Nhiệt Miệng Trong Cổ Họng Do Đâu? Làm Sao Chữa Trị?
Nội Dung Bài Viết
Nổi nhiệt miệng trong cổ họng (loét áp tơ) là một dạng viêm loét niêm mạc miệng lành tính. Hiện nay, nguyên nhân gây bệnh chưa được biết rõ nhưng thường có liên quan đến stress, vệ sinh răng miệng kém và thiếu hụt vitamin, khoáng chất,… Các nốt nhiệt miệng thường gây khó chịu, đau rát nhiều nhưng có thể tự lành sau 2 – 6 tuần.
Nổi nhiệt miệng trong cổ họng – Dấu hiệu nhận biết
Nổi nhiệt miệng trong cổ họng là tình trạng phổ biến không kém nhiệt miệng ở niêm mạc miệng, nướu và lưỡi. Thực tế, tất cả các vị trí bên trong khoang miệng đều có nguy nổi nhiệt miệng (loét áp tơ).
Loét áp tơ (nhiệt miệng) là một dạng viêm loét niêm mạc miệng lành tính đặc trưng bởi một hoặc nhiều vết loét có kích thước nhỏ khoảng 1cm, nông, xung quanh đỏ và chính giữa có mủ màu trắng hoặc vàng. Sau đó, mủ vỡ ra khiến vết loét lõm vào bên trong, bờ cao, khi chạm vào đau rát và khó chịu.
Thông thường, nhiệt miệng chỉ nổi vài vết loét mọc đơn độc. Tuy nhiên cũng có những trường hợp nhiệt miệng nổi thành từng đám hoặc rải rác với số lượng vết loét tương đối nhiều. Loét áp tơ khá lành tính và có thể tự khỏi sau 7 – 14 ngày mà không phải điều trị. Nhưng cũng có những trường hợp bị nhiệt miệng dai dẳng, tái phát liên tục gây đau rát, khó chịu ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
Để nhận biết nhiệt miệng (loét áp tơ) nổi trong cổ họng, bạn có thể dựa vào một số dấu hiệu sau:
- Quan sát niêm mạc họng nhận thấy vết loét có hình tròn hoặc bầu dục, đường kính thường nhỏ hơn 1 cm (thông thường là 2 – 3mm)
- Nhiệt miệng là các nốt có mủ trắng hoặc vàng ở chính giữa, khi vỡ để lại lõm sâu, bờ xung quanh cao hơn và có màu đỏ.
- Các nốt nhiệt miệng bên trong cổ họng thường gây ra cảm giác đau đớn, khó chịu – nhất là khi ăn uống. Thậm chí, những vết loét lớn, sâu có thể gây đau nhiều và đôi khi để lại sẹo.
- Trong khi đó, hầu hết những vết loét thông thường đều khá nông, đường kính không quá 1cm và hầu như không để lại sẹo sau khi lành hẳn.
- Tùy theo phạm vi vết loét và cơ địa của từng người, nhiệt miệng ở trong cổ họng có thể lành hẳn sau 2 – 6 tuần.
- Nhiệt miệng trong cổ họng khá dễ tái phát, có thể sau khoảng vài tháng hoặc thậm chí chỉ vài tuần. Với những vết loét lâu ngày không khỏi, cần phân biệt với các dạng viêm loét niêm mạc miệng khác.
So với nhiệt miệng nổi ở lưỡi, nướu và niêm mạc miệng, nhiệt miệng trong cổ họng gây đau rát nhiều hơn. Thậm chí, không ít người gặp khó khăn khi ăn uống trong thời gian bị nhiệt miệng. Vì vậy, dù bệnh có thể tự thuyên giảm nhưng bạn nên can thiệp các biện pháp chăm sóc và điều trị để vết loét nhanh lành hơn.
Nguyên nhân gây nổi nhiệt miệng trong cổ họng
Nhiệt miệng là một trong những bệnh lý về răng miệng khá phổ biến. Dù vậy, nguyên nhân chính xác gây ra bệnh lý này vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, các nghiên cứu được thực hiện đều cho thấy, nhiệt miệng nói chung và nhiệt miệng trong cổ họng nói riêng có liên quan đến phản ứng của hệ miễn dịch.
Dưới đây là một số nguyên nhân, yếu tố được cho là có liên quan đến tình trạng nổi nhiệt miệng trong cổ họng:
1. Dùng thức ăn cứng khiến cổ họng bị trầy xước
Cổ họng là nơi tiếp xúc thường xuyên với thức ăn. Nếu dùng thức ăn cứng, khô, niêm mạc họng có thể bị trầy xước, từ đó tạo điều kiện hình thành loét áp tơ. Ngoài ra, chấn thương nhẹ trong quá trình thực hiện các kỹ thuật nha khoa và tiểu phẫu răng miệng cũng có thể là nguyên nhân gây nổi nhiệt miệng trong cổ họng.
2. Thói quen dùng thức ăn có tính nóng
Nhiệt miệng trong cổ họng thường nổi sau khi dùng nhiều thức ăn, đồ uống có tính nóng như cà phê, rượu bia, món ăn cay nóng, mặn và nhiều dầu mỡ. Khi các loại thực phẩm này lâu ngày, nướu và niêm mạc miệng trở nên sưng đỏ, nhạy cảm và dễ bị xây xước hơn bình thường. Vết xước sẽ nhanh chóng tạo thành vết loét nếu cơ thể vốn có sức đề kháng kém, thiếu nước, thiếu hụt vitamin và khoáng chất.
3. Vệ sinh răng miệng kém
Vệ sinh răng miệng kém là yếu tố thuận lợi gia tăng nguy cơ bị nhiệt miệng và các bệnh nha khoa như viêm nướu răng, viêm nha chu, sâu răng,… Trong khoang miệng chứa hơn 2 tỷ vi khuẩn. Do đó, hại khuẩn có thể phát triển mạnh khi thức ăn và mảng bám tích tụ nhiều. Đây là lý do vì sao mỗi ngày cần phải chải răng ít nhất 2 lần và mỗi lần kéo dài khoảng 3 phút.
Vệ sinh răng miệng kém không chỉ khiến vi khuẩn trong khoang miệng phát triển mà còn tạo điều kiện cho virus và vi khuẩn ngoại sinh xâm nhập. Trong trường hợp cổ họng có vết xây xước sẵn, virus và vi khuẩn có thể xâm nhập tạo thành nốt nhiệt miệng.
4. Nội tiết tố thay đổi
Nội tiết tố thay đổi cũng là yếu tố gia tăng nguy cơ nổi nhiệt trong cổ họng. Dù cơ chế chưa được biết rõ nhưng các chuyên gia nhận thấy, nhiệt miệng thường xảy ra ở phụ nữ mang thai, người đang cho con bú, giai đoạn hành kinh và tiền mãn kinh,…
Ở các giai đoạn này, nội tiết trong cơ thể có sự thay đổi nên ít nhiều ảnh hưởng đến hoạt động của hệ miễn dịch. Đây chính là điều kiện thuận lợi để virus, vi khuẩn xâm nhập vào niêm mạc cổ họng khiến niêm mạc hình thành nhiệt miệng (loét áp tơ).
5. Thiếu hụt vitamin và khoáng chất
Nhiệt miệng nói chung và nhiệt miệng trong cổ họng nói riêng đều có liên quan đến thiếu hụt vitamin B9 (acid folic), vitamin B12 và sắt. Ngoài ra, người có chế độ ăn thiếu vitamin C, kẽm và vitamin D cũng có nguy cơ bị nhiệt miệng cao do thiếu các vitamin và khoáng chất này khiến hệ miễn dịch suy giảm. Từ đó tạo điều kiện cho virus và vi khuẩn phát triển gây loét niêm mạc miệng.
6. Do sức đề kháng kém
Sức đề kháng kém là yếu tố làm gia tăng nguy cơ nổi nhiệt miệng bên trong cổ họng. Được biết, hệ miễn dịch suy giảm chính là điều kiện để các hại khuẩn trong khoang miệng phát triển và tấn công vào niêm mạc miệng.
Ngoài ra, đây cũng là điều kiện thuận lợi để virus, nấm men và vi khuẩn ngoại sinh xâm nhập vào cơ thể. Sự xâm nhập của vi khuẩn, virus có liên quan đến tình trạng nổi nhiệt miệng nói chung và nổi nhiệt miệng trong cổ họng nói riêng. Bên cạnh việc thiếu hụt vi chất dinh dưỡng, hệ miễn dịch kém còn do stress (căng thẳng), bị tiểu đường, nhiễm HIV, lupus ban đỏ hệ thống và mắc các bệnh mãn tính khác.
7. Ảnh hưởng của một số bệnh lý
Nguy cơ nhiệt miệng tăng lên đáng kể nếu mắc các bệnh lý nha khoa và hô hấp trên như sâu răng, viêm nướu răng, viêm nha chu, viêm thanh quản, viêm họng, viêm amidan,… Bởi các bệnh lý đều làm tăng số lượng vi khuẩn và virus trong khoang miệng, từ đó hình thành vết loét áp tơ ở lưỡi, niêm mạc miệng và cổ họng.
Ngoài ra, nổi nhiệt miệng trong cổ họng cũng có liên quan đến nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori, bệnh Crohn, bệnh viêm đại tràng, viêm loét đại tràng và trào ngược dạ dày thực quản,… Dù nguyên nhân chưa biết chính xác nhưng việc kiểm soát các bệnh lý này có thể làm giảm triệu chứng và hạn chế tình trạng nhiệt miệng tái phát.
8. Dị ứng thực phẩm
Dị ứng và nhạy cảm với các loại thực phẩm như hải sản, dứa, cà chua, socola, cà phê, rượu,… cũng là nguyên nhân gây nhiệt miệng. Tình trạng quá mẫn, dị ứng khiến niêm mạc cổ họng bị viêm, loét và ngứa sau khi ăn các loại thực phẩm này. Đây là điều kiện để vết loét hình thành ở cổ họng, lưỡi và một số vị trí khác bên trong khoang miệng.
9. Tác dụng phụ của một số loại thuốc
Sử dụng thuốc kháng viêm Ibuprofen, Diclofenac, Atenolol,… cũng có thể gia tăng nguy cơ bị nhiệt miệng trong cổ họng. Mặc dù cơ chế không được biết rõ nhưng ghi nhận có nhiều trường hợp nổi nhiệt miệng trong thời gian sử dụng các loại thuốc này.
Thống kê cho thấy, khoảng 20 – 40% dân số bị nhiệt miệng ít nhất 1 lần trong đời và một số người có thể bị tái phát thường xuyên. Trong đó, thanh thiếu niên, người trẻ và người da trắng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Dù nguyên nhân chưa được làm rõ nhưng các chuyên gia nhận định, nhiệt miệng trong cổ họng không lây truyền từ người này sang người khác.
Nhiệt miệng ở cổ họng ở nguy hiểm không?
Nhiệt miệng ở cổ họng là một dạng viêm loét niêm mạc miệng lành tính. Nếu để tự nhiên, vết loét có thể lành hẳn sau 2 – 6 tuần tùy theo từng trường hợp. Tuy nhiên, nhiệt miệng nổi bên trong cổ họng gây đau rát nhiều và khó chịu – đặc biệt là khi ăn uống và giao tiếp.
Dù là bệnh lành tính nhưng nhiệt miệng gây ra cảm giác khó chịu và đau nhức nhiều. Các triệu chứng này ảnh hưởng đáng kể đến việc ăn uống, giấc ngủ và đôi khi làm giảm hiệu quả học tập, làm việc. Chính vì vậy dù không nguy hiểm, bạn vẫn cần thực hiện các biện pháp điều trị và chăm sóc để giảm đau rát, khó chịu và giúp vết loét nhanh lành hơn.
Ngoài ra, cần có biện pháp phòng ngừa để hạn chế tình trạng tái phát. Thực tế, không ít trường hợp nhiệt miệng trong cổ họng tái phát thường xuyên gây ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Thậm chí, vết loét sâu có thể để lại sẹo từ đó gây ra cảm giác vướng víu và khó chịu khi nuốt.
Cách điều trị bệnh nhiệt miệng trong cổ họng
Nhiệt miệng thường tự hết sau 2 – 6 tuần và một số vết loét nhỏ có thể thuyên giảm hẳn sau 5 – 7 ngày. Tuy không có biện pháp điều trị đặc hiệu nhưng sử dụng một số loại thuốc và chăm sóc đúng cách có thể giảm nhẹ triệu chứng, từ đó rút ngắn thời gian vết loét phục hồi và hạn chế được nguy cơ tái phát đáng kể.
Khi gặp phải tình trạng nhiệt miệng ở cổ họng, bạn có thể áp dụng một số biện pháp điều trị sau:
1. Vệ sinh răng miệng đúng cách
Với nhiệt miệng có kích thước nhỏ, vết loét sẽ nhanh chóng lành sau vài ngày nên không nhất thiết phải sử dụng thuốc. Trong trường hợp này, bạn nên thực hiện các biện pháp chăm sóc răng miệng đúng cách để tạo điều kiện cho niêm mạc miệng phục hồi và giảm cảm giác đau rát, khó chịu.
Cách chăm sóc răng miệng đúng cách khi bị nổi nhiệt miệng ở cổ họng:
- Thay đổi kem đánh răng và nước súc miệng nếu nhận thấy các sản phẩm này chứa một số thành phần gây kích ứng như sodium lauryl sulfate và cồn. Nên sử dụng sản phẩm có công thức nhẹ dịu để làm dịu vết loét và ngăn ngừa nhiệt miệng tái phát.
- Chải răng 2 – 3 lần/ ngày sau khi ăn và trước khi đi ngủ. Khi chải răng, nên thao tác nhẹ nhàng để tránh xây xước và loét niêm mạc miệng. Các vết xước do chấn thương gây ra chính là yếu tố thuận lợi để hình thành loét áp tơ (nhiệt miệng) ở cổ họng.
- Sau khi chải răng, nên súc miệng kỹ với nước muối ấm hoặc các sản phẩm súc miệng không chứa thành phần gây kích ứng. Các sản phẩm này giúp tiêu diệt hại khuẩn, từ đó tạo điều kiện cho vết loét lành hoàn toàn.
- Nên dùng thêm chỉ nha khoa để loại bỏ thức ăn thừa và mảng bám bên trong kẽ răng.
2. Sử dụng thuốc
Bạn cũng có thể sử dụng thuốc để làm giảm các triệu chứng do nhiệt miệng nổi bên trong cổ họng gây ra. Tùy theo tình trạng cụ thể, bác sĩ/ dược sĩ sẽ chỉ định một số loại thuốc sau:
- Nitrate bạc: Nitrate bạc có tác dụng kháng khuẩn và sát trùng nhẹ. Đối với trường hợp nổi nhiệt miệng bên trong cổ họng, có thể sử dụng thuốc thoa lên vết loét để ngăn ngừa viêm nhiễm và làm dịu cảm giác đau rát. Nếu sử dụng loại thuốc này 2 – 3 lần/ ngày, vết loét sẽ lành hẳn chỉ sau vài ngày.
- Triamcinolone acetonide dạng bôi: Thuốc bôi chứa Triamcinolone acetonide được sử dụng trực tiếp lên vết loét 3 lần/ ngày sau các bữa ăn và trước khi đi ngủ. Loại thuốc này có tác dụng giảm sưng đau và cảm giác khó chịu do nhiệt miệng gây ra. Ngoài ra, những trường hợp bị nhiệt miệng ở lưỡi, nướu và niêm mạc miệng cũng có thể sử dụng thuốc để cải thiện.
- Amlexanox: Amlexanox là loại thuốc quen thuộc được sử dụng trong điều trị viêm loét niêm mạc miệng. Tác dụng chính của thuốc là làm dịu cơn đau, đẩy nhanh quá trình làm lành vết loét và ngăn ngừa nhiệt miệng tái phát. Thuốc được sử dụng từ 3 – 4 lần/ ngày trong liên tục vài ngày. Nếu sử dụng thường xuyên, vết loét do nhiệt miệng sẽ nhanh chóng lành hẳn sau vài ngày.
- Súc miệng chứa Tetracycline: Ngoài các loại thuốc bôi, bạn cũng có thể dùng thuốc súc miệng chứa Tetracycline để kháng khuẩn, giảm đau và giúp vết thương nhanh lành. Tuy nhiên, loại thuốc này có thể làm hỏng men răng do chứa hàm lượng axit cao. Bên cạnh đó, tránh tuyệt đối không nuốt phải thuốc do thuốc có thể gây ra tác dụng toàn thân. Hiện nay, thuốc súc miệng chứa Tetracycline chỉ được sử dụng khi loét miệng có liên quan đến hội chứng Behcet.
- Nước súc miệng Chlorhexidine: Nước súc miệng chứa Chlorhexidine cũng được sử dụng để điều trị nhiệt miệng ở cổ họng. Chlorhexidine có tác dụng kháng khuẩn, chống nấm và kháng virus. Do đó, sử dụng nước súc miệng chứa hoạt chất này 2 lần/ ngày có thể làm dịu niêm mạc và giúp vết loét nhanh lành hơn.
- Các loại thuốc khác: Ngoài những loại thuốc trên, một số trường hợp có thể phải dùng thêm thuốc uống như Paracetamol nếu bị sốt nhẹ, đau nhức, sưng hạch góc hàm. Viên uống bổ sung vitamin và kháng sinh được dùng khi nhiệt miệng tái phát thường xuyên do suy giảm miễn dịch, stress, thiếu hụt vitamin và khoáng chất.Trường hợp vết loét sâu có thể phải sử dụng kháng sinh đường uống.
Các loại thuốc được sử dụng để điều trị nhiệt miệng ở cổ họng phần nào có thể giảm cảm giác đau rát, khó chịu và giúp đẩy nhanh tốc độ lành vết loét. Tuy nhiên, về cơ bản, thuốc chỉ có tác dụng giảm triệu chứng, hoàn toàn không thể điều trị dứt điểm bệnh nhiệt miệng nói chung và nổi nhiệt miệng ở cổ họng nói riêng.
3. Cách chăm sóc, ăn uống hợp lý
Cổ họng là vị trí khá nhạy cảm và thường xuyên phải tiếp xúc với thức ăn, đồ uống. Vì vậy khi nổi nhiệt miệng trong cổ họng, bạn nên chú ý đến thói quen ăn uống và sinh hoạt.
Cách chăm sóc khi bị nổi nhiệt miệng ở cổ họng:
- Uống nhiều nước để làm dịu vết loét và kích thích khoang miệng tiết nhiều nước bọt. Điều này có thể hạn chế vi khuẩn phát triển mạnh gây viêm nhiễm vết loét. Để giảm cảm giác đau rát, bạn nên uống nước lọc ở nhiệt độ thường hoặc nước mát. Hạn chế uống nước nóng vì có thể khiến vết loét lan rộng ra.
- Nên dùng thức ăn lỏng, mềm, nguội và ít gia vị để tránh cảm xúc đau rát và khó chịu. Tăng cường bổ sung rau xanh, trái cây và thực phẩm chứa nhiều đạm, probiotic để nâng cao sức đề kháng. Tuy nhiên, nên chú ý chế biến ở dạng mềm, lỏng để hạn chế áp lực lên vết loét ở cổ họng.
- Nếu bị đau nhiều, có thể uống sữa lạnh, nước ép trái cây + rau củ và sinh tố. Nhưng cần hạn chế thức uống chứa axit vì có thể gây ra cảm giác đau rát và khó chịu khi tiếp xúc với vết loét.
- Trong thời gian bị nhiệt miệng trong cổ họng, tuyệt đối không uống rượu bia, cà phê, trà đặc và các loại nước ngọt. Bên cạnh đó, nên kiêng các món ăn chứa nhiều gia vị cay nóng, thực phẩm cứng, khô và khó tiêu hóa. Dùng các loại thức ăn, đồ uống này có thể khiến vết loét bị đau rát và khó chịu.
- Nên ngủ đủ giấc và nghỉ ngơi để nâng cao sức đề kháng.
- Ngoài ra, cần tránh hút thuốc lá để hạn chế tình trạng đau rát và khó chịu ở cổ họng.
Ngoài các biện pháp chăm sóc trên, bạn cũng có thể tận dụng một số thảo dược có đặc tính tiêu viêm, kháng khuẩn và làm dịu như nha đam, mật ong, dầu dừa, nghệ,… để cải thiện các triệu chứng khó chịu do nhiệt miệng trong cổ họng gây ra.
Phòng ngừa nhiệt miệng trong cổ họng
Nhiệt miệng nói chung và nhiệt miệng trong cổ họng nói riêng đều rất dễ tái phát. Mặc dù là bệnh lành tính nhưng loét áp tơ thường gây đau rát, khó chịu và phiền toái khi ăn uống. Chính vì vậy sau khi điều trị, bạn nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa như:
- Thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh răng miệng như chải răng, dùng chỉ nha khoa và súc miệng hằng ngày. Ngoài ra, nên lấy cao răng thường xuyên để phòng ngừa các bệnh lý nha khoa và ngăn ngừa nhiệt miệng tái phát.
- Nên giải tỏa stress, dành thời gian nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ và tập thể dục thường xuyên để nâng cao sức khỏe. Nếu cần thiết, có thể bổ sung các loại vitamin và khoáng chất cần thiết để ngăn ngừa nhiệt miệng tái phát.
- Kiểm soát các bệnh lý làm gia tăng nguy cơ nổi nhiệt miệng trong cổ họng như viêm loét đại tràng, bệnh Crohn, nhiễm Helicobacter pylori, viêm đại tràng và các bệnh lý nha khoa.
- Hạn chế sử dụng thức ăn có tính nóng và các loại thực phẩm dễ gây dị ứng, kích ứng.
- Thận trọng khi sử dụng thuốc, đặc biệt là thuốc chống viêm.
- Lựa chọn các sản phẩm chăm sóc răng miệng chứa công thức an toàn, lành tính. Nếu thường xuyên bi nhiệt miệng, nên hạn chế các sản phẩm chứa sodium lauryl sulfate, cồn và hương liệu.
- Trong trường hợp bị chấn thương ở miệng, cần chăm sóc và điều trị đúng cách để ngăn ngừa nhiệt miệng tái phát.
Nổi nhiệt miệng trong cổ họng là tình trạng khá phổ biến. Mặc dù là bệnh lành tính và không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe nhưng các nốt nhiệt miệng thường gây đau rát và khó chịu nhiều. Vì vậy, nên điều trị và chăm sóc đúng cách để giảm đau và đẩy nhanh tốc độ làm lành vết loét. Trong trường hợp nhiệt miệng tái phát thường xuyên, nên tìm gặp bác sĩ để tìm ra nguyên nhân tiềm ẩn.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!