Hạt hạnh nhân: Giá trị dinh dưỡng, công dụng và tác dụng phụ
Nội Dung Bài Viết
Hạnh nhân là loại hạt khô giàu protein, chất béo, chất khoáng và chất xơ. Với nguồn dinh dưỡng phong phú, dồi dào, hạt hạnh nhân vừa là một loại thực phẩm an toàn, bổ dưỡng vừa là một vị thuốc vô cùng quý giá.
Giới thiệu tổng quan về hạt hạnh nhân
Với nhiều tên gọi khác nhau như: hạnh, bắc hạnh nhân, khổ hạnh nhân, quang hạnh nhân, lão âm tử, thảo kim đan, hạt hạnh nhân có tên khoa học là semen pruni armeniacae, thuộc họ rosaceae. Loại quả hạch này mang nhiều đặc điểm tương tự hạt hồ đào, hạt mắc ca và hạt óc chó.
Từ thời cổ đại, hạnh nhân đã được đánh giá rất cao về giá trị dinh dưỡng. Chúng là nguyên liệu phổ biến trong chế độ ăn của người Ấn Độ và Ai Cập cổ đại. Đặc biệt, ngành cổ học Ayurvedic của Ấn Độ còn quan niệm rằng, hạt hạnh nhân có khả năng bồi dưỡng trí tuệ, nâng cao năng lực não bộ và kéo dài tuổi thọ.
Ngày nay, lợi ích tuyệt vời về mặt sức khỏe của loại hạt này cũng được ca ngợi trên toàn thế giới. Dường như hạnh nhân đã trở thành một phần không thể thiếu trong thực đơn ăn uống hàng ngày của hàng triệu gia đình, bất kể quốc tịch, tôn giáo, chủng tộc.
Hiện nay, ngành công nghiệp sản xuất hạnh nhân toàn cầu mang về hơn 4,3 tỷ đô la mỗi năm? Hoa Kỳ là quốc gia duy nhất canh tác và chế biến hạnh nhân với quy mô lớn theo định hướng phát triển thương mại. Ước tính, đất nước này cung cấp khoảng 80% tổng sản lượng hạnh nhân trên toàn thế giới. Trong đó, tiểu bang California luôn đi đầu trong lĩnh vực này.
Nguồn gốc của hạt hạnh nhân
Theo nhiều tài liệu lịch sử, hạnh nhân được con người phát hiện vào khoảng 4000 năm trước công nguyên. Chúng có nguồn gốc từ khu vực Nam Á và Trung Đông. Tại Pakistan và Ấn Độ, hạnh nhân là loại thực phẩm vô cùng quen thuộc trong chế độ ăn suốt nhiều thế kỷ. Họ gọi hạt hạnh nhân là badam.
Hạnh nhân là loài cây cho hoa màu trắng hoặc màu hồng, sinh trưởng tốt trong khí hậu nhiệt đới khô ấm. Vào thời cổ đại, sau khi du nhập đến vùng Địa Trung Hải, loại hạt này nhanh chóng được đón nhận rộng rãi. Sau đó, hạnh nhân tiếp tục hành trình của mình dọc theo những bờ biển ở miền Nam Châu Âu và phía Bắc Châu Phi, trước khi đến Hoa Kỳ.
Hạt hạnh nhân có ý nghĩa quan trọng trong nhiều nền văn hóa khác nhau. Từ năm 2000 trước công nguyên người Do Thái, Romani, Thổ Nhĩ Kỳ, bán đảo Baltic đã đề cập đến hạt hạnh nhân trong các tài liệu cổ xưa. Không chỉ dừng lại ở đó, Kinh thánh cũng có nhiều đoạn mô tả về hạt hạnh nhân như một biểu tượng tuyệt vời của niềm hy vọng (ví dụ kinh Sáng thế 43:11).
Vào năm 1352 trước công nguyên, pharaoh Tutankhamun (vị vua trẻ tuổi nhất trong lịch sử Ai Cập) đã ra lệnh bỏ nắm hạnh nhân vào phần mộ của mình. Nhiều năm sau đó, cây hạnh nhân bắt đầu được gieo trồng rộng rãi dọc theo Con Đường Tơ Lụa nổi tiếng (trung tâm giao thương kết nối Trung Quốc và Địa Trung Hải).
Đặc điểm hình thái và vị trí phân bố
Cây hạnh nhân thân gỗ, cao khoảng 4 – 10m và có đường kính trung bình 30cm. Khi còn non, cành cây có màu xanh. Tuy nhiên, nếu tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời, chúng sẽ chuyển dần sang màu tím, đến năm thứ hai, cành cây ngả sang màu xám.
Cây hạnh nhân trổ hoa vào cuối đông – đầu xuân, trước khi ra lá. Hoa năm cánh, có màu trắng hoặc hồng. Lá cây dài, nhọn với mép hình răng cưa. Loài cây này thường kết quả vào tháng 7 – 8 hàng năm.
Hiện nay, cây hạnh nhân phân bố tại nhiều quốc gia trên thế giới, chủ yếu tập trung ở Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc. Tại Việt Nam, loài cây này có thể sinh trưởng tốt ở tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An và Thanh Hóa.
Bộ phận thu hái và quy trình chế biến – bảo quản
Sau khi trái hạnh nhân chín muồi, phần vỏ bắt đầu nứt vỡ. Đây chính là thời điểm thích hợp nhất để những người nông dân thu hoạch hạnh nhân. Lúc này, họ sẽ tách hạt hạnh nhân từ lớp vỏ cứng, sau đó sấy khô hoặc phơi khô. Hạt hạnh nhân cần được bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát. Nếu bị phơi dưới ánh nắng liên tục, chúng sẽ mất dần hương vị đặc trưng.
Hiện nay, đa số hạt hạnh nhân được sản xuất với mục đích thương mại đều đã được loại bỏ vỏ ngoài và để lộ phần hạt trắng bên trong. Thông thường, chúng sẽ được bày bán dưới dạng hạt còn sống hoặc hạt rang chín. Người tiêu dùng có thể chế biến chúng thành sữa hạnh nhân, dầu hạnh nhân, bột hạnh nhân, bơ hạnh nhân hoặc bánh hạnh nhân.
Giá trị dinh dưỡng của hạt hạnh nhân
Thành phần dinh dưỡng của hạt hạnh nhân được đánh giá rất cao bởi sự hiện diện của hàng loạt dưỡng chất thiết yếu đối với sự phát triển toàn diện của cơ thể như: chất chống oxy hóa, chất xơ tiêu hóa, axit béo chưa bão hòa đơn, vitamin và khoáng chất, cụ thể:
- Chất béo và năng lượng: Hạnh nhân rất giàu axit béo bão hòa đơn. Hoạt chất này có khả năng điều hòa lượng cholesterol và giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Một khẩu phần gồm 23 hạt hạnh nhân có thể cung cấp 18g chất béo (trong đó chất béo không bão hòa đơn chiếm đến 11g) và 160 calo.
- Protein: Hàm lượng protein thực vật của loại hạt này rất cao. Một phần tư ly hạnh nhân chứa đến 7,62g protein (cung cấp 15% nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị hàng ngày).
- Carbohydrate: Đây là nguồn thực phẩm giàu carbohydrate. Bạn có thể bổ sung 5,6g carbohydrate (trong đó hơn một nửa là chất xơ) cho cơ thể chỉ với 23 hạt hạnh nhân.
- Chất xơ: Tương tự các loại hạt khác, hạnh nhân chứa rất nhiều chất xơ. Một khẩu phần 23 hạt hạnh nhân có khoảng 3,3g chất xơ (đáp ứng 13% nhu cầu khuyến nghị hàng ngày).
- Vitamin B: Hạnh nhân là nguồn vitamin B vô cùng dồi dào, bao gồm: niacin, thiamine, folate, riboflavin. Đây đều là những dưỡng chất đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa tế bào.
- Vitamin E: Là chất chống oxy hóa vô cùng mạnh mẽ, vitamin E có khả năng bảo vệ mọi tế bào của cơ thể (đặc biệt là tim, da, hồng cầu) và ức chế quá trình hình thành của gốc tự do. 1/4 ly hạnh nhân cung cấp 45% nhu cầu vitamin E khuyến nghị hàng ngày.
- Magie: Hạt hạnh nhân nguyên chất chứa hàm lượng magie dồi dào. Loại khoáng chất này có khả năng tạo ra những điều kiện thích hợp để máu, oxy và dưỡng dưỡng chất cần thiết đi khắp cơ thể.
- Photpho: Photpho là một trong những thành phần dinh dưỡng của loại hạt này. 28g hạnh nhân cung cấp khoảng 15% nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị hàng ngày.
- Kali: Một khẩu phần gồm 23 hạt hạnh nhân nguyên chất chứa đến 290mg kali.
- Đồng và mangan: 1/4 ly phục vụ hạnh nhân bổ sung 20% lượng đồng và 45% lượng mangan theo nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị. Cả hai loại khoáng chất này đều góp phần thúc đẩy quá trình sản xuất enzym ức chế gốc tự do, từ đó ngăn ngừa lão hóa vô cùng hiệu quả.
- Không chứa gluten: Hạnh nhân là thực phẩm cung cấp chất xơ lý tưởng dành cho những người bị nhạy cảm với gluten hay các bệnh nhân celiac.
Công dụng của hạt hạnh nhân
Cả Tây y và Đông y đều ghi nhận hàng loạt công dụng tuyệt vời của hạt hạnh nhân. Dược tính đặc biệt của loại thực phẩm này đến từ thành phần dinh dưỡng đa dạng và dồi dào.
Theo y học cổ truyền
Trong quan niệm Đông y, hạt hạnh nhân tính ấm, vị đắng và hơi độc. Dược liệu này được quy vào kinh phế và đại tràng.
Hạnh nhân có khả năng bình suyễn, tuyên phế, trừ đờm, làm ngừng ho, thông tiện, nhuận tràng, chủ trị chứng suyễn do phế nhiệt, ho do phong nhiệt hoặc phong hàn, họng tắc hạ khí, ho ngược đưa khi lên, khí phong đi lại, kinh giản, dưới tâm phiền nhiệt, giải cơ, váng đầu thời tiết, tiêu tan cấp mạn tại vùng dưới tâm.
Mỗi ngày, bệnh nhân chỉ nên dùng 3 – 10g hạt hạnh nhân.
Theo y học hiện đại
Hạt hạnh nhân không chỉ là một vị thuốc nổi tiếng với dược tính quý giá mà còn là một nguyên liệu dưỡng nhan vô cùng ưu việt. Dưới đây là hàng loạt công dụng nổi bật đã được khoa học nghiên cứu và chứng minh của loại hạt này.
Bảo vệ tim mạch
Hạt hạnh nhân rất giàu chất chống oxy hóa (đặc biệt là flavonoid) và chất béo không bão hòa đơn lành mạnh. Cả hai loại hoạt chất này đều giúp tăng cường sức khỏe tim mạch và ức chế các yếu tố gây bệnh. Bên cạnh đó, hạnh nhân cũng cung cấp nhiều khoáng chất thiết yếu đối với sự phát triển ổn định của tim mạch như: kali, canxi, magie, mangan, đồng, arginine…
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, hạt hạnh nhân có thể làm giảm lượng LDL cholesterol xấu. Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với những người có lượng cholesterol trong máu cao hoặc mắc bệnh tiểu đường. Ngoài ra, vị thuốc này cũng cản trở quá trình hình thành các mảng xơ vữa động mạch cũng như bảo vệ mạch máu chống lại mảng bám nguy hiểm.
Bồi bổ não bộ
Hạnh nhân là một trong những loại hạt tốt nhất cho sức khỏe não bộ. Thực phẩm này chứa nhiều L-carnitine và riboflavin. Đây là hai chất dinh dưỡng thiết yếu có khả năng duy trì và thúc đẩy hoạt động thần kinh, từ đó phòng tránh hiện tượng suy giảm nhận thức.
Chúng có thể ngăn ngừa chứng rối loạn chức năng não (bao gồm bệnh Alzheimer và mất trí nhớ) cũng như hạn chế tối đa nguy cơ viêm nhiễm. Do đó, người trung niên, người lớn tuổi nên chủ động bổ sung hạt hạnh nhân vào thực đơn ăn uống hàng ngày.
Điều hòa đường huyết
Hạt hạnh nhân có công dụng kiểm soát lượng đường trong máu, ngăn ngừa tình trạng kháng insulin, duy trì cân nặng, đẩy lùi tình trạng viêm nhiễm và phòng chống bệnh tiểu đường một cách hiệu quả.
Tăng cường hấp thu dinh dưỡng
Loại thực phẩm này giúp kiểm hóa hệ tiêu hóa, cân bằng độ pH, hạn chế tích tụ axit, từ đó nâng cao sức đề kháng và phòng chống bệnh tật.
Duy trì sức khỏe của hệ tiêu hóa
Bên cạnh nhiều phân tử kiềm và chất béo lành mạnh, hạt hạnh nhân (nhất là da hạnh nhân) chứa hàng loạt thành phần probiotic với khả năng giải độc đường tiêu hóa và phát triển hệ thống vi sinh đường ruột.
Bệnh táo bón mạn tính có thể phát triển thành bệnh trĩ, thậm chí dẫn đến ung thư đại tràng. Để phòng ngừa nguy cơ mắc phải chứng bệnh trên, chúng ta nên dung nạp nhiều hạnh nhân. Bởi loại thực phẩm này chứa hàm lượng chất xơ rất lớn. Khi đi vào cơ thể, chất xơ từ hạt hạnh nhân sẽ loại bỏ cặn bã và tiến hành đào thải độc tố tại thành ruột, từ đó phòng ngừa nguy cơ táo bón và ung thư.
Hạn chế viêm nhiễm và ngăn ngừa ung thư
Một trong những thành phần dinh dưỡng quan trọng của hạnh nhân là gamma-tocopherol. Là một dạng vitamin E, chất chống oxy hóa này có thể triệt tiêu gốc tự do, ức chế quá trình oxy hóa và phòng ngừa ung thư vô cùng hiệu nghiệm. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng thói quen tiêu thụ một lượng hạnh nhân vừa đủ có thể giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh ung thư vú, ung thư đại tràng và ung thư tuyến tiền liệt.
Duy trì sức khỏe xương và răng
Các khoáng chất vi lượng đa dạng của hạnh nhân có tác dụng xây dựng cũng như duy trì sức khỏe răng – xương, phòng chống sâu răng, hạn chế rủi ro gãy xương và ngăn ngừa bệnh loãng xương.
Kiểm soát cơn thèm ăn và hỗ trợ giảm cân
Hạnh nhân là nguồn thực phẩm dinh dưỡng tuyệt vời dành cho các chị em đang triển khai kế hoạch giảm cân. Thành phần chất béo không bão hòa của hạt hạnh nhân có khả năng thỏa mãn cơn đói, đảm bảo chúng ta không ăn uống quá độ.
Lượng chất xơ dồi dào giúp thúc đẩy quá trình đào thải độc tố, hỗ trợ giảm cân, đồng thời duy trì sức khỏe tổng thể. Theo một số nghiên cứu, những người thường xuyên ăn hạt hạnh nhân có thể kiểm soát cân nặng tốt hơn hẳn những người không/ít bổ sung loại hạt này.
Trên thực tế, một chế độ dinh dưỡng ít calo kết hợp với lượng hạnh nhân vừa đủ có thể giúp những người béo phì giảm cân một cách đáng kể. Magie từ hạnh nhân góp phần điều hòa lượng đường trong máu. Trong khi đó, một số dưỡng chất còn lại đảm bảo cản trở quá trình hấp thụ calo của cơ thể. Đây chính là những lý do vô cùng thuyết phục khiến phái đẹp không thể không bổ sung hạnh nhân vào thực đơn giảm cân của mình.
Ức chế quá trình lão hóa
Với hàng loạt chất chống oxy hóa khác nhau, hạt hạnh nhân giúp hạn chế sự hình thành nếp nhăn, thâm nám, chân chim, đồi mồi, tàn nhang trên khuôn mặt. Các chuyên gia cho biết, thói quen massage mặt thường xuyên với tinh dầu hạnh nhân có thể mang đến làn da tươi sáng, trẻ trung và hồng hào, rạng rỡ cho phái đẹp.
Nuôi dưỡng làn da
Nguồn vitamin E và chất chống oxy hóa của hạt hạnh nhân có thể duy trì sức khỏe làn da và đẩy lùi sự lão hóa. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng hạnh nhân chứa hàm lượng epicatechin, isorhamnetin, catechin, kaempferol, flavonol và quercetin rất cao. Các hoạt chất này có khả năng ngăn ngừa tổn thương tế bào và phòng chống ung thư thông qua việc ức chế quá trình stress oxy hóa và ô nhiễm ánh sáng tia cực tím.
Thêm vào đó, những chất béo lành mạnh của hạnh nhân còn giúp làn da ngậm nước, thúc đẩy lưu thông máu và chữa lành vết thương nhanh chóng. Thành phần chống oxy hóa từ loại hạt này đảm bảo loại bỏ độc tố và triệt tiêu gốc tự do.
Hạt hạnh nhân chứa nguồn alpha-tocopherol dồi dào. Đây là dạng vitamin E có tác dụng nuôi dưỡng và tái tạo làn da từ tận sâu bên trong. Vì vậy, độc giả có thể sở hữu làn da sáng bóng, mịn màng và tươi trẻ nếu thường xuyên dung nạp loại thực phẩm này.
Trị mụn, xóa mờ quầng thâm, dưỡng ẩm da khô
Hạnh nhân là nguyên liệu dưỡng nhan tuyệt vời trong từ điển làm đẹp của nhiều chị em phụ nữ. Loại hạt này có thể điều trị các loại mụn hiệu quả, bao gồm: mụn đầu đen, mụn đầu trắng và mụn trứng cá. Nếu sử dụng nhiều dầu hạnh nhân, khuôn mặt phái đẹp sẽ trở nên sạch mụn, trắng sáng và mịn màng.
Bạn có biết, dầu hạnh nhân có thể kiểm soát tốt quầng thâm. Chỉ cần nhẹ nhàng massage vùng da dưới mắt bằng dầu hạnh nhân hàng ngày vào mỗi buổi tối, người đọc sẽ phải bất ngờ vì những vùng da tối màu dưới mất đã âm thầm biến mất chỉ sau khoảng hai tuần.
Mặt nạ tinh dầu hạnh nhân có thể loại bỏ mọi tế bào chết khỏi vùng mặt và cổ, dưỡng ẩm làn da và hạn chế nổi mụn. Cách làm rất đơn giản, bạn chỉ cần trộn 1 muỗng cà phê bột hạnh nhân, 1 lòng trắng trứng gà và 1 muỗng cà phê nước cốt chanh, sau đó thoa hỗn hợp lên mặt khoảng 20 phút rồi rửa sạch với nước lạnh. Chị em cũng có thể áp dụng mẹo này để phòng ngừa tình trạng cháy nắng nếu phải thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
Cải thiện đồi mồi và tàn nhang
Đồi mồi và tàn nhang là kết quả tất yếu của quá trình lão hóa. Khi chúng ta già đi, làn da sẽ mất đi độ sáng mịn vốn có. Lúc này, tàn nhang và đồi mồi bắt đầu xuất hiện. Để khắc phục vấn đề, bạn có thể trộn đều bột hạnh nhân, bột gỗ đàn hương và sữa tươi không đường, sau đó đắp mặt nạ trong vòng 20 phút rồi rửa lại bằng nước mát, áp dụng 2 – 3 lần/tuần.
Hạn chế gàu và ngăn ngừa rụng tóc
Muốn loại bỏ các tạp chất trên da đầu, độc giả có thể chuẩn bị mặt nạ tóc với các nguyên liệu sau: 1 chén bột hạnh nhân, 1/2 hũ sữa chua và 1 muỗng canh bột cà ri. Bạn thoa đều hỗn hợp này lên tóc 20 phút, sau đó xả lại bằng nước sạch, thực hiện 2 – 3 lần/tuần vào buổi tối.
Vitamin D, vitamin E, canxi, magie của hạnh nhân có công dụng làm mềm tóc và hạn chế tình trạng gãy rụng. Đây là một loại kem dưỡng ẩm tự nhiên dành cho những người có mái tóc xơ cứng. Hãy xoa bóp da đầu bằng dầu hạnh nhân ấm vào mỗi buổi tối để toàn bộ tinh chất nhẹ nhàng thẩm thấu vào chân tóc (khoảng vài giờ), sau đó gội đầu nhẹ nhàng. Bạn nên áp dụng 1 lần/tuần.
Với hàng loạt công dụng tuyệt nổi trội như: bảo vệ tim mạch, thúc đẩy tiêu hóa, hỗ trợ giảm cân, nuôi dưỡng làn da, hạt hạnh nhân rất thích hợp với trẻ em trong giai đoạn phát triển, phụ nữ đang chuẩn bị mang thai hoặc mang thai, phụ nữ mãn kinh, bệnh nhân tiểu đường, những người bị đau đầu, thừa cân – béo phì hoặc mắc bệnh tim mạch.
Ngoài ra, những người bình thường có thể bổ sung hạt hạnh nhân vào chế độ dinh dưỡng để cải thiện trí nhớ, tăng cường sức khỏe, đồng thời ngăn ngừa bệnh tim mạch và ung thư.
Hướng dẫn sử dụng hạnh nhân
Cách dùng hạnh nhân phụ thuộc vào mục đích sử dụng. Nếu muốn nâng cao sức đề kháng và tăng cường hệ miễn dịch, độc giả nên dung nạp trực tiếp loại hạt này thông qua việc ăn uống. Nếu muốn làm đẹp, người đọc có thể đắp mặt nạ dưỡng da. Trong khi đó, nếu muốn điều trị bệnh lý, bạn cần áp dụng một số bài thuốc y học cổ truyền theo hướng dẫn phía dưới. Hãy cùng chúng tôi khám phá cụ thể nhé!
Chế biến món ăn từ hạnh nhân
Chúng ta có thể ăn sống hạnh nhân, chế biến thành một số đồ ăn vặt lành mạnh hoặc bổ sung vào các món ăn ngọt – mặn trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày. Đây là một số gợi ý đơn giản giúp bạn đa dạng hóa thực đơn hàng ngày với hạt hạnh nhân:
Hạnh nhân rang muối
- Chuẩn bị 500g hạnh nhân sống, 25g muối biển hạt to, 10g đường, 5 quả trứng và 10g hạt tiêu
- Rửa sạch hạt hạnh nhân, ngâm trong nước sạch 4 tiếng đồng hồ rồi vớt ra để ráo
- Điều chỉnh lò nướng lên đến 200 độ C
- Rắc một chút muối lên khay nướng
- Xếp một lớp hạnh nhân lên khay, sau đó rắc một lớp muối mỏng lên bề mặt
- Cho hạnh nhân vào lò khoảng 10 – 12 phút
- Lấy hạnh nhân ra, để nguội và bảo quản cẩn thận trong lọ thủy tinh
Sữa hạt hạnh nhân
- Chuẩn bị 50g hạt hạnh nhân chưa rang, còn nguyên vỏ lụa, 400ml nước sạch, mạch nha và một chút muối
- Rửa sạch toàn bộ hạnh nhân, ngâm hạt trong vòng 2 tiếng rồi loại bỏ vỏ lụa màu nâu bao bọc bên ngoài
- Xay nhuyễn hạnh nhân với phần nước lọc đã chuẩn bị
- Lọc lấy nước
- Tận dụng phần bã để làm chả chiên hoặc trộn với bột làm bánh
- Nấu sôi lượng nước hạnh nhân thu được trên lửa nhỏ, sau đó thêm một chút muối và mạch nha
- Khi sữa sôi lại, bạn tắt bếp, để nguội và thưởng thức
Bánh brownie hạnh nhân
- Chuẩn bị 1,5 cup bột mì, 1,5 cup đường, 1 cup cocoa powder, 180g bơ đun chảy, 140g chocolate cắt hạt lựu (hoặc chocochip), 4 quả trứng đánh tan, 1 ống vani hoặc 1 tsp vanilla extract và một ít hạnh nhân cắt lát
- Làm nóng lò nướng đến 170 độ C
- Lót giấy lên khuôn
- Rây mịn bột, trộn đều đường và bột trong tô lớn
- Tạo nên một lỗ chính giữa hỗn hợp bột khô, sau đó cho trứng, bơ và vani vào rồi dùng spatula trộn đều
- Thêm chocolate cắt hạt lựu vào hỗn hợp, trộn đều
- Dàn đều hỗn hợp trên khuôn
- Rắc hạnh nhân cắt lát lên mặt bánh
- Nướng brownie ở 170 độ C trong vòng 30 – 35 phút
- Khi bánh chín, bạn lấy ra để nguội rồi cắt khối vuông
Muffin cam tươi – hạnh nhân
- Chuẩn bị 280g bột mì đa dụng (loại 9,5 – 11% protein), 1/2 muỗng cà phê bột nổi, 1 muỗng cà phê baking soda, 1/4 muỗng cà phê muối, 150g dầu đậu nành, 180g muối, 2 quả trứng gà, 100g sữa tươi, 15g nước cam, 1 muỗng canh vỏ cam và 50g hạnh nhân cắt lát (nguyên liệu cho 12 cái bánh)
- Rây mịn, trộn đều bột mì đa dụng, bột nổi, baking soda và muối
- Chọn một quả cam căng mọng với lớp vỏ bóng láng đều màu. Dùng dụng cụ mài phô mai/vỏ cam (cheese grater) để mài lấy toàn bộ vỏ màu cam (khi chạm đến phần xốp trắng thì dừng lại)
- Loại bỏ vỏ xốp trắng, giữ lại phần thịt cam
- Bỏ thịt cam vào máy xay sinh tố rồi xay nhuyễn (chỉ lấy 150g bao gồm cả nước lẫn cái)
- Trộn đều trứng, cam, đường và dầu ăn trong một cái thau
- Hâm ấm sữa, sau đó đổ vào hỗn hợp trứng, cam, đường, dầu ăn và khuấy đều
- Thêm vỏ cam mài và bột đã rây mịn vào, trộn đều
- Lúc này, hỗn hợp sẽ hơi lợn cợn một chút. Đây là điều hoàn toàn bình thường. Bạn nên khuấy đều hỗn hợp bằng phới (cây whisk) và không nên dùng máy đánh trứng
- Lót giấy lên 12 khuôn bánh cupcake
- Chia đều hỗn hợp vào khuôn rồi rắc hạnh nhân cắt lát lên trên
- Làm nóng lò nướng ở 180 độ C
- Nướng bánh trong vòng 15 phút
- Lấy bánh muffin cam tươi – hạnh nhân ra, để nguội và thưởng thức
Chè hạt sen hạnh nhân
- Chuẩn bị 200g hạt sen tươi/khô, 100g bột hạnh nhân, đường phèn và sữa tươi
- Loại bỏ tâm sen (nếu bạn dùng hạt tươi)
- Ngâm nở hạt sen, vớt ra để ráo
- Nấu sôi hạt sen với khoảng 500ml nước lọc (có thể ít hoặc nhiều hơn)
- Cho thêm một lượng đường phèn vừa đủ, đảo đều để hạt sen ngấm đường thật kỹ
- Tắt bếp sau khi đường tan hết
- Đổ sữa tươi vào một cái nồi nhỏ khác và nấu sôi
- Khi mặt trên của sữa sôi thì bạn cho bột hạnh nhân vào, khuấy đều đến khi bột tan hoàn toàn
- Bạn nhắc xuống lúc nước sôi trở lại
- Hòa dung dịch sữa tươi – hạnh nhân vào nồi hạt sen
- Để nguội, làm lạnh và thưởng thức
Cháo hạnh nhân cho em bé ăn dặm
- Chuẩn bị 20g hạnh nhân tươi, 30g gạo tẻ, 30g đường phèn, 1 quả trứng gà và 800 ml nước lọc
- Ngâm hạt hạnh nhân khoảng 30 phút trong tô nước lạnh
- Bóc bỏ lớp vỏ lụa nâu
- Cho gạo tẻ và hạnh nhân vào máy làm sữa đậu nành, đổ thêm 800ml nước lọc rồi khởi động máy trong vòng 20 phút để thu được hỗn hợp sữa gạo hạnh nhân
- Đổ dung dịch này ra nồi, thêm đường phèn và nấu sôi trên lửa nhỏ
- Tách lấy lòng trắng trứng gà cho vào nồi, khuấy đều
- Khi cháo sôi trở lại thì bạn tắt bếp
- Múc cháo ra chén và cho bé yêu thưởng thức
Cá thu chiên bơ tẩm hạnh nhân
- Chuẩn bị 3 lát cá thu tươi, 100g hạnh nhân xay nhỏ, 50g bơ, 1 muỗng cà phê mù tạc, một chút tiêu xanh, muối và xì dầu
- Rửa sạch cá thu, tẩm ướp với mù tạc, xì dầu và tiêu xanh xay nhuyễn khoảng 10 phút
- Đánh tan bơ trên chảo nóng
- Chiên cá vàng đều hai mặt
- Lấy cá ra dĩa
- Rang nhanh phần hạnh nhân xay nhuyễn cho đến khi ngả vàng
- Cho hạnh nhân vào nước sốt
- Trang trí món ăn và thưởng thức
Bên cạnh hạt hạnh nhân, dầu hạnh nhân cũng là một sản phẩm dinh dưỡng an toàn và đa năng. Trong quá trình sử dụng, độc giả lưu ý không nấu ăn bằng dầu hạnh nhân chưa tinh chế bởi nhiệt độ cao có thể dễ dàng phá hủy thành phần dưỡng chất của sản phẩm.
Thay vào đó, bạn nên rưới dầu lên bề mặt món ăn để tăng thêm hương vị hoặc nêm một chút dầu hạnh nhân vào mì ống nhằm bổ sung chất béo lành mạnh. Đối với các tín đồ làm đẹp, loại dầu này là thành phần quan trọng của nhiều loại mặt nạ dưỡng da, dưỡng tóc hoặc giúp làm nền cho quá trình pha loãng những tinh dầu khác.
Còn đối với dầu hạnh nhân tinh luyện, người đọc có thể chiên rang hoặc áp chảo thực phẩm. Tuy nhiên, sau khi trải qua quá trình tinh chế, giá trị dinh dưỡng của dầu hạnh nhân bị hao hụt khá nhiều.
Làm đẹp với hạnh nhân
Ngày nay, hạnh nhân đã trở thành nguyên liệu dưỡng nhan quen thuộc của chị em phụ nữ. Loại thực phẩm này có thể trị mụn, xóa mờ thâm nám, nuôi dưỡng làn da, ngăn ngừa rụng tóc. Dưới đây là những công thức làm đẹp đơn giản mà bạn không thể bỏ qua.
Sữa rửa mặt từ hạnh nhân
Cách 1 – Sữa rửa mặt hạnh nhân nguyên chất
- Nghiền 2 – 3 hạt hạnh nhân thành dạng bột mịn
- Hòa bột vào một lượng nước vừa đủ để tạo thành hỗn hợp sền dệt
- Làm ướt khuôn mặt
- Thoa đều hỗn hợp lên da mặt và massage nhẹ nhàng trong vòng 5 phút
- Rửa sạch bằng nước mát
Cách 2 – Sữa rửa mặt hạnh nhân – sữa tươi
- Nghiền 2 – 3 hạt hạnh nhân thành dạng bột mịn
- Hòa bột vào một chút sữa bột/sữa tươi không đường và nước lọc để tạo thành hỗn hợp sền dệt
- Làm ướt khuôn mặt
- Thoa đều hỗn hợp lên da mặt và massage nhẹ nhàng trong vòng 5 phút
- Rửa sạch bằng nước mát
Mặt nạ hạnh nhân
Cách 1 – Mặt nạ hạnh nhân mật ong
- Trộn đều 1 muỗng cà phê mật ong đun nóng, 1 muỗng cà phê bột hạnh nhân với một chút nước sạch để tạo thành hỗn hợp sền sệt
- Rửa mặt sạch sẽ
- Bôi đều hỗn hợp lên da mặt và massage nhẹ nhàng
- Thư giãn trong vòng 15 – 20 phút
- Rửa sạch bằng nước mát
Cách 2 – Mặt nạ hạnh nhân chanh tươi
- Trộn đều 1/2 muỗng cà phê mật ong, 1 muỗng cà phê bột hạnh nhân, 1/2 muỗng cà phê nước cốt chanh, 1 lòng trắng trứng gà và một chút tinh dầu hạnh nhân để tạo thành hỗn hợp sền sệt
- Rửa mặt sạch sẽ
- Bôi đều hỗn hợp lên da mặt và massage nhẹ nhàng
- Thư giãn trong vòng 15 – 20 phút
- Rửa sạch bằng nước mát
Cách 3 – Mặt nạ hạnh nhân đậu xanh
- Trộn đều 1 muỗng cà phê mật ong, 1/2 muỗng cà phê bột hạnh nhân, 1/2 muỗng cà phê bột đậu xanh, 1 quả trứng gà với một lượng nước cốt chanh vừa đủ để tạo thành hỗn hợp sền sệt
- Rửa mặt sạch sẽ
- Bôi đều hỗn hợp lên da mặt và massage nhẹ nhàng
- Thư giãn trong vòng 15 – 20 phút
- Rửa sạch bằng nước mát
- Thực hiện 2 lần/tuần
Điều trị bệnh lý bằng hạnh nhân
Hạt hạnh nhân có thể chữa ho, khàn tiếng, viêm họng, viêm phế quản, táo bón. Tuy nhiên, trước khi áp dụng, độc giả cần tham khảo ý kiến thầy thuốc để được tư vấn liều lượng chính xác nhất.
Bài thuốc trị khàn tiếng
- Chuẩn bị 30g tử uyển, 30g ngũ vị tử, 40g tang bì, 40g bối mẫu, 40g mộc thông, 100g hạnh nhân ngọt và 150g nước gừng tươi
- Sắc cô tất cả dược liệu với mật ong để tạo thành dạng cao
- Uống 1 muỗng cà phê/lần, 2 lần/ngày
Bài thuốc chữa ho lâu, viêm họng, viêm phế quản
- Chuẩn bị khổ hạnh nhân, tô diệp, quất bì, cát chỉ, chỉ xác, pháp bán hạ, sinh khương mỗi vị 6g, 10g tiền hồ, 10g phục linh và 2 trái đại táo
- Sắc kỹ toàn bộ dược liệu
- Uống thuốc hàng ngày
Bài thuốc trị viêm phế quản mạn tính
- Trộn đều bột hạnh nhân với đường phèn
- Hòa hỗn hợp vào nước ấm, uống 2 lần/ngày vào buổi sáng và buổi tối
- Mỗi liệu trình kéo dài 10 ngày
Bài thuốc chữa táo bón (cho người cao tuổi)
- Chuẩn bị 6g chỉ xác, 10g đào nhân, 10g bá tử nhân, 10g đương quy, 10g hạnh nhân, 12g sinh địa và 12g hỏa ma nhân
- Sắc kỹ toàn bộ vị thuốc
- Dùng hết trong ngày
Tác dụng phụ của hạt hạnh nhân
Hạnh nhân là loại hạt rất tốt cho sức khỏe. Thế nhưng, bạn chỉ nên dung nạp chúng với một lượng vừa đủ. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) khuyến nghị lượng hạnh nhân lý tưởng mà chúng ta cần bổ sung mỗi ngày là khoảng 40g. Nếu bị lạm dụng, hạt hạnh nhân có thể dẫn đến những tác dụng không mong muốn như sau:
- Hạnh nhân chứa hàm lượng calo và chất béo cao. Tuy đa số chất béo này là chất béo không bão hòa nhưng nếu lười vận động, bạn vẫn có nguy cơ tăng cân nhanh chóng khi sử dụng quá nhiều.
- Nhu cầu vitamin E hàng ngày của cơ thể là 15mg. Trong khi đó, 100g hạnh nhân cung cấp đến 25mg. Vì vậy, khi ăn loại hạt này quá nhiều, độc giả dễ bị mờ mắt, tiêu chảy và suy nhược cơ thể. Tuy nhiên, nếu bổ sung vitamin E từ trứng, cải bó xôi hay ngũ cốc nguyên hạt, bạn sẽ không gặp phải các triệu chứng trên.
- Việc ăn quá nhiều hạnh nhân có thể gây ra chứng đầy hơi, táo bón và khó chịu dạ dày. Bởi loại hạt này giàu chất xơ trong khi cơ thể không quen chuyển hóa quá nhiều chất xơ cùng một thời điểm. Độc giả nên uống thêm nước khi ăn nhằm hạn chế tình trạng dùng quá nhiều hạnh nhân.
- Nhu cầu mangan hàng ngày của chúng ta là 1,3 – 2,3mg. Thế nhưng, 100g hạnh nhân lại chứa khoảng 2,3mg. Do đó, loại thực phẩm này có thể gây ra hiện tượng tương tác thuốc, ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc kháng sinh, thuốc huyết áp hoặc thuốc nhuận tràng.
- Thành phần axit hydrocyanic của hạnh nhân có thể khiến người dùng nghẹt thở, suy hô hấp, suy nhược thần kinh, thậm chí tử vong. Vì vậy, bạn cần tuyệt đối thận trọng khi dung nạp loại hạt này (nhất là phụ nữ mang thai).
- Ngoài ra, khi sử dụng hạnh nhân, những người bị dị ứng với hạnh nhân có thể bị ói mửa, chuột rút, đau dạ dày, tiêu chảy, ngứa ngáy, nuốt vướng…
Hạnh nhân giàu protein, chất xơ, chất béo lành mạnh, vitamin và khoáng chất. Loại hạt này giúp điều hòa huyết áp, kiểm soát lượng cholesterol, hỗ trợ giảm cân, bảo vệ tim mạch, phòng ngừa ung thư và nuôi dưỡng làn da, mái tóc. Đây gần như là loại thực phẩm dinh dưỡng hoàn hảo dành cho mọi người. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, bạn cần dung nạp một lượng vừa đủ đúng theo khuyến nghị nhằm đạt được hiệu quả tối ưu về mặt sức khỏe và làm đẹp.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!