Có nên đi khám sức khỏe tiền hôn nhân? Chi phí bao nhiêu?
Nội Dung Bài Viết
Khám sức khỏe tiền hôn nhân giúp các cặp đôi đánh giá tình trạng sức khỏe, chức năng sinh sản, phát hiện – điều trị sớm các bệnh lý tiềm ẩn. Đây là hình thức sàng lọc có vai trò xây dựng cuộc sống hôn nhân hạnh phúc, bền vững và góp phần nâng cao chất lượng dân số.
Khám sức khỏe tiền hôn nhân là gì?
Khám sức khỏe tiền hôn nhân (xét nghiệm tiền hôn nhân) là gói dịch vụ bao gồm khám tổng quát, xét nghiệm cận lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh,… nhằm đánh giá tình trạng sức khỏe tổng quát và chức năng sinh sản của các cặp đôi trước khi kết hôn.
Ở những quốc gia phát triển, khám sức khỏe tiền hôn nhân nằm trong hạng mục bắt buộc phải thực hiện để bảo vệ sức khỏe cho chính bạn thân và bạn đời. Hơn nữa, biện pháp này còn giúp đánh giá sớm chức năng sinh sản của cả hai, từ đó xử lý kịp thời nếu nhận thấy nguy cơ vô sinh – hiếm muộn và giảm thiểu các dị tật bẩm sinh, bệnh lý di truyền ở con cái.
Ở nước ta, khám sức khỏe tiền hôn nhân không nằm trong hạng mục bắt buộc mà chỉ được thực hiện trên tinh thần tự nguyện. Tuy nhiên may mắn là trong những năm gần đây, số lượng các cặp đôi thực hiện dịch vụ này ngày càng tăng lên. Xét nghiệm tiền hôn nhân cho thấy ý thức và trách nhiệm đối với sức khỏe của bản thân, bạn đời và thế hệ con cái.
Có nên khám sức khỏe tiền hôn nhân? Lợi ích mang lại
Khám sức khỏe tiền hôn nhân bao gồm nhiều danh mục dịch vụ, trong đó bao gồm 3 nhóm chính là khám sức khỏe tổng quát, tầm soát các bệnh lây nhiễm và đánh giá chức năng sinh sản. Qua việc thăm khám, bác sĩ có thể phát hiện các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn, phát hiện bất thường về chức năng sinh sản và các bệnh lý có khả năng lây nhiễm qua đường máu, đường tình dục.
Ngoài quá trình thăm khám, các cặp đôi thực hiện dịch vụ này còn được bác sĩ tư vấn về cách xây dựng đời sống tình dục an toàn, trang bị thêm một số kiến thức cần thiết và giải đáp tất cả các thắc mắc liên quan đến đời sống vợ chồng.
Nếu đang băn khoăn về việc khám sức khỏe tiền hôn nhân có thật sự cần thiết hay không, bạn có thể tham khảo 5 lợi ích mà biện pháp này mang lại:
1. Trang bị kiến thức sinh hoạt vợ chồng
Thực tế, có nhiều cặp đôi chưa quan hệ tình dục trước khi kết hôn và hoàn toàn chưa có kinh nghiệm về “chuyện giường chiếu”. Ngoài các kỹ thuật xét nghiệm, khám lâm sàng,… khám sức khỏe tiền hôn nhân còn có mục tư vấn với bác sĩ để được trang bị thêm kiến thức cần thiết cho cuộc sống vợ chồng. Ngoài ra, các cặp đôi có thể đặt câu hỏi và thắc mắc để được chuyên gia, bác sĩ giải đáp cụ thể.
Khi có đầy đủ kiến thức về tình dục, các cặp đôi sẽ giảm thiểu được khúc mắc và những tình huống phát sinh khi sinh hoạt vợ chồng, đồng thời hòa hợp và thấu hiểu nhau hơn về khía cạnh tình dục. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng sẽ tư vấn cụ thể về các biện pháp tránh thai an toàn và hiệu quả, không gây hại đến sức khỏe của cả hai.
Với những cặp đôi có ý định sinh con ngay sau khi kết hôn, bác sĩ sẽ tư vấn về thời điểm quan hệ để dễ thụ thai, cách xây dựng chế độ ăn và điều chỉnh lối sống để chuẩn bị thể trạng tốt nhất. Đồng thời tư vấn thêm các loại vaccine cần tiêm chủng để giảm nguy cơ mắc bệnh và bảo vệ sức khỏe cho cả hai.
2. Tầm soát và điều trị sớm các bệnh lây nhiễm
Sinh hoạt vợ chồng là điều kiện thuận lợi để tăng nguy cơ lây nhiễm các bệnh lý như HIV/ AIDS, viêm gan B, viêm gan C, trùng roi Trichomonas, lậu, Chlamydia, giang mai, mụn rộp sinh dục (Herpes simplex), bệnh hạ cam,… Do đó khám sức khỏe tiền hôn nhân có các xét nghiệm cận lâm sàng nhằm phát hiện các bệnh có khả năng lây nhiễm qua đường tình dục.
Việc phát hiện sớm các bệnh lý này giúp hạn chế được nguy cơ lây nhiễm cho bạn tình, đồng thời có kế hoạch điều trị và xử lý sớm. Hơn nữa, tầm soát các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục trước khi kết hôn còn giúp cả hai có thể tự tin hơn trong đời sống vợ chồng.
Với những cặp đôi có ý định sinh con, bước tầm soát các bệnh lây nhiễm có vai trò vô cùng quan trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của thai nhi. Sau khi tầm soát, bác sĩ sẽ trang bị thêm cho các cặp đôi kiến thức cần thiết để bảo vệ sức khỏe của bản thân trước các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục.
3. Phát hiện các vấn đề sức khỏe
Khám tổng quát là bước đầu tiên trong khám sức khỏe tiền hôn nhân. Bước này bao gồm các danh mục như đo huyết áp, điện tâm đồ, X-Quang lồng ngực, phân tích nước tiểu, sàng lọc di truyền,… Qua thăm khám tổng quát, bác sĩ có thể phát hiện được các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn và can thiệp điều trị trong thời gian sớm nhất.
4. Đánh giá và phát hiện bất thường về chức năng sinh sản
Bước cuối cùng của khám sức khỏe tiền hôn nhân là thực hiện các xét nghiệm, thăm khám lâm sàng để đánh giá chức năng sinh sản. Đây là bước vô cùng quan trọng với những cặp đôi mong muốn có con sau ngay sau khi kết hôn.
Thông qua xét nghiệm tinh dịch đồ, siêu âm buồng trứng, kiểm tra hormone,… bác sĩ có thể đánh giá và phát hiện các bất thường về chức năng sinh sản của cả nam và nữ giới. Ngoài các vấn đề ở cơ quan sinh dục, khám sức khỏe tiền hôn nhân còn giúp phát hiện các bệnh lý nội khoa có thể làm tăng nguy cơ vô sinh – hiếm muộn như rối loạn tuyến giáp, lupus ban đỏ hệ thống, nghiện rượu,…
5. Phát hiện sớm các bệnh có khả năng di truyền
Trước khi bước vào đời sống hôn nhân, các cặp đôi nên khám sức khỏe tiền hôn nhân để phát hiện sớm các bệnh lý có khả năng di truyền. Vì trong một số trường hợp, cả mẹ và ba không mắc bệnh nhưng tiềm ẩn gen gây bệnh trong cơ thể. Điều này làm tăng nguy cơ trẻ sinh ra mắc các dị tật và bệnh lý di truyền có mức độ nghiêm trọng.
Khám sức khỏe tiền hôn nhân có thể phát hiện các bệnh di truyền như tan máu bẩm sinh (Thalassemia), ung thư, rối loạn đông máu, hội chứng Down, câm điếc bẩm sinh,… Việc phát hiện sớm các bệnh lý này giúp hạn chế tối đa các dị tật bẩm sinh ở thai nhi, từ đó nâng cao chất lượng dân số, giảm áp lực kinh tế lên gia đình và xã hội. Đối với những trường hợp có nguy cơ mang thai bị dị tật cao, bác sĩ sẽ tư vấn một số biện pháp khắc phục như lựa chọn tinh trùng khỏe mạnh để thụ tinh nhân tạo hoặc thụ tinh trong ống nghiệm.
Khám sức khỏe tiền hôn nhân gồm những gì?
Khám sức khỏe tiền hôn nhân bao gồm nhiều hạng mục khác nhau tùy theo gói dịch vụ mà bạn lựa chọn. Hiện nay ngoài các gói cơ bản, một số bệnh viện/ phòng khám còn xây dựng gói nâng cao dành cho những khách hàng có nhu cầu.
Tuy nhiên, gói khám thường bao gồm các hạng mục bắt buộc sau đây:
1. Khám sức khỏe tổng quát
Khám sức khỏe tổng quát là bước đầu tiên trong quá trình khám tiền hôn nhân. Khám tổng quát thường bao gồm các hạng mục sau:
- Khai thác tiền sử của các cặp đôi (tiền sử bệnh lý, dị ứng, có thực hiện phẫu thuật hay không, từng gặp phải tai nạn/ thương tích nặng không, có làm việc trong môi trường độc hại hay không,…).
- Khai thác tiền sử gia đình – đặc biệt là các bệnh lý có tính chất di truyền như tiểu đường, ung thư,…
- Chụp X-Quang lồng ngực, kiểm tra chức năng gan, thận, xét nghiệm nước tiểu, đo huyết áp, điện tâm đồ, chiều cao, cân nặng, thị lực,…
2. Xét nghiệm cận lâm sàng
Sau khi khám tổng quát, cả hai cần thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng để phát hiện các bệnh lây nhiễm và lây truyền qua đường tình dục. Ngoài ra, xét nghiệm cận lâm sàng còn giúp phát hiện các bệnh lý tiềm ẩn và sàng lọc người lành mang gen bệnh để giảm thiểu dị tật bẩm sinh cho con cái.
Các xét nghiệm được thực hiện trong quá trình khám sức khỏe tiền hôn nhân:
Xét nghiệm sàng lọc HIV: HIV là căn bệnh thế kỷ chưa có phương pháp điều trị dứt điểm. Đây cũng là bệnh lý có khả năng lây nhiễm qua đường máu, lây từ mẹ sang con và lây qua đường tình dục. Do đó, các cặp đôi trước khi kết hôn nên xét nghiệm sàng lọc HIV để bảo vệ sức khỏe cho cả hai và đảm bảo sức khỏe của con trẻ trong tương lai. Hơn nữa, việc sàng lọc HIV còn giúp cả hai có tâm lý thoải mái và tự tin hơn khi bước vào đời sống hôn nhân.
Xét nghiệm sàng lọc tế bào hình liềm: Bệnh hồng cầu hình liềm có khả năng di truyền. Do đó, các cặp đôi khám sức khỏe tiền hôn nhân sẽ được xét nghiệm sàng lọc tế bào hình liềm. Bởi cha hoặc mẹ có thể là người lành mang gen bệnh và “vô tình” di truyền cho con cái.
Xét nghiệm VDRL: Xét nghiệm VDRL là xét nghiệm tìm kháng thể giang mai không đặc hiệu. Xét nghiệm này giúp sàng lọc bệnh ở các cặp đôi, từ đó giúp phát hiện bệnh sớm và can thiệp điều trị kịp thời. Giang mai là một trong bệnh lây nhiễm qua đường tình dục đang có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây. Chính vì vậy, việc sàng lọc bệnh lý này trước khi kết hôn là vô cùng quan trọng, giúp bảo vệ sức khỏe cho cả hai.
Xét nghiệm sàng lọc viêm gan: Các bệnh viêm gan do virus như viêm gan B và C đều có khả năng lây nhiễm qua đường máu và đường tình dục. Do đó, cả hai sẽ được xét nghiệm sàng lọc các bệnh lý này trước khi kết hôn. Trong trường hợp chưa có kháng nguyên, bác sĩ sẽ đề nghị tiêm vaccine để phòng ngừa bệnh.
Xét nghiệm sàng lọc tâm lý: Xét nghiệm này không phổ biến – đặc biệt là những cơ sở y tế công lập. Tuy nhiên đây lại là xét nghiệm vô cùng quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống tình dục và cuộc sống vợ chồng.
Sàng lọc tâm lý giúp xác định về việc cả hai đã sẵn sàng cho cuộc sống mới hay chưa, đồng thời đánh giá nguy cơ và phát hiện các vấn đề tâm lý như trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn hưng trầm cảm,… Ngoài ra nếu có hai đang có khúc mắc, bác sĩ sẽ tiến hành trị liệu tâm lý để các cặp đôi có tâm lý thoải mái và lạc quan khi bước vào cánh cửa hôn nhân.
Xét nghiệm huyết sắc tố: Xét nghiệm huyết sắc tố là xét nghiệm máu nhằm phát hiện các loại hemoglobin bất thường như hemoglobin S, C, D,… Thông qua xét nghiệm này, bác sĩ có thể đánh giá được nguy cơ mắc bệnh hồng cầu lưỡi liềm và thiếu máu tán huyết.
Kiểm tra đường huyết: Tiểu đường là một trong những bệnh nội khoa ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Do đó, kiểm tra đường huyết luôn nằm trong danh mục của các gói khám sức khỏe tiền hôn nhân. Hơn nữa, bệnh lý này còn ảnh hưởng không nhỏ đến chức năng tình dục và sức khỏe sinh sản của cả nam và nữ giới.
Lưu ý: Một số gói khám sức khỏe tiền hôn nhân không có đầy đủ các hạng mục kể trên hoặc có thể có thêm một số hạng mục chuyên sâu. Để được tư vấn rõ hơn, bạn nên truy cập vào website của các trung tâm/ bệnh viện đang có ý định khám hoặc trao đổi trực tiếp với nhân viên tư vấn.
3. Khám sức khỏe sinh sản
Khám sức khỏe sinh sản được thực hiện sau khi khám tổng quát và sàng lọc các bệnh lây nhiễm. Đây là bước quan trọng nhất trước khi cả hai bước vào cuộc sống hôn nhân bởi chức năng sinh sản ảnh hưởng trực tiếp đời sống tình dục và khả năng thụ thai.
Khám sức khỏe sinh sản bao gồm các hạng mục riêng biệt dành riêng cho nam và nữ:
– Đối với nam giới:
- Xét nghiệm tinh dịch đồ: Xét nghiệm này sử dụng lượng tinh dịch mà nam giới mới xuất tinh đem đi xét nghiệm. Xét nghiệm dựa vào thể tích lượng tinh dịch, mật độ tinh trùng, hình thái tinh trùng, vận tốc của tình trùng, độ pH của tinh dịch, số lượng bạch cầu trong tinh dịch,… để đánh giá chức năng sinh sản của nam giới và phát hiện một số bệnh lây nhiễm qua đường tình dục.
- Xét nghiệm dịch niệu đạo: Niệu đạo là cơ quan dẫn nước tiểu từ bàng quang ra khỏi cơ thể. Ngoài ra, niệu đạo cũng là nơi phóng tinh trùng ra bên ngoài. Do đó, khám chức năng sinh sản của nam giới thường bao gồm cả xét nghiệm dịch niệu đạo. Xét nghiệm dịch niệu đạo giúp phát hiện các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, viêm nhiễm đường tiết niệu và một số vấn đề sức khỏe khác.
- Xét nghiệm hormone testosterone: Xét nghiệm hormone testosterone được thực hiện thông qua xét nghiệm máu. Xét nghiệm này giúp đo lường nồng độ hormone trong cơ thể nam giới, từ đó đánh giá được chức năng tình dục, sinh sản và phát hiện bất thường ở hệ trục tinh hoàn – tuyến yên – vùng dưới đồi.
– Đối với nữ giới:
- Khám vòng 1: Nữ giới trong độ tuổi sinh sản có nguy cơ bị ung thư vú cao nên bác sĩ sẽ tiến hành khám nhũ, siêu âm tuyến vú và chụp X-Quang để sàng lọc các khối u bất thường. Ngoài ra, khám vòng 1 còn giúp phát hiện sớm các bệnh lý lành tính ở tuyến vú như xơ nang tuyến vú, áp xe vú, viêm tuyến vú, nang tuyến vú, u diệp thể,…
- Soi tươi dịch âm đạo: Phát hiện các bệnh viêm nhiễm phụ khoa thông thường và các bệnh xã hội như giang mai, sùi mào gà, lậu,…
- Khám cơ quan sinh dục: Bao gồm soi tử cung, buồng trứng, vòi trứng, âm đạo,… để phát hiện các vấn đề bất thường và xử lý sớm (nếu có). Trên thực tế, nữ giới ở độ tuổi sinh sản rất dễ bị u nang buồng trứng, u xơ tử cung, viêm lộ tuyến, viêm nội mạc tử cung,… Các bệnh lý này đều ảnh hưởng đến khả năng thụ thai và làm tăng nguy cơ vô sinh – hiếm muộn ở nữ giới.
- Kiểm tra hormone sinh dục: Kiểm tra hormone sinh dục nữ được thực hiện thông qua xét nghiệm máu. Các loại hormone cần được kiểm tra bao gồm hormone estrogen, progesterone, LH, FSH, hormone prolactin, hormone testosterone và hormone androgen.
Đối với những cặp đôi có nhu cầu, bệnh viện có thể thực hiện thêm một số dịch vụ nâng cao như tầm soát ung thư cổ tử cung, ung thư tuyến tiền liệt,…
4. Tư vấn sức khỏe sinh sản, tình dục
Sau khi kết thúc quá trình thăm khám, các cặp đôi sẽ được tư vấn về sức khỏe sinh sản và tình dục để cả hai có thể bước vào cuộc sống hôn nhân một cách thuận lợi nhất. Quá trình tư vấn trong gói khám sức khỏe tiền hôn nhân bao gồm:
- Tư vấn sức khỏe sinh sản (ngăn ngừa mang thai ngoài ý muốn, thời điểm nên mang thai, giảm nguy cơ dị tật bẩm sinh và các bệnh di truyền cho thai nhi,…)
- Trang bị các kiến thức về kế hoạch hóa gia đình
- Trang bị kiến thức để phòng ngừa lây nhiễm bệnh qua đường tình dục
- Tư vấn chế độ ăn uống, sinh hoạt để chuẩn bị thể trạng tốt trước khi mang thai
- Tư vấn lịch tiêm chủng
Nên khám sức khỏe tiền hôn nhân khi nào? Chi phí bao nhiêu?
Theo các chuyên gia, các cặp đôi nên khám sức khỏe tiền hôn nhân trước khi kết hôn khoảng 6 tháng hoặc tối thiểu là 3 tháng. Bởi nếu phát hiện ra các vấn đề sức khỏe bất thường, đây là thời gian tối thiểu để kiểm soát bệnh lý và tránh tâm lý lo âu, căng thẳng quá mức vào thời điểm trọng đại nhất của cuộc đời. Nếu có thời gian, cả hai có thể khám sớm hơn để chuẩn bị chu đáo nhất cho lễ cưới.
Chi phí khám sức khỏe tiền hôn nhân là vấn đề được bạn đọc quan tâm. Theo khảo sát, chi phí khám dao động khoảng 2 – 4.000.000 đồng/ nữ giới và 1.800.00 – 3.200.000 đồng/ nam giới. Tuy nhiên, chi phí thực tế có thể thấp hoặc cao hơn tùy vào gói khám mà bạn lựa chọn, cơ sở khám chữa bệnh và một số yếu tố khách quan khác.
Thực tế, phí khám sức khỏe tiền hôn nhân tại các bệnh viện công thường thấp hơn 500.000 – 1.500.000 đồng so với các cơ sở y tế tư nhân. Tuy nhiên, các bệnh viện tư thường có dịch vụ tốt, cơ sở hạ tầng khang trang, thủ tục nhanh chóng và không mất quá nhiều thời gian chờ đợi. Do đó, các cặp đôi nên cân nhắc về nhu cầu và khả năng tài chính để có thể lựa chọn được địa chỉ thích hợp.
Một số lưu ý cần biết trước khi khám sức khỏe tiền hôn nhân
Để quá trình khám sức khỏe tiền hôn nhân diễn ra thuận lợi, các cặp đôi trước khi đến khám cần lưu ý một số vấn đề quan trọng sau:
- Chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ cần thiết như bảo hiểm, hộ chiếu/ chứng minh nhân dân,…
- Nếu không có nhiều thời gian, bạn nên đặt lịch hẹn trước khi đến. Phí khám có đặt lịch trước thường chỉ cao hơn khoảng 50 – 100.000 đồng nhưng bạn có thể giảm thiểu được thời gian chờ đợi đáng kể.
- Khám sức khỏe tiền hôn nhân bao gồm các xét nghiệm cận lâm sàng như xét nghiệm đường huyết, xét nghiệm cholesterol, test triglyceride,… Do đó, cần nhịn ăn trước khi lấy máu khoảng 10 giờ đồng hồ, đồng thời không dùng các loại thức uống – ngoại trừ nước lọc.
- Nam giới nên uống nhiều nước và cần nhịn đi tiểu để thuận lợi cho quá trình siêu âm tuyến tiền liệt.
- Nữ giới không nên khám sức khỏe tiền hôn nhân vào những ngày đang hành kinh hoặc đang sử dụng thuốc đặt/ bôi âm đạo. Thời điểm thích hợp nhất để thăm khám là trước hoặc sau kỳ kinh khoảng 5 ngày.
- Nam giới nên tránh quan hệ tình dục và thủ dâm trước khi khám khoảng 4 – 5 ngày để tinh dịch phản ánh đúng chức năng sinh sản. Ngoài ra, cần tránh dùng rượu bia, thuốc lá và chất kích thích trước khi khám khoảng vài ngày.
- Để quá trình khám diễn ra thuận lợi, nên hạn chế mặc trang phục bó sát, chật hoặc các loại váy liền thân.
- Trước khi khám, nên thông báo với bác sĩ các loại thuốc đang sử dụng và lịch sử dùng thuốc trong vòng 15 này để đảm bảo các xét nghiệm cận lâm sàng cho kết quả khách quan nhất.
- Thẳng thắn trao đổi với bác sĩ các thắc mắc để được giải đáp và tìm hướng giải quyết.
Khám sức khỏe tiền hôn nhân là biện pháp quan trọng giúp cả hai bảo vệ sức khỏe, xây dựng đời sống tình dục an toàn, lành mạnh và giảm thiểu tối đa các dị tật bẩm sinh ở thai nhi. Vì vậy nếu có ý định kết hôn, các cặp đôi nên tiến hành thăm khám để tự tin và thoải mái hơn khi bước vào cuộc sống hôn nhân.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!