Dùng giấm táo trị mụn đầu đen như thế nào đúng cách?
Nội Dung Bài Viết
Dùng giấm táo trị mụn đầu đen là “bí kíp” làm đẹp siêu đơn giản và dễ thực hiện. Với số lượng axit đa dạng (axit acetic, axit citric, axit malic), khoáng chất và vitamin dồi dào, công thức này có khả năng đánh bật các nốt mụn cứng đầu, se khít lỗ chân lông, thanh tẩy tế bào chết và cải thiện bề mặt da.
Tác dụng trị mụn đầu đen của giấm táo
Giấm táo (nước táo lên men) được sử dụng trong chế biến món ăn nhằm khử mùi tanh, kích thích vị giác và cung cấp các thành phần dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể. Bên cạnh đó, nguyên liệu này còn được phái nữ tận dụng để chăm sóc tóc và làn da. Thực tế cho thấy, giấm táo chứa nhiều thành phần có lợi cho làn da nói chung và da mặt nói riêng.
Dùng giấm táo trị mụn đầu đen là “bí kíp” chăm sóc da đơn giản được phái nữ ưa chuộng. Mặc dù không để lại sẹo thâm và sẹo rỗ như mụn bọc nhưng các nốt đầu đen ở mũi, má và cằm ảnh hưởng không nhỏ đến ngoại hình, khiến phái nữ trở nên thiếu tự tin khi giao tiếp. Hơn nữa nếu không điều trị, mụn đầu đen có thể làm tăng kích thước lỗ chân lông và khiến bề mặt da trở nên kém mịn màng.
Axit citric, axit acetic và axit malic trong giấm táo có khả năng tẩy tế bào chết, làm sạch dầu thừa, bã nhờn và “đánh bật” các nốt mụn đầu đen xấu xí. Ngoài ra, các loại axit tự nhiên trong giấm táo còn có tác dụng cải thiện tone da, làm mờ vết thâm sạm, cháy nắng và tàn nhang.
Bên cạnh đó, giấm táo còn cung cấp cho làn da amino axit, enzyme và các loại vitamin, khoáng chất thiết yếu. Các thành phần này có khả năng thanh tẩy làn da, ức chế hại khuẩn, nấm men và kích thích tốc độ tái tạo, chuyển hóa của tế bào. Sử dụng giấm táo chăm sóc da thường xuyên còn giúp nuôi dưỡng làn da khỏe mạnh và tăng khả năng đề kháng trước những tác động từ môi trường.
Ngoài khả năng giảm và ngừa mụn đầu đen, nguyên liệu này còn có tác dụng tẩy tế bào chết, ngăn ngừa lão hóa và cải thiện sắc tố da. Chính vì vậy, các công thức làm đẹp từ giấm táo có thể đáp ứng được nhu cầu của mọi loại da.
7 Cách dùng giấm táo trị mụn đầu đen cực “chuẩn”
Khác với các nguyên liệu thông thường, giấm táo chứa hàm lượng axit khá cao. Vì vậy nếu sử dụng không đúng cách, da mặt có thể bị kích ứng và đỏ rát. Để đảm bảo hiệu quả trị mụn đầu đen và hạn chế tình trạng kích ứng, chị em có thể áp dụng một trong những công thức sau:
1. Dùng giấm táo pha loãng trị mụn đầu đen
Sử dụng giấm táo pha loãng là mẹo trị mụn đầu đen đơn giản, dễ thực hiện và phù hợp với nhiều loại da – đặc biệt là làn da dầu, nhiều bã nhờn và mụn. Với hàm lượng axit tự nhiên đa dạng và dồi dào, giấm táo có thể tẩy các tế bào già cỗi, cải thiện bề mặt da, se khít lỗ chân lông và loại bỏ các nốt mụn đầu đen ở má, mũi và cằm.
Ngoài ra, axit trong nguyên liệu này còn có đặc tính kháng khuẩn và chống viêm tốt. Thoa giấm táo pha loãng lên vùng da nhiều dầu, mụn đầu đen và mụn bọc có thể kiểm soát hoạt động bài tiết dầu, giảm mụn và ức chế hoạt động của vi khuẩn kỵ khí P. acnes (nguyên nhân trực tiếp gây ra mụn).
Hướng dẫn thực hiện:
- Pha giấm táo với nước lọc theo tỷ lệ 1:4
- Làm sạch da mặt và lau khô
- Dùng bông gòn thấm giấm táo và thoa lên vùng da có nhiều mụn đầu đen như vùng mũi, má, trán và cằm
- Nên thoa từ 4 – 5 lớp (nên đợi lớp cũ khô trước khi thoa lớp mới)
- Đợi từ 10 – 15 phút và rửa lại với nước ấm
- Khi rửa, nên chà xát nhẹ ở các vùng da có mụn
Đối với những nốt mụn đầu đen có kích thước lớn, nên sử dụng dụng cụ nặn mụn chuyên dụng để loại bỏ. Sau đó rửa sạch da mặt với nước ấm và tiếp tục các bước chăm sóc như thông thường.
2. Giấm táo và mật ong giảm mụn đầu đen ở cánh mũi
Giấm táo pha loãng có khả năng “đánh bật” các nốt mụn đầu đen nhanh chóng. Tuy nhiên, công thức này có thể gây khô da đối với người có làn da nhạy cảm và thiếu nước. Nếu có làn nhạy cảm, chị em có thể kết hợp giấm táo với mật ong để loại bỏ mụn đầu đen và cấp ẩm cho làn da.
Ngoài khả năng dưỡng ẩm, mật ong còn giúp phục hồi và tái tạo các vùng da hư tổn. Bên cạnh đó, các axit amin và polyphenol trong nguyên liệu này còn có tác dụng tăng sức đề kháng cho da, giảm viêm và kháng khuẩn.
Với sự kết hợp giữa giấm táo và mật ong, các nốt mụn đầu đen xấu xí ở cánh mũi và vùng má sẽ nhanh chóng bị đánh bật chỉ sau 1 – 2 lần thực hiện. Tuy nhiên, chị em nên áp dụng công thức này đều đặn để ngăn ngừa mụn và sợi bã nhờn hình thành trở lại.
Hướng dẫn thực hiện:
- Trộn 1 thìa mật ong với 1 thìa giấm táo, sau đó hòa thêm ½ thìa nước lọc
- Dùng bông gòn thoa hỗn dịch lên bề mặt da (nên thoa nhiều lớp ở vùng da có mụn)
- Sau 10 – 15 phút, dùng tay massage kỹ ở vùng mũi, má và cằm
- Cuối cùng rửa sạch da mặt với nước ấm và lau khô với khăn
3. Trị mụn đầu đen bằng giấm táo và chanh tươi
Với các nốt mụn đầu đen “cứng đầu”, bạn có thể áp dụng công thức từ giấm táo và chanh tươi. Cả hai nguyên liệu này đều chứa acid citric và một số thành phần có khả năng giảm dầu thừa, bã nhờn, loại bỏ bụi bẩn tích tụ trong nang lông và đánh bật mụn đầu đen ở vùng chữ T. Bên cạnh đó, lượng vitamin C dồi dào trong chanh tươi có thể ức chế sắc tố melanin, cải thiện tone da và làm mờ các đốm sạm nám.
Mặc dù có hiệu quả trị mụn đầu đen rõ rệt nhưng công thức này chứa hàm lượng axit khá cao. Vì vậy, chị em có làn da nhạy cảm, dễ kích ứng hoặc đang có vết thương hở trên da mặt không nên áp dụng.
Cách thực hiện:
- Vắt ¼ quả chanh lấy nước cốt và trộn với 1 thìa cà phê giấm táo
- Sau đó hòa thêm 2 thìa cà phê nước lọc
- Dùng bông gòn thấm hỗn dịch và thoa lên vùng da có mụn đầu đen
- Nên thoa từ 3 – 5 lớp để tăng hiệu quả
- Áp dụng công thức này từ 2 – 3 lần/ tuần và cần chống nắng kỹ
4. “Đánh bay” mụn đầu đen với giấm táo và bột đất sét
Bột đất sét thường được dùng để chăm sóc da mặt và da toàn thân. Với đặc tính hút dầu thừa và bã nhờn, nguyên liệu này được sử dụng để làm sạch da, kiểm soát bã nhờn và giảm độ viêm các nốt mụn sưng đỏ. Ngoài ra, bột đất sét còn có tác dụng giảm mụn đầu đen, đầu trắng và các sợi bã nhờn ở vùng chữ T.
Công thức mặt nạ từ bột đất sét và giấm táo thích hợp với làn da nhờn và nhiều mụn. Nếu thuộc làn da hỗn hợp, chị em chỉ nên thoa mặt nạ lên những vị trí da có mụn và bài tiết nhiều dầu.
Hướng dẫn thực hiện:
- Trộn 1 thìa bột đất sét với 1 thìa nước lọc và 1 thìa giấm táo (có thể thêm 1 ít nước lọc nếu hỗn hợp quá đặc)
- Thoa hỗn hợp lên da mặt
- Đợi 5 – 10 phút và rửa lại với nước sạch
Không để mặt nạ đất sét và giấm táo quá 15 phút. Lúc này, đất sét có thể hút ẩm ngược khiến da khô căng, khó chịu và dễ hình thành nếp nhăn.
5. Giấm táo và dầu dừa trị mụn đầu đen
Dùng giấm táo và dầu dừa trị mụn đầu đen phù hợp với người có làn da hỗn hợp và lão hóa. Công thức này sử dụng dầu dừa để dưỡng ẩm và giảm độ kích ứng từ axit có trong giấm táo. Ngoài ra, tinh dầu này còn đem lại nhiều lợi ích đối với làn da.
Axit béo và polyphenol trong dầu dừa có đặc tính phục hồi các mô da già cỗi, ngăn ngừa lão hóa và bảo vệ da trước tác động của tia cực tím. Bên cạnh đó, axit lauric trong nguyên liệu này còn có khả năng ức chế các vi nấm có hại trên da như Candida và Malassezia.
Cách thực hiện:
- Trộn giấm táo với dầu dừa theo tỷ lệ 1:2
- Thoa hỗn hợp lên da mặt và massage từ 2 – 3 phút
- Đợi từ 10 – 15 phút và rửa lại với nước ấm
- Nên áp dụng công thức này với tần suất 2 – 3 lần/ tuần
6. Giảm mụn đầu đen với giấm táo và baking soda
Baking soda (muối nở) thường được dùng để tạo độ mềm xốp khi làm bánh. Bên cạnh đó với nhiều công dụng hữu ích, nguyên liệu này còn được sử dụng rộng rãi trong đời sống và là một trong những nguyên liệu làm đẹp “hạt dẻ” của các chị em.
Các tinh thể bicarbonate trong baking soda có tác dụng làm bong tế bào sừng, giảm vùng da thâm sạm và tàn nhang. Việc loại bỏ tế bào chết còn giúp làn da trở nên mịn màng, ẩm mượt và dễ dàng hấp thu dưỡng chất từ giấm táo.
Hướng dẫn thực hiện:
- Trộn 1 thìa giấm táo với 1 thìa baking soda và 1 thìa nước lọc
- Thoa hỗn hợp lên vùng mũi, má và cằm
- Tiến hành massage nhẹ nhàng từ 2 – 3 phút
- Sau đó đợi thêm 3 phút và rửa mặt nạ với nước ấm
Baking soda có kết cấu tương tự như muối ăn. Vì vậy khi massage, cần thao tác nhẹ nhàng để gây trầy xước và đỏ rát da.
7. Mặt nạ giấm táo và giấm gạo trị mụn đầu đen
Giấm gạo và giấm táo đều chứa hàm lượng axit acetic dồi dào. Chính vì vậy, công thức này phù hợp với người có làn da nhiều dầu, các nốt mụn đầu đen cứng đầu và không cải thiện khi áp dụng những công thức trên.
Với hàm lượng axit cao, mặt nạ từ giấm táo và giấm gạo có khả năng giảm mụn đầu đen rõ rệt, cải thiện bề mặt da và tẩy tế bào chết. Ngoài ra, công thức này còn kích thích tế bào mới sản sinh và tăng mức độ hấp thu dưỡng chất của da mặt.
Hướng dẫn thực hiện:
- Trộn đều giấm táo, giấm gạo và nước lọc theo tỷ lệ 1:1:3
- Sau đó thoa hỗn dịch lên da mặt
- Nên thoa từ 3 – 5 lớp
- Sau 5 – 7 phút, rửa sạch da mặt với nước và lau khô
Lưu ý khi trị mụn đầu đen bằng giấm táo
Dùng giấm táo trị mụn đầu đen là bí quyết làm đẹp và chăm sóc da đơn giản, chi phí thấp và tương đối an toàn. Tuy nhiên giấm táo chứa hàm lượng axit dồi dào và có nguy cơ gây kích ứng, mẫn cảm cao hơn những nguyên liệu tự nhiên khác.
Vì vậy khi áp dụng công thức này, cần lưu ý một số vấn đề quan trọng sau:
- Không thoa trực tiếp giấm táo lên da mặt. Axit trong nguyên liệu này có thể khiến da đỏ rát, khô căng và kích ứng.
- Bắt buộc dùng kem chống nắng và che chắn làn da trong suốt thời gian áp dụng “bí kíp” trị mụn đầu đen bằng giấm táo.
- Nên áp dụng mẹo trị mụn đầu đen bằng giấm táo và các nguyên liệu tự nhiên khác đều đặn từ 2 – 3 lần/ tuần. Không nên áp dụng công thức này quá nhiều vì axit trong giấm táo có thể khiến da khô, mỏng, thiếu nước và dễ bắt nắng.
- Mụn đầu đen thường xảy ra ở người có tuyến bã nhờn hoạt động mạnh. Vì vậy bên cạnh công thức trị mụn từ giấm táo, chị em nên thực hiện các biện pháp kiểm soát dầu như rửa mặt 2 lần/ ngày, hạn chế trang điểm đậm, giữ da mặt khô thoáng, dùng giấy thấm dầu, tránh ăn nhiều đồ ngọt, cay nóng,…
- Nếu mụn đầu đen không thuyên giảm khi áp dụng các biện pháp tại nhà, có thể cân nhắc sử dụng một số sản phẩm đặc trị chứa BHA, PHA, AHA, Azelaic acid, tinh dầu tràm trà,…
Sử dụng giấm táo trị mụn đầu đen có thể giảm số lượng mụn, kiểm soát dầu thừa và hỗ trợ cải thiện một số vấn đề khác ở da mặt. Tuy nhiên để đạt hiệu quả, chị em cần thực hiện công thức này đều đặn và kết hợp với chế độ chăm sóc da đúng cách.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!