Rối loạn nhân cách hoang tưởng (Paranoid personality disorder)
Nội Dung Bài Viết
Rối loạn nhân cách hoang tưởng (PPD) là tình trạng được xếp vào loại rối loạn nhân cách lập dị. Người bệnh thường thể hiện những hành vi có vẻ kỳ quặc hay bất thường đối với người khác. Tốt nhất nên nghiêm túc điều trị và chăm sóc tốt để cải thiện chất lượng cuộc sống.
Rối loạn nhân cách hoang tưởng (PPD) là gì?
Rối loạn nhân cách hoang tưởng (PPD) là một tình trạng rối loạn nhân cách liên quan tới những cách suy nghĩ kỳ quặc hay lập dị. Những người mắc chứng PPD bị hoang tưởng, luôn nghi ngờ người khác, ngay cả khi không có lý do để nghi ngờ.
Rối loạn này thường bắt đầu từ thời thơ ấu hay đầu tuổi vị thành niên. Trên thực tế, chứng PPD xuất hiện phổ biến ở nam giới hơn là nữ giới. Các nghiên cứu ước tính rằng, PPD ảnh hưởng đến khoảng từ 2.3 – 4.4% dân số nói chung.
Một người bị PPD rất nghi ngờ người khác. Điều này gây ảnh hưởng lớn tới cuộc sống và hoạt động thường ngày của họ. Họ không tin vào động cơ của người khác, thay vào đó lại luôn tin rằng người khác muốn làm hại họ.
Việc điều trị có thể là một thách thức đối với những người bị PPD do luôn nghi ngờ và không tin tưởng người khác. Hơn nữa, do bản chất của rối loạn, hầu hết những người bị PPD không tìm kiếm sự giúp đỡ.
Nguyên nhân gây rối loạn nhân cách hoang tưởng
Cho đến nay, nguyên nhân gây PPD vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu tin rằng sự kết hợp của các yếu tố sinh học và môi trường có thể làm tăng nguy cơ mắc phải.
Rối loạn này xuất hiện thường xuyên hơn trong các gia đình có tiền sử bị tâm thần phân liệt và rối loạn hoang tưởng. Chấn thương thời thơ ấu cũng có thể là một trong những yếu tố góp phần.
Các yếu tố liên quan khác có thể bao gồm:
- Sống trong một gia đình có thu nhập thấp
- Ly thân hay ly hôn
- Góa vợ
- Không bao giờ kết hôn
Các dấu hiệu nhận biết rối loạn nhân cách hoang tưởng
Khi một người bị PPD, họ có thể trải qua cảm giác nghi ngờ hay quá mẫn cảm với những lời chỉ trích và phê phán. Các triệu chứng của PPD cũng có thể bao gồm sự hoài nghi dai dẳng về thế giới, hiểu sai các hành động trung lập, xem sự thân thiện là thù địch hay khinh thường.
Người bệnh thường rất khó chịu khi chia sẻ các thông tin cá nhân. Ngay cả với gia đình hay bạn bè thân thiết. Nguyên nhân là vì họ sợ thông tin sử dụng cho các mục đích xấu chống lại họ. Những người bị rối loạn nhân cách hoang tưởng còn có thể nhìn thấy các mối đe dọa và nguy hiểm ở những nơi mà họ không tồn tại.
Các triệu chứng rối loạn nhân cách hoang tưởng có thể bao gồm:
- Cảm giác rằng họ đang bị người khác lừa dối hay lợi dụng
- Có thể tin rằng bạn bè, gia đình và người bạn đời là không đáng tin cậy, không chung thủy
- Tức giận bốc phát để đáp trả lại sự lừa dối được nhận thức
- Thường được người khác mô tả là lạnh lùng, bí mật, nghiêm túc và ghen tuông
- Kiểm soát quá mức trong các mối quan hệ nhằm tránh bị lợi dụng hay thao túng
- Tìm kiếm ý nghĩa ẩn trong cử chỉ hay cuộc trò chuyện
- Cảm thấy rất khó để thư giãn, thoải mái
- Thường có các quan điểm tiêu cực về người khác
- Quá nhạy cảm với những lời chỉ trích hay phán xét
- Phản ứng thái quá trước những lời chỉ trích
- Từ chối tâm sự với mọi người vì lo sợ rằng bất cứ thông tin nào mà họ tiết lộ cũng sẽ bị lợi dụng để chống lại họ
Một người bị PPD cũng có khả năng có một số đặc điểm sau:
- Thích cô đơn và cô lập bản thân với những người xung quanh
- Miễn cưỡng tâm sự với người khác
- Tâm trạng khó chịu và thù địch
- Thường trải qua các mối lo âu xã hội
- Không đạt được thành tích tốt trong giáo dục
- Quá mẫn cảm
- Tưởng tượng lập dị
Rối loạn nhân cách hoang tưởng có thể trở nên rõ ràng ngay ở thời thơ ấu hoặc thanh thiếu niên. Khi một người bắt đầu biểu hiện quá mẫn cảm, lo lắng xã hội hay mối quan hệ kém với các bạn bè cùng trang lứa.
Các chuyên gia cho rằng, một số yếu tố tâm lý và sinh học có liên quan tới việc một người nào đó phát triển chứng PPD. Ngoài ra, chấn thương thời thơ ấu, cả về tình cảm và thể chất cũng có thể dẫn đến PPD.
Rối loạn nhân cách hoang tưởng có nguy hiểm không?
Suy nghĩ và hành vi liên quan tới PPD có thể gây cản trở khả năng duy trì các mối quan hệ của người bệnh. Ngoài ra còn ảnh hưởng tới khả năng hoạt động xã hội cũng như tình huống công việc của họ.
Trong nhiều trường hợp, những người bị rối loạn nhân cách hoang tưởng có thể tham gia vào các cuộc chiến pháp lý, kiện tụng những người hay công ty mà họ tin rằng có các hành vi vi phạm pháp luật với họ.
Trên thực tế, những người bị rối loạn nhân cách sẽ có nhiều khả năng bị rối loạn sử dụng chất gây nghiện hơn so với dân số chung. Điều này đặc biệt đúng với những người bị PPD và những người có các tình trạng sau:
- Rối loạn nhân cách chống đối xã hội (ASPD)
- Rối loạn nhân cách tránh né (APD)
- Rối loạn nhân cách ranh giới (BPD)
Chẩn đoán rối loạn nhân cách hoang tưởng
Để chẩn đoán PPD, bác sĩ sẽ hỏi bạn về các triệu chứng cũng như tiền sử bệnh. Ngoài ra, họ cũng sẽ thực hiện một cuộc kiểm tra thể chất nằm tìm kiếm các điều kiện y tế khác nếu có.
Ngoài ra, bác sĩ có thể giới thiệu bạn tới một chuyên gia sức khỏe tâm thần, một nhà tâm lý học hay bác sĩ tâm thần để kiểm tra thêm.
Chuyên gia sức khỏe tâm thần sẽ thực hiện việc đánh giá toàn diện. Họ có thể hỏi bạn về thời thơ ấu, trường học, công việc và các mối quan hệ khác.
Bên cạnh đó, chuyên gia sức khỏe tâm thần cũng sẽ cố gắng đánh giá hành vi của bạn bằng cách hỏi bạn phản ứng như thế nào với 1 tình huống tưởng tượng. Sau đó sẽ đưa ra chẩn đoán và lập kế hoạch điều trị phù hợp.
Điều trị rối loạn nhân cách hoang tưởng
Theo các chuyên gia, rối loạn nhân cách hoang tưởng có thể được điều trị bằng liệu pháp tâm lý. Với việc điều trị liên tục và hỗ trợ thích hợp, người bị PPD có thể kiểm soát triệu chứng. Đồng thời hoạt động tốt hơn trong cuộc sống hằng ngày.
Tuy nhiên những người bị PPF có thể sẽ không tìm cách điều trị tình trạng của mình. Bởi họ thường không cảm thấy bản thân có vấn đề. Đối với những người bị PPD, sự nghi ngờ của họ về người khác là chính đánh. Và chính những người khác mới có vấn đề chứ không phải họ.
Ngoài ra, sự ngờ vực và hoang tưởng cũng khiến cho người bị PPD khó tin tưởng vào bác sĩ và chuyên gia sức khỏe tâm thần. Điều này có thể gây khó khăn cho các chuyên gia trong việc thiết lập mối quan hệ trị liệu với cá nhân.
Dưới đây là các phương pháp được dùng điều trị PPD:
1. Tâm lý trị liệu
Các phương pháp điều trị PPD thường tập trung vào việc giúp người bệnh phát triển các kỹ năng đối phó. Liệu pháp thường giúp xây dựng sự đồng cảm, lòng tin, sự tự trọng, các mối quan hệ xã hội, kỹ năng giao tiếp cũng như khả năng đối phó chung.
Liệu pháp nhận thức hành vi thường đem lại hiệu quả tốt trong việc giúp các cá nhân điều chỉnh các mẫu suy nghĩ méo mó cũng như các hành vi không phù hợp. Đây là một loại điều trị tâm lý giúp người bệnh hiểu được những cảm xúc và suy nghĩ ảnh hưởng tới hành vi.
Ngoài việc giải quyết những suy nghĩ và niềm tin có hại, liệu pháp nhận thức hành vi cũng hoạt động để giúp người bệnh PPD quản lý tốt hơn phản ứng của họ với người khác. Đồng thời có khả năng tin tưởng người khác tốt hơn.
2. Thuốc men
Trên thực tế, thuốc thường không được dùng để điều trị rối loạn nhân cách hoang tưởng. Tuy nhiên nó có thể được sử dụng trong các trường hợp các triệu chứng trở nên nghiêm trọng. Đặc biệt là người bệnh gặp các tình trạng liên quan như trầm cảm hay lo lắng.
Các loại thuốc có thể được kê đơn bao gồm:
- Thuốc chống trầm cảm
- Thuốc chống loạn thần
- Thuốc chống lo âu
Thuốc đơn thuần không phải là phương pháp điều trị được khuyến cáo với các tình trạng rối loạn nhân cách. Tốt nhất nên sử dụng kết hợp với các liệu pháp tâm lý để nhận được kết quả tốt nhất.
3. Triển vọng dài hạn cho người bị PPD
Triển vọng cho chứng PPD phụ thuộc phần nhiều vào việc cá nhân người bệnh có sẵn sàng chấp nhận điều trị hay không. Những người mắc chứng PPD kháng lại điều trị có thể sẽ có cuộc sống ít chức năng hơn. Bởi PPD sẽ gây cản trở khả năng của bạn để giữ một công việc hay có các tương tác xã hội tích cực.
Trong khi đó, những cá nhân chấp nhận điều trị sẽ có thể ít gặp khó khăn hơn trong việc giữ công việc và duy trì các mối quan hệ lành mạnh. Tuy nhiên, bạn sẽ phải tiếp tục điều trị trong suốt cuộc đời. Vì cho đến nay vẫn không có cách nào điều trị khỏi PPD. Các triệu chứng của PPD sẽ tiếp tục. Nhưng chúng có thể được quản lý tốt bằng sự chăm sóc và hỗ trợ.
Rối loạn nhân cách hoang tưởng là tình trạng có tiến triển dai dẳng và không thể chữa khỏi. Tuy nhiên bạn cần nghiêm túc điều trị và chăm sóc theo chỉ định của bác sĩ. Điều này giúp làm giảm mức độ ảnh hưởng của PPD đến chất lượng cuộc sống.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!