Mụn trứng cá ở trẻ em: Nguyên nhân và cách điều trị
Nội Dung Bài Viết
Mụn trứng cá có thể xuất hiện ở trẻ em do nhiều nguyên nhân khác nhau. Mặc dù là bệnh lý lành tính và hầu như không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng mụn nổi ồ ạt có thể tác động tiêu cực đến yếu tố tâm lý và ngoại hình. Do đó, phụ huynh cần thực hiện các biện pháp kiểm soát mụn cho con trẻ để giảm tổn thương da, ngăn ngừa sẹo và hạn chế tối đa các ảnh hưởng tâm lý.
Trẻ em có bị mụn trứng cá không?
Mụn trứng cá là vấn đề da liễu thường gặp ở tuổi dậy thì và người trẻ do hoạt động quá mức của tuyến bã nhờn. Mụn thường xuất hiện ở những vùng da bài tiết nhiều dầu như trán, mũi, má và cằm. Ngoài ra, một số trường hợp có thể bị nổi mụn ở mông, đùi, hai cánh tay, vùng trước ngực, lưng và vai.
Chức năng của tuyến bã nhờn là sản xuất dầu để giữ ẩm cho da và điều hòa thân nhiệt. Tuy nhiên, sự tăng tiết bã nhờn quá mức có thể gây bít tắc lỗ chân lông và tạo điều kiện cho vi khuẩn P. acnes phát triển mạnh, gây viêm và hình thành mụn.
Thông thường, mụn trứng cá xuất hiện ở thanh thiếu niên do ảnh hưởng của hormone androgen (tăng mạnh vào giai đoạn dậy thì). Tuy nhiên, tình trạng dậy thì sớm hiện nay cũng có thể khiến mụn trứng cá xuất hiện sớm hơn bình thường. Thống kê cho thấy, bé gái có thể xuất hiện mụn từ 8 – 9 tuổi và bé trai nổi mụn trứng cá từ 12 – 13 tuổi.
Một số trẻ sơ sinh (thường dưới 3 tuổi) cũng có thể bị mụn trứng cá và xảy ra chủ yếu ở bé trai. Trong độ tuổi này, mụn thường xuất hiện ở trán, cằm và gò má. Tuy nhiên, mụn trứng cá ở trẻ sơ sinh và trẻ dưới 3 tuổi có thể tự thuyên giảm sau vài tháng nếu vệ sinh da đúng cách.
Như vậy có thể thấy, mụn trứng cá không chỉ xảy ra ở thanh thiếu niên và người trẻ tuổi mà còn xuất hiện ở trẻ sơ sinh và trẻ từ 8 – 12 tuổi do nhiều nguyên nhân khác nhau. Mặc dù là bệnh lành tính nhưng mụn trứng cá gây mất thẩm mỹ, dễ để lại sẹo thâm, sẹo lõm và làm giảm chất lượng cuộc sống của trẻ.
Nguyên nhân gây mụn trứng cá ở trẻ em
Mụn trứng cá ở trẻ em có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Các nguyên nhân phổ biến gây mụn ở trẻ em, bao gồm:
- Di truyền: Di truyền là yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe làn da. Thống kê cho thấy nếu cả ba và mẹ bị mụn, trẻ có đến 70% nguy cơ bị mụn trứng cá.
- Tăng sinh các nang thượng bì: Vi khuẩn P. acnes thường trú trên da và hầu như không gây ra bất cứ vấn đề da liễu nào. Tuy nhiên, sự tăng sinh quá mức của các nang thượng bì có thể khiến nang lông bị bít kín, tạo môi trường yếm khí và kích thích vi khuẩn P. acnes phát triển mạnh.
- Tăng tiết bã nhờn: Tăng tiết bã nhờn là một trong những nguyên nhân khiến lỗ chân lông bị bít tắc và gây ra mụn trứng cá. Tình trạng này có thể là hệ quả do ảnh hưởng của hormone androgen hoặc tuyến bã nhờn của trẻ bị rối loạn do chưa phát triển hoàn chỉnh.
Ngoài những nguyên nhân trực tiếp, nguy cơ bị mụn trứng cá ở trẻ nhỏ có thể tăng lên nếu có những yếu tố thuận lợi như:
- Trẻ thường xuyên sử dụng thực phẩm và thức uống chứa nhiều đường, món ăn chứa nhiều dầu mỡ, gia vị, thực phẩm chế biến sẵn,…
- Trẻ chưa biết cách vệ sinh da khiến bã nhờn, bụi bẩn và da chết tích tụ trong nang lông
- Nội tiết tố của trẻ thay đổi mạnh trong giai đoạn dậy thì
- Tâm lý của trẻ bị căng thẳng do áp lực từ việc học, phải thức khuya thường xuyên để học bài,…
- Mụn trứng cá ở trẻ em cũng có thể là hệ quả do sử dụng thuốc chống lao, thuốc kháng động kinh, vitamin B12, lạm dụng corticoid trong điều trị chàm và các bệnh viêm da mãn tính,…
Nhận biết mụn trứng cá ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ
Mụn trứng cá ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có biểu hiện khá đa dạng tùy thuộc vào cơ địa và nguyên nhân gây mụn. Tuy nhiên, đa phần mụn trứng cá ở trẻ đều có mức độ nhẹ và có thể thuyên giảm nhanh sau một thời gian điều trị.
Các biểu hiện nhận biết mụn trứng cá ở trẻ em:
- Xuất hiện nốt mụn đỏ có mủ ở má, cằm và mũi
- Hoặc có thể nổi các sẩn đỏ không nhân ở những vùng da tiết nhiều bã nhờn
- Bề mặt da bóng dầu, sần sùi và kém mịn màng
- Vùng da bị mụn có thể gây ngứa ngáy, nóng rát và khó chịu
Thông thường, mụn trứng cá ở trẻ xuất hiện khu trú ở mặt, ngực, vai và lưng. Tuy nhiên ở trẻ dưới 3 tuổi, một số ít trường hợp có thể xuất hiện mụn ồ ạt trên diện rộng.
Các phương pháp điều trị mụn trứng cá ở trẻ em
Điều trị mụn trứng cá ở trẻ em phụ thuộc vào mức độ mụn và độ tuổi. Đối với trẻ dưới 3 tuổi, mụn trứng cá có thể tự thuyên giảm mà không cần can thiệp các biện pháp y tế. Ngược lại nếu mụn xuất hiện từ 9 tuổi và có mức độ trung bình đến nặng, phụ huynh nên cân nhắc đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được thăm khám và chỉ định loại thuốc phù hợp.
Dưới đây là một số biện pháp điều trị mụn trứng cá ở trẻ em:
1. Loại trừ các yếu tố gây mụn ở trẻ
Trước khi can thiệp các biện pháp y tế, phụ huynh nên loại trừ các yếu tố gây mụn để hạn chế hình thành các nốt mụn mới. Theo thời gian, các nốt mụn cũ sẽ khô lại và bị loại bỏ bằng dụng cụ nặn mụn mà không cần phải sử dụng thuốc.
Da của trẻ nhỏ khá mỏng và nhạy cảm. Do đó, phụ huynh nên ưu tiên thực hiện biện pháp này thay vì sử dụng thuốc bôi và thuốc uống.
Để kiểm soát mụn trứng cá ở trẻ em, cần loại trừ các yếu tố gây mụn như:
- Tắm rửa cho trẻ 2 lần/ ngày (sáng – tối) để tránh tích tụ bã nhờn, da chết và bụi bẩn tích tụ ở nang lông. Đồng thời nên cho trẻ mặc các trang phục rộng rãi, chất liệu cotton và thấm hút.
- Nếu mụn xuất hiện ở vùng da mặt, nên làm sạch bằng sữa rửa mặt có độ pH 5.5 và được sản xuất dành riêng cho trẻ nhỏ (Cetaphil, Eucerin,…). Làm sạch da đúng cách có thể hạn chế tối đa tình trạng bít tắc nang lông và gây mụn.
- Dặn dò trẻ không được sờ tay lên mặt khi chưa làm sạch tay bằng xà phòng. Thói quen này không chỉ làm tăng nguy cơ hình thành nốt mụn mới mà còn gây bội nhiễm nốt mụn cũ và tăng nguy cơ để lại sẹo lõm.
- Khuyến khích trẻ uống nhiều nước, ăn nhiều rau xanh, trái cây và sữa chua để kiểm soát hoạt động bài tiết bã nhờn. Dặn dò trẻ hạn chế dùng đồ uống có gas, thức ăn nhanh, món ăn chứa nhiều dầu mỡ, gia vị và thực phẩm chế biến sẵn.
- Đối với trẻ đang trong giai đoạn dậy thì, nên lắng nghe mong muốn của con trẻ để tránh tình trạng rối loạn cảm xúc, lo âu và căng thẳng quá mức.
- Trong trường hợp trẻ bị nổi mụn trứng cá do lạm dụng corticoid, nên trao đổi với bác sĩ để được tư vấn hướng xử lý. Tuyệt đối không được ngưng thuốc đột ngột hay tự ý thay đổi loại thuốc bôi khác.
Đối với trẻ dưới 3 tuổi, loại trừ các yếu tố rủi ro và làm sạch da đúng cách có thể kiểm soát mụn trứng cá hoàn toàn. Tuy nhiên nếu mụn trứng cá xảy ra do ảnh hưởng của hormone androgen, trẻ có thể phải can thiệp một số biện pháp y tế trong trường hợp cần thiết.
2. Sử dụng thuốc bôi + thuốc uống
Sử dụng thuốc bôi và thuốc uống được áp dụng khi mụn trứng cá có mức độ từ trung bình đến nặng. Biện pháp này thường được chỉ định cho trẻ từ 8 tuổi trở lên.
Một số loại thuốc bôi và thuốc uống được sử dụng để điều trị mụn trứng cá ở trẻ em:
– Thuốc bôi:
Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của mụn trứng cá và độ tuổi của trẻ, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc bôi chứa sulfur (lưu huỳnh), axit salicylic (BHA), acid azelaic, tretinoin, adapalene, retinoid, benzoyl peroxide, kháng sinh dạng bôi,…
Mặc dù là chế phẩm bôi ngoài da nhưng các loại thuốc này có thể gây kích ứng mạnh nếu dùng không đúng cách. Vì vậy, chỉ nên sử dụng thuốc cho con trẻ khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
– Thuốc uống:
Trong trường hợp mụn nặng, bác sĩ có thể yêu cầu dùng kháng sinh đường uống, viên uống bổ sung kẽm và vitamin C để ức chế sự phát triển quá mức của hại khuẩn, kiểm soát bã nhờn và thúc đẩy tốc độ phục hồi, tái tạo mô da. Tuy nhiên, thuốc uống tiềm ẩn nhiều rủi ro và biến chứng. Do đó, bác sĩ chỉ yêu cầu sử dụng khi lợi ích mang lại cao hơn so với rủi ro tiềm tàng.
Khác với người trưởng thành, trẻ nhỏ có làn da khá mỏng và nhạy cảm. Vì vậy, trẻ rất dễ bị kích ứng da và gặp phải một số tác dụng phụ khi sử dụng thuốc điều trị mụn trứng cá. Để đảm bảo an toàn, phụ huynh nên cho trẻ sử dụng thuốc đúng liều lượng và thời gian được chỉ định. Bên cạnh đó, cần chú ý biểu hiện của con trẻ và thông báo với bác sĩ khi có dấu hiệu bất thường.
3. Một số biện pháp khác
Trong trường hợp trẻ bị dị ứng với các loại thuốc bôi và không thể sử dụng thuốc uống, phụ huynh có thể cho trẻ điều trị bằng một số biện pháp xâm lấn như:
- Điều trị mụn trứng cá bằng tia laser
- Lột da hóa chất (chemical peeling)
- Lấy nhân mụn y khoa
- Tiêm corticoid vào da trong trường hợp nốt mụn có kích thước lớn và gây tổn thương da nặng nề
Lưu ý khi điều trị mụn trứng cá ở trẻ em
Mụn trứng cá ở trẻ em là bệnh da liễu lành tính nhưng gây ảnh hưởng nhiều đến tâm lý và ngoại hình. Hơn nữa, trẻ chưa có ý thức chăm sóc da nên nốt mụn dễ bị bội nhiễm và để lại sẹo vĩnh viễn.
Vì vậy trong quá trình điều trị mụn trứng cá cho con trẻ, phụ huynh cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Hướng dẫn trẻ vệ sinh da mặt đúng cách và hạn chế tối đa tình trạng chạm tay vào mặt khi chưa làm sạch bằng xà phòng.
- Trong trường hợp da của trẻ tiết quá nhiều bã nhờn, nên cho trẻ sử dụng giấy thấm dầu để giảm nguy cơ bít tắc nang lông.
- Để hỗ trợ đẩy mụn trứng cá và làm sạch da sâu, xông mặt cho trẻ 2 lần/ tuần. Ngoài ra, phụ huynh cũng có thể cho trẻ đi lấy nhân mụn 1 tháng/ lần để làm sạch nhân mụn ẩn sâu bên trong da.
- Tuyệt đối không tự nặn mụn cho trẻ tại nhà và nhắc nhở trẻ không được tự nặn mụn.
- Không tự ý sử dụng thuốc bôi không rõ nguồn gốc cho trẻ nhỏ. Thực tế đã có ghi nhận về nhiều trường hợp trẻ bị mụn trứng cá bội nhiễm nặng do phụ huynh sử dụng các sản phẩm trôi nổi trên thị trường.
- Khuyến khích và động viên trẻ khi điều trị mụn. Trong trường hợp cần thiết, nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ nếu trẻ bị tổn thương tâm lý nghiêm trọng.
- Cần kết hợp chế độ chăm sóc da và lối sống khoa học để kiểm soát mụn trứng cá hoàn toàn và phòng ngừa mụn tái phát.
Mụn trứng cá ở trẻ em ảnh hưởng không nhỏ đến ngoại hình và tâm lý – đặc biệt là trẻ đang trong giai đoạn dậy thì. Vì vậy, phụ huynh nên chú ý tình trạng da của trẻ và chủ động tìm gặp bác sĩ trong trường hợp cần thiết. Tuyệt đối không tùy tiện sử dụng thuốc bôi và thuốc uống không rõ nguồn gốc – xuất xứ.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!