như ho suyễn, viêm họng, ho, cảm sốt do trúng phong hàn
3. Tác dụng của cây xương sông theo y học hiện đại
Mặc dù chưa có nghiên cứu cụ thể nhưng theo y học hiện đại, xương sông có thể mang đến những công dụng sau:
- Bồi bổ sức khỏe, hỗ trợ giảm mệt mỏi do mắc các bệnh viêm đường hô hấp
- Tiêu đàm, giảm sưng đau cổ họng
- Kích thích tiêu hóa
4. Cách dùng – liều lượng
Lá xương sông thường được dùng trong các bài thuốc uống, cách thủy, bài thuốc dùng ngoài. Ngoài ra, thảo dược này còn được dùng để chế biến các món gỏi, canh giúp bồi bổ sức khỏe và hỗ trợ điều trị một số chứng bệnh thường gặp. Lá xương sông không có độc tính. Vì vậy, bạn có thể sử dụng thảo dược này thường xuyên.
Các món ăn – bài thuốc từ cây xương sông
1. Bài thuốc trị chứng sốt cao gây co giật, hơi thở gấp ở trẻ nhỏ
- Chuẩn bị: Xương sông và me chua đất.
- Thực hiện: Ngâm rửa sạch dược liệu với nước, sau đó để ráo và giã nát. Hòa với nước ấm và vắt lấy nước cho trẻ uống,
2. Bài thuốc trị chứng ho ở trẻ nhỏ
- Chuẩn bị: Lá hẹ, lá xương sông và hoa đu đủ đực.
- Thực hiện: Sắc uống hoặc hấp cách thủy với 1 ít đường phèn. Dùng đều đặn ngày 1 – 2 lần cho đến khi hết ho thì ngưng.
3. Bài thuốc có tác dụng chống dị ứng và tăng khả năng tình dục
- Chuẩn bị: Lá xương sông, thịt heo và chem chép.
- Thực hiện: Bằm nhỏ thịt heo và chem chép, nêm nếm gia vị vừa ăn. Dùng lá xương sông gói, đem nướng và ăn khi còn nóng.
4. Bài thuốc chữa chứng trúng phong cấm khẩu
- Chuẩn bị: Lá xương bố và lá xương sông.
- Thực hiện: Rửa sạch, để ráo và đem giã nát. Hòa với một ít nước ấm, chắt bỏ bã và lấy nước uống.
5. Bài thuốc trị chứng đau nhức răng
- Chuẩn bị: Rễ cây xương sông phơi khô 20g, hoàng liên 10g và rượu.
- Thực hiện: Sơ chế nguyên liệu, sau đó đem ngâm với rượu trong khoảng 10 ngày là dùng được. Mỗi khi dùng, sử dụng bông gòn thấm vào rượu và xát vào vùng răng đau nhức. Thực hiện đều đặn cho đến khi triệu chứng thuyên giảm hoàn toàn.
6. Bài thuốc chữa ho dai dẳng ở người trưởng thành
- Chuẩn bị: Húng chanh, xương sông và lá hẹ mỗi thứ 10g, 1 ít mật ong.
- Thực hiện: Rửa sạch tất cả nguyên liệu, để ráo và thái nhỏ. Cho tất cả vào chén, thêm 1 ít mật ong và đem hấp cách thủy.
7. Bài thuốc trị chứng đầy bụng, khó tiêu
- Chuẩn bị: Lá xương sông và tía tô mỗi thứ 30g, sinh khương, chỉ xác, trần bì và hậu phác mỗi thứ 10g.
- Thực hiện: Sắc với 3 chén nước rồi đun cho sôi, đun thêm khoảng 10 phút thì tắt bếp.
8. Bài thuốc trị ho có đờm kèm nôn trớ ở trẻ nhỏ
- Chuẩn bị: Lá xương sông (2 – 3 lá) và mật ong 5 thìa cà phê.
- Thực hiện: Rửa sạch lá xương sông, đem để ráo và thái nhỏ đem cho vào chén. Thêm mật ong vào và hấp cách thủy. Sau đó, lấy ra để nguội, chắt lấy nước mật ong cho trẻ uống. Trẻ lớn và người trưởng thành nên ăn kèm với lá để tăng hiệu quả trị bệnh.
9. Bài thuốc trị bệnh viêm họng
- Chuẩn bị: Khoảng 10 lá xương sông và giấm 20 – 30ml.
- Thực hiện: Rửa sạch dược liệu, để ráo nước và đập dập. Sau đó, đem lá xương sông nhúng qua giấm và ngậm trong miệng. Thực hiện bài thuốc liên tục trong vài ngày sẽ thấy bệnh thuyên giảm rõ rệt.
10. Bài thuốc chữa chứng thấp khớp
- Chuẩn bị: Nắm lá xương sông tươi.
- Thực hiện: Rửa sạch, giã nát và đem xào cho nóng. Sau đó, dùng dược liệu đắp lên khớp bị đau nhức và cố định lại bằng vải.
11. Bài thuốc trị chứng tê nhức tứ chi
- Chuẩn bị: Hạt xương sông 15 – 20g.
- Thực hiện: Đem sắc uống hằng ngày.
12. Bài thuốc giúp lưu thông khí huyết, trẻ lâu
- Chuẩn bị: Hạt xương sông.
- Thực hiện: Hãm với nước sôi và uống hằng ngày. Tuy nhiên, không nên dùng quá lâu vì có thể gây táo bón và khô háo trong ngày.
13. Canh xương sông cá, thịt ăn giải cảm
- Chuẩn bị: 1 nắm lá xương sông, cá hoặc thịt tùy ý.
- Thực hiện: Nấu canh, nêm nếm gia vị và ăn khi còn nóng đến khi cơ thể ra mồ hôi là được.
14. Bài thuốc giải cảm, thích hợp với trường hợp cảm sốt do trúng phong hàn
- Chuẩn bị: Hương phụ, hành hoa và lá xương sông.
- Thực hiện: Đem sắc uống hằng ngày. Dùng đều đặn ngày 1 thang cho đến khi khỏi.
15. Bài thuốc trị nổi mẩn khắp người do cảm sốt
- Chuẩn bị: Chua me đất, lá xương sông và lá khế.
- Thực hiện: Rửa sạch, để ráo, giã nát và lọc lấy nước uống. Sau đó, dùng bã xoa bên ngoài để giảm ngứa ngáy và làm tiêu mẩn đỏ.
16. Bài thuốc chữa viêm họng, nôn trớ, ho có đờm
- Chuẩn bị: Lá xương bồ, hoa đu đủ đực, đường phèn và hoa hồng bạch.
- Thực hiện: Đem sắc uống hằng ngày.
Một số lưu ý khi sử dụng cây xương sông
Cây xương sông chỉ được sử dụng để điều trị viêm thanh quản, viêm họng do các nguyên nhân thông thường. Nếu nghi ngờ bệnh xảy ra do nhân xơ thanh quản, u vòm họng,… nên tìm gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị y tế sớm.
Bài viết đã tổng hợp một số thông tin cơ bản về cây xương sông. Hy vọng qua những chia sẻ trên, bạn có thể hiểu rõ hơn về tính vị, công dụng và cách sử dụng thảo dược này.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!