Hướng dẫn bổ sung sắt cho mẹ bầu đúng cách và chi tiết
Nội Dung Bài Viết
Nhu cầu sắt của phụ nữ mang thai tăng lên khoảng 2 – 8 lần so với người bình thường. Do đó, mẹ bầu cần phải kết hợp giữa chế độ dinh dưỡng cùng với sử dụng thuốc/ viên uống chứa sắt. Tuy nhiên để tránh hiện tượng dư thừa, cần bổ sung sắt cho bà bầu đúng cách.
Vai trò của sắt với phụ nữ mang thai
Sắt là một trong những nguyên tố vi lượng quan trọng đối với cơ thể. Vai trò chính của sắt là tham gia vào quá trình tạo nên hemoglobin (một phân tử protein có trong hồng cầu). Hemoglobin đưa oxy vận chuyển đến phổi và các mô, tế bào khác trong cơ thể, sau đó vận chuyển CO2 (carbon dioxid) trở lại phổi. Ngoài ra, hemoglobin còn giúp duy trì hình dạng bình thường của tế bào hồng cầu và hạn chế nguy cơ thiếu máu.
Bên cạnh đó, sắt còn có tham gia vào quá trình cấu tạo nhiều loại enzyme và giữ chức năng miễn dịch. Với nhiều chức năng quan trọng đối với sức khỏe, sắt là nguyên tố vi lượng vô cùng cần thiết với tất cả mọi đối tượng – đặc biệt là phụ nữ mang thai và cho con bú.
Nhu cầu sắt tăng lên đáng kể trong thời gian mang thai và giai đoạn nuôi con bằng sữa mẹ. Bổ sung sắt vào thời điểm này có vai trò tạo các tế bào thần kinh cho thai nhi, tăng sản xuất máu nuôi dưỡng bào thai và giúp mẹ bầu duy trì sức khỏe ổn định. Trong thời gian mang thai, thể tích máu của mẹ bầu tăng lên 50% so với bình thường. Chính vì vậy, việc tăng cường bổ sung sắt là điều vô cùng cần thiết
Ngoài ra, sắt còn có tác dụng tạo cảm giác ngon miệng, giảm tình trạng mệt mỏi, chán ăn và suy giảm sức đề kháng. Mẹ bầu bị thiếu sắt nặng có thể phải đối với các biến chứng thai kỳ như suy nhược cơ thể, băng huyết sau sinh, tăng nguy cơ sinh non và nhiễm trùng hậu sản.
Ngoài ra, thiếu sắt còn ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của thai nhi. Thực tế cho thấy, mẹ bầu bị thiếu sắt nghiêm trọng có thể khiến bào thai bị suy dinh dưỡng, nhẹ cân, sinh non và ảnh hưởng đến khả năng phát triển trí lực, thể lực của trẻ về lâu dài.
Theo thống kê, có khoảng 40 – 50% mẹ bầu bị thiếu sắt trong suốt thời gian mang thai. Đây là con số đáng báo động về thực trạng sức khỏe của phụ nữ mang thai ở nước ta. Do đó ngay khi nhận thấy các dấu hiệu mang thai, mẹ bầu cần chủ động bổ sung sắt để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và giúp thai nhi phát triển thuận lợi.
Bà bầu nên bổ sung sắt vào tháng thứ mấy?
Nhu cầu sắt của nữ giới trưởng thành dao động khoảng 15mg/ ngày. Tuy nhiên khi mang thai, nhu cầu có thể tăng lên 2 – 8 lần tùy theo giai đoạn phát triển của thai nhi. Theo các chuyên gia, nữ giới có thể bắt đầu bổ sung sắt trước và trong suốt thời gian mang thai để chuẩn bị thể trạng tốt và ngăn ngừa tình trạng thiếu máu trong thai kỳ.
Trong 3 tháng đầu, nhu cầu sắt của phụ nữ mang thai chưa thực sự cao. Vì vậy, chế độ ăn uống có thể cung cấp đủ lượng sắt mà cơ thể cần. Thời điểm cần thiết để bổ sung sắt là từ tháng 4 đến tháng 6 thai kỳ. Đây là giai đoạn thai nhi phát triển mạnh và cần hàm lượng sắt, khoáng chất dồi dào. Do đó, mẹ bầu nên bắt đầu bổ sung sắt từ tháng 4 thai kỳ và có thể duy trì thêm 3 – 6 tháng sau khi sinh.
Lưu ý: Lượng sắt có trong các loại thực phẩm và viên uống bổ sung chỉ được hấp thu một lượng nhỏ (khoảng 10 – 15%). Chính vì vậy để cung cấp đủ sắt của cơ thể, cần bổ sung nhiều khoảng 7 – 10 lần so với nhu cầu thực tế.
Bà bầu cần bao nhiêu sắt mỗi ngày?
Trước khi mang thai, nhu cầu sắt của nữ giới dao động khoảng 15mg. Tuy nhiên khi có thai, nhu cầu sắt sẽ tăng lên đáng kể vì lúc này cơ thể mẹ cần nhiều sắt để duy trì các hoạt động sống, đồng thời đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng của phôi thai và giúp thai nhi phát triển toàn diện.
Nhu cầu sắt cụ thể theo từng giai đoạn thai kỳ:
- Trong thời gian mới mang thai, nhu cầu sắt rơi vào khoảng 30mg/ ngày
- Từ tháng thứ 4 trở đi, nên bổ sung 60mg sắt/ ngày
- Với những trường hợp thiếu máu do sắt, mẹ bầu cần bổ sung từ 50 – 100mg sắt/ ngày tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe
Thực tế, đã có không ít trường hợp mẹ bầu bị thiếu sắt nghiêm trọng do chế độ dinh dưỡng nghèo nàn và không sử dụng các loại TPCN hay viên uống bổ sung. Với những trường hợp này, bác sĩ có thể yêu cầu điều trị nội trú từ 2 – 3 tháng bằng cách truyền máu qua đường tĩnh mạch.
Hướng dẫn bổ sung sắt cho mẹ bầu đúng cách
Có thể thấy, sắt là một trong những nguyên tố vi lượng quan trọng với sức khỏe của mẹ bầu. Bổ sung đủ sắt giúp cơ thể mẹ khỏe mạnh, giảm mệt mỏi, phòng ngừa thiếu máu và các biến chứng thai kỳ. Trong khi đó, thiếu sắt không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ mà còn đe dọa đến sự phát triển của thai nhi.
Dưới đây là một số cách bổ sung sắt cho mẹ bầu an toàn:
1. Bổ sung sắt cho bà bầu qua chế độ ăn
Bổ sung sắt cho phụ nữ mang thai qua chế độ ăn là biện pháp an toàn nhất. Sắt có trong nhiều loại thực phẩm. Tuy nhiên, sắt có nguồn gốc từ động vật được chứng minh có khả năng hấp thu tốt hơn so với sắt có nguồn gốc từ thực vật. Nghiên cứu cho thấy, cơ thể chỉ hấp thu được 5 – 10% sắt từ các loại rau củ nhưng có thể hấp thu đến 10 – 15% sắt trong trứng, sữa và các loại thịt.
Vì vậy, bà bầu cần tính toán lượng sắt cần bổ sung để đáp ứng được nhu cầu thực tế. Bên cạnh đó, nên chú ý xây dựng chế độ ăn phù hợp để cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho cả mẹ và bé.
Cách bổ sung sắt cho bà bầu qua chế độ dinh dưỡng:
- Các loại thực phẩm giàu sắt mẹ bầu nên bổ sung, bao gồm nghêu, hàu, thịt gia cầm, lòng đỏ trứng,tim, gan, thịt đỏ, ngũ cốc, trái cây khô, bí ngô, các loại đậu,…
- Đồng thời nên kết hợp với các loại thực phẩm giàu folate và axit folic để tối ưu quá trình tạo máu. Các loại thực phẩm giàu axit folic và folate mẹ bầu nên bổ sung, bao gồm nước trái cây, trái cây tươi, ngũ cốc, mì ống, bánh mì, rau lá xanh đậm,…
- Đối với mẹ bầu bị thiếu máu, nên tăng cường thêm thực phẩm giàu vitamin B12 như thận, gan động vật, nghêu, cá ngừ, cá hồi, thịt bò, sữa, trứng,… để đẩy nhanh quá trình tái tạo hồng cầu.
- Vitamin C được chứng minh giúp cơ thể hấp thu sắt nhanh hơn so với bình thường. Do đó song song với việc bổ sung các loại thực phẩm giàu sắt, mẹ bầu nên tăng cường một số loại thực phẩm giàu vitamin C như ớt chuông, rau lá xanh, trái cây có múi, dâu tây, dưa hấu, lê, táo, nho,…
Trên thực tế, chế độ ăn uống không thể đáp ứng được nhu cầu sắt của bà bầu – đặc biệt từ tháng 4 trở đi. Nguyên nhân là do lượng sắt có thể bị thất thoát trong quá trình chế biến, khả năng dung nạp kém,… Do đó, các chuyên gia khuyến khích mẹ bầu nên kết hợp chế độ ăn uống cùng với sử dụng thuốc, viên uống bổ sung hoặc TPCN chứa sắt.
2. Cung cấp sắt bằng viên uống, TPCN
Nhu cầu sắt ở phụ nữ mang thai tăng lên đáng kể (khoảng 2 – 8 lần). Chính vì vậy ngoài việc bổ sung các loại thực phẩm giàu sắt, mẹ bầu nên cân nhắc sử dụng một số viên uống và TPCN. Hiện nay trên thị trường có khá nhiều sản phẩm bổ sung sắt cho mẹ bầu. Trong đó gồm 2 dạng chính:
- Sắt vô cơ (sắt sulfate)
- Sắt hữu cơ (sắt gluconate hoặc sắt fumarate)
Trong đó, sắt hữu cơ có khả năng hấp thu tốt và ít gây ra tình trạng táo bón hơn so với sắt vô cơ. Ngoài ra, mẹ bầu cũng thể tìm mua các sản phẩm bổ sung sắt cùng với các thành phần dinh dưỡng cần thiết như vitamin B9, vitamin B12, kẽm, mangan,…
Một số lưu ý khi bổ sung sắt cho mẹ bầu
Mặc dù có vai trò quan trọng đối với sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi nhưng bổ sung sắt không đúng cách có thể gây ra nhiều rủi ro. Do đó trước khi bổ sung nguyên tố vi lượng này bằng các loại thực phẩm và viên uống, mẹ bầu nên lưu ý một số vấn đề sau:
1. Mẹ bầu nên bổ sung sắt vào lúc nào?
Sắt được hấp thu ở dạ dày, hành tá tràng và chỉ một lượng nhỏ được hấp thu tại ruột non. Để sắt được hấp thu và chuyển hóa nhanh, mẹ bầu nên bổ sung sắt khi bụng đói (tốt nhất là trước khi ăn sáng 30 phút hoặc sau bữa sáng khoảng 2 giờ đồng hồ). Khi bụng đói, dạ dày tiết ra nhiều axit nên có khả năng hấp thu sắt nhanh hơn so với lúc no.
Hơn nữa, sáng sớm là thời điểm nồng độ sắt trong cơ thể thấp nhất. Vì vậy nếu bổ sung vào thời điểm này, lượng sắt được hấp thu sẽ cao hơn đáng kể so với những thời điểm khác trong ngày. Ngoài ra, dùng sắt vào buổi chiều và tối muộn còn có thể gây nóng trong người, táo bón và dẫn đến tình trạng khó ngủ.
2. Nguy cơ khi bổ sung sắt quá liều
Thiếu sắt ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của cả mẹ bầu và thai nhi. Ngược lại, tình trạng thừa sắt cũng gây ra không ít tác động tiêu cực. Theo các chuyên gia, thừa sắt ở phụ nữ mang thai có thể gây táo bón mãn tính, khó tiêu và tăng nguy cơ sinh non. Thậm chí một số mẹ bầu còn có thể bị tiểu đường, bệnh cơ tim và tăng nguy cơ xơ gan do dùng sắt quá liều trong một thời dài. Do đó, bà bầu cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc và viên uống bổ sung sắt.
Lưu ý: Cần phân biệt thừa sắt với một số tác dụng phụ của các viên uống bổ sung sắt. Các tác dụng không mong muốn khi dùng thuốc sắt bao gồm chán ăn, táo bón, phân có màu đen, khó chịu ở dạ dày, buồn nôn,…
3. Trường hợp không nên bổ sung sắt dạng uống
Tất cả phụ nữ mang thai đều được khuyến khích dùng thuốc sắt để đáp ứng đủ nhu cầu của cơ thể và thai nhi. Tuy nhiên trong một số trường hợp, mẹ bầu không được dùng thuốc sắt để tránh các rủi ro và biến chứng nặng nề.
Các trường hợp cần tránh dùng thuốc sắt:
- Bà bầu bị chứng thiếu máu lưỡi liềm bẩm sinh
- Các trường hợp thiếu máu không do thiếu sắt như thiếu máu do nhiễm độc chì, thiếu máu do bệnh Thalassemie, suy tủy, thiếu máu tán huyết,…
Để đảm bảo an toàn, bà bầu chỉ nên dùng thuốc sắt khi có chỉ định của bác sĩ.
4. Một số lưu ý khác
Khi bổ sung sắt trong thời gian mang thai, mẹ bầu cũng cần lưu ý thêm một số vấn đề sau:
- Sắt là chất dinh dưỡng rất khó hấp thu và đa phần bị đào thải qua đường phân. Để tăng hấp thu và chuyển hóa sắt, mẹ bầu nên uống sắt cùng với các loại nước trái cây giàu vitamin C như nước cam, nước ép bưởi,…
- Tránh sử dụng thuốc sắt cùng với viên uống bổ sung canxi và các loại thực phẩm giàu canxi. Vì canxi và sắt làm cản trở khả năng hấp thu dinh dưỡng của cơ thể. Theo các chuyên gia, nên bổ sung hai loại khoáng chất này cách nhau ít nhất 2 giờ đồng hồ.
- Tác dụng phụ thường gặp nhất của thuốc sắt là táo bón và nóng trong người. Chính vì vậy trong thời gian sử dụng, mẹ bầu nên uống từ 2.5 – 3 lít nước, đồng thời tăng cường bổ sung rau xanh, các loại củ và trái cây.
- Trà, cà phê và rượu bia đều có thể ảnh hưởng đến khả năng hấp thu sắt ở dạ dày và hoành tá tràng. Để tránh tình trạng sắt bị đào thải, mẹ bầu cần hạn chế các loại thức uống này trong thời gian mang thai.
- Nhu cầu sắt của từng người thường không giống nhau. Do đó, mẹ bầu nên tìm gặp bác sĩ để được tư vấn về cách xây dựng chế độ ăn và hướng dẫn cụ thể về liều lượng sắt nên bổ sung mỗi ngày.
- Trên thị trường có khá nhiều loại TPCN bổ sung sắt và các khoáng chất, vitamin cần thiết. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn, mẹ bầu nên tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng. Tự ý sử dụng có thể không đạt được hiệu quả như mong đợi hoặc thậm chí gây ra một số rủi ro đáng tiếc.
Bài viết đã hướng dẫn chi tiết cách bổ sung sắt cho bà bầu an toàn và hiệu quả. Tuy nhiên, thông tin trên chỉ có tính chất tham khảo. Để đảm bảo sức khỏe, mẹ bầu nên tìm gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn cụ thể hơn.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!