Rối loạn cảm xúc là gì? Triệu chứng và cách điều trị

Rối loạn cảm xúc theo mùa (SAD) và thông tin cần biết

Rối loạn phân liệt cảm xúc là gì? Chữa được không?

Rối loạn cảm xúc tuổi dậy thì nguy hiểm hơn bạn tưởng

Rối loạn cảm xúc, hành vi ở trẻ em và điều cần biết

Bệnh rối loạn cảm xúc có chữa được không? Giải pháp

Tư Vấn Tâm Lý Học Đường Quan Trọng Như Thế Nào?

Rối loạn cảm xúc theo mùa (SAD) và thông tin cần biết

Rối loạn cảm xúc theo mùa (SAD) là một dạng trầm cảm tái phát định kỳ vào một số mùa cụ thể trong năm. Bệnh lý này có triệu chứng tương tự như trầm cảm thông thường nên chẩn đoán gặp rất nhiều khó khăn. Điều trị bệnh còn hạn chế nhưng về cơ bản có thể kiểm soát được triệu chứng và hỗ trợ bệnh nhân ổn định cuộc sống.

Rối loạn cảm xúc theo mùa (SAD)
Rối loạn cảm xúc theo mùa (SAD) thường khởi phát triệu chứng vào mùa thu – đông và giảm dần vào mùa xuân – hè

Rối loạn cảm xúc theo mùa (SAD) là gì?

Rối loạn cảm xúc theo mùa (Seasonal Affective Disorder/ SAD) là một dạng rối loạn trầm cảm có tính chất tái phát vào những thời điểm định kỳ trong năm (thường là mùa thu và mùa đông). Các triệu chứng có thể xuất hiện một cách đột ngột hoặc từ từ và có xu hướng giảm dần vào mùa xuân – hè.

Vì khởi phát theo mùa nên hiện nay, các chuyên gia đều ủng hộ giả thuyết căn nguyên của bệnh có liên quan đến yếu tố thời tiết – đặc biệt là ánh sáng. Trên thực tế, thời tiết ảnh hưởng khá nhiều đến tâm trạng của con người. Tuy nhiên, rối loạn cảm xúc theo mùa (SAD) chỉ được chẩn đoán khi các triệu chứng trầm cảm xảy ra trong ít nhất 2 năm liên tục.

Theo số liệu thống kê, khoảng 10 triệu người dân ở Mỹ mắc phải chứng bệnh này với tỷ lệ cao hơn ở nữ giới (gấp 4 lần nam giới). Bệnh khởi phát từ 18 – 30 tuổi, đặc biệt là ở những người thường xuyên bị căng thẳng, có sẵn các bệnh tâm thần từ trước hoặc tiền sử gia đình bị rối loạn tâm thần.

Dấu hiệu nhận biết rối loạn cảm xúc theo mùa (SAD)

Như đã đề cập, đa phần các trường hợp bị rối loạn cảm xúc theo mùa (SAD) đều khởi phát triệu chứng vào cuối mùa thu và kéo dài suốt mùa đông. Các triệu chứng sẽ dần thuyên giảm vào mùa xuân và giảm rõ rệt ở mùa hè. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp khởi phát triệu chứng vào mùa xuân – hè nhưng tỷ lệ rất hiếm gặp.

Rối loạn cảm xúc theo mùa (SAD)
Cảm giác buồn bã, chán nản và uể oải quá mức là các triệu chứng điển hình của bệnh rối loạn cảm xúc theo mùa

Biểu hiện lâm sàng của rối loạn cảm xúc theo mùa (SAD) rất đa dạng tùy theo từng đối tượng cụ thể. Tuy nhiên trong hầu hết tất cả các trường hợp, SAD đều gây ra các triệu chứng sau đây:

  • Có cảm giác buồn chán, uể oải gần như suốt thời gian của một ngày
  • Giảm hoặc mất hẳn hứng thú đối với các hoạt động – kể cả những sở thích trước đây
  • Cơ thể uể oải, thiếu năng lượng mặc dù không làm việc quá sức
  • Đôi khi có những hành vi kích động quá mức
  • Thèm ăn hoặc chán ăn (thường là thèm ăn các loại thực phẩm chứa nhiều đường và tinh bột), cân nặng có hiện tượng tăng/ giảm bất thường
  • Luôn cảm thấy khó tập trung và rất khó để duy trì hiệu suất học tập – lao động như trước
  • Có cảm giác bản thân thấp kém, tự ti, tuyệt vọng hoặc mặc cảm tội lỗi
  • Những trường hợp nặng có thể nảy sinh ý nghĩ và hành động tự tử
  • Buồn ngủ quá mức và thường xuyên ngủ quên
  • Có cảm giác tay, chân nặng dẫn đến giảm các hoạt động thể chất
  • Tâm trạng không ổn định và dễ cáu gắt

Vào mùa xuân và mùa hè, triệu chứng của bệnh có xu hướng thuyên giảm với những dấu hiệu sau:

  • Lo lắng
  • Có thể kích động
  • Giảm cân
  • Mất ngủ
  • Ít có cảm giác thèm ăn

Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể gặp phải một số triệu chứng thể chất khác như đau đầu, đau bụng, gia tăng ham muốn tình dục, đau nhức cơ thể,…

Nguyên nhân gây rối loạn cảm xúc theo mùa

Rối loạn cảm xúc nói chung và rối loạn cảm xúc theo mùa nói riêng đều chưa thể xác định được nguyên nhân. Tuy nhiên, vì cảm xúc có sự thay đổi theo mùa nên các chuyên gia tập trung nghiên cứu về nồng độ hormone theo từng thời điểm trong năm.

Qua nhiều nghiên cứu đã được thực hiện, các chuyên gia cho rằng rối loạn cảm xúc theo mùa (SAD) có liên quan đến những nguyên nhân/ yếu tố sau:

1. Mất cân bằng sinh hóa trong bộ não

Mất cân bằng sinh hóa trong bộ não là căn nguyên của nhiều rối loạn tâm thần bao gồm cả rối loạn cảm xúc theo mùa (SAD). Vào mùa thu và mùa đông, ánh nắng mặt trời giảm đi đáng kể, điều này khiến cơ thể giảm tổng hợp vitamin D – một trong những thành phần quan trọng đối với hoạt động của tế bào thần kinh.

Vitamin D sụt giảm làm giảm sản xuất serotonin – chất dẫn truyền thần kinh tạo ra cảm giác vui vẻ, sảng khoái và thoải mái. Hàm lượng serotonin sụt giảm chính là điều kiện thuận lợi để hình thành các rối loạn về mặt cảm xúc và dẫn đến rối loạn cảm xúc theo mùa (SAD). Ngoài ra, chế độ ăn ít vitamin D cũng gia tăng mức độ trầm cảm về mặt lâm sàng.

2. Sự gia tăng của hormone melatonin

Melatonin là hormone được tuyến tùng sản xuất vào trước thời điểm đi ngủ khoảng 2 giờ đồng hồ. Hormone này có tác dụng thư giãn cơ bắp, tạo cảm giác thoải mái và buồn ngủ. Một số nghiên cứu đã được thực hiện cho thấy các bằng chứng cụ thể về mối liên hệ giữa rối loạn cảm xúc và hormone melatonin.

Hội chứng rối loạn cảm xúc theo mùa
Các rối loạn về mặt cảm xúc xảy ra vào mùa thu đông được cho là có liên quan đến sự gia tăng hormone melatonin

Cụ thể vào mùa thu – đông, thời gian ngày ngắn hơn đêm nên lượng hormone này sẽ tăng lên đáng kể. Melatonin tăng lên gây ra cảm giác buồn ngủ, uể oải và giảm các hoạt động thể chất. Cũng chính vì vậy mà bệnh nhân rối loạn cảm xúc thường có xu hướng ngủ nhiều quá mức và luôn cảm thấy buồn ngủ, chán nản gần như tất cả thời gian trong ngày.

3. Yếu tố gia đình

Điều tra dịch tễ cho thấy, người bị rối loạn cảm xúc (SAD) thường có người thân mắc chứng trầm cảm hoặc các rối loạn tâm thần tương tự. Ngược lại, những người không có tiền sử gia đình mắc bệnh ít có nguy cơ gặp phải bệnh lý này.

Hiện nay, yếu tố gia đình đã được xác định có liên quan đến cơ chế bệnh sinh của rối loạn cảm xúc (SAD) và nhiều bệnh tâm thần khác. Tuy nhiên, cơ chế di truyền vẫn chưa được nghiên cứu rõ.

4. Có tổn thương tâm lý, stress từ trước

Những người vừa trải qua chấn thương tâm lý, thường xuyên bị căng thẳng hoặc mắc bệnh rối loạn lo âu,… sẽ có nguy cơ cao bị rối loạn cảm xúc. Ngoài ra, triệu chứng của trầm cảm và rối loạn lưỡng cực cũng có thể nghiêm trọng hơn vào mùa thu – đông dưới tác động của tăng hormone melatonin và sụt giảm serotonin.

5. Ảnh hưởng của môi trường, xã hội

Ảnh hưởng của môi trường, xã hội cũng góp phần hình thành rối loạn cảm xúc theo mùa (SAD). Các nghiên cứu cho thấy, trẻ có nguy cơ mắc bệnh cao nếu sinh sống và học tập với những người mắc hội chứng SAD.

Trong độ tuổi định hình nhân cách và tư duy, trẻ rất dễ bắt chước hành vi, suy nghĩ và dễ dàng tiếp nhận tư duy của người xung quanh. Do đó, môi trường ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến việc hình thành rối loạn cảm xúc.

Ngoài ra, sinh sống trong xã hội có nhiều bất ổn, gia đình không hạnh phúc, thường xuyên phải lo lắng về thiên tai, tài chính và đặc biệt phải đối mặt với những khó khăn, bất tiện vào mùa thu – đông (nhiệt độ quá thấp, khó khăn khi đi lại,…) cũng làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh lý này.

6. Các yếu tố nguy cơ

Ngoài những nguyên nhân trên, nguy cơ mắc bệnh rối loạn cảm xúc theo mùa cũng tăng lên khi có những yếu tố như:

  • Rối loạn đồng hồ sinh học (ảnh hưởng của ánh nắng mặt trời, bản thân người bệnh có chế độ sinh hoạt không lành mạnh,…)
  • Những người sống xa đường xích đạo có nguy cơ mắc bệnh cao hơn do lượng ánh nắng mặt trời giảm đi rõ rệt vào mùa thu – đông.
  • Người có tính cách hướng nội, nhạy cảm, dễ tổn thương, tính tình hay lo âu và căng thẳng

Trên thực tế, không phải ai cũng phát triển rối loạn cảm xúc theo mùa (SAD) khi có những nguyên nhân và yếu tố trên. Một số trường hợp có thể phát triển thành các dạng rối loạn tâm thần khác. Dù vậy trong hầu hết các trường hợp, những yếu tố/ nguyên nhân được đề cập đều có vai trò quan trọng đối với cơ chế bệnh sinh của SAD.

Rối loạn cảm xúc theo mùa (SAD) có ảnh hưởng gì không?

Rối loạn cảm xúc theo mùa (SAD) ảnh hưởng rất nhiều đến tinh thần, sức khỏe tâm thần và thể chất. Cảm giác buồn bã, chán nản quá mức có thể khiến bệnh nhân trở nên uể oải, luôn cảm thấy bản thân vô dụng và tội lỗi. Nếu không có hướng điều trị phù hợp, bệnh lý này có thể gây ra rất nhiều ảnh hưởng.

Hội chứng rối loạn cảm xúc theo mùa
Người mắc hội chứng rối loạn cảm xúc theo mùa gần như không thể duy trì hiệu quả làm việc như trước

Một số ảnh hưởng của rối loạn cảm xúc theo mùa (SAD):

  • Sự sụt giảm năng lượng thể chất, buồn bã và chán nản quá độ khiến cho bệnh nhân không thể học tập và làm việc hiệu quả như trước.
  • Về lâu dài, người bệnh có xu hướng xa lánh xã hội và tự cô lập bản thân.
  • Vì không thể thoát khỏi sự tự tin, mặc cảm tội lỗi và nỗi buồn sâu sắc, bệnh nhân bị trầm cảm nói chung và rối loạn cảm xúc theo mùa (SAD) có xu hướng lạm dụng chất gây nghiện. Tuy nhiên, tác động của các chất gây nghiện có thể làm nghiêm trọng triệu chứng của bệnh. Điều này tạo ra vòng luẩn quẩn khiến đời sống của bệnh nhân sụt giảm nghiêm trọng.
  • Rối loạn cảm xúc theo mùa (SAD) không được điều trị có thể gia tăng suy nghĩ và hành vi tự hủy hoại hay thậm chí là sự sát
  • SAD cũng gia tăng nguy cơ mắc các bệnh tâm thần khác như rối loạn ăn uống, rối loạn lo âu, rối loạn lưỡng cực,… và các vấn đề sức khỏe thể chất như rối loạn giấc ngủ, thiếu máu não, các vấn đề tim mạch, tiêu hóa và cơ xương khớp.

Tương tự như các bệnh tâm thần khác, rối loạn cảm xúc theo mùa không được điều trị có thể khiến bệnh nhân không còn khả năng lao động, luôn chìm đắm trong hoang tưởng về tội lỗi và tự giày vò bản thân. Những bệnh nhân này phải sống phụ thuộc vào người thân và làm gia tăng gánh nặng lên gia đình, xã hội.

Chẩn đoán rối loạn cảm xúc theo mùa

Rất khó để có thể phân biệt rối loạn cảm xúc theo mùa với các dạng trầm cảm và rối loạn tâm thần khác. Ngoài ra, bệnh lý này cũng có thể bị nhầm lẫn với các bệnh lý thực thể như tăng bạch cầu đơn nhân do nhiễm trùng, hạ đường huyết, chứng nhược giáp,… Do đó để chẩn đoán SAD, bệnh nhân phải thực hiện đầy đủ các kỹ thuật sau:

  • Khám tổng quát và khai thác tiền sử bệnh lý
  • Đánh giá tâm lý
  • Xét nghiệm máu, kiểm tra tuyến giáp và thực hiện một số xét nghiệm chuyên sâu trong trường hợp cần thiết

Sau khi khai thác dữ liệu, bác sĩ sẽ dựa vào tiêu chuẩn DSM-5 để chẩn đoán rối loạn cảm xúc theo mùa.

Các phương pháp điều trị rối loạn cảm xúc theo mùa

Điều trị rối loạn cảm xúc theo mùa (SAD) có thể cải thiện triệu chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Mặc dù khả năng chữa khỏi bệnh hoàn toàn là không cao nhưng bệnh có thể được kiểm soát nếu điều trị lâu dài và đúng cách.

Các phương pháp điều trị chính đối với rối loạn cảm xúc theo mùa (SAD):

1. Liệu pháp ánh sáng

Như đã đề cập, thiếu ánh nắng mặt trời là căn nguyên dẫn đến các triệu chứng rối loạn cảm xúc theo mùa (SAD). Vì vậy, lựa chọn đầu tiên trong điều trị bệnh lý này là liệu pháp ánh sáng. Liệu pháp này sử dụng ánh sáng nhân tạo có đặc tính sinh học tương tự như ánh nắng tự nhiên nhằm điều chỉnh các chất dẫn truyền thần kinh và hormone trong cơ thể.

Liệu pháp ánh sáng thường được áp dụng vào buổi sáng và người bệnh sẽ được sử dụng tấm che để giảm tác hại đến mắt. Mỗi lần thực hiện thường mất khoảng 30 – 60 phút và gần như phải lặp lại hằng ngày trong suốt mùa thu – đông. Lượng thời gian và số buổi trị liệu sẽ phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe và mức độ đáp ứng của từng cá thể.

Hội chứng rối loạn cảm xúc theo mùa
Liệu pháp ánh sáng là phương pháp an toàn và mang lại hiệu quả cao khi điều trị rối loạn cảm xúc theo mùa

Liệu pháp ánh sáng giúp cải thiện đáng kể các triệu chứng do rối loạn cảm xúc gây ra. Khi đã đạt hiệu quả, liệu pháp này vẫn cần được duy trì cho đến khi chuyển sang mùa xuân – hè. Bởi ngưng liệu pháp ánh sáng quá sớm có thể khiến SAD tái phát.

Đến nay, liệu pháp này vẫn là lựa chọn được ưu tiên trong điều trị rối loạn cảm xúc theo mùa nhờ hiệu quả cao và rất ít tác dụng phụ. Các tác dụng phụ có thể gặp phải thường có mức độ nhẹ như mệt mỏi, đau đầu, mỏi mắt, cháy nắng, đen sạm da,… Tuy nhiên, liệu pháp này có thể không được thực hiện với những người bị rối loạn lưỡng cực, da nhạy cảm với ánh nắng hoặc mắc các bệnh lý phải tránh tiếp xúc với tia cực tím.

2. Sử dụng thuốc

Sử dụng thuốc được cân nhắc khi liệu pháp ánh sáng không mang lại hiệu quả trong điều trị rối loạn cảm xúc theo mùa (SAD). Tùy theo từng trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc kết hợp với tâm lý trị liệu hoặc phối hợp thêm với liệu pháp ánh sáng. Nhóm thuốc được sử dụng phổ biến trong điều trị rối loạn cảm xúc theo mùa (SAD) là thuốc chống trầm cảm – trong đó dùng nhiều nhất là các chất ức chế tái hấp thu serotonin (SSRIs).

Hội chứng rối loạn cảm xúc theo mùa
Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin (SSRIs) được sử dụng phổ biến trong điều trị rối loạn cảm xúc theo mùa

SSRIs có thể làm giảm các triệu chứng về mặt cảm xúc, tư duy và hành động do SAD gây ra. Tuy nhiên, thuốc cần được dùng dài hạn để đảm bảo mang lại hiệu quả đầy đủ và ngăn ngừa bệnh tái phát. Ở một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc chống trầm cảm trước vài tuần để phòng ngừa SAD bùng phát vào mỗi mùa thu và mùa đông.

3. Liệu pháp tâm lý

Liệu pháp tâm lý là một trong ba phương pháp chính đối với điều trị rối loạn cảm xúc theo mùa. Liệu pháp này sử dụng nhiều kỹ thuật tâm lý để tác động đến cảm xúc, tư duy và hành vi của bệnh nhân. Phần lớn các trường hợp trị liệu tâm lý đều phải kết hợp với sử dụng thuốc để ổn định cảm xúc và đảm bảo bệnh nhân hợp tác trong quá trình trị liệu.

Sau khi trị liệu tâm lý, bệnh nhân sẽ biết cách xây dựng lối sống lành mạnh và kiểm soát tốt những cảm xúc tiêu cực. Ngoài ra, thông qua các liệu pháp tâm lý, người bệnh cũng được trang bị và học cách sử dụng kỹ năng để đối phó với những căng thẳng trong cuộc sống.

4. Các biện pháp tự chăm sóc

Bên cạnh 3 phương pháp chính, bệnh nhân rối loạn cảm xúc theo mùa cũng có thể áp dụng một số biện pháp tự chăm sóc để hỗ trợ quá trình chữa trị.

Rối loạn cảm xúc theo mùa
Thiền định là biện pháp cải thiện rối loạn cảm xúc theo mùa bệnh nhân có thể áp dụng thường xuyên

Các biện pháp tự chăm sóc cho bệnh nhân rối loạn cảm xúc theo mùa (SAD):

  • Thiền định
  • Âm nhạc trị liệu
  • Xoa bóp bấm huyệt
  • Châm cứu
  • Liệu pháp mùi hương
  • Thở dưỡng sinh

Các biện pháp hỗ trợ phần nào có thể giảm triệu chứng của rối loạn cảm xúc theo mùa (SAD). Ngoài ra, các biện pháp này còn mang lại hiệu quả đối với căng thẳng thần kinh (stress), rôi loạn lo âu và nhiều vấn đề tâm lý khác.

Lối sống dành cho người bị rối loạn cảm xúc theo mùa

Lối sống ảnh hưởng đến đồng hồ sinh học, hormone và các chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ. Do đó để kiểm soát rối loạn cảm xúc theo mùa (SAD), bệnh nhân cần tổ chức lại lối sống.

Rối loạn cảm xúc theo mùa
Cần tận dụng ánh nắng tự nhiên và thực hiện các hoạt động lành mạnh để cải thiện rối loạn cảm xúc theo mùa

Cách xây dựng lối sống khoa học cho bệnh nhân bị rối loạn cảm xúc theo mùa:

  • Nên tận dụng ánh sáng mặt trời tự nhiên bằng cách mở cửa sổ, rèm cửa và cắt tỉa cây cối xung quanh nhà. Vào mùa thu đông, bệnh nhân cũng nên tăng cường các hoạt động ngoài trời để tăng thời gian tiếp xúc với ánh nắng.
  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý với nhiều chất xơ, vitamin (đặc biệt là vitamin D), khoáng chất và Omega 3. Chế độ ăn hợp lý có thể nâng cao sức khỏe thể chất và giảm các rối loạn về mặt cảm xúc ở bệnh nhân SAD.
  • Tập thể dục thường xuyên là biện pháp có hiệu quả trong điều trị rối loạn cảm xúc theo mùa. Hoạt động thể chất giúp tăng sức đề kháng, giảm sự chán nản và đẩy lùi các cảm xúc tiêu cực. Bệnh nhân nên thực hiện các bộ môn thể dục ngoài trời như bơi lội, đi bộ, đạp xe,… để tăng hiệu quả điều trị.
  • Để thoát khỏi cảm giác buồn ngủ quá độ do SAD gây ra, có thể sử dụng các loại trà chứa hàm lượng caffeine vừa phải như trà bạc hà, trà xanh,… Ngoài hiệu quả tăng sự tỉnh táo và tập trung, chất chống oxy hóa trong các loại trà này còn giúp bảo vệ và ổn định hoạt động của não bộ.
  • Tránh dành nhiều thời gian để suy nghĩ. Thay vào đó, nên thực hiện các hoạt động lành mạnh như nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, chơi với thú cưng, tắm nước ấm, vẽ tranh, đọc sách,… để giải tỏa tâm trạng và đẩy lùi sự tiêu cực, bi quan trong cuộc sống.
  • Nếu có nhiều thời gian, người bệnh nên tham gia các hoạt động thiện nguyện giúp đỡ những người xung quanh hoặc tham gia các khóa học phát triển năng khiếu của bản thân (ngoại ngữ, hội họa, đàn hát,…).

Rối loạn cảm xúc theo mùa (SAD) là một loại trầm cảm khá phổ biến hiện nay. Để giảm thiểu ảnh hưởng của bệnh đối với cuộc sống và sức khỏe, bệnh nhân cần có sự chủ động trong công tác thăm khám, điều trị và chăm sóc. Ngoài ra, cần nâng cao kiến thức về sức khỏe tâm thần cho những người xung quanh để giảm nguy cơ mắc bệnh trong cộng đồng.

Cùng chuyên mục

Rối loạn cảm xúc tuổi dậy thì nguy hiểm hơn bạn tưởng

Dậy thì là lứa tuổi thay đổi cả về sinh lý lẫn tâm lý. Những thay đổi đó khiến các em rất dễ rơi vào tình trạng không làm chủ...

rối loạn cảm xúc ở trẻ em

Rối loạn cảm xúc, hành vi ở trẻ em và điều cần biết

Rối loạn cảm xúc, hành vi là tình trạng xảy ra tương đối phổ biến ở trẻ em. Các bậc phụ huynh cần theo dõi biểu hiện của trẻ để...

tư vấn tâm lý học đường

Tư Vấn Tâm Lý Học Đường Quan Trọng Như Thế Nào?

Tư vấn tâm lý học đường mang đến những giá trị to lớn về mặt tinh thần, giúp trẻ học cách cân bằng cảm xúc, can thiệp loại bỏ sớm...

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Ẩn