Nhụy hoa nghệ tây (Saffron): Công dụng, cách dùng và lưu ý
Nội Dung Bài Viết
Nhụy hoa nghệ tây hay saffron được mệnh danh là “vàng đỏ”của vùng Trung Đông, có giá thành còn đắt hơn cả vàng 4 số 9 do có quy trình trồng trọt, thu hoạch kỳ công, gặp nhiều khó khăn. Saffron nằm trong nhóm gia vị có giá thành đắt đỏ nhất thế giới, theo các tài liệu xưa của y học cổ truyền Hồi giáo, saffron có tác dụng chữa mất ngủ, chống trầm cảm, trị khối u, trị hen suyễn, bổ gan…
Tên gọi khác: Nghệ tây
Tên khoa học: Crocus sativus
Họ: Diên vĩ
Mô tả về cây
Nghệ tây được Carl Linnaeus miêu tả khoa học đầu tiên vào năm 1753. Đây là loài cây bản địa của khu vực Tây Nam Á, sau đó lan truyền khắp lục địa Á – Âu. Nhụy hoa nghệ tây hay saffron là một loại gia vị được sản xuất từ nhụy của cây nghệ tây.
Đặc điểm thực vật
Nghệ tây có chiều cao khoảng 20 – 30cm, là thực vật vô tính đơn hình về mặt di truyền. Cây nghệ tây có hoa màu xanh, mỗi hoa gồm 3 đầu nhụy màu đỏ thẫm rực rỡ, phần thân nối với các đầu nhụy. Khi đầu nhụy được thu hoạch, phơi khô sẽ được sử dụng làm gia vị và chất tạo màu cho các món ăn.
Nghệ tây là một loại thực vật tam bội, nó không có khả năng sinh sản độc lập, không thể tự tương thích và là cây vô sinh về mặt giống đực. Cây được nhân giống thủ công với phương pháp “cắt ghép”. Cây có đặc điểm như sau:
- Thân: Dạng trục, cấu trúc mang hoa
- Lá: Có 5 – 11 lá trắng không quang hợp được gọi là lá bao, phần lá này tạo thành lớp màng bảo vệ lá thật khi chúng nhú ra và phát triển. Lá thật có dạng tán mỏng, thẳng như lưỡi dao, có thể phát triển cùng với hoa hoặc khi hoa đã nở
- Hoa: Xuất hiện vào tháng 10, hoa có màu tử đinh hương nhạt đến sẫm sau chuyển sang màu tím hoa cà, có hương thơm ngọt ngào, khi ra hoa, chiều cao của cây thấp hơn 30cm. Mỗi vòi nhụy có một đầu nhụy màu đỏ thẫm rực rỡ, mọc ra từ mỗi hoa.
Phân bố
Nghệ tây là cây lâu năm, cho hoa vào mùa thu, hiện nay người ta vẫn chưa rõ nguồn gốc tự nhiên của loài cây này. Tuy nhiên, tổ tiên của nó có thể là cây Crocus cartwrightianus, cây này ra hoa vào mùa thu ở Địa Trung Hải.
Nghệ tây là cây bản địa của Tây Nam Á, được trồng lần đầu ở Hy Lạp, sau đó được đưa đến các khu vực Bắc Mỹ, Bắc Phi, Châu Đại Dương. Cây chỉ phát triển ở những nơi khí hậu khô nóng, nhiều ánh sáng mặt trời,mặt trên đất cằn cỗi nhưng bên dưới là mạch nước ngầm. Loài cây này chỉ có thể trồng được ở những sườn núi dốc hoặc các vùng núi cao có độ nghiêng về phía mặt trong.
Một trong những quốc gia nổi tiếng về loài cây này là Iran, ở đây người ta thường dùng saffron để nấu cơm, Iran được coi là “thủ phủ” của sản phẩm nhụy hoa nghệ tây, với hơn 90% sản lượng saffron xuất khẩu trên thế giới xuất phát từ nước này. Sau Iran, Hy Lạp, Ý, Tây Ban Nha, Ấn Độ, Pháp, Morocco và một số vùng của Trung Quốc cũng có trồng loại cây này.
Bộ phận dùng
Nhụy hoa
Thu hái sơ chế
Nghệ tây có vòng đời sinh trưởng khoảng 8 năm, đến khi cây ra hoa lần thứ 4 thì người ta mới bắt đầu thu hoạch để lấy nhụy để thu được dược tính cao nhất. Nhụy hoa nghệ tây thường được thu hoạch vào tháng 11, đây là thời điểm mà hoa nở rộ, quá trình thu hoạch phải diễn ra trước lúc mặt trời mọc và kéo dài khoảng 8 tuần. Hoa nghệ tây nở vào ban đêm, tàn lúc giữa trưa, hơn nữa vào ban ngày, các tia bức xạ mặt trời sẽ ảnh hưởng đến chất lượng.
Nhụy hoa nghệ tây được thu hái toàn bộ bằng tay, sau khi thu hái sẽ được bảo quản nơi khô ráo thoáng mát. Không cho vào tủ lạnh cũng không để nhụy hoa tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Nếu nhụy hoa bị ẩm thì phơi nắng trong 13 – 15 phút hoặc sấy khô trong lò vi sóng khoảng 2 phút.
Liều dùng – bảo quản
Liều dùng
- Người bình thường, không có bệnh thì có thể dùng saffron để làm đẹp, tăng cường sức khỏe với liều dùng 15mg/ngày
- Người bị trầm cảm ở mức độ nhẹ đến trung bình được khuyên dùng 30mg/ngày, sử dụng 2 lần/ngày
- Ngưỡng an toàn khi sử dụng saffron là 1.5g/ngày, một số trường hợp có thể dùng 5g/ngày
- Tuyệt đối không dùng 20g/ngày vì có thể gây tử vong
Triệu chứng khi dùng quá liều
Nếu dùng quá liều, có thể gây ra một số triệu chứng như:
- Triệu chứng nhẹ: Chóng mặt, nôn mửa, tiêu chảy. Ngoài ra, còn tùy thuộc vào cơ địa của mỗi người mà có thể sẽ có thêm một hoặc nhiều triệu chứng khác
- Triệu chứng nặng: Nếu dùng quá liều, liều cao ngay lập tức cơ thể bạn sẽ có những phản ứng như ngứa khắp cơ thể, chảy máu mũi, môi, mí mắt, tê bàn tay, bàn chân
Cách bảo quản saffron
Saffron được bảo quản trong bao bì sạch, không mùi, bao kí, nên dùng kẹp gắp saffron để đảm bảo vệ sinh. Không bảo quản ở tủ lạnh mà nên để nơi khô ráo, thoáng mát.
Giá trị dinh dưỡng của saffron
Trong 100g nhụy hoa nghệ tây có chứa:
- Năng lượng: 310 kcal
- Carbohydrate: 65.37g
- Chất xơ: 3.9g
- Chất béo bão hòa: 1.586g
- Chất béo không bão hòa đơn: 0.4g
- Chất béo không bão hòa đa: 2.1g
- Chất đạm: 11.4g
- Vitamin A: 530 IU
- Thiamine: 0.12mg
- Riboflavin: 0.27mg
- Vitamin B3: 1.5mg
- Vitamin C: 80.8mg
- Sắt: 11.1mg
- Magie: 264mg
- Photpho: 252mg
- Canxi: 111mg
- Kali: 148mg
- Kẽm: 1.1mg
- Natri: 148mg
- …
Các loại nhụy hoa nghệ tây
Tùy vào nguồn gốc, phương thức canh tác, độ dài của nhụy mà saffron được chia làm nhiều loại. Có thể kể đến như:
Theo độ dài của nhụy
Tùy thuộc vào độ dài của nhụy mà người ta chia ra làm nhiều loại khác nhau, cụ thể:
- Saffron Negin (Super Negin): Là loại có giá đắt đỏ bậc nhất thế giới, được thu hoạch vào sáng sớm và tách sợi khi còn tươi. Sợi saffron loại này có phần chấm chân màu vàng, thường đậm và nhiều dưỡng chất hơn các loại khác.
- Saffron Pushali: Có phần chân màu vàng được chừa lại dài hơn saffron negin nhằm tăng trọng lượng, tuy nhiên loại nhụy này có chất lượng và mùi thơm kém hơn saffron negin nên giá cũng rẻ hơn nhiều.
- Saffron Sargol (Saffron Alired): Loại này không có chân vàng phía dưới, chỉ có phần đầu màu đỏ phía trên, so với saffron negin thì có giá thấp hơn.
- Saffron Bunch (Saffron Dateh): Loại này được thu hái còn cả phần đầu lẫn chân, có phần chân dài gấp đôi nhụy nên không có nhiều dưỡng chất nên có giá thành rẻ hơn các loại khác nhiều.
- Saffron Konj: Là loại kém chất lượng, chỉ có phần gốc nhụy màu vàng và không có phần đầu nhụy lẫn khu vực màu đỏ.
Theo địa chỉ trồng
Xét theo địa chỉ canh tác, nhụy hoa nghệ tây được chia làm các loại sau:
- Nhụy hoa nghệ tây Iran: Iran được mệnh danh là thủ phủ của saffron, là niềm tự hào của người dân nơi đây từ hàng nghìn năm nay. Số lượng saffron của Iran chiếm tới 90% sản lượng thế giới.
- Nhụy hoa nghệ tây Ấn Độ: Kashmir Ấn Độ là nơi trồng saffron lớn thứ 2 thứ giới, saffron được trồng ở đây có thân dài, đầu dày, mùi thơm và sợi to đẹp, có thể dễ dàng nhận ra vì có màu đỏ thẫm đặc trưng, mùi hơi hắc, thơm nồng mà các loại khác không có.
- Nhụy hoa nghệ tây Tây Ban Nha: Đây là nơi trồng saffron lớn thứ 3 thế giới với thương hiệu Princesa de Minaye.
Công dụng của nhụy hoa nghệ tây
Nhụy hoa nghệ là một trong những nhóm gia vị đắt nhất thế giới, tuy nhiên tác dụng chữa bệnh của saffron vẫn chưa được chứng minh. Trong tinh dầu của nhụy hoa nghệ tây có chứa hơn 150 chất, trong đó, thành phần chính là safranal (chiếm 70%), do các hợp chất anthocyanin, carotenoid (crocin, crocetin) tạo thành. Các hợp chất này tạo nên khả năng kháng khuẩn, kháng nấm, chống oxy hóa hiệu quả của saffron.
Tác dụng trị bệnh của nhụy hoa nghệ tây là được lưu truyền từ thời xa xưa, hiện nay vẫn được sử dụng theo y học cổ truyền. Saffron được nghiên cứu một số tác dụng nào đó, tuy nhiên các nghiên cứu vẫn có tính đơn lẻ, được kết luận là có đặc tính chữa bệnh tiềm năng. Chưa có thử nghiệm lâm sàng nào cho thấy saffron có thể điều trị bệnh thật sự. Một số công dụng của nhụy hoa nghệ tây được phát hiện có thể kể đến như:
1. Trị trầm cảm, mất trí nhớ
Một nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ ở nhóm người mắc bệnh trầm cảm, một nhóm sử dụng thuốc chống trầm cảm Fluoxetine, nhóm còn lại sử dụng nhụy hoa nghệ tây. Kết quả cho thấy, nhóm sử dụng nhụy hoa nghệ tây cho kết quả tốt hơn nhóm giúp thuốc.
Nguyên nhân là nhụy hoa nghệ tây chứa các hợp chất như alkaloids, anthocyanins, tannins, flavonoids có tác dụng cân bằng dẫn truyền thần kinh trong não. Sử dụng saffron sẽ giúp bổ sung các hoạt chất serotonin thiếu hụt từ đó ngăn ngừa, cải thiện, làm giảm các triệu chứng của bệnh trầm cảm.
2. Cải thiện giấc ngủ
Nhụy hoa nghệ tây có tác dụng an thần, tốt cho trí não, có thể giúp bạn dễ đi vào giấc ngủ nhưng không gây mệt mỏi khi thức dậy như thuốc ngủ. Đây là loại thảo dược mà người mắc bệnh mất ngủ kinh niên có thể sử dụng để cải thiện tình trạng này. Công dụng trị mất ngủ của saffron được ghi chép trong các tài liệu xưa của nền y học cổ truyền của Iran và được sử dụng cho đến ngày nay.
Theo nghiên cứu hiện đại, sở dĩ nhụy hoa nghệ tây có thể hỗ trợ điều trị mất ngủ, giúp ngủ ngon giấc hơn là do chứa hai hoạt chất là Safranal và Crocin. Khi kết hợp với nhau sẽ làm tăng nồng độ Norepinephrine, có tác dụng xoa dịu căng thẳng, ngăn ngừa các cơn đau thần kinh. Các hoạt chất trong saffron giúp chống oxy hóa, chống viêm, ngăn ngừa suy giảm nhận thức, giảm căng thẳng mệt mỏi.
Saffron cũng giàu vitamin B, có tác dụng bồi bổ trí não, cải thiện trí nhớ, giúp an thần, ngủ ngon và sâu giấc hơn. Người bệnh mất ngủ có thể sử dụng như một thực phẩm hỗ trợ, không nên thay thế thuốc chữa bệnh.
3. Tăng cường sức khỏe tim mạch
Khi nghiên cứu lâm sàng trên thỏ và chuột, người ta nhận thấy rằng, thảo dược này có công dụng tốt trong việc loại bỏ chất béo, cholesterol có hại, giúp ngăn ngừa cao huyết áp, ngăn ngừa bệnh tim hiệu quả. Nhụy hoa nghệ tây còn giúp giảm hoạt động của cholesterol có hại, có thể làm giảm huyết áp, bảo vệ cơ thể khỏi nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
4. Cải thiện tiêu hóa
Như đã đề cập, trong thành phần của nhụy hoa nghệ tây có chứa các hợp chất như Safranal, Crocin, Picrocrocin… có tác dụng cải thiện các vấn đề về tiêu hóa như xuất huyết tiêu hóa, ngăn chặn quá trình peroxide, sát khuẩn lipid, chống viêm… Chiết xuất của nhụy hoa nghệ tây cũng giúp ức chế loét dạ dày do histamin tự do và do căng thẳng gây ra.
5. Cải thiện thị lực
Theo một nghiên cứu của đại học Sydney, sử dụng nhụy hoa nghệ tây mỗi ngày có thể giúp bạn ngăn ngừa, cải thiện các bệnh lý về mắt như đục thủy tinh thể, thoái hóa điểm vàng, viêm võng mạc, giảm tổn thương võng mạc… Trong thảo dược này còn chứa hoạt chất carotenoid và vitamin A, có tác dụng làm chậm quá trình lão hóa của tế bào võng mạc, giúp tăng thị lực, để mắt sáng và linh hoạt hơn.
6. Phòng chống ung thư
Nhụy hoa nghệ tây giàu chất chống oxy hóa và các hoạt chất có khả năng chọn lọc, ức chế sự tăng sinh của các tế bào gây độc, gây ung thư trong các tế bào khỏe mạnh. Đặc biệt, thảo dược này chứa hoạt chất Crocin, giúp chống lại sự tấn công của các tác nhân gây ung thư,có thể phòng ngừa, điều trị các bệnh như ung thư gan, ung thư cổ tử cung, ung thư dạ dày…
Nhụy hoa nghệ tây trong làm đẹp
Công dụng làm đẹp của nhụy hoa nghệ tây
Theo Bs. Trần Châu Quyên của Viện Dinh Dưỡng Quốc gia, nhụy hoa nghệ tây được mệnh danh là “vàng đỏ”, nằm trong top những gia vị đắt đỏ nhất thế giới, có mức giá cao và mang đến những tác dụng tuyệt vời về mặt sức khỏe và làm đẹp. Nếu được sử dụng đúng cách, saffron sẽ giúp làm giảm sắc tố và các đốm đen, giúp da mịn màng, cải thiện lưu thông máu để làm da trở nên hồng hào, tươi sáng hơn. Công dụng làm đẹp của thảo dược này cụ thể như sau:
- Giảm thâm nám: Saffron giàu vitamin C, vitamin A, vitamin E và protein thực vật, có tác dụng thúc đẩy sản sinh collagen, chống lão hóa, làm mờ các đốm đen, giảm hắc sắc tố, từ đó có thể cải thiện thâm nám, phục hồi vùng da tổn thương hiệu quả.
- Giảm thâm sẹo và mụn: Saffron cũng có đặc tính kháng viêm, kháng khuẩn đồng thời còn có khả năng tẩy tế bào chết, điều trị thâm mụn, vừa giúp trị thâm, giảm mụn và ngăn ngừa mụn xuất hiện rất tốt.
- Giúp da đều màu: Nhụy hoa nghệ tây không tẩy trắng, bào mòn da mà cung cấp dưỡng chất nuôi dưỡng da giúp da đều màu, trắng hồng hơn. Trong saffron có chứa các hợp chất có khả năng ức chế enzyme tyrosinase, giúp chống nắng, bảo vệ da khỏi tác hại của tia UVB, đồng thời còn giúp ngăn ngừa ung thư.
- Điều trị bệnh da liễu: Saffron cũng hỗ trợ điều trị các bệnh da liễu như mề đay, mẩn ngứa, viêm da cơ địa, á sừng.
Cách dùng nhụy hoa nghệ tây để làm đẹp
Như đã đề cập, nhụy hoa nghệ tây có công dụng làm đẹp rất tốt, từ thời cổ đại, nó đã được nữ hoàng Cleopatra sử dụng để giữ gìn vẻ đẹp và sự trẻ trung của mình. Đây cũng chính là lý do mà đến ngày nay, thảo dược này vẫn được chị em săn lùng. Dưới đây là một số cách sử dụng loại gia vị thảo dược này để làm đẹp cho chị em:
1. Dưỡng ẩm, làm sáng da
- Nguyên liệu: 5 sợi saffron, 1 miếng đu đủ nhỏ
- Xay nhuyễn đu đủ, nghiền nhỏ saffron, trộn đều 2 hỗn hợp này vào nhau
- Đắp trực tiếp lên mặt, để yên trong 15 phút rồi rửa sạch lại mặt với nước ấm
- Thực hiện đều đặn 2 – 3 lần/tuần sẽ giúp da trắng sáng, đều màu hơn.
2. Tẩy tế bào chết
- Nguyên liệu: 5 – 7 sợi saffron, 1 vài hạt muối ăn, 1 muỗng sữa chua không đường, 1 muỗng bột cám gạo
- Nghiền nhỏ saffron, trộn đều với các nguyên liệu còn lại
- Rửa sạch mặt với nước ấm, đắp hỗn hợp lên mặt trong 10 phút, rửa sạch lại với nước
- Trong quá trình đắp mặt nạ, nên massage nhẹ nhàng, nếu da nhạy cảm thì không nên thêm muối
- Thực hiện 1 – 2 lần/tuần, tránh lạm dụng để không gây bào mòn da do chứa muối.
3. Dùng nhụy hoa nghệ tây với dầu oliu
- Nguyên liệu: 5 – 6 sợi saffron, 1 muỗng sữa tươi không đường, ½ thìa oliu
- Nghiền nhỏ saffron, trộn đều với dầu oliu và sữa tươi không đường
- Rửa sạch mặt, thoa đều hỗn hợp lên da, massage nhẹ nhàng, sau 15 phút thì rửa lại với nước sạch
- Thực hiện 2 – 3 lần/tuần để đạt được hiệu quả tốt nhất.
Cách dùng nhụy hoa nghệ tây
Bên cạnh cách dùng ngoài da, nhụy hoa nghệ tây còn được sử dụng làm gia vị, thức uống, tuy nhiên để đạt hiệu quả tốt nhất thì cần sử dụng đúng cách và đúng liều lượng. Dưới đây là một số cách sử dụng nhụy hoa nghệ tây được nhiều người áp dụng:
1. Trà nhụy hoa nghệ tây
- Lấy 7 – 8 sợi nhụy hoa nghệ tây cho vào 400ml nước ấm, hãm trong 5 – 7 phút cho tan đều ra nước để uống
- Có thể cho ít đường phèn vào cốc cho dễ uống hơn, chỉ nên sử dụng tối đa 50 sợi/ngày là đủ
Tác dụng: Hỗ trợ ngăn ngừa lão hóa, chữa mất ngủ, làm đẹp da, bảo vệ tim mạch, ngăn ngừa ung thư.
2. Sữa tươi không đường với saffron
- Nguyên liệu: 1 ly sữa ấm, 4 sợi nhụy hoa nghệ tây
- Cho nhụy hoa nghệ tây vào sữa nóng, đợi trong 5 phút
- Dùng trước khi đi ngủ khoảng 30 – 40 phút, không sử dụng quá 15 sợi saffron 1 ngày
Tác dụng: Tốt cho bà bầu, giúp điều hòa huyết áp, dưỡng ẩm cho da, giúp xương khớp chắc khỏe, không dùng cho người viêm loét dạ dày, đại tràng hoặc bị trào ngược dạ dày tá tràng.
3. Trà mật ong saffron
- Nguyên liệu: 5 – 7 sợi saffron, 1 muỗng mật ong nguyên chất, 350ml nước ấm
- Cho nhụy hoa nghệ tây vào nước ấm, hãm trong 5 – 10 phút rồi cho mật ong vào khuấy đều
- Mỗi ngày chỉ nên dùng dưới 50ml mật ong
Tác dụng: Nâng cao hệ miễn dịch, làm đẹp da, hỗ trợ làm mờ thâm, giảm nám, trị viêm khớp và ngăn ngừa các bệnh tim mạch.
4. Trà hoa cúc saffron
- Nguyên liệu: 8 sợi nhụy hoa nghệ tây, 5 bông cúc phơi khô, 400ml nước ấm
- Cho cúc khô vào bình, tráng sơ bình trà với ít nước ấm
- Cho nhụy hoa vào bình, hãm với nước ấm trong 5 – 10 phút
- Không dùng quá 50 sợi saffron/ngày.
Tác dụng: Ngăn ngừa ung thư, làm sáng mắt, điều hòa kinh nguyệt, hỗ trợ điều trị mất ngủ.
5. Dùng nhụy hoa nghệ tây với sữa chua
- Nguyên liệu: 4 – 5 sợi saffron, 1 hộp sữa chua
- Nghiền nhỏ saffron, cho vào hộp sữa chua
- Khuấy đều và thưởng thức, dùng 1 – 2 hộp/ngày
Tác dụng: Ổn định đường tiêu hóa, cải thiện sức khỏe làn da, tăng cường thị lực, hỗ trợ điều trị rong kinh.
6. Cơm nhụy hoa nghệ tây
- Nguyên liệu: 10 sợi saffron, 1 bát gạo, 1 cốc nước ấm
- Cho saffron vào cốc nước ấm, chờ cho nhụy hoa tan trong nước
- Dùng nước này nấu cơm như bình thường.
Tác dụng: Hỗ trợ cải thiện sức khỏe làn da, giúp da sáng mịn, hồng hào, điều hòa nội tiết tố, cung cấp các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể, hỗ trợ phòng ngừa và điều trị ung thư.
Đối tượng nên thận trọng khi sử dụng
Không phải nhụy hoa nghệ tây tốt cho tất cả mọi đối tượng, saffron có thể gây ra tác dụng phụ nếu không được sử dụng đúng cách, một số đối tượng sau cần tham khảo ý kiến của bác sĩ, người có trình độ chuyên môn trước khi sử dụng là:
- Phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú: Saffron có thể gây co bóp tử cung, nếu mẹ bầu dùng có thể gây dọa sảy thai thậm chí sảy thai ở liều cao. Ngoài ra, cũng chưa có thông tin khoa học nào cho biết thảo dược này an toàn cho mẹ bầu và bà mẹ cho con bú, do đó, bạn nên cần thận trọng khi sử dụng.
- Người mắc bệnh tim mạch: Mặc dù có thể ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tuy nhiên, người bệnh nên thận trọng khi sử dụng. Lý do là nhụy hoa nghệ tây có thể ảnh hưởng đến cường độ tim, nếu không nắm được liều dùng chính xác, sẽ gây ra các tác dụng phụ, khiến bệnh chuyển biến xấu.
- Người bị dị ứng rau dền hoặc họ nhà lúa mạch đen: Những người có tiền sử dị ứng với lúa mạch đen, rau dền cần thận trọng khi sử dụng saffron vì khả năng dị ứng là rất cao. Cần tham khảo ý kiến của bác sĩ, chuyên gia trước khi sử dụng thảo dược này.
- Người mắc bệnh rối loạn lưỡng cực: Nhụy hoa nghệ tây có thể chữa trầm cảm nên có khả năng ảnh hưởng đến tâm trạng của người dùng. Đối với những người mắc chứng bệnh này, tuyệt đối không nên sử dụng vì có thể gây kích động, làm người bệnh gây ra những hành vi bốc đồng, quá khích
- Người huyết áp thấp: Saffron có thể làm giảm huyết áp, chỉ tốt cho người cao huyết áp chứ không tốt cho người huyết áp thấp. Do đó, nếu bạn đang bị huyết áp thấp hoặc có tiền sử huyết áp thấp thì tuyệt đối không được sử dụng thảo dược này.
Một số lưu ý khi sử dụng nhụy hoa nghệ tây
Nhụy hoa nghệ tây là một trong những thảo dược được đặc biệt săn đón trong thời gian gần đây.Sở dĩ thảo dược này đắt đỏ là vì mỗi bông hoa nghệ tây chỉ cho được 3 nhụy, thành phần tinh quý nhất là phần màu đỏ tươi nằm ở thân trên của nhụy. Cần đến khoảng 75.000 bông nghệ tây mới tạo ra được 1kg saffron. Hiện này saffron được bán với giá khoảng hơn nửa tỷ đồng, khi sử dụng nhụy hoa nghệ tây, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau đây:
- Có rất nhiều nghiên cứu về dược liệu này, tích cực nhất là nghiên cứu trầm cảm, cho thấy tác dụng của dược liệu này tương đương với thuốc trầm cảm. Ngoài ra còn có nhiều nghiên cứu cho thấy saffron có thể giảm ngứa, cải thiện bệnh mất trí nhớ Alzheimer, cũng có vài nghiên cứu về bệnh tiểu đường và giảm cân. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào về tác dụng chữa ung thư của nhụy hoa nghệ tây được đề cập. Do đó, có thể thấy, saffron chỉ nên được dùng như một loại thuốc nam, một loại thực phẩm chức năng hỗ trợ chứ không phải là thần dược như quảng cáo.
- Saffron cần sử dụng đều đặn, đúng liều lượng mới mang lại hiệu quả tốt cho sức khỏe, nếu dùng quá nhiều có thể gây ra các tác dụng phụ như ói mửa, nhức đầu, khô miệng, buồn chán, táo bón.
- Nhụy hoa nghệ tây chỉ an toàn khi ăn hay uống như gia vị trong nhiều tuần, nếu uống hơn 5g/ngày có thể gây ngộ độc. Đặc biệt, nếu dùng ở liều cao khoảng 12 – 20g có thể đe dọa đến tính mạng, gây tử vong.
- Do quý hiếm và đắt đỏ, có giá thành cao nên rất dễ bị làm giả bằng cách tạo mùi hương, dùng hóa chất để nhuộm màu, những hóa chất này rất độc hại với sức khỏe. Do đó, bạn nên chọn những địa chỉ uy tín để mua, tránh tình trạng mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng gây ra những hậu quả đáng tiếc với sức khỏe.
- Bạn cần biết cách phân biệt các loại saffron vì có rất nhiều loại saffron khác, mỗi loại sẽ có những giá thành khác nhau. Cách tốt nhất là nên chọn saffron rõ nguồn gốc xuất xứ, từ các đơn vị nhập khẩu chính thức.
Có thể thấy, nhụy hoa nghệ tây hay saffron là một trong những gia vị thảo dược có công dụng tuyệt vời với sức khỏe. Tuy nhiên, bạn chỉ nên sử dụng như một thực phẩm chức năng cải thiện sức khỏe, không nên xem nó là “thần dược” vì saffron chưa được thử nghiệm lâm sàng cho kết quả rằng có thể trị được bệnh thật sự. Các chuyên gia khuyến cáo, bạn cần xem xét kỹ lưỡng, tìm hiểu kỹ thông tin và tìm đến sự tư vấn của dược sĩ, bác sĩ trước khi sử dụng.
Có thể bạn quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!