Lá mơ lông: Công dụng chữa bệnh và cách dùng đúng
Nội Dung Bài Viết
Có thể bạn chưa biết, lá mơ lông ngoài việc được sử dụng như một loại rau sống thơm ngon trong bữa ăn hàng ngày còn có nhiều công dụng rất tuyệt vời dành cho sức khỏe. Với tính bình, mát, vị thuốc này có tác dụng kháng khuẩn, giảm đau, thanh nhiệt, giải độc, trị ho gà, tiêu chảy,… Hãy cùng tìm hiểu kỹ hơn thông tin về lá mơ lông qua bài viết dưới đây.
Mô tả về cây lá mơ lông
Đầu tiên, hãy cùng tìm hiểu về đặc điểm thực vật, phân bố, thành phần hóa học và một số thông tin liên quan về lá mơ lông. Từ đó, có được cái nhìn tổng quan về cây thuốc này.
Đặc điểm thực vật
Cây lá mơ lông thuộc dạng cây thân leo, dễ phát triển trong nhiều môi trường khác nhau. Lá mơ lông hình trứng và có kiểu mọc đối, lá nhọn về phía đầu, màu xanh ở mặt trên và màu tím nhạt ở mặt dưới. Sở dĩ được gọi là mơ lông vì lá được bao phủ bởi một lớp lông mịn, màu trắng.
Hoa của cây lá mơ mọc trên ngọn hoặc thành chùm ở sát nách lá, hình hoa loa kèn. Hoa ở giữa có màu tím nhạt, xung quanh là 6 cánh màu trắng. Quả mơ lông dẹt, tròn và có vỏ mỏng màu vàng.
Điểm đặc biệt ở đây là khi vò nát, toàn thân cây sẽ cho mùi thối khó chịu, chính vì vậy mà cây còn có tên là cây thúi địch. Ở Việt Nam có đến 5 loại cây lá mơ khác nhau nhưng cây lá mơ lông được sử dụng phổ biến nhất.
Phân bố
Do đặc điểm sinh trưởng, phát triển mạnh, cây lá mơ xuất hiện ở nhiều nước trên thế giới nhưng phổ biến nhất là ở Việt Nam, Malaysia, Ấn Độ. Riêng ở nước ta, cây có mặt ở mọi nơi, từ mọc hoang ở bụi rậm, bờ vườn đến được trồng làm hàng rào, trồng làm rau,…
Bộ phận dùng
Lá mơ lông chính là bộ phận được ưu tiên sử dụng nhiều nhất. Nhưng đôi khi thân và rễ cũng được ứng dụng trong các bài thuốc chữa bệnh.
Thu hái, sơ chế
Loại lá này được thu hái quanh năm. Ngay khi đem về có thể sử dụng ở dạng tươi hoặc phơi khô để dùng dần. Phần thân và rễ nếu đem đi làm thuốc cũng được thu hái và chế biến tương tự.
Lưu ý, dược liệu phơi khô của lá mơ lông rất dễ bị mốc. Vì vậy, sau khi phơi cần được bảo quản lá hợp lý trong bao ni lông, bình có nắp kín, đặt nơi thoáng mát.
Thành phần hóa học
Tinh dầu là thành phần chủ yếu có trong lá mơ lông. Cụ thể, bao gồm các chất sau đây:
- Alkaloid.
- Bisulfur Carbon.
- Paederin.
- Scanderoside.
- Sulfur dimethyl disulphit.
Ngoài ra, methyl Mercaptan cũng là thành phần có trong lá mơ. Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy chất này trong lá mơ và cho rằng đây chính lý do tạo nên mùi thối đặc trưng của nó.
Công dụng của lá mơ
Trong y học cổ truyền, tính vị và công năng chính là yếu tố làm nên công dụng, khả năng trị bệnh của một vị thuốc.
Tính vị
Lá mơ lông là vị thuốc có tính bình, mát. Vị của thuốc là vị ngọt, hơi đắng.
Tác dụng dược lý và công năng chủ trị
Với thành phần là hoạt chất sulfur dimethyl disulphide – tác dụng tương tự kháng sinh, nên lá mơ lông giúp kháng viêm, kháng khuẩn hiệu quả. Hoạt chất Paederin (alkaloid) còn giúp cải thiện sinh lý đối với hệ thần kinh của con người.
Nói đầy đủ hơn, loại lá này có tác dụng kháng khuẩn, giảm đau, thanh nhiệt, giải độc, trị ho gà, tiêu chảy, hoạt huyết, giảm ho, tiêu sưng, lợi thấp, khu phong, kích thích tiêu hóa,… Có công dụng chủ trị trong các chứng bao gồm:
- Ăn không tiêu, tiêu chảy.
- Đau nhức xương khớp, phong thấp.
- Suy dinh dưỡng, tiêu hóa kém đối với trẻ nhỏ.
- Ho gà.
- Kiết lỵ, lỵ amip.
- Viêm tai giữa.
- Nhiễm trùng, chấn thương ngoài da.
- Một số bệnh khác.
Liều lượng và cách dùng chung cho bài thuốc
Mỗi ngày, chỉ nên sử dụng từ 10-20g lá mơ lông. Có thể sắc uống hay ngâm rượu xoa bóp ngoài da đều được.
Bài thuốc trị bệnh của lá mơ lông
Tùy vào mục đích sử dụng mà lá mơ lông sẽ có những bài thuốc khác nhau. Dưới đây sẽ là thông tin về một số bài thuốc của vị thuốc này cho bạn tham khảo.
Điều trị bệnh phong thấp, đau nhức xương khớp của người lớn tuổi
Có 3 cách sử dụng bài thuốc này, bao gồm:
- Cách 1: Lấy lá mơ nấu lấy nước uống khoảng 2-3 lần/ngày.
- Cách 2: Giã lá, thêm vào một ít rượu cùng nước sôi vào, trộn đều và chắt lấy nước uống.
- Cách 3: Dùng 2 lít rượu để ngâm 1kg lá và thân lá mơ lông trong khoảng 10 ngày. Sau đó, mỗi ngày dùng từ 1-2 ly hoặc xoa bóp ngoài khớp để giảm đau nhức.
Bài thuốc chữa khó tiêu, sôi bụng
Chuẩn bị một nắm lá mơ, rửa sạch với nước muối. Có thể ăn sống hoặc giã nát rồi lấy nước uống trong liên tục 2-3 ngày để cải thiện tình trạng khó tiêu, sôi bụng.
Bài thuốc trị bệnh viêm tai giữa ở trẻ em
Sử dụng lá mơ tươi, rửa sạch rồi hơ trên lửa cho héo. Sau đó vò lá và nhét vào lỗ tai bị bệnh, thực hiện mỗi tối trước khi ngủ và để nguyên qua đêm. Với khả năng sát khuẩn, lá mơ sẽ giúp cải thiện tình trạng viêm tai giữa đáng kể đồng thời cũng giảm dịch và mủ trong tai.
Bài thuốc trị tiêu chảy (tiêu chảy do nhiệt)
Chuẩn bị lá mơ (26g) và nụ sim (8g) và 500ml. Cho lá mơ và nụ sim vào lượng nước đã chuẩn bị, đun lửa nhỏ cho đến khi nước sắc cô đặc (còn khoảng 200ml) thì tắt bếp. Gạn lấy nước và chia ra làm 2 lần uống, bài thuốc sẽ giảm tình trạng đi lòng nhiều lần trong ngày kèm đau quặn bụng, chướng bụng, môi khô,…
Bài thuốc hỗ trợ chữa hội chứng ruột kích thích
Chuẩn bị từ 40-100g lá mơ thái nhuyễn), 1 lòng đỏ trứng (đánh cho tan) và 10g gừng tươi( giã lấy nước cốt). Trộn 3 nguyên liệu đã sơ chế ở trên lại với nhau, đem đi hấp chín. Sử dụng bài thuốc mỗi ngày 2 lần khi còn ấm để cải thiện tình trạng ruột kích thích.
Bài thuốc chữa bệnh đau dạ dày
Dùng 30g lá mơ xay nhuyễn cho vào cốc nước đun sôi để nguội, sau đó lọc lấy nước uống. Sử dụng mỗi ngày 1 lần trong một khoảng thời gian để giảm thiểu và điều trị bệnh đau dạ dày.
Bài thuốc trị bí tiểu do sỏi thận
Chuẩn bị 100g lá mơ, sau đó sắc lấy nước uống. Chia nước sắc này ra khoảng 2-3 lần đều nhau để uống trong ngày. Bài thuốc này hỗ trợ hiệu quả trong việc trị bí tiểu do bệnh sỏi thận.
Bài thuốc trị nhiễm giun sán
Nguyên liệu cần là 50g lá mơ tươi và một ít muối ăn. Xay nhuyễn lá mơ để lấy nước cốt và thêm muối ăn vào, quấy cho tan. Uống bài thuốc này vào buổi sáng sớm, ngay sau khi ngủ dậy để cho hiệu quả tốt nhất.
Bài thuốc chữa co giật
Chuẩn bị 15-60g lá mơ tươi và vài hạt muối ăn. Xay nhuyễn lá mơ và cho vào 1 bát nước ấm, lọc lấy nước cốt, sau đó cho muối vào và khuấy cho tan. Trước khi ăn, uống hỗn hợp này để cải triệu chứng co giật.
Bài thuốc chữa vết thương ngoài da mau lành
Chuẩn bị vài lá mơ lông và giã nát, đắp trực tiếp lên vết thương mỗi ngày 2 lần để vết thương chóng lành. Lưu ý: cần rửa kỹ lá mơ với nước muối để sát khuẩn, tránh làm nhiễm trùng vết thương.
Bài thuốc trị bệnh cảm lạnh
Sử dụng khoảng 25 chiếc lá mơ ăn sống, hấp chín để ăn hoặc ăn kèm với cơm vào các bữa ăn. Bài thuốc cực kỳ đơn giản nhưng giúp trị bệnh cảm lạnh rất hiệu quả.
Bài thuốc trị viêm loét
Sử dụng một nắm lá mơ lông xay nhuyễn với một chén nước. Lọc lấy nước và chia thành 3 lần uống trong ngày để điều trị viêm loét.
Bài thuốc điều trị kiết lỵ
Có rất nhiều cách sử dụng lá mơ lông để điều trị bệnh kiết lỵ, bao gồm:
- Cách 1: Sử dụng 1 nắm lá mơ cắt nhỏ và 1 quả trứng gà, đánh hỗn hợp này sao cho thật đều và rán chín để ăn 1-2 lần mỗi ngày.
- Cách 2: Xay 60g lá mơ với một ít muối ăn và 1 bát nước ấm, lọc lấy nước này và uống trước bữa ăn.
- Cách 3: Dùng 1 nắm lá phèn đen kết hợp với 1 nắm lá mơ, giã 2 loại lá này để lấy nước cốt uống 2-3 lần ngày.
Bài thuốc trị bệnh ho gà
Nguyên liệu chuẩn bị gồm có: 150g lá mơ, 250g cỏ mần trầu, 50g gừng tươi, 250g rễ chanh, 100g vỏ quýt, 250g đẹt ác,150g cam thảo dây, 250g cỏ mực, 250g rau má và đường kính. Cho tất cả vị thuốc đã chuẩn bị đem sắc với 6 lít nước, sắc cho đến khi nước sắc còn 1 lít thì tắt bếp. Nước sắc chia làm 3 lần uống trong ngày, mỗi ngày uống 1 thang như trên.
Bài thuốc trị mụn, chữa ghẻ
Chuẩn bị vài cái lá mơ, rửa sạch và giã lấy nước cốt. Chấm nước cốt lên các nốt mụn và nốt ghẻ, với tính kháng khuẩn, làm mát, loại lá mơ này rất tốt trong việc làm lành các nốt mụn, chữa ghẻ.
Bài thuốc phòng suy dinh dưỡng ở trẻ em
Chuẩn bị khoảng 20g rễ cây lá mơ lông cùng 1 dạ dày lợn. Đem nguyên liệu đi rửa sạch, cắt nhỏ và cho vào nỗi hầm đến khi nhừ, thêm gia vị vừa ăn. Cho trẻ ăn bài thuốc này 2 tháng 1 lần để ngăn ngừa suy dinh dưỡng.
Lưu ý cần biết khi sử dụng lá mơ lông
Là dược liệu thiên nhiên nên lá mơ lông được đánh giá là an toàn và không gây tác dụng phụ nguy hiểm khi dùng theo đường uống và cả đường bôi ngoài da. Tuy nhiên, để không gây ra những sự cố đáng tiếc, bạn cần lưu ý:
- Trước khi dùng lá mơ để chữa bệnh, cần hỏi ý kiến của bác sĩ, người có chuyên môn để tham khảo.
- Chỉ sử dụng lá mơ lông sạch để làm thuốc. Ngâm trước với nước muối khoảng 20 phút để sát khuẩn lá mơ trước khi dùng uống hoặc đắp ngoài da.
- Dùng đúng theo liều lượng được khuyến cáo hoặc theo đúng chỉ định của thầy thuốc.
- Không sử dụng lá mơ nếu bạn dị ứng với bất kỳ thành phần nào của nó.
Trên đây là những thông tin về lá mơ lông: Công dụng chữa bệnh và cách dùng đúng cho từng căn bệnh cụ thể. Hy vọng qua bài viết, bạn có thể hiểu thêm về công dụng cũng như cách sử dụng đúng bài thuốc này.
Rất hiệu quả về loét bao tử, uất hơi trướng bụng, đại tràng, nói chung bộ máy tiêu hóa phục hồi tốt, chỉ cần sắc lấy nước uống chừng ba ngày là thấy rõ kết quả.