Bé Bị Sâu Răng Sữa Nên Làm Gì? Điều Cần Biết
Nội Dung Bài Viết
Các bé từ 3 – 6 tuổi rất dễ bị sâu răng sữa do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trường hợp không sớm phát triển và điều trị thì tình trạng này có thể gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng. Ngoài ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng thì còn khiến chất lượng cuộc sống của trẻ suy giảm.
Sâu răng sữa là bệnh gì?
Răng sữa còn được gọi là răng không vĩnh viễn – mọc ở giai đoạn bé đang bú sữa mẹ. Bé được khoảng 6 tháng tuổi thì sẽ bắt đầu mọc răng sữa và hoàn thành khi được 2 – 3 tuổi.
Một bộ răng sữa hoàn chỉnh gồm có 10 răng ở hàm trên cùng với 10 răng ở hàm dưới. Tuy nhiên, trong giai đoạn từ 6 – 11 tuổi thì răng sữa của trẻ sẽ dần được thay thế bằng răng vĩnh viễn.
Răng sữa có kích thước nhỏ, men răng mỏng, mềm, dễ bị tổn thương hơn nhiều so với răng vĩnh viễn. Trường hợp chăm sóc và vệ sinh không đúng cách thì răng sữa của bé có thể bị sâu.
Sâu răng sữa là thuật ngữ đề cập tới một dạng nhiễm khuẩn răng. Tình trạng này xảy ra khi mô cứng của răng sữa bị mất đi do quá trình hủy khoáng mà vi khuẩn gây ra.
Tình trạng sâu răng sữa ở trẻ nhỏ thường không được phát hiện sớm. Bởi trẻ chưa có ý thức trước những biểu hiện bất thường của sức khỏe răng miệng. Việc điều trị không kịp thời có thể khiến các vấn đề rủi ro nghiêm trọng hơn xảy ra.
Dấu hiệu nhận biết bệnh sâu răng sữa ở trẻ
Thực tế cho thấy, sâu răng sữa ở trẻ nhỏ là bệnh lý có tiến triển chậm. Đặc biệt, ở giai đoạn đầu bệnh thường không gây ra các triệu chứng rõ rệt. Điều này khiến cho việc phát hiện trở nên khó khăn. Đa số các trường hợp đều phát hiện muộn khi bệnh sâu răng sữa đã chuyển sang giai đoạn sâu ngà.
Các dấu hiệu nhận biết bệnh sâu răng sữa có thể bao gồm:
- Khi quan sát bề mặt răng sẽ dễ dàng nhận thấy men răng chuyển sang màu trắng đục hoặc nâu vàng.
- Sau một thời gian, tình trạng sâu răng có thể tiến triển nặng. Từ đó dẫn tới sự hình thành các lỗ sâu lởm chởm có màu nâu hoặc đen trên bề mặt răng của trẻ.
- Khi sâu răng ăn sâu thì trẻ có thể bị đau nhức, ê buốt. Nhất là khi có các kích thích như dùng thức ăn quá nóng, quá lạnh, chua hay ngọt.
- Bệnh có thể xảy ra ở 1 hay nhiều răng. Trong đó, mặt nhai và kẽ răng là bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Bé bị sâu răng sữa do đâu?
Các bác sĩ nha khoa cho biết, sâu răng là tình trạng nha khoa xảy ra phổ biến do nhiều nguyên nhân khác nhau. Riêng đối với răng sữa ở trẻ nhỏ, quá trình sâu răng có thể diễn ra nhanh chóng hơn. Bởi răng sữa có kết cấu mềm và men răng mỏng nên rất dễ bị tổn thương.
Dưới đây là các nguyên nhân thường gặp khiến bé bị sâu răng sữa:
1. Vi khuẩn
Vi khuẩn là tác nhân chính trong cơ chế gây bệnh sâu răng sữa. Trường hợp không có sự hiện diện của vi khuẩn thì quá trình sâu răng sẽ không diễn ra. Các vi khuẩn trong khoang miệng như Steptococcus mutans, Lactobacillus, Acetinomyces,… là các tác nhân chủ yếu gây sâu răng.
2. Vệ sinh răng miệng kém
Trẻ nhỏ thường chưa có ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh răng miệng. Cụ thể là trẻ chưa biết chải răng và súc miệng đúng cách. Nếu không có sự giám sát của các bậc phụ huynh thì trẻ rất khó làm sạch hoàn toàn thức ăn thừa trong kẽ răng và mặt nhai.
Theo thời gian, việc vệ sinh răng miệng kém sẽ khiến cho thức ăn tạo thành mảng bám. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn trú ngụ và tiết acid. Acid do vi khuẩn tiết ra sẽ làm giảm độ pH tại chỗ. Lâu dần sẽ dẫn tới hòa tan các tinh thể mô cứng của răng sữa.
3. Đặc điểm của răng sữa
Như đã đề cập, răng sữa có kết cấu mềm và men răng mỏng hơn răng vĩnh viễn. Do đó, các loại vi khuẩn sẽ dễ dàng phát triển và gây ra tình trạng hủy khoáng. Với những bé có răng yếu thì hiện tượng sâu răng có thể ảnh hưởng đến nhiều răng cùng lúc.
4. Chế độ ăn uống của bé
Trỏ nhỏ thường thích ăn ngọt và có thói quen tiêu thụ nhiều đồ ăn thức uống chứa đường. Trong khi đó, đường lại là thức ăn ưa thích của các loại vi khuẩn.
Khi tiếp xúc với carbohydrate trong thực phẩm nhiều đường, vi khuẩn sẽ tăng cường sản sinh acid. Từ đó làm giảm độ pH bên trong khoang miệng. Hậu quả là sẽ làm hòa tan hô cứng ở men răng, ngà răng và dẫn tới sâu răng.
5. Hình thể và vị trí răng
Răng tiền hàm có mặt nhai lớn, nhiều kẽ và nằm sâu bên trong cung hàm của trẻ. Do đó sẽ dễ bị tích tụ thức ăn thừa. Hơn nữa còn khó vệ sinh hơn nhiều so với răng cửa.
Chính vì vậy, răng ở những vị trí này sẽ có nguy cơ bị sâu răng cao hơn. Ngoài ra, tình trạng răng mọc lệch, mọc chen chúc… cũng có thể sẽ làm tăng nguy cơ bị sâu răng và các bệnh nha khoa khác.
Sâu răng sữa ở trẻ có nguy hiểm không?
Sâu răng sữa là bệnh nha khoa xảy ra tương đối phổ biến ở những bé từ 3 – 6 tuổi. Trường hợp phát hiện sớm, tổn thương hoàn toàn có thể cải thiện bằng cách bổ sung fluor, khoáng chất và chăm sóc răng miệng đúng cách.
Tuy nhiên, nếu không sớm phát hiện thì vi khuẩn có thể xâm hại ngà răng, tủy răng. Thậm chí trong nhiều trường hợp còn gây tổn hại đến các cơ quan sâu hơn trong tổ chức nâng đỡ chân răng.
Sâu răng sữa ở trẻ nhỏ không được điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng. Bao gồm:
- Sâu răng sữa tiến triển có thể dẫn tới viêm nha chu, viêm tủy răng…
- Làm tăng nguy cơ lưu giữ vi khuẩn bên trong cơ thể. Lâu dài có thể gây ra các bệnh toàn thân như viêm phổi, viêm khớp…
- Ảnh hưởng tới hoạt động ăn uống, giao tiếp cũng như sinh hoạt thường ngày của trẻ.
- Bệnh sâu răng sữa tiến triển nặng còn khiến trẻ bị đau nhức nhiều. Từ đó gây mất ngủ, mệt mỏi, tự ti khi học tập và vui chơi cùng bạn bè.
Có thể thấy rằng, bệnh sâu răng sữa gây ra rất nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời. Do đó, phụ huynh cần chú ý các triệu chứng mà trẻ gặp phải để kịp thời đưa trẻ tới gặp bác sĩ nha khoa.
Chẩn đoán bệnh sâu răng sữa
Trên thực tế, bệnh sâu răng sữa rất dễ nhầm lẫn với sún răng – bệnh nha khoa phổ biến ở trẻ dưới 6 tuổi. Sún răng đề cập tới tình trạng răng bị mủn và tiêu dần đi do nồng độ các khoáng chất cần thiết trong răng thấp. Bệnh lý này gây ra các triệu chứng giống với sâu răng nhưng hoàn toàn không gây đau nhức, khó chịu.
Bệnh sâu răng sữa ở trẻ nhỏ phát triển qua 2 giai đoạn. Bao gồm tổn thương sâu răng sớm (sâu men) và sâu răng sữa đã hình thành lỗ sâu (sâu ngà). Tùy thuộc vào từng trường hợp mà bác sĩ sẽ thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán khác nhau. Cụ thể như sau:
1. Trường hợp sâu men
Men răng là lớp bên ngoài cùng của răng có chứa nhiều khoáng chất. Lớp men răng có kết cấu cứng chắc và bền vững. Nó hoàn toàn không chứa mạch máu hay dây thần kinh nên tình trạng sâu men sẽ không gây đau đớn và khó chịu.
Với trường hợp sâu men, bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh thông qua một số kỹ thuật sau:
- Thăm khám lâm sàng
- Dùng đèn sợi quang học hay đèn phát huỳnh quang để quan sát sự thay đổi về màu sắc của răng
- Do mức độ mất khoáng bằng thiết bị laser huỳnh quang
2. Trường hợp sâu ngà
Ngà răng là lớp ngay dưới men răng có kết cấu mềm xốp, chứa cả các chất hữu cơ và vô cơ. Phần này có nhiều mạch máu cùng dây thần kinh nên rất dễ phát sinh cơn đau. Đi cùng với đó là các cảm giác ê buốt, khó chịu nếu sâu răng đã ăn vào.
Bác sĩ có thể chẩn đoán sâu ngà bằng cách:
- Thăm khám lâm sàng (kiểm tra cả triệu chứng cơ năng và thực thể)
- Thử tủy (có sự hiện diện của các loại vi khuẩn)
- Thử nóng, thử lạnh, thổi bằng hơi nhằm xác định răng bị ê buốt khi có các kích thích này
- Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể yêu cầu chụp X-quang nếu thấy cần thiết
Bé bị sâu răng sữa nên làm gì?
Như đã đề cập, tình trạng sâu răng sữa xảy ra rất phổ biến ở các bé từ 3 – 6 tuổi. Các bậc phụ huynh cần theo dõi sức khỏe răng miệng của trẻ để kịp thời phát hiện và có biện pháp xử lý đúng đắn.
Cần lưu ý sớm đưa trẻ đi thăm khám nha sĩ để được chỉ định điều trị phù hợp:
1. Khám nha sĩ
Khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu bị sâu răng sữa, các bậc phụ huynh cần sắp xếp thời gian đưa trẻ đi thăm khám nha sĩ. Tuyệt đối không được chủ quan bởi tình trạng bệnh có thể tiến triển nặng. Từ đó gây ra các biến chứng nghiêm trọng.
Trẻ nhỏ thường rất dễ bị sợ hãi khi gặp nha sĩ. Do đó, bạn cần làm tư tưởng cho trẻ. Có thể cho bé xem các bức hình vui nhộn về việc chữa răng. Đồng thời luôn ở bên động viên trẻ trong quá trình bác sĩ khám răng.
Tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ đưa ra giải pháp điều trị phù hợp. Thông thường liệu pháp fluor, cung cấp khoáng chất và hàn trám lỗ sâu là các phương pháp điều trị sâu răng sữa được áp dụng phổ biến.
2. Bổ sung Fluor và khoáng chất
Liệu pháp bổ sung fluor và khoáng chất được chỉ định trong các trường hợp bị sâu răng sữa nhẹ. Mục đích là để đẩy nhanh quá trình tái khoáng. Fluor và các khoáng chất sẽ giúp tăng cường men răng và ngăn chặn quá trình hủy khoáng. Từ đó giúp bù lấp vào các lỗ sâu li ti trên bề mặt răng.
Các biện pháp bổ sung fluor và khoáng chất bao gồm:
- Sử dụng các sản phẩm dung dịch nước súc miệng, gel bôi hay kem đánh răng có chứa fluor giúp đẩy nhanh quá trình tái khoáng.
- Cho trẻ dùng nước muối loãng hay muối ăn để bổ sung fluor.
- Bổ sung canxi, phốt pho và các khoáng chất cần thiết cho trẻ thông qua thực phẩm. Điển hình như nghêu, sò, tôm, mực, cá, hạt và các loại đậu.
Với các lỗ sâu li ti thì việc bổ sung fluor và khoáng chất sẽ giúp chữa lành tổn thương. Hơn nữa còn hỗ trợ ngăn chặn sâu răng tiến triển và phòng ngừa hiệu quả các biến chứng của bệnh.
Trong trường hợp tình trạng sâu răng sữa đã được kiểm soát thì phụ huynh vẫn nên duy trì cho trẻ các thói quen trên. Điều này sẽ giúp bảo vệ tốt hơn sức khỏe răng miệng bé yêu.
3. Hàn trám lỗ sâu
Đối với các trường hợp răng sữa của bé xuất hiện các lỗ sâu lởm chởm thì cần áp dụng phương pháp hàn trám lỗ sâu. Bác sĩ sẽ sử dụng vật liệu nhân tạo để trám và bít lại các lỗ hỏng do bệnh sâu răng gây ra.
Trước khi tiến hành trám bít, bác sĩ cần nạo phần ngà răng bị nhiễm khuẩn. Sau đó sát trùng để hạn chế tình trạng sâu răng tái phát sau khi hàn trám.
Hàn răng sẽ giúp phục hồi được hình dáng cũng như chức năng của răng. Tuy nhiên bạn cần đưa trẻ đến các địa chỉ phòng khám nha khoa uy tín để chữa sâu răng sữa. Điều này giúp đảm bảo hiệu quả cũng như sự an toàn cho sức khỏe răng miệng của bé.
Giúp bé phòng ngừa bệnh sâu răng sữa
Bệnh sâu răng sữa không chỉ dễ xuất hiện mà còn có nhiều khả năng tái phát sau điều trị. Do đó, bạn cần chủ động thực hiện các phương pháp phòng ngừa cho bé yêu của mình.
Dưới đây là các biện pháp phòng ngừa sâu răng sữa hiệu quả cho bé:
- Nhắc trẻ chải răng đều đặn 2 – 3 lần/ ngày vào sau các bữa ăn và trước khi đi ngủ. Trẻ dưới 7 tuổi thường chưa thể tự chải răng đúng cách. Do đó, bạn nên theo dõi và giám sát quá trình trẻ vệ sinh răng miệng.
- Sử dụng chỉ tơ nha khoa cho bé để làm sạch hoàn toàn thức ăn thừa bám trong kẽ răng. Ngoài ra nên chọn sản phẩm nước súc miệng phù hợp với độ tuổi của bé. Từ đó giúp cho khoang miệng được làm sạch hoàn toàn.
- Giảm hàm lượng đường trong chế độ ăn của bé. Nên cho bé uống đủ nước, ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất. Đây là nhóm thực phẩm lành mạnh giúp cải thiện sâu răng và tránh tình trạng sâu răng, viêm nướu răng.
- Không nên cho trẻ ăn quá nhiều bánh kẹo, đồ ngọt, socola, thức uống có gas… Thay vào đó, có thể cho trẻ dùng các món ăn vặt từ rau củ quả tươi để làm giảm nguy cơ bị sâu răng
- Dẫn trẻ thăm khám nha khoa định kỳ 1 – 2 lần/ năm. Ngoài để lấy cao răng thì còn kịp thời phát hiện và can thiệp điều trị các bệnh lý tiềm ẩn.
Tình trạng sâu răng sữa ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động ăn uống, tâm lý, giấc ngủ… của bé. Khi trẻ gặp phải các biểu hiện bất thường, bạn cần sớm đưa trẻ thăm khám nha sĩ để điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, nên hướng dẫn bé thực hiện tốt các biện pháp chăm sóc sức khỏe răng miệng.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!