Rối loạn nhân cách chống đối xã hội (ASPD) là gì?
Nội Dung Bài Viết
Rối loạn nhân cách chống đối xã hội (ASPD) là tình trạng đặc trưng bởi sự thiếu đồng cảm và không quan tâm tới người khác. Người bệnh thường có hành vi chống đối và hành động vô cảm, rất dễ trở thành tội phạm. Cần sớm được quan tâm và can thiệp điều trị để tránh các hệ lụy nguy hiểm.
Rối loạn nhân cách chống đối xã hội (ASPD) là gì?
Rối loạn nhân cách chống đối xã hội (ASPD) là một trong những loại rối loạn nhân cách xảy ra phổ biến. Trong đó, người bệnh không quan tâm tới đúng sai và phớt lờ quyền cũng như cảm xúc của người khác.
Trên thực tế, những người bị ASPD thường có xu hướng chống đối, thao túng hay đối xử thô bạo với người khác. Thậm chí là tỏ ra nhẫn tâm, thờ ơ. Đặc biệt, họ không bao giờ tỏ ra tội lỗi hay hối hận về các hành vi của mình.
Những người bị rối loạn nhân cách chống đối xã hội thường rất dễ vi phạm pháp luật và trở thành tội phạm. Họ có thể nói dối, bốc độc, cư xử thô bạo hay có vấn đề với việc sử dụng rượu, ma túy và các chất gây nghiện khác. Do có những đặc điểm này nên những người bị ASPD thường không thể hoàn thành các trách nhiệm có liên quan tới gia đình, công việc hoặc xã hội.
Nguyên nhân gây rối loạn nhân cách chống đối xã hội
Cho đến nay, nguyên nhân chính xác của chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội vẫn chưa được biết tới. Nhân cách được hình thành bởi rất nhiều yếu tố khác nhau. Bao gồm cả tự nhiên và sự nuôi dưỡng.
Dưới đây là một số yếu tố có thể tác động:
1. Di truyền học
Rối loạn này phổ biến hơn trong những người ruột thịt hoặc có họ hàng với người bị ASPD hơn là trong dân số chung. Nghiên cứu chỉ ra rằng, ASPD có thể liên quan chặt chẽ với sự kế thừa. Còn những ảnh hưởng từ môi trường thường sẽ làm trầm trọng thêm sự phát triển của nó.
2. Sự giáo dục và môi trường sống
Sự giáo dục cũng được cho là yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến chứng ASPD. Lạm dụng, bỏ bê hay chấn thương thời thơ ấu có thể liên quan tới sự khởi phát của ASPD. Nếu cha mẹ của một đứa trẻ bạo hành và bị rối loạn chức năng thì trẻ cũng có thể học các kiểu hành vi đó. Sau đó thể hiện chúng với con cái của mình.
Những đứa trẻ lớn lên trong gia đình vô tổ chức hay bị bỏ rơi cũng bị thiếu cơ hội để phát triển ý thức kỷ mạnh mẽ. Đồng thời không tự chủ và rất khó cảm thông với người khác. Những yếu tố này cũng làm tăng nguy cơ khởi phát ASPD.
3. Sự khác biệt về não bộ
Một số yếu tố được tìm thấy làm tăng nguy cơ mắc chứng ASPD bao gồm chức năng não bất thường và hút thuốc trong thời kỳ mang thai. Nghiên cứu chỉ ra rằng, những người bị ASPD có sự khác biệt ở thùy trán. Đây chính là vùng não đóng vai trò phán đoán và lập kế hoạch.
Những người bị ASPD thường có xu hướng yêu cầu kích thích nhiều hơn. Đồng thời họ có thể tìm kiếm các hoạt động gây nguy hiểm. Thậm chí là bất hợp pháp nhằm nâng cao sự kích thích lên mức tối ưu.
4. Yếu tố sinh học
Các chuyên gia cho biết, những người bị rối loạn nhân cách chống đối xã hội có thể có mức serotonin bất thường. Serotonin là chất hóa học trong nó. Nó đóng vai trò quan trọng với việc điều chỉnh tâm trạng cũng như cảm giác hạnh phúc của con người.
Các dấu hiệu nhận biết rối loạn nhân cách chống đối xã hội
Dấu hiệu của bệnh rối loạn nhân cách chống đối xã hội có thể khác nhau ở từng đối tượng. Nhất là có sự khác biệt rất rõ giữa người lớn và trẻ em. Cụ thể như sau:
1. Dấu hiệu ở người lớn
Ở người trưởng thành, dấu hiệu ASPD có thể khác nhau giữa từng người. Hơn nữa, các triệu chứng còn có thể thay đổi theo thời gian. Các triệu chứng có thể gặp bao gồm:
Thiếu sự đồng cảm:
Người bệnh thường đáp lại tình cảm của người khác với thái độ thờ ơ, lạnh lùng. Thậm chí là xem thường hoặc nói những lời nặng nề. Tuy nhiên họ không bao giờ nhận ra hành vi của mình là sai. Trong một số trường hợp, họ đơn giản chỉ là không quan tâm tới hành vi của bản thân cũng như người khác.
Xem thường các quy chuẩn:
Các chuyên gia cho biết, chứng ASPD ở người trưởng thành biểu hiện rõ nét nhất thông qua thái độ xem thường. Họ không chấp nhận việc phải sống và làm việc theo quy chuẩn về đạo đức và pháp luật.
Người bệnh cũng tự cho rằng họ không liên quan tới các ranh giới hay các quy tắc được ấn định trong xã hội. Đây cũng là nguyên nhân khiến họ thường xuyên nói dối, trộm cắp, lừa đảo và thực hiện các hành vi phản đạo đức, vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên họ lại không nghĩ tới hậu quả trước mặt hay sau này. Đối với họ, xã hội đã khai khi đặt ra quá nhiều các nguyên tắc đi ngược với cách họ suy nghĩ.
Tỏ ra dí dỏm và quyến rũ:
Ngoài những hành vi và suy nghĩ tiêu cực, những người bị ASPD thường cố tỏ ra quyến rũ và lôi cuốn người khác. Họ tận dụng trí thông minh, sự hài hước và nịnh hót để trục lợi cá nhân. Đôi khi người bệnh có thể dùng lời nói hay hành động khiến người khác làm hại bản thân.
Bốc đồng:
Người bị ASPD thường có xu hướng hành động mà không quan tâm hậu quả. Họ có thể thường xuyên tham gia các hoạt động nguy hiểm. Sự bốc đồng và xem thường hậu quả có thể khiến cho họ có nguy cơ cao bị nghiện một thứ gì đó. Ví dụ như cờ bạc hay chất kích thích.
Kiêu ngạo:
Người bệnh thường hành động giống như họ có địa vị cao hơn những người xung quanh. Họ quá tự tin vào vai trò của bản thân trong xã hội. Ngoài ra họ còn tin rằng bản thân mình có quyền xem thường người khác. Và họ rất dễ nổi cáu nếu một ai đó không công nhận điều này hay góp ý với họ.
Có các hành vi xâm phạm:
Những người bị ASPD có thể cố tình gây ra những tổn thương về cả thể chất lẫn tinh thần cho người xung quanh. Các hành vi xâm phạm có thể là hạ thấp nhân phẩm, lăng mạ, nói xấu, sỉ nhục công khai. Thậm chí là bạo lực hay cưỡng bức.
2. Dấu hiệu ở trẻ em
Mặc dù không phổ biến nhưng trẻ em cũng có thể bị ảnh hưởng bởi chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội. Trong những trường hợp này, bác sĩ thường dùng thuật ngữ “rối loạn hành vi” để nói về những bệnh nhi thường xuyên có các hành vi chống đối xã hội.
Trẻ bị ảnh hưởng bởi ASPD có thể thực hiện cùng lúc các hành vi sau đây:
Vi phạm các quy tắc:
Khác với bệnh nhân trưởng thành, các bệnh nhi thường có xu hướng tự phá vỡ các quy tắc được gia đình và nhà trường đề ra. Ví dụ như bỏ học, không về nhà đúng giờ hay bỏ nhà đi. Chúng không hề lo sợ trước các hành vi của mình. Thậm chí sự cấm đoán, trách phạt của người lớn còn khiến chúng thích thú hơn với việc phá vỡ các quy tắc.
Phá hoại:
Trẻ bị ASPD thường có biểu hiện phá hoại liên tục với mức độ tăng dần lên. Bao gồm làm bẩn tường công cộng cho tới trộm cắp, đột nhập vào nhà người khác hay thích thú với các chất gây cháy nổ… Ngay khi phải chịu hậu quả với những hành động sai trái của mình thì trẻ vẫn tiếp tục thực hiện chúng.
Xâm phạm:
Tương tự như người lớn, trẻ mắc chứng ASPD thích các hoạt động bạo lực. Chúng thường liên quan tới các hành vi xâm phạm người khác qua lời nói hay thể chất, từ nhẹ cho đến nghiêm trọng. Các hành vi này có thể bao gồm sử dụng vũ khí, liên tục đấm đá vào người khác, xúc phạm người khác, tra tấn động vật…
Sự gian dối:
Thay vì khóc lóc, vòi vĩnh để có được thứ mình muốn thì những đứa trẻ bị ASPD sẽ nói dối và đánh cắp. Chúng cũng có thể giả vờ ngọt ngào hay quyến rũ khác thường để có được những thứ chúng muốn.
Rối loạn nhân cách chống đối xã hội có nguy hiểm không?
Các chuyên gia cho biết, chứng ASPD tác động rất lớn tới khả năng hoạt động của một người. Nó có thể gây khó khăn trong việc đối phó với nhiều khía cạnh của cuộc sống.
- Theo DSM-5, chứng rối loạn này có thể dẫn tới việc bị giam giữ, bị thương hay tử vong do hành động có hại hoặc phạm tội.
- Ảnh hưởng tới khả năng làm việc cũng như duy trì các mối quan hệ của một cá nhân.
- Có khả năng gây tổn hại cho bạn bè, người thân, đồng nghiệp và cả những người lạ do hành động của người bệnh.
Chẩn đoán rối loạn nhân cách chống đối xã hội
Những người bị rối loạn nhân cách xã hội thường rất khó để tin rằng họ cần đến sự giúp đỡ. Tuy nhiên, họ có thể tìm kiếm sự giúp đỡ vì các triệu chứng khác. Ví dụ như trầm cảm, lo lắng, bộc phát tức giận. Hay khi họ có nhu cầu điều trị lạm dụng chất gây nghiện.
Trong một số trường hợp, người bị rối loạn nhân cách chống đối xã hội có thể không cung cấp thông tin chính xác về các dấu hiệu và triệu chứng. Yếu tố chính trong chẩn đoán là cách người bệnh liên hệ và gắn kết với những người khác.
Với sự cho phép, gia đình và bạn bè có thể sẽ cung cấp thông tin hữu ích. Sau khi đánh giá y tế để loại trừ các tình trạng khác, bác sĩ có thể giới thiệu người bệnh tới chuyên gia sức khỏe tâm thần để đánh giá thêm.
Chẩn đoán ASPD thường dựa trên:
- Đánh giá tâm lý khám phá cảm xúc, suy nghĩ, các mối quan hệ, kiểu hành vi và lịch sử gia đình.
- Tiền sử cá nhân và tiền sử y tế.
- Các triệu chứng được liệt kê trong DSM-5 của Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ.
Mặc dù ASPD thường không được chẩn đoán trước 18 tuổi nhưng một số dấu hiệu và triệu chứng có thể xảy ra ở thời thơ ấu hay những năm đầu thiếu niên. Thường xảy ra ở những trẻ có bằng chứng về các triệu chứng rối loạn ứng xử trước tuổi 15.
Chẩn đoán phân biệt:
Rối loạn nhân cách chống đối xã hội cần được chẩn đoán phân biệt với một số vấn đề khác, bao gồm:
- Rối loạn sử dụng chất gây nghiện
- Rối loạn hành vi
- Rối loạn nhân cách tự ái
- Rối loạn nhân cách ranh giới
Điều trị rối loạn nhân cách chống đối xã hội
Rối loạn nhân cách chống đối xã hội thường gặp khó khăn trong vấn đề điều trị vì một số lý do. Đặc biệt, những người mắc phải chứng rối loạn này thường hiếm khi tự tìm cách điều trị. Họ thường chỉ nhận được sự điều trị sau một số xung đột liên quan đến pháp luật.
Thực tế cho thấy, những người bị ASPD thường tiếp xúc với hệ thống tư pháp hình sự. Tuy nhiên nghiên cứu chỉ ra rằng, việc giam giữ hay các biện pháp trừng phạt gần như không hiệu quả. Bởi những người mắc chứng bệnh này thường không phản ứng với các hình phạt.
Điều trị rối loạn nhân cách chống đối xã hội có thể bao gồm:
1. Tâm lý trị liệu
Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) có thể hữu ích trong việc giúp những người mắc chứng ASPD có được cái nhìn sâu sắc hơn về hành vi của họ. Đồng thời có sự thay đổi các kiểu suy nghĩ không phù hợp.
Kết quả hiệu quả thường chỉ nhận được sau khi điều trị lâu dài. Liệu pháp nhóm và gia đình cũng như các liệu pháp dựa trên tinh thần, nhằm vào khả năng nhận biết và hiểu trạng thái tinh thần của bản thân và người khác cũng đã được nghiên cứu về ASPD đánh giá là cho thấy nhiều hứa hẹn.
2. Thuốc men
Thuốc có thể được sử dụng nhằm điều trị một số triệu chứng mà những người bị ASPD có thể gặp phải. Một số loại thuốc có thể được bác sĩ kê toa bao gồm:
- Thuốc chống lo lâu
- Thuốc chống trầm cảm
- Thuốc chống loạn thần
- Thuốc ổn định tâm trạng
Tất cả loại thuốc này đều cần sử dụng theo chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không được tùy tiện điều chỉnh liều lượng, tần suất hay thời gian dùng thuốc khi chưa có chỉ dẫn từ bác sĩ. Nếu trong quá trình điều trị bằng thuốc gặp các vấn đề bất thường hãy báo ngay cho bác sĩ để được xử lý kịp thời.
3. Lời khuyên cho thành viên trong gia đình người bệnh
Những người bị rối loạn nhân cách chống đối xã hội thường sẽ có hành động và làm cho người khác đau khổ. Tuy nhiên chính họ lại không có cảm giác hối hận. Nếu bạn có người thân bị ASPD điều quan trọng là bản thân bạn cũng cần được giúp đỡ.
Chuyên gia sức khỏe tâm thần có thể dạy bạn một số kỹ năng để học cách thiết lập ranh giới và giúp vảo vệ bản thân khỏi sự bạo lực, hung hăng và tức giận của người bị ASPD. Ngoài ra, bạn cũng cần trang bị các chiến lược để đối phó với người bệnh.
Rối loạn nhân cách chống đối xã hội gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng trong cuộc sống của chính người bệnh và những người xung quanh. Đặc biệt chứng bệnh này khiến cho hành vi vi phạm pháp luật và phạm tội gia tăng. Cần điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ để sớm kiểm soát tiến triển của bệnh, hạn chế phát sinh rủi ro.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!