Rau càng cua: Rau dại mọc hoang và 10 tác dụng chữa bệnh ít ai ngờ
Nội Dung Bài Viết
Rau càng cua thường được dùng để chế biến các món gỏi (nộm) hoặc nấu canh cùng với thịt, tôm,… Bên cạnh đó, nhân dân còn tận dụng loại rau này để chữa mụn nhọt, đau mỏi xương khớp, đái tháo đường, táo bón và thiếu máu.
- Tên gọi khác: Đơn buốt, thích châm thảo, đơn kim, cương hoa thảo, quỷ châm thảo, cúc áo,…
- Tên khoa học: Peperomia pellucida
- Họ: Hồ tiêu – Piperaceae
Mô tả rau càng cua
Rau càng cua là loại cây mọc dại ở những vùng đất ẩm ướt quanh ao hồ, kênh rạch, bờ tường,… Nhân dân thường sử dụng để ăn sống hoặc chế biến thành các món ăn thơm ngon. Ngoài ra, càng cua còn được dùng để điều trị một số bệnh lý thường gặp.
1. Đặc điểm của rau càng cua
Càng cua là loại thực vật thân thảo, mọc bò và phát triển mạnh ở những vùng đất ẩm như vách tường, mương rạch. Cây có chiều cao từ 15 – 40cm với thân màu xanh nhạt, lá có màu xanh đậm hơn, phiến hình tim và thường mọc so le. Lá dài 15 – 20mm, mặt trên bóng hơn so với mặt dưới. Hoa mọc ở cuống hợp thành chùm, dài hơn lá khoảng 2 – 3 lần. Quả mọng hình cầu, đường kính khoảng 0.5 – 0.7mm và đỉnh có mũi nhọn cứng.
2. Hình ảnh nhận biết cây càng cua
3. Phân bố
Cây càng cua có nguồn gốc từ Nam Mỹ. Hiện nay, loại cây này đã được phân tán và trồng rộng rãi ở nhiều quốc gia. Ở nước ta, càng cua mọc hoang nhiều ở những đất ẩm thấp và mềm xốp – tập trung nhiều ở các tỉnh phía Nam.
4. Bộ phận sử dụng
Toàn cây càng cua được sử dụng để làm rau ăn và làm thuốc.
5. Cách thu hoạch
Khi thu hoạch càng cua, nên nhổ cả cây vào rửa sơ với nước sạch để loại bỏ đất cát. Sau đó rửa với nước muối pha loãng, vớt ra để ráo và dùng trong thời gian sớm nhất. Để càng cua trong nước quá lâu có thể khiến rau bị nát nhũn và giảm giá trị dinh dưỡng.
6. Thành phần hóa học
Mặc dù là loại cây mọc hoang nhưng càng cua chứa hàm lượng dinh dưỡng đa dạng và dồi dào. Trong đó phải kể đến beta-carotene (tiền chất của vitamin A), sắt, kali, magie, vitamin C, phốt pho,…
7. Bảo quản
Càng cua thường được dùng tươi, hầu như không được phơi hoặc sấy. Vì vậy, nên bảo quản rau ở nơi thoáng mát và dùng hết trong ngày để tránh tình trạng rau héo và giảm giá trị dinh dưỡng.
Tác dụng của càng cua theo y học cổ truyền
1. Tính vị – Quy kinh
Càng cua có vị chua, cay, tính hàn
2. Tác dụng dược lý
- Rau càng cua có tác dụng thanh nhiệt giải độc, chỉ thống, thông ứ, dưỡng huyết, lợi đại tiểu tiện và bổ âm.
- Nhân dân thường dùng để chữa mụn nhọt, đau nhức xương khớp do phong nhiệt, lở ngứa do huyết nhiệt, phế nhiệt, miệng khô khát.
- Ở Trung Quốc, nhân dân dùng toàn bộ cây rau càng cua để trị ung sang thũng độc, giảm sưng đau do té ngã, trị bỏng lửa và bỏng nước
- Ở Java, càng cua được nghiền đắp để trị đau đầu, sốt rét, dịch ép từ lá được dùng để chữa đau bụng
3. Cách dùng – Liều lượng
Rau càng cua được dùng để ăn sống, nấu canh hoặc dùng trong các bài thuốc uống, chườm đắp. Vì không có độc tính và giàu vitamin, khoáng chất nên không có giới hạn cụ thể khi sử dụng loại rau này. Tuy nhiên để đảm bảo hiệu quả, cần dùng dược liệu theo đúng liều lượng được khuyến cáo.
Rau càng cua và tác dụng theo y học hiện đại
Vượt ra khỏi phạm vi của y học cổ truyền, hiện nay càng cua đã được khoa học nghiên cứu và công nhận về nhiều tác dụng đối với sức khỏe. Các tác dụng của rau càng cua đã được y học hiện đại công nhận:
1. Cung cấp dinh dưỡng dồi dào cho cơ thể
Càng cua là loại rau mọc dại ở những vùng đất ẩm ướt. Mặc dù không được chăm sóc nhưng loại rau này chứa hàm lượng dinh dưỡng cao. Trung bình, 100g rau càng cua cung cấp cho cơ thể 24 calo, 5.2mg vitamin C, carotenoid 4.166UI, phosphor 34mg, magia 62mg, sắt 3.2mg, canxi 224mg, kali 277mg,…
Vì vậy, bổ sung các món ăn từ rau càng cua có thể cung cấp đầy đủ khoáng chất và vitamin mà cơ thể cần. So với các loại rau thông thường, càng cua có giá trị dinh dưỡng cao hơn nhưng giá thành thấp, hương vị thơm ngon và dễ chế biến.
2. Tăng cường miễn dịch
Với hàm lượng khoáng chất và vitamin dồi dào – đặc biệt là vitamin C, rau càng cua có thể cải thiện hệ miễn dịch và nâng cao sức khỏe tổng thể. Ngoài ra, các thành phần dinh dưỡng trong loại rau này còn thúc đẩy quá trình trao đổi chất, hỗ trợ thanh thải độc tố và duy trì cơ thể khỏe mạnh, nhẹ nhàng.
3. Hỗ trợ phòng ngừa và điều trị thiếu máu do thiếu sắt
Càng cua là một trong số ít những loại rau xanh chứa hàm lượng sắt dồi dào. Như đã biết, sắt là nguyên tố vi lượng cần thiết cho quá trình sản sinh hồng cầu – tế bào máu có vai trò dự trữ oxy và dưỡng chất để nuôi dưỡng cơ thể.
Vì vậy, bạn có thể thêm rau càng cua vào chế độ ăn hằng ngày để cải thiện tình trạng thiếu máu. Nhân dần thường dùng loại rau này trộn gỏi cùng với thịt bò để bổ sung sắt và kích thích cơ thể sản sinh hồng cầu.
4. Giảm cân, kiểm soát cân nặng
Đa phần các loại rau xanh để có khả năng kiểm soát cân nặng và hạn chế tình trạng tăng cân đột ngột. Rau càng cua chứa nhiều thành phần dinh dưỡng nhưng chỉ cung cấp 24 calo/ 100g. Do đó, bổ sung loại rau này vào chế độ ăn có thể kiểm soát cân nặng, giảm tích trữ mỡ thừa và đẩy nhanh quá trình trao đổi chất.
Rau càng cua chứa hàm lượng chất xơ cao. Vì vậy, thêm loại rau này vào các bữa ăn chính có thể tạo cảm giác no, từ đó làm giảm lượng thức ăn dung nạp trong ngày và hỗ trợ giảm cân hiệu quả.
6. Chống viêm, giảm đau
Từ lâu, nhân dân đã sử dụng càng cua để giảm tình trạng sưng đau xương khớp. Trong một số nghiên cứu gần đây, các nhà khoa học nhận thấy các thành phần trong loại rau này có khả năng ức chế tổng hợp prostaglandin – chất trung gian trong phản ứng gây viêm.
Nghiên cứu này cũng cho thấy, càng cua có khả năng hạ sốt tương đối với Aspirin. Tuy nhiên, kết quả này chỉ dừng lại ở mức sơ bộ nên cần thời gian để nghiên cứu thêm.
7. Rau càng cua có tác dụng kháng khuẩn
Axanthone glycoside và patuloside A trong rau càng cua đã được chứng minh có hiệu quả kháng khuẩn phổ rộng. Đây cũng chính là lý do vì sao các bài thuốc chườm đắp từ càng cua có thể làm dịu hiện tượng viêm ở nốt mụn mủ, giảm ngứa và lở loét hiệu quả.
8. Làm chậm quá trình lão hóa
Beta-carotein và vitamin C là các chất chống oxy hóa được tìm thấy trong rau càng cua. Các thành phần này có khả năng tiêu hủy gốc tự do, từ đó làm chậm quá trình lão hóa và giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh mãn tính do ảnh hưởng của tuổi tác.
9. Hỗ trợ giảm axit uric trong máu
Rau càng cua chứa nhiều vitamin và khoáng chất thiết yếu đối với sức khỏe. Các thành phần này không chỉ tốt cho hệ miễn dịch mà còn giúp thận tăng đào thải độc tố và axit uric. Thực nghiệm trên chuột nhận thấy, rau càng cua có thể làm giảm 44% nồng độ axit uric trong máu.
Các chuyên gia đánh giá, hiệu quả kiểm soát axit uric của loại rau này rất có triển vọng. Chính vì vậy hiện nay, càng cua đang được nghiên cứu để thay thế cho Allopurinol.
10. Cải thiện chức năng tiêu hóa
Tương tự như các loại rau khác, càng cua có khả năng điều hòa hoạt động tiêu hóa, hỗ trợ cải thiện tình trạng táo bón và ăn uống kém. Tuy nhiên do có tính mát nên càng cua không được khuyến khích dùng cho người bị tiêu chảy, viêm đại tràng co thắt,…
Món ăn – bài thuốc chữa bệnh từ rau càng cua
1. Bài thuốc chữa chứng phế nhiệt (cổ họng khô, khàn giọng, đau họng)
- Chuẩn bị: Rau càng cua tươi (vừa đủ).
- Thực hiện: Đem rửa sạch, để ráo và nhai ngậm, nuốt nước để làm dịu cổ họng. Hoặc có thể dùng 50 – 100g càng cua sắc uống hằng ngày cho đến khi bệnh thuyên giảm.
2. Gỏi ếch càng cua trị chứng đái tháo đường kèm táo bón, miệng khô khát
- Chuẩn bị: Rau càng cua 100g, thịt ếch chiên bột 100g, chanh, giấm,…
- Thực hiện: Rửa sạch càng cua, để ráo và bóp với chanh giấm, sau đó cho thịt ếch vào và dùng ăn với cơm.
3. Bài thuốc chữa chứng khó tiểu, tiểu dắt
- Chuẩn bị: Rau càng cua 150 – 200g.
- Thực hiện: Rửa sạch, để ráo và ăn sống hoặc dùng sắc lấy nước uống.
4. Gỏi càng cua thịt bò trị thiếu máu, ngăn ngừa thiếu máu ở phụ nữ
- Chuẩn bị: Rau càng cua 100g, thịt bò, gia vị, chanh,…
- Thực hiện: Đem thịt bò thái mỏng, ướp gia vị và xào sơ cho săn. Sau đó trộn với rau càng cua ăn thường xuyên để bổ sung sắt, cải thiện tình trạng thiếu máu.
5. Bài thuốc trị chín mé (đầu ngón tay sưng tấy, ứ mủ)
- Chuẩn bị: Rau càng cua 100 – 150g.
- Thực hiện: Rửa sạch càng cua, để ráo và sắc lấy nước uống. Vớt bã ra đắp ngoài mụn mủ để mụn nhanh chín.
6. Bài thuốc chữa chứng mụn nhọt lở ngứa, da khô sần và vết thương lâu lành
- Chuẩn bị: Rau càng cua (vừa đủ).
- Thực hiện: Rửa sạch rau, dùng ăn kèm với các món ăn hoặc vắt lấy nước uống, bã đem đắp ngoài da. Thực hiện ngày 1 lần cho đến khi vùng da lành hoàn toàn.
7. Bài thuốc chữa đau lưng do cơ co rút (nhiệt độc nhập kinh thận)
- Chuẩn bị: Rau càng cua 50 – 100g.
- Thực hiện: Rửa sạch, sắc uống. Ngày dùng đều đặn 1 lần cho đến khi cơn đau ở lưng thuyên giảm hoàn toàn.
8. Bài thuốc chữa chứng táo bón
- Chuẩn bị: Rau càng cua 100 – 150g
- Thực hiện: Rửa sạch, để ráo và ăn kèm với các món ăn chính. Nên ăn hàng ngày cho đến khi đại tiện diễn ra thuận lợi.
Một số lưu ý khi dùng rau càng cua
Rau càng cua vừa là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng vừa là vị thuốc có công năng đa dạng. Tuy nhiên trước khi dùng các bài thuốc từ dược liệu này, bạn nên lưu ý một số vấn đều sau:
- Người đang bị tiêu chảy do tỳ vị hư hàn và người bị sỏi thận không nên dùng món ăn – bài thuốc từ càng cua.
- Phụ nữ đang mang thai cũng cần thận trọng khi dùng rau càng cua.
- Trong một số ít trường hợp, rau càng cua có thể gây dị ứng. Vì vậy nên ngưng sử dụng dược liệu nếu xuất hiện các biểu hiện bất thường như da nổi mề đay, mẩn ngứa, ngứa cổ họng,…
- Để bảo toàn giá trị dinh dưỡng trong rau càng cua, nên sử dụng sống thay vì nấu chín. Tuy nhiên, cần ngâm rửa rau đúng cách để hạn chế nhiễm khuẩn dạ dày và đường ruột.
Rau càng cua cung cấp cho cơ thể thành phần dinh dưỡng đa dạng và dồi dào. Vì vậy, bạn có thể bổ sung loại rau này vào chế độ ăn hằng ngày để cải thiện sức khỏe và duy trì vóc dáng cân đối. Tuy nhiên nếu dùng càng cua để chữa bệnh, cần tham vấn y khoa để được tư vấn cụ thể.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!