Yến mạch: Công dụng, cách dùng và một số lưu ý
Nội Dung Bài Viết
Với nguồn vitamin, khoáng chất và chất xơ dồi dào, yến mạch được mệnh danh là “nữ hoàng của các loại ngũ cốc”. Đây vừa là nguyên liệu dưỡng nhan thần kỳ vừa là thực phẩm quen thuộc giúp phái đẹp duy trì vóc dáng thon thả, cân đối.
Giới thiệu tổng quan về yến mạch
Yến mạch là loại ngũ cốc nguyên hạt phân bố chủ yếu ở Châu Âu và Bắc Mỹ. Xét về khía cạnh dinh dưỡng, đây là một trong những nguồn chất xơ, beta glucan, vitamin, khoáng chất và các chất chống oxy hóa tuyệt vời đối với cơ thể.
Bên cạnh đó, yến mạch còn sở hữu hàm lượng protein và chất béo cao hơn hẳn những loại ngũ cốc khác. Chúng có màu màu trắng tự nhiên, hơi ngả vàng cùng hương vị ngọt nhạt và thơm bùi. Đây là một trong những loại lương thực rất thích hợp đối với những người đang theo đuổi chế độ ăn uống thuần chay.
Nguồn gốc của cây yến mạch
Yến mạch xuất hiện sớm nhất ở Đông Âu. Đây là khu vực có khí hậu ôn hòa, mát mẻ. Ban đầu, cây yến mạch hoang dại được người Hy Lạp và La Mã cổ đại cắt về làm thức ăn cho gia súc. Sau đó, vào năm 1602, giống cây này theo chân những người nhập cư đến một số hòn đảo và bờ biển ven vùng New England ngày nay.
Trong vòng 50 năm, cây yến mạch phát triển vô cùng mạnh mẽ tại vùng đất trù phú ấy. Mãi đến thế kỷ XVIII, nhiều nghiên cứu khoa học chuyên sâu đã phát hiện giá trị dinh dưỡng vượt trội của loài cây này và xếp chúng vào nhóm ngũ cốc chất lượng cao, rất tốt cho sức khỏe con người.
Đặc điểm của cây yến mạch
Tên khoa học của cây yến mạch là avena sativa. Đây là một trong những loài lương thực lấy hạt quen thuộc và phổ biến. Có thể nói, yến mạch chứa nhiều chất dinh dưỡng bậc nhất họ hàng nhà ngũ cốc. Loại thực phẩm này rất giàu omega-3, vitamin (A, B, C, E) và khoáng chất (kali, canxi, sắt, magie).
Nhờ đó, yến mạch có khả năng tăng cường hệ miễn dịch, hỗ trợ điều trị tiểu đường, ngăn ngừa táo bón, nuôi dưỡng làn da, chăm sóc mái tóc, duy trì cân nặng cùng hàng loạt lợi ích sức khỏe khác.
- Tên thường gọi: cỏ yến mạch, cây yến mạch
- Tên khoa học: avena sativa
- Họ: họ lúa, họ cỏ hoặc họ hòa thảo (poaceae)
Yến mạch là loài cây ưa sống ở nơi có khí hậu mát mẻ, ôn hòa. Do đó, chúng phân bố chủ yếu tại các quốc gia ôn đới. Hiện nay, Hoa Kỳ, Nga, Canada, Úc, Phần Lan, Ba Lan… là những đất nước sản xuất yến mạch nhiều nhất thế giới.
Cây yến mạch có sức sống vô cùng mãnh liệt. Chúng không đòi hỏi quá nhiều về điều kiện thời tiết, chất lượng thổ nhưỡng hay những yếu tố liên quan khác. Chỉ cần phát triển trong môi trường ổn định, chúng có thể cho sản lượng rất cao. Người ta thường thu hoạch yến mạch vào mùa hè.
Cây yến mạch có một số đặc điểm sau:
- Yến mạch được trồng bằng cách gieo hạt.
- Cây yến mạch trưởng thành cao trung bình 1m.
- Thân thẳng, nhỏ, mỏng, rỗng ruột (tương tự cây lúa) và có màu xanh mướt. Lá của chúng mang hình kiếm dài, mỏng, hẹp và thon nhọn ở đầu.
- Gốc lá bao bọc phần thân.
- Lúc đầu, hoa có màu xanh. Khi chín, chúng chuyển sang màu vàng nâu hoặc vàng sậm. Mỗi cụm hoa chứa rất nhiều hạt.
Giá trị dinh dưỡng của yến mạch
Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, mỗi 78g yến mạch khô chứa khoảng: 5g chất béo, 8g chất xơ, 13g protein, 51g carbohydrate, 303 calo cùng nhiều dưỡng chất thiết yếu khác:
- Vitamin B5 (axit pantothenic) chiếm 10% nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị
- Folate chiếm 11% nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị
- Sắt chiếm 20% nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị
- Kẽm chiếm 20% nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị
- Đồng chiếm 24% nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị
- Magie chiếm 34% nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị
- Vitamin B1 (thiamin) chiếm 39% nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị
- Photpho chiếm 41% nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị
- Mangan chiếm 191% nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị
Ngoài ra, yến mạch cũng rất giàu kali, canxi, vitamin B3 (niacin), vitamin B6 (pyridoxin) và avenanthramides (một hoạt chất có khả năng phòng ngừa nhiều vấn đề về tim mạch).
Các loại yến mạch phổ biến hiện nay
Yến mạch là một trong những loại thực phẩm giàu giá trị dinh dưỡng mà độc giả cần bổ sung vào thực đơn ăn uống hàng ngày. Trong quá trình sử dụng, bạn có thể chủ động kết hợp các dạng yến mạch quen thuộc dưới đây:
- Yến mạch nguyên hạt (oat groats): Sau khi được thu hái và tách vỏ, yến mạch nguyên hạt có thể được chế biến và tiêu thụ ngay. Thế nhưng, loại yến mạch này khá dai cứng. Để khắc phục vấn đề đó, người đọc nên nấu kỹ yến mạch nguyên hạt với nước theo tỷ lệ 1:3 trong vòng 50 phút.
- Yến mạch cắt nhỏ (steal cut oats): Đây là loại yến mạch được cắt nhỏ từ yến mạch nguyên hạt. Tuy không cần cho thêm quá nhiều nước nhưng bạn thường phải mất khoảng 30 phút để chế biến chúng.
- Yến mạch cán dẹt (rolled oats): Sau khi được hấp chín, yến mạch cắt nhỏ sẽ được cán dẹt. Tùy thuộc vào mức độ dày – mỏng cùng kích thước của hạt, thời gian nấu chín tương đối khác nhau. Thông thường, với tỷ lệ 2 phần nước và 1 phần yến mạch, bạn sẽ mất 5 – 15 phút để nấu chín yến mạch cán dẹt.
- Yến mạch ăn liền (instant oats): Người ta cán mỏng yến mạch cán dẹt và bổ sung một số phụ gia (đường, muối, hương liệu) để tạo ra yến mạch ăn liền. Bạn có thể thưởng thức bữa sáng với yến mạch ăn liền bằng cách nấu sôi trong vòng vài phút.
- Yến mạch dạng bột (oatmeal): Yến mạch dạng bột được xay nhuyễn từ yến mạch cán dẹt. Đây là loại yến mạch thường được sử dụng để làm mặt nạ dưỡng da hoặc pha bột ăn dặm cho em bé.
Công dụng của yến mạch
Với nguồn dinh dưỡng phong phú, đa dạng, yến mạch được mệnh danh là “nữ hoàng của các loại ngũ cốc”. Vì vậy, loại thực phẩm này có thể mang đến hàng loạt lợi ích tuyệt vời về mặt sức khỏe như:
Tăng cường hoạt động tiêu hóa
Yến mạch chứa nguồn chất xơ (đặc biệt là chất xơ hòa tan) vô cùng dồi dào. Đây là dưỡng chất đóng vai trò quan trọng đối với hệ tiêu hóa của chúng ta. Chúng thúc đẩy quá trình co bóp cơ trơn đường ruột, tăng cường nhu động ruột, từ đó hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động mạnh mẽ.
Đây chính là lý do yến mạch là loại thực phẩm tuyệt vời dành cho thực đơn ăn uống của các bệnh nhân mắc chứng đầy hơi, táo bón, khó tiêu…
Duy trì vóc dáng, hỗ trợ giảm cân
Yến mạch là loại ngũ cốc không thể bỏ qua trong chế độ dinh dưỡng của các chị em đang ăn kiêng giảm cân hoặc những bệnh nhân thừa cân – béo phì. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng, hàm lượng calo trong yến mạch thấp hơn hẳn gạo, lúa mì, khoai lang. Thế nên, loại thực phẩm này có thể bổ sung đầy đủ dưỡng chất quý giá cho cơ thể trong quá trình tập luyện, điều trị.
Đặc biệt, hoạt chất beta-glucan còn có khả năng điều hòa đường huyết, kiểm soát cảm giác thèm ăn và tạo nên cảm giác no lâu. Không chỉ dừng lại ở đó, nguồn chất xơ dồi dào cũng góp phần đốt cháy mỡ thừa, từ đó giúp cơ thể thon gọn, săn chắc.
Ngăn ngừa bệnh hen suyễn ở trẻ em
Đây là một trong những công dụng nổi bật nhất của yến mạch đối với trẻ em. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc người mẹ cho bé ăn dặm bằng yến mạch có thể hạn chế đáng kể nguy cơ mắc bệnh hen suyễn của trẻ trong tương lai.
Làm hạ đường huyết
Với khả năng cân bằng đường huyết, yến mạch là loại lương thực mà các bệnh nhân tiểu đường nên bổ sung hàng ngày. Sau một khoảng thời gian sử dụng, lượng đường trong máu của nhiều người bệnh đã giảm đi đáng kể.
Yến mạch cung cấp nhiều carbohydrate. Hợp chất này có tác dụng chuyển hóa thức ăn mà chúng ta tiêu thụ hàng ngày thành những loại đường có cấu trúc đơn giản. Bên cạnh đó, hoạt chất beta-glucan trong thực phẩm này cũng góp phần ức chế quá trình hấp thu đường vào máu sau mỗi bữa ăn. Do đó, đây chính là loại ngũ cốc vàng dành cho bệnh nhân tiểu đường type 2.
Bảo vệ tim mạch
Chất xơ và chất chống oxy hóa từ yến mạch chính là phương thuốc tự nhiên thần kỳ có khả năng kiểm soát nồng độ cholesterol xấu trong máu. Điều này giúp hạn chế tối đa rủi ro mắc phải nhiều bệnh lý nguy hiểm liên quan đến tim mạch như: đau tim, đột quỵ, xơ vữa động mạch…
Không chỉ dừng lại ở đó, hoạt chất lignin và enterolactone trong loại thực phẩm này còn hỗ trợ điều hòa hoạt động tim mạch cũng như nâng cao sức khỏe tổng thể.
Cải thiện khả năng miễn dịch
Thành phần vitamin, khoáng chất và beta-glucan phong phú từ yến mạch có tác dụng củng cố hệ thống miễn dịch, từ đó tăng cường khả năng đối phó với bệnh tật. Đặc biệt, hoạt chất beta-glucan có nhiệm vụ thúc đẩy hoạt động triệt tiêu vi khuẩn và các tác nhân gây hại của bạch cầu trung tính. Do đó, nguy cơ gặp phải chứng nhiễm trùng nguy hiểm cũng giảm đi rõ rệt.
Lợi tiểu, phòng tránh bệnh gout
Yến mạch là loại ngũ cốc mang đặc tính lợi tiểu tự nhiên. Điều này bắt nguồn từ silic – một khoáng chất giúp kích thích quá trình tiện và đào thải axit uric. Hơn nữa, không chỉ giúp thông tiểu, yến mạch còn hỗ trợ điều trị bệnh gout vô cùng hiệu quả.
Trị gàu và ngăn ngừa rụng tóc
Hoạt chất saponin từ yến mạch có thể làm sạch dầu nhờn và loại bỏ bụi bẩn, mảng bám, tế bào chết trên da đầu, từ đó “đánh bay” những cơn ngứa ngáy khó chịu. Ngoài ra, loại ngũ cốc này còn chứa nhiều dưỡng chất rất tốt cho mái tóc và da đầu như:
- Sắt, kali, magie thúc đẩy quá trình tăng trưởng tự nhiên của nang tóc, ức chế tình trạng rụng tóc, đồng thời nuôi dưỡng mái tóc chắc khỏe và óng ả.
- Protein và chất béo có công dụng dưỡng ẩm, hạn chế xuất hiện gàu nhờn và tăng cường tốc độ tái tạo tế bào da đầu.
Phòng tránh bệnh cao huyết áp
Yến mạch có hàm lượng chất xơ cao nhưng lại chứa ít natri và chất béo. Bởi vậy, loại thực phẩm này có thể điều hòa huyết áp. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, những bệnh nhân cao huyết áp nên ăn sáng với yến mạch để đẩy lùi bệnh lý và giảm thiểu một số biến chứng nguy hiểm. Ngoài ra, đây cũng là phương pháp bổ sung nguồn năng lượng đa dạng, dồi dào cho một ngày mới tràn đầy năng lượng.
Hỗ trợ điều trị chứng trào ngược axit dạ dày
Khi vào đến dạ dày, chất xơ và tinh bột của yến mạch hoạt động tương tự một chất trung hòa axit. Hai dưỡng chất này sẽ hấp thụ dịch vị dạ dày dư thừa và một lượng axit có trong thức ăn. Đây chính là lý do yến mạch có thể cải thiện hiệu quả các triệu chứng phiền toái của bệnh trào ngược dạ dày.
Phòng ngừa ung thư
Hàm lượng cao hoạt chất avenathramides trong yến mạch giúp triệt tiêu gốc tự do gây hại, ức chế quá trình biến đổi ADN dẫn đến bệnh ung thư, đồng thời hỗ trợ điều hòa huyết áp và hạn chế tình trạng viêm nhiễm động mạch.
Nuôi dưỡng làn da và điều trị mụn trứng cá
Yến mạch là một nguyên liệu dưỡng nhan vô cùng quen thuộc đối với chị em phụ nữ. Hiện nay, nhiều nghiên cứu đã chứng minh công dụng làm đẹp đa năng của loại thực phẩm này. Với khả năng cân bằng độ pH và duy trì độ ngậm nước của làn da, yến mạch có thể được sử dụng để:
- Chống viêm kháng khuẩn, điều trị mụn trứng cá
- Tẩy tế bào chết
- Loại bỏ dầu nhờn
- Dưỡng trắng làn da, hồi phục tế bào
- Xóa mờ thâm nám, đồi mồi, tàn nhang
Ngăn ngừa tình trạng chuột rút
Yến mạch chứa nhiều magie. Đây là loại khoáng chất quan trọng, tham gia vào hơn 300 phản ứng enzym khác nhau bên trong cơ thể. Magie giúp điều hòa huyết áp, hỗ trợ vận động thần kinh – cơ bắp và cải thiện hệ miễn dịch của cơ thể. Vì vậy, thói quen dung nạp yến mạch thường xuyên có thể phòng tránh nhiều vấn đề liên quan đến hệ thống cơ bắp, trong đó có tình trạng chuột rút.
Hỗ trợ điều trị bệnh celiac
Với hàm lượng gluten thấp, bột yến mạch rất tốt cho những người mắc bệnh celiac. Loại thực phẩm này đảm bảo cung cấp đầy đủ dưỡng chất thiết yếu cho sự tăng trưởng – phát triển toàn diện của cơ thể trong khi vẫn đảm bảo kiểm soát tốt các triệu chứng của bệnh lý.
Hạn chế nguy cơ mắc bệnh tuyến giáp
Hàm lượng i-ốt và chất khoáng cao của yến mạch có thể kích thích tuyến giáp sản xuất lượng hormon cần thiết, từ đó phòng ngừa hiệu quả nhiều chứng rối loạn chuyển hóa. Do đó, đây là thực phẩm không thể bỏ qua trong thực đơn ăn uống của những người đang gặp vấn đề về tuyến giáp.
Thanh lọc cơ thể, đào thải độc tố
Sau khi được cơ thể hấp thu, thành phần axit amin của yến mạch giúp tăng cường khả năng sản xuất lecithin ở gan. Vì vậy, quá trình thanh lọc cơ thể và đào thải độc tố diễn ra thuận lợi và hiệu quả hơn hẳn.
Hướng dẫn sử dụng yến mạch
Yến mạch ngày càng trở nên quen thuộc trong cuộc sống của người Việt. Tuy nhiên, thông thường các chị em chủ yếu sử dụng yến mạch để đắp mặt nạ nuôi dưỡng làn da. Thật ra, yến mạch có thể được chế biến thành nhiều món ăn, thức uống thơm ngon bổ dưỡng mà bạn không thể chối từ. Cùng chúng tôi khám phá nhé!
Chế biến món ăn từ yến mạch
Với nguyên liệu chính là bột yến mạch, người đọc có thể tự do trổ tài nấu nướng và biến tấu hương vị với món cháo, bánh quy, bánh kếp, muffin, bánh mì kẹp cá, sữa tươi, sữa chua…
Cháo yến mạch trứng gà
Cháo yến mạch trứng gà có thể là gợi ý bữa sáng hoàn hảo cho những độc giả thường xuyên bận rộn công việc. Tuy đơn giản, dễ làm nhưng món ăn này vẫn đảm bảo cung cấp đầy đủ dưỡng chất thiết yếu cho một ngày mới tràn đầy năng lượng. Đặc biệt, phái đẹp cũng có thể “tranh thủ” giảm cân bằng cháo yến mạch.
Cách thực hiện
- Chuẩn bị 1 quả trứng gà, 100g bột yến mạch và 1 lít nước lọc
- Kiểm tra chất lượng bột, loại bỏ tạp chất
- Đun nước sôi
- Bỏ toàn bộ bột yến mạch vào nồi và cho thêm một quả trứng gà
- Khuấy đều 5 – 10 phút cho tới khi hỗn hợp đặc sánh
- Nêm nếm gia vị vừa ăn (nếu cần) rồi tắt bếp
Lưu ý
- Cháo yến mạch trứng gà sẽ thơm ngon, hấp dẫn hơn khi bạn dùng ấm
- Hạn chế nấu cháo yến mạch với muối đường và dầu mỡ
- Có thể ăn cháo yến mạch trứng gà kèm rau củ hoặc trái cây
- Tránh nấu cháo quá lâu vì yến mạch dễ bị chín nhừ và mất đi hương vị thơm bùi
- Uống nước trước khi dùng khoảng 30 phút nhằm giảm thiểu cảm giác ngán ăn
Bánh quy yến mạch
Với hương vị thơm giòn, hấp dẫn, bánh quy yến mạch là món ăn vặt lành mạnh và lý tưởng dành cho mọi người, đặc biệt là các chị em phụ nữ đang triển khai kế hoạch giảm cân.
Cách thực hiện
- Chuẩn bị 200g bột yến mạch, 15g bơ, 1 muỗng cà phê cùng 100ml nước ấm
- Cho tất cả bột yến mạch vào một cái tô lớn, sau đó thêm bơ và muối
- Rót nước chầm chậm vào hỗn hợp và trộn đều tay trong vòng 5 – 10 phút cho đến khi bột thấm đều và từ từ nở ra
- Trong khi chờ đợi, bạn bật lò nướng ở mức 180 độ C hoặc 350 độ F
- Khi bột yến mạch đã sẵn sàng, hãy lần lượt tách bột ra thành những khối bột vừa phải, rắc bột yến mạch khô xung quanh cục bột ướt và đợi chúng khô đi (khi đó, chúng ta đã hoàn thành lớp bột áo của bánh quy)
- Cán mỏng từng khối bột với mức độ vừa phải
- Dùng dụng cụ cắt bánh quy để tạo hình các khối bột đã cán, đồng thời loại bỏ phần bột thừa để bánh quy thêm tròn trịa và hoàn hảo
- Xếp bánh lên khay, chú ý chừa ra những khoảng trống vừa đủ (điều này giúp bánh nở đều trong khi nướng)
- Nướng bánh khoảng 15 phút khi lò đã đạt đến nhiệt độ thích hợp
- Khéo léo trở mặt bánh rồi nướng thêm 5 phút để bánh quy vàng đều hai mặt
- Lấy bánh ra khỏi lò, để nguội và thưởng thức
Lưu ý
- Bạn có thể sử dụng một cái chén nhỏ để thay thế dụng cụ cắt bánh quy
- Độc giả cần bảo quản bánh cẩn thận trong lọ thủy tinh hoặc túi nilon để giữ gìn tối đa vị ngon cũng như độ giòn của bánh quy yến mạch
Bánh mì kẹp cá hồi và yến mạch
Sự kết hợp độc đáo giữa cá hồi và yến mạch nguyên hạt sẽ tạo nên một món bánh mì kẹp vừa mới lạ, thơm ngon vừa dồi dào dưỡng chất. Độc giả có thể chuẩn bị sẵn món ăn đơn giản này để ăn sáng và ăn trưa nếu công việc quá bận rộn.
Cách thực hiện (3 ổ bánh mì kẹp cá và yến mạch)
Chuẩn bị 350g cá hồi tươi, 2 muỗng canh yến mạch nguyên hạt, 2 muỗng canh hành lá xắt nhuyễn, 1 muỗng canh sốt mayonnaise, 2 muỗng cà phê mù tạt và 1 muỗng cà phê rau thì là
- Xay nhuyễn hỗn hợp hành lá, yến mạch nguyên hạt, sốt mayonnaise, mù tạt và rau thì là
- Xắt cá hồi thành 3 miếng vừa ăn
- Đun nóng vỉ nướng trên bếp
- Xịt dung dịch chống dính lên vỉ
- Nướng cá hồi cho đến khi hai mặt vàng đều và dậy mùi thơm (khoảng 10 phút)
- Xếp cá hồi lên mặt bánh mì và phủ lên trên lớp sốt vừa thực hiện
- Ngoài ra, bạn có thể bổ sung cà chua và rau xà lách để tăng cường hương vị
Bánh kếp yến mạch
Bánh kếp là một loại bánh mì dẹp, mỏng, ngọt vừa phải và rất dễ làm. Đây là món bánh ngọt vô cùng quen thuộc và rất được yêu thích trên toàn thế giới. Ngày nay, bánh kếp có nhiều dạng biến tấu khác nhau.
Thế nhưng, thành phần cơ bản của bánh kếp vẫn đúng như truyền thống, bao gồm: bột mì, sữa/phô mai và trứng. Công thức này được bổ sung lòng trắng trứng và phô mai tươi để nâng cao trị dinh dưỡng.
Cách thực hiện
- Chuẩn bị 1 ly yến mạch ăn liền nguyên chất, 1/2 ly phô mai không béo, 8 lòng trắng trứng gà, 2 muỗng cà phê vani, 1/2 muỗng cà phê bột quế, 1/2 muỗng cà phê gia vị làm bánh bí ngô
- Làm nóng vỉ nướng trên bếp
- Xịt dung dịch chống dính lên vỉ
- Xay nhuyễn toàn bộ nguyên liệu
- Đổ hỗn hợp bột lên vỉ nước theo hình tròn
- Nướng cho tới khi mặt trên của bánh bong ra, sau đó trở bánh và đợi đến lúc hai mép bánh ngả nâu và không còn nhão ở chính giữa
- Thêm topping siro, trái cây tươi, ngọc quả hoa (nhục đậu khấu) tùy ý
- Lấy bánh ra khỏi vỉ, để nguội và thưởng thức
Bánh muffin chuối – yến mạch
Có thể độc giả đã từng thưởng thức nhiều loại bánh muffin khác nhau với hương vị phong phú, đa dạng từ các cửa hàng đồ ngọt hay siêu thị gần nhà. Tuy nhiên, món bánh muffin chuối – yến mạch tuyệt vời từ công thức dưới đây hứa hẹn mang đến cho bạn một trải nghiệm ẩm thực vô cùng thú vị.
Cách thực hiện (6 bánh muffin chuối – yến mạch)
- Chuẩn bị 3/4 ly bột mì nguyên cám, 1/2 ly yến mạch ăn liền nguyên chất, 14 ly đường nâu đóng gói, 2 muỗng canh bột hạt lanh, 1 muỗng cà phê bột quế, 1/2 muỗng cà phê baking soda, 1 muỗng cà phê bột nở, 1/4 muỗng cà phê muỗi, 1 lòng đỏ trứng gà, 1 muỗng canh dầu hạt cải canola, 1/4 muỗng cà phê tinh dầu vani, 1 trái chuối nhỏ xay nhuyễn và 1/2 ly sữa tươi
- Bật lò nướng lên đến 350 độ F (khoảng 180 độ C)
- Xếp 6 miếng giấy lót bánh lên chảo bánh muffin
- Trộn đều yến mạch ăn liền, bột mì nguyên chất, hạt lanh, đường nầu, baking soda, bột quế, bột nở và muối trong một cái tô lớn (hỗn hợp 1)
- Trộn đều lòng đỏ trứng, vani, dầu, sữa tươi và chuối xay nhuyễn (hỗn hợp 2)
- Từ từ đổ hỗn hợp 1 vào hỗn hợp 2 cho đến khi cả hai hỗn hợp hòa vào nhau hoàn toàn, khuấy đều
- Chia bột thành 6 ly giấy
- Nướng đều trong vòng 15 – 18 phút
- Lấy bánh ra khỏi lò, để nguội và thưởng thức
Sữa tươi yến mạch
Nếu đã bắt đầu chán ngán sữa tươi nguyên chất, bạn có thể chế biến sữa tươi yến mạch theo công thức vô cùng đơn giản dưới đây.
Cách thực hiện
- Chuẩn bị 40g bột yến mạch và 250ml sữa tươi nguyên kem
- Bỏ bột yến mạch vào sữa tươi nguyên kem và trộn đều
- Cho hỗn hợp vào lò vi sóng, quay trong vòng 1 phút
- Hoặc bạn có thể đổ yến mạch vào sữa khi đang hâm nóng trên bếp
Sữa chua yến mạch và trái cây tươi
Chỉ với một chút sữa chua, bột yến mạch, trái cây tươi, đá bào và nước cốt chanh, độc giả đã có thể thưởng thức một loại sữa chua đa vị ngon lành và bổ dưỡng.
Cách thực hiện
- Chuẩn bị 1 hũ sữa chua không đường, 100g bột yến mạch, trái cây tươi vừa đủ (ưu tiên hoa quả vị ngọt), 10ml nước cốt chanh cùng một chút đá bào
- Ngâm bột yến mạch trong nước sạch khoảng 15 phút
- Sơ chế trái cây, rửa sạch và xắt hạt lựu
- Xay nhuyễn sữa chua không đường với nước cốt chanh và đá bào
- Cho toàn bột yến mạch đã nở vào ly, thêm lớp trái cây tươi và trên cùng là phần sữa chua đá rồi thưởng thức
- Món sữa chua yến mạch và trái cây khô cũng có cách làm tương tự
Cháo yến mạch gạo lứt
Nếu đang muốn giảm cân, cháo yến mạch gạo lứt là một món ăn mà bạn không thể chối từ. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, gạo lứt chứa ít calo, giàu chất xơ, có khả năng loại bỏ cholesterol xấu, ổn định hệ tiêu hóa, điều hòa huyết áp, cải thiện làn da và duy trì vóc dáng. Vì vậy, cháo yến mạch gạo lứt không chỉ là món ăn giảm cân tuyệt vời cho người mẹ mà còn là đồ ăn dặm giàu chất dinh dưỡng cho em bé.
Cách thực hiện
- Chuẩn bị 30g lúa mì, 30g bột yến mạch, 80g gạo lứt và 1,5 lít nước
- Vo sạch gạo lứt và yến mạch rồi ngâm trong nước sạch khoảng 20 phút
- Nấu sôi 1,5 lít nước, sau đó bỏ gạo lứt và yến mạch vào
- Khuấy đều trong vòng 20 phút
- Múc cháo ra chén, để nguội và thưởng thức
Làm mặt nạ dưỡng da từ yến mạch
Yến mạch là loại “siêu ngũ cốc” mà mọi tín đồ làm đẹp không thể yêu thích. Thực phẩm này có khả năng nuôi dưỡng tế bào, xoa dịu làn da, làm sạch sâu lỗ chân lông, tẩy tế bào chế, điều trị mụn đầu đen, ngăn ngừa mụn trứng cá… Bốn loại mặt nạ dưới đây sẽ giúp khuôn mặt bạn trở nên trắng sáng, mịn màng chỉ sau một khoảng thời gian ngắn.
Mặt nạ chuối và yến mạch
Trái chuối chứa nhiều thành phần chống oxy hóa vô cùng mạnh mẽ. Loại hoa quả này nổi tiếng bởi khả năng dưỡng ẩm cực cao. Trong khi đó, yến mạch có thể dưỡng da trắng hồng, xóa mờ vết thâm và cải thiện tình trạng cháy nắng. Vì vậy, mặt nạ chuối và yến mạch rất phù hợp với những cô nàng đang bị sạm da hay thâm nám.
Cách thực hiện
- Chuẩn bị 1 trái chuối chín và 2 muỗng cà phê bột yến mạch
- Xay nhuyễn phần thịt của trái chuối
- Trộn đều thịt chuối với bột yến mạch cho đến khi tạo thành hỗn hợp sền sệt
- Rửa mặt sạch sẽ rồi lau khô bằng khăn bông
- Đắp mặt nạ chuối và yến mạch và massage nhẹ nhàng theo chiều xoáy ốc
- Thư giãn 20 – 30 phút
- Rửa lại bằng nước lạnh
- Thực hiện đều đặn 2 – 3 lần/tuần vào mỗi buổi tối trước khi đi ngủ
Mặt nạ sữa chua yến mạch
Bột yến mạch có thể dễ dàng thấm sâu và loại bỏ mọi cặn bã ẩn sâu trong lỗ chân lông. Trong khi đó, axit lactic của sữa chua không đường có công dụng kháng khuẩn, giảm nhờn, tẩy tế bào chết và dưỡng trắng da cực kỳ hiệu nghiệm.
Cách thực hiện
- Chuẩn bị 1 muỗng yến mạch cán dẹt và 2 muỗng canh sữa chua không đường
- Cho hai nguyên liệu vào một cái tô lớn, sau đó trộn đều cho đến khi thu được hỗn hợp sánh mịn
- Rửa mặt sạch sẽ rồi lau khô bằng khăn bông
- Đắp mặt nạ sữa chua yến mạch và massage nhẹ nhàng theo chiều xoáy ốc
- Thư giãn 20 phút
- Rửa lại bằng nước lạnh
- Áp dụng đều đặn 2 – 3 lần/tuần vào mỗi buổi tối trước khi đi ngủ
Mặt nạ yến mạch và lòng trắng trứng
Hoạt chất saponin của yến mạch có thể nhẹ nhàng cuốn trôi tế bào chết, trong khi avethramides giúp làm dịu làn da và giảm thiểu tình trạng viêm nhiễm. Thêm vào đó, lòng trắng trứng có khả năng nuôi dưỡng làn da trắng sáng, mịn màng.
Cách thực hiện
- Chuẩn bị 1 muỗng canh bột yến mạch và 1 lòng trắng trứng gà
- Trộn đều hai nguyên liệu cho đến khi thu được hỗn hợp sánh mịn
- Rửa mặt sạch sẽ rồi lau khô bằng khăn bông
- Đắp mặt nạ và massage nhẹ nhàng theo chiều xoáy ốc
- Thư giãn 15 – 20 phút
- Rửa lại bằng nước lạnh
- Thực hiện đều đặn 2 – 3 lần/tuần vào mỗi buổi tối trước khi đi ngủ
Mặt nạ yến mạch và dầu hạnh nhân
Đây là công thức dưỡng da vô cùng thích hợp với làn da khô ráp. Thành phần dưỡng chất phong phú, đa dạng từ yến mạch và dầu hạnh nhân sẽ giúp làn da phái đẹp thêm căng bóng, đàn hồi và tràn đầy sức sống.
Cách thực hiện
- Chuẩn bị 3 muỗng canh bột yến mạch, 1 muỗng cà phê mật ong, 1 quả trứng, 1/2 trái chuối, một ít tinh dầu hạnh nhân cùng 125ml nước sôi
- Trộn đều bột yến mạch với nước sôi
- Thêm mật ong, tinh dầu hạnh nhân và trứng gà đánh tan vào hỗn hợp
- Rửa mặt sạch sẽ rồi lau khô bằng khăn bông
- Đắp mặt nạ và massage nhẹ nhàng theo chiều xoáy ốc
- Thư giãn 15 – 20 phút
- Rửa lại bằng nước lạnh
- Áp dụng đều đặn 2 – 3 lần/tuần vào mỗi buổi tối trước khi đi ngủ
Lưu ý
- Đắp mặt nạ yến mạch là phương pháp chăm sóc da tự nhiên, an toàn và lành tính. Tuy nhiên, nếu bị lạm dụng, cách làm này có thể dẫn đến hiện tượng da mặt mỏng đi và dễ kích ứng hơn do làn da bị bào mòn theo thời gian.
- Bạn nên đắp mặt nạ với tần suất 2 – 3 lần/tuần, 15 – 20 phút/lần để đạt được hiệu quả làm đẹp tối ưu.
- Mọi nguyên liệu cần đảm bảo 100% nguyên chất, không pha lẫn hương liệu hay tạp chất.
- Chị em hãy chọn mua loại bột chất lượng, đã được chế biến cẩn thận.
- Người đọc nên rửa mặt sạch sẽ bằng nước ấm trước khi đắp mặt nạ và kết thúc liệu trình chăm sóc bằng nước lạnh để làn da thêm săn chắc, đàn hồi.
- Bạn hãy kiên trì áp dụng trong vòng 2 – 3 tháng cho đến khi thu được kết quả như ý.
Một số lưu ý khi sử dụng yến mạch
Yến mạch là loại ngũ cốc lành tính, an toàn và phù hợp với đa số đối tượng (kể cả trẻ em, thai phụ và phụ nữ đang cho con bú). Tuy nhiên, nếu dung nạp quá nhiều trong cùng một lúc, độc giả có thể bị đầy hơi khó chịu.
Trong một số trường hợp, yến mạch có thể gây ra tình trạng dị ứng với nhiều dấu hiệu nhận biết như: phát ban, nổi mẩn, đỏ da, khó thở, sưng họng, ngứa ngáy… Bên cạnh đó, trong quá trình sử dụng yến mạch, bạn cần ghi nhớ:
- Hãy bắt đầu với một lượng bột yến mạch nhỏ, sau đó dần dần điều chỉnh theo nhu cầu của cơ thể.
- Những người có cơ địa nhạy cảm nên thận trọng khi dùng loại thực phẩm này.
- Đắp mặt nạ tối đa 3 – 4 lần/tuần, đồng thời che chắn cẩn thận trước khi ra ngoài trong suốt thời gian làm đẹp.
- Tuyệt đối không dung nạp yến mạch hay các sản phẩm có thành phần từ yến mạch nếu bạn bị dị ứng với loại ngũ cốc này hoặc bị mẫn cảm với avenin.
- Yến mạch có thể bị trộn lẫn với lúa mì. Do đó, bệnh nhân celiac cần lựa chọn loại yến mạch nguyên chất và chất lượng.
- Những người mắc bệnh gout hoặc đang cần giảm lượng đạm trong chế độ ăn uống không nên dùng yến mạch.
- Các bệnh nhân gặp vấn đề về đường tiêu hóa tránh ăn yến mạch quá nhiều vì chúng có thể khiến bạn bị chướng bụng, đầy hơi.
- Nếu mong muốn giảm cân nhanh chóng, triệt để và lành mạnh, bạn có thể ăn yến mạch thay cơm hoàn toàn.
Như vậy, chúng tôi đã giới thiệu tương đối đầy đủ về đặc điểm, công dụng, cách dùng cùng một số lưu ý khi sử dụng yến mạch. Hy vọng độc giả đã tìm thấy nhiều thông tin thú vị, bổ ích trong bài viết này. Tuy yến mạch là loại ngũ cốc an toàn, lành tính nhưng bạn cần cân nhắc cẩn thận trước khi sử dụng nhằm đề phòng những tác dụng không mong muốn.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!