Huyền sâm có tác dụng gì? Cách dùng và 40 Bài thuốc chữa bệnh
Nội Dung Bài Viết
Huyền sâm (hắc sâm) là vị thuốc có tính hàn, tác dụng tăng dịch, chỉ khát, hoạt trường và giáng hỏa. Không chỉ được sử dụng rộng rãi trong Đông y, dược liệu này cũng đã được khoa học nghiên cứu và công nhận về nhiều tác dụng chữa bệnh.
- Tên gọi khác: Hắc sâm, Trọng đài, Chính mã, Nguyên sâm, Lộc trường,…
- Tên khoa học: Scrophularia kakudensis Franch
- Họ: Mõm chó/ Huyền sâm – Scrophulariaceae
Mô tả dược liệu huyền sâm
1. Đặc điểm của cây huyền sâm (kèm hình ảnh)
Cây huyền sâm là loài thực vật thân thảo, thân có hình vuông, màu lục với chiều cao trung bình từ 1.6 – 2.2m hoặc hơn tùy vào điều kiện phát triển. Mặc dù là cây thân thảo nhưng huyền sâm sống lâu năm và có thể phát triển ở cả miền núi lẫn đồng bằng.
Cây có thân rễ phát triển thành củ, ở giữa rễ củ phình to, hai đầu thon nhỏ với chiều dài trung bình từ 10 – 20cm. Mỗi cây có khoảng 4 – 5 rễ củ mọc sát thành chùm và thường có màu trắng ngà hoặc vàng nhạt khi còn tươi. Sau khi sơ chế và bào chế, rễ củ chuyển thành màu đen (nên còn gọi được là hắc sâm).
Lá có cuống dài, mọc đối xứng, phiến lá hình trứng và có mép hình răng cưa. Hoa mọc ở thân cây, hình môi có màu tím xám. Hoa của cây huyền sâm mọc vào mùa hè.
Một số hình ảnh của cây huyền sâm:
2. Phân bố
Cây huyền sâm có nguồn gốc từ Trung Quốc. Hiện nay, cây đã được di thực và trồng ở nhiều nơi để làm thuốc. Tuy nhiên theo đánh giá của các chuyên gia, huyền sâm được trồng tại Trung Quốc vẫn có dược tính mạnh và phẩm chất tốt nhất.
3. Bộ phận sử dụng
Rễ củ của cây huyền sâm được sử dụng để làm dược liệu.
4. Phân loại dược liệu huyền sâm
Hiện tại, có 3 loại huyền sâm phổ biến nhất là dã huyền sâm (huyền sâm mọc hoang), thổ huyền sâm và quảng huyền sâm. Trong đó, thổ huyền sâm là loại được dùng nhiều nhất.
5. Thu hoạch, sơ chế
Huyền sâm được thu hoạch vào tháng 10 – 11. Tuy nhiên nếu được trồng ở đồng bằng, rễ củ thường được thu hoạch vào tháng 7 – 8 hằng năm. Để đảm bảo dược liệu có phẩm chất tốt, nhân dân chỉ thu hái những cây từ 2 năm tuổi trở lên.
Khi thu hái, cần dùng cuốc đào xung quanh rễ và dùng tay nắm nhổ toàn cây. Sau đó, bỏ phần thân, chỉ lấy phần rễ củ. Rễ củ của cây huyền sâm được phân loại tùy theo kích thước.
Rễ củ sau khi được thu hoạch thường được rửa sạch, đặt trên cỏ lác, đồ chín và đem phơi khô để dùng dần. Hoặc sau khi rửa sạch đem ủ mềm, xắt thành từng lát vừa phải và phơi cho khô hoàn toàn, bảo quản dùng dần.
6. Thành phần hóa học
Rễ củ của cây huyền sâm chứa thành phần hóa học tương đối đa dạng, bao gồm L-Asparagine, Linoleic acid, Aucubin, Asparagine, 6-O-Methyl Catalpol,…
7. Cách bảo quản dược liệu
Huyền sâm được bảo quản trong lọ kín có lót vôi sống bên dưới. Thỉnh thoảng nên đem dược liệu phơi nắng để tránh ẩm mốc.
Vị thuốc huyền sâm (hắc sâm)
1. Tính vị – Quy kinh
- Hắc sâm có vị ngọt, hơi đắng nhẹ, tính hàn
- Quy vào kinh Phế, Thận và Vị
2. Tác dụng của huyền sâm theo Đông y
- Công năng: Sinh tân, dưỡng huyết, giáng hỏa, thanh nhiệt, giải độc, sinh tân và tiêu viêm.
- Chủ trị: Trị các chứng bệnh do nhiệt độ thâm nhập vào huyết, tâm, dinh dẫn đến phát cuồng, mê sảng và sốt cao. Ngoài ra, huyền sâm còn được sử dụng để điều trị chứng đau mắt đỏ, mụn nhọt, viêm họng, viêm amidan,…
3. Tác dụng của huyền sâm theo y học hiện đại
Ngoài những ghi chép từ Đông y, huyền sâm cũng đã được khoa học nghiên cứu và công nhận về tác dụng chữa bệnh.
Một số tác dụng của vị thuốc hắc sâm đã được khoa học công nhận:
- Nghiên cứu cho thấy, nước sắc từ dược liệu có tác dụng kháng khuẩn mạnh – đặc biệt là với trực khuẩn mủ xanh (Pseudomonas aeruginosa)
- Dược liệu có tác dụng co mạch máu, từ đó giúp tăng huyết áp
- Huyền sâm có tác dụng chống co giật và an thần
- Nước sắc hắc sâm còn được chứng minh có tác dụng cường tim, hạ thân nhiệt và tăng khả năng chịu đựng tình trạng thiếu oxy của tim
4. Cách dùng – liều lượng
Huyền sâm được sử dụng phổ biến trong các bài thuốc sắc, thuốc hoàn tán,… với liều lượng 6 – 12g/ ngày.
40 Bài thuốc chữa bệnh từ vị thuốc huyền sâm (hắc sâm)
1. Bài thuốc trị sốt dai dẳng kéo dài không khỏi
- Chuẩn bị: Tri mẫu 8g, huyền sâm 10, hoàng kỳ 16g, chích cam thảo và thăng ma mỗi thứ 4g, sài hồ và trần bì mỗi thứ 6g, bạch truật, đương quy và đảng sâm mỗi thứ 12g.
- Thực hiện: Cho tất cả dược liệu ấm, đổ đầy nước và sắc uống. Ngày dùng đều đặn 1 thang cho đến khi ngưng sốt thì dừng.
2. Bài thuốc trị chứng ngủ kém, tim hồi hộp, di mộng tinh và suy nhược thần kinh
- Chuẩn bị: Đương quy thân, ngũ vị tử, mạch môn, toan táo nhân, thiên môn đông và bá tử nhân mỗi thứ 40g, sinh địa hoàng 160g, huyền sâm, bạch linh, viễn chí, cát cánh, đơn sâm và đảng sâm mỗi thứ 20g.
- Thực hiện: Tán thành bột mịn, trộn đều và luyện với mật ong lành thành viên hoàn. Sau đó, dùng bột chu sa áo bên ngoài, dùng mỗi lần 12g. Hoặc có thể sử dụng ở dạng thuốc sắc.
3. Bài thuốc trị các chứng ung nhọt kéo dài như ung thư, lở loét và viêm tắc động mạch
- Chuẩn bị: Xuyên sơn giáp 12 – 16g, địa long 8 – 12g, xích tiểu đậu, đơn sâm và đương quy mỗi thứ 12g, sinh cam thảo 4 – 8g, kim ngân hoa 16 – 20g, bồ công anh và huyền sâm mỗi thứ 16g. Trong trường hợp đi kèm với khí hư, nên gia thêm hoàng kỳ 12 – 16g và đẳng sâm 12g. Hoặc có thể gia thêm đào nhân 12g và hồng hoa 8 – 10g trong trường hợp ứ huyết nặng.
- Thực hiện: Sắc uống, ngày dùng đều đặn 1 thang.
4. Bài thuốc chữa chứng ôn bệnh phát ban
- Chuẩn bị: Tri mẫu và huyền sâm mỗi thứ 12g, thạch cao sống 24g, sừng trâu 15g, ngạnh mễ và cam thảo mỗi thứ 8g.
- Thực hiện: Cho tất cả dược liệu vào ấm, thêm nước vào và sắc lấy nước uống. Ngày dùng đều đặn 1 thang.
5. Bài thuốc chữa yết hầu sưng đau và tấy đỏ
- Chuẩn bị: Huyền sâm và ngưu bàng tử mỗi thứ 20g.
- Thực hiện: Cho dược liệu ấm, thêm nước và sắc đặc lấy nước uống. Ngày dùng 1 thang cho đến khi triệu chứng khỏi thì ngưng.
6. Bài thuốc trị viêm amidan/ viêm họng cấp và mãn tính
- Chuẩn bị: Ô mai 2 quả, mạch môn, sa sâm mỗi thứ 12g, huyền sâm 12 – 20g, cam thảo 4g, hoàng cầm, cát cánh và liên kiều mỗi thứ 8 – 12g, sinh địa 12 – 16g, bạc hà (cho vào sau) 8g.
- Thực hiện: Cho dược liệu vào ấm, thêm 1000ml vào và sắc đặc lấy nước. Chia nước sắc thành nhiều lần uống và dùng hết trong ngày. Mỗi ngày dùng đều đặn 1 thang cho đến khi triệu chứng thuyên giảm hẳn thì ngưng.
7. Bài thuốc trị viêm tắc động mạch thể uất nhiệt
- Chuẩn bị: Huyền sâm 20 – 30g, hoàng kỳ 15 – 30g, ngưu tất và liên kiều mỗi thứ 15g, kim ngân hoa 30 – 60g, đương quy 15 – 30g, chế một dược 12 – 15g, bạch giới tử 12g.
- Thực hiện: Rửa sạch dược liệu, cho vào ấm sắc lấy nước uống. Mỗi ngày dùng đều đặn 1 thang.
8. Bài thuốc chữa viêm tắc động mạch thể âm hư uất nhiệt
- Chuẩn bị: Thạch hộc và sinh địa mỗi thứ 15 – 30g, huyền sâm 20 – 30g, bồ công anh 20g, xích thược và đương quy mỗi thứ 15g, kim ngân hoa 30g.
- Thực hiện: Sắc lấy nước uống, chia nước sắc thành 2 – 3 lần và uống hết trong ngày. Dùng đều đặn mỗi ngày 1 thang cho đến khi thuyên giảm thì ngưng.
9. Bài thuốc trị chứng da tay bong tróc, khô ráp
- Chuẩn bị: Sinh địa và hắc sâm mỗi thứ 30g.
- Thực hiện: Cho dược liệu ấm, hãm với nước sôi thành trà. Chia trà thành nhiều lần uống và dùng hết trong ngày.
10. Bài thuốc chữa chứng ban sởi
- Chuẩn bị: Cam thảo 8 – 12g, tê giác 4g, huyền sâm 22 – 24g, tri mẫu 12 – 16g, sừng trâu 8 – 40g và thạch cao 24 – 40g.
- Thực hiện: Cho tất cả vào ấm, đổ thêm nước vào và sắc lấy nước uống. Chia nước thành 3 lần uống và dùng hết trong ngày.
11. Bài thuốc trị chứng viêm quầng phát tán kèm sốt cao gây tổn thương âm dịch
- Chuẩn bị: Mạch môn đông và trúc diệp tâm mỗi thứ 12g, hoàng liên 4g, sinh địa 24g, tê giác 4g, huyền sâm 20g, đan sâm, kim ngân hoa và liên kiều mỗi thứ 16g.
- Thực hiện: Cho tất cả dược liệu vào ấm, sắc lấy nước uống ngày dùng đều đặn 1 thang.
12. Bài thuốc chữa chứng lao phổi gây suy nhược cơ thể kèm ăn uống kém
- Chuẩn bị: Kê nội kim 8g, huyền sâm 20g, sơn dược 40g, bạch truật và ngưu bàng tử mỗi thứ 12g.
- Thực hiện: Sắc đặc lấy nước uống, ngày dùng đều đặn 1 thang.
13. Bài thuốc trị chứng bạch hầu
- Chuẩn bị: Sinh địa và bạch thược mỗi thứ 16g, mạch môn 12g, bối mẫu 8g, huyền sâm 20g, bạc hà 2g và cam thảo 4g.
- Thực hiện: Sắc uống, ngày dùng 1 thang.
14. Bài thuốc trị chứng thương hàn dương độc khiến cơ thể mệt mỏi, bứt rứt, khó ngủ
- Chuẩn bị: Tri mẫu, huyền sâm và mạch môn đông các vị bằng lượng nhau.
- Thực hiện: Sắc uống, ngày dùng 1 thang.
15. Bài thuốc làm sáng mắt
- Chuẩn bị: Cam cúc hoa, bạch tật lê, câu kỷ tử, địa hoàng, sài hồ và huyền sâm, gia giảm hàm lượng dược liệu tùy theo triệu chứng.
- Thực hiện: Sắc uống, ngày dùng 1 thang.
16. Bài thuốc chữa chứng viêm tắc động mạch
- Chuẩn bị: Đương quy, huyền sâm, cam thảo và kim ngân hoa, gia giảm liều lượng tùy theo mức độ triệu chứng.
- Thực hiện: Sắc uống, ngày dùng đều đặn 1 thang.
17. Bài thuốc trị chứng loa lịch
- Chuẩn bị: Qua lâu căn, bối mẫu, liên kiều, cam thảo, huyền sâm, bạc hà và hạ khô thảo, điều chỉnh liều lượng dược liệu tùy theo chứng bệnh.
- Thực hiện: Sắc uống ngày dùng đều đặn 1 thang.
18. Bài thuốc chữa chứng lao phổi
- Chuẩn bị: Huyền sâm 480g và cam tùng 180g.
- Thực hiện: Tán bột, luyện với 480g mật ong rồi cho vào hũ. Đem đậy kín nắp và chôn hũ dưới đất trong liên tục 10 ngày, tiếp tục dùng tro luyện với mật rồi cho lại vào bình. Đậy kín, ủ thêm 5 ngày rồi lấy lên. Mỗi lần sử dụng 1 ít thuốc đốt cháy để ngửi giúp ức chế vi khuẩn lao.
19. Bài thuốc trị chứng cổ họng sưng đau sau khi đậu mọc
- Chuẩn bị: Chi tử, huyền sâm, đơn bì, bồ hoàng, cam thảo và thăng ma mỗi thứ 2g, bạch thược 4g.
- Thực hiện: Cho dược liệu vào ấm, thêm nước vào và sắc lấy nước uống. Ngày dùng đều đặn 1 thang.
20. Bài thuốc phòng ngừa chứng đậu
- Chuẩn bị: Thỏ ty tử 400g và huyền sâm 200g.
- Thực hiện: Rửa sạch thỏ ty tử, phơi khô hoàn toàn và đem tán thành bột mịn. Sau đó, dùng chày giã nhỏ huyền sâm, phơi khô và tán bột. Trộn đều 2 dược liệu rồi trộn với nước đường làm thành viên hoàn. Mỗi lần dùng 6 – 8g thuốc uống cùng với nước đường, ngày dùng 1 lần.
21. Bài thuốc trị chứng thương hàn dai dẳng không thuyên giảm khi dùng phép phát hãn và phép thổ
- Chuẩn bị: Chích cam thảo, thăng ma và huyền sâm mỗi thứ 20g.
- Thực hiện: Dùng dao thái nhỏ dược liệu và trộn đều rồi đem bảo quản trong lọ kín. Mỗi lần dùng 20g dược liệu sắc với 1 chén nước đến khi còn 7 phân thì tắt bếp. Chắt lấy nước uống dùng hết trong ngày.
22. Bài thuốc trị mất nước và táo bón do sốt cao
- Chuẩn bị: Mạch môn, huyền sâm và sinh địa mỗi thứ 12g.
- Thực hiện: Sắc uống, dùng đều đặn ngày 1 thang.
23. Bài thuốc trị chứng nhiệt tích ở tam tiêu
- Chuẩn bị: Hoàng liên, huyền sâm và đại hoàng mỗi thứ 40g.
- Thực hiện: Đem tất cả dược liệu tán thành bột mịn, trộn đều với mật ong làm thành hạt ngô đồng. Mỗi lần uống từ 30 – 40 viên cùng với nước. Nếu dùng cho trẻ em, nên làm viên hoàn to bằng hạt gạo và dùng liều lượng như trên.
24. Bài thuốc trị thoát vị tiểu đường (tiểu đường sán khí)
- Chuẩn bị: Hắc sâm lượng vừa đủ.
- Thực hiện: Đem tước nhỏ dược liệu, sau đó đem sao vàng và tán thành bột mịn, làm thành viên hoàn. Mỗi lần sử dụng 6g bột thuốc uống cùng với rượu khi đói cho ra mồ hôi là được. Dùng bài thuốc liên tục cho đến khi triệu chứng thuyên giảm.
25. Bài thuốc trị chứng lở mũi do nhiệt
- Chuẩn bị: Huyền sâm lượng vừa đủ.
- Thực hiện: Đem dược liệu tán thành bột mịn và bảo quản trong lọ kín. Mỗi lần dùng 1 ít bột thuốc thoa vào vùng mũi lở loét, thực hiện vài lần trong ngày đến khi mũi hết lở thì ngưng.
26. Bài thuốc trị chứng cổ họng nghẹn và sưng đỏ
- Chuẩn bị: Huyền sâm và thử niêm tử (nửa sống nửa sao) mỗi thứ 40g.
- Thực hiện: Tán thành bột mịn, mỗi lần dùng 1 ít uống với nước hằng ngày.
27. Bài thuốc chữa chứng gân máu đỏ xuất hiện ở đồng tử
- Chuẩn bị: Gan heo, nước cơm và huyền sâm tán bột mịn.
- Thực hiện: Sử dụng nước cơm luộn chín gan heo, sau đó cắt mỏng gan chấm với huyền sâm ăn hằng ngày.
28. Bài thuốc trị chứng đau cổ họng kèm phát ban
- Chuẩn bị: Thăng ma, huyền sâm và cam thảo mỗi thứ 20g.
- Thực hiện: Cho tất cả dược liệu vào ấm sắc với chén nước đến khi còn 1 chén rưỡi thì tắt bếp. Chắt lấy nước sắc và dùng khi thuốc còn ấm nóng.
29. Bài thuốc chữa chứng lao hạch ở cổ (loa lịch lâu năm)
- Chuẩn bị: Huyền sâm sống.
- Thực hiện: Giã nát dược liệu, sau đó đắp dược lên hạch và dùng vải cố định lại. Thay băng 1 lần/ 2 ngày cho đến khi hạch thuyên giảm hoàn toàn.
30. Bài thuốc trị các loại độc do rò
- Chuẩn bị: Rượu và hắc sâm.
- Thực hiện: Dùng hắc sâm ngâm với rượu. Mỗi ngày dùng 1 ly rượu nhỏ, dùng đều đặn cho đến khi khỏi.
31. Bài thuốc chữa chứng loét miệng
- Chuẩn bị: Mạch môn, huyền sâm, sa sâm, ngọc trúc và hoàng bá mỗi thứ 12g, tri mẫu và đan bì mỗi thứ 8g, cam thảo 4g, sinh địa và cỏ nhọ nồi mỗi thứ 16g.
- Thực hiện: Sắc uống ngày 1 thang.
32. Bài thuốc trị tiểu đường kèm theo chứng vị, phế đều tích nhiệt
- Chuẩn bị: Thương truật 9g, hạnh nhân 4g, hoàng cầm, mần tưới và hoàng liên chân gà mỗi thứ 6g, huyền sâm 15g.
- Thực hiện: Sắc uống, chia nước sắc thành 3 lần uống và dùng hết trong ngày. Dùng bài thuốc liên tục từ 3 – 4 tuần lễ, sau đó dừng 1 tuần và tiếp tục liệu trình cho đến khi bệnh thuyên giảm hoàn toàn thì ngưng hẳn.
33. Bài thuốc trị viêm hạch, lao hạch và chứng nhọt ở ngực
- Chuẩn bị: Nghệ đen, bồ công anh, mộc thông và xạ can mỗi thứ 10g, hắc sâm 20g.
- Thực hiện: Sắc uống, ngày dùng 1 thang.
34. Bài thuốc trị tiểu đường kèm táo nhiều, khát nhiều
- Chuẩn bị: Mạch môn và tri mẫu mỗi thứ 12g, hắc sâm 16g, hoàng liên 4g, thạch cao 40g, sinh địa và thiên hoa phấn mỗi thứ 20g.
- Thực hiện: Sắc uống, ngày dùng 1 thang. Dùng liên tục trong 3 – 4 tuần lễ rồi ngưng 1 tuần và lặp lại nếu cần thiết.
35. Bài thuốc trị chứng sốt cao kèm mụn nhọt, nổi mẩn ngứa
- Chuẩn bị: Liên kiều, kim ngân hoa, sinh địa, huyền sâm, bột sừng trâu và mạch môn mỗi thứ 12g, đan sâm 8g, hoàng liên 6g và đạm trúc diệp 10g.
- Thực hiện: Sắc uống, ngày dùng đều đặn 1 thang.
36. Bài thuốc trị u nhọt kết thành khối rắn dai dẳng không tan
- Chuẩn bị: Mẫu lệ (vỏ hàu) và hạ khô thảo mỗi thứ 12g, bối mẫu 8g, huyền sâm và liên kiều mỗi thứ 16g.
- Thực hiện: Sắc uống, ngày dùng đều đặn 1 thang.
37. Bài thuốc hỗ trợ trị chứng lao phổi
- Chuẩn bị: Mạch môn, huyền sâm, sinh địa và sa sâm mỗi thứ 12g, thiên môn, a giao và bách bộ mỗi thứ 8g.
- Thực hiện: Sắc uống ngày 1 thang. Chia nước sắc thành 3 lần uống và dùng hết trong ngày. Dùng liền trong 3 – 4 tuần rồi ngưng 7 ngày và lặp lại liệu trình.
38. Bài thuốc trị chứng ho dai dẳng không dứt do phế âm hư và huyết hư
- Chuẩn bị: Đương quy, huyền sâm, cát cánh và bạch thược mỗi thứ 6g, mạch môn và sinh địa mỗi thứ 8g, bách hợp 10g, thục địa 12g và cam thảo 4g.
- Thực hiện: Sắc uống ngày dùng 1 thang. Sử dụng bài thuốc đều đặn trong 3 – 4 tuần lễ. Sau đó, có thể ngưng 1 tuần và lặp lại liệu trình nếu cần thiết.
39. Bài thuốc trị chứng viêm họng và viêm amidan kèm lở ngứa và mụn nhọt
- Chuẩn bị: Sài đất, huyền sâm và thổ phục linh mỗi thứ 10 – 12g, cam thảo 6g.
- Thực hiện: Cho tất cả vào ấm, thêm nước vào và sắc đặc. Mỗi ngày dùng đều đặn 1 thang cho đến khi bệnh thuyên giảm.
40. Bài thuốc trị chứng lao hạch lâm ba chưa vỡ mủ
- Chuẩn bị: Hạ khô thảo và mẫu lệ mỗi thứ 12g, bối mẫu 8g, huyền sâm và liên kiều mỗi thứ 16g.
- Thực hiện: Sắc uống ngày dùng 1 thang.
Một số lưu ý khi vị thuốc hắc sâm – huyền sâm
Huyền sâm là vị thuốc quý trong Đông y. Với tác dụng giải độc, hạ sốt, thanh nhiệt và chỉ khát, dược liệu này được sử dụng trong nhiều bài thuốc chữa bệnh. Tuy nhiên trước khi dùng các bài thuốc từ hắc sâm, bạn nên lưu ý một số vấn đề sau:
- Không dùng cho trường hợp tỳ vị hư hàn gây đại tiện lỏng, âm hư không kèm nhiệt, nhiệt thiếu, hàn nhiệt, huyết hư,…
- Tránh dùng bài thuốc huyền sâm dài ngày. Nếu bệnh dai dẳng, cần sử dụng 3 – 4 tuần lễ, sau đó ngưng khoảng 7 ngày và lặp lại liệu trình để tránh gây tổn hao khí của vị (dạ dày).
- Không dùng chung huyền sâm với lê lô.
- Cần sử dụng hắc sâm theo đúng liều lượng khuyến cáo. Dùng dược liệu quá liều có thể gây ra một số tác dụng phụ như tiêu chảy, chán ăn, buồn nôn và nôn mửa.
- Dược liệu huyền sâm có thể tương tác với một số loại thuốc điều trị và viên uống hỗ trợ. Vì vậy, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ nếu có ý định dùng phối hợp.
Trên đây là một số thông tin cơ bản về tác dụng, cách dùng và 40 bài thuốc từ vị thuốc huyền sâm (hắc sâm). Vì vậy để được tư vấn cụ thể hơn, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa y học cổ truyền trước khi sử dụng.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!