Tắm nắng cho trẻ lúc mấy giờ là tốt nhất? Tắm bao lâu thì đủ?
Nội Dung Bài Viết
Tắm nắng cho trẻ giúp cơ thể sản sinh vitamin D, tăng khả năng hấp thu canxi, phosphate và góp phần cải thiện hệ miễn dịch. Tuy nhiên để tránh tình trạng da bỏng rát, nổi mẩn và ửng đỏ, phụ huynh cần cho trẻ tắm nắng trong khung giờ phù hợp.
Tắm nắng cho trẻ có lợi ích gì?
Tắm nắng cho trẻ sơ sinh mang lại nhiều lợi ích đối với sức khỏe. Các nghiên cứu cho thấy, tia UVB trong ánh nắng có thể kích thích cơ thể sản sinh vitamin D. Cùng với calcitonin và hormone tuyến cận giáp, vitamin D là yếu tố cần thiết để duy trì nồng độ phosphate và canxi trong huyết tương. Thiếu hụt vitamin D là nguyên nhân khiến đường ruột giảm hấp thu canxi và các khoáng chất thiết yếu, dẫn đến tình trạng trẻ còi xương, chậm lớn và răng mọc chậm.
Trên thực tế, loại vitamin này không chỉ có vai trò đối với hệ thống xương khớp mà còn tác động đến insulin, hệ thống thần kinh, khối cơ, hệ miễn dịch,… Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bị thiếu hụt vitamin D thường có các biểu hiện sớm như dễ giật mình khi ngủ, cơ nhão, da xanh xao, ốm yếu và châm phát triển. Nếu để kéo dài, trẻ có thể bị co giật do hạ canxi máu (vitamin D giúp tăng hấp thu canxi), trẻ chậm biết đi, biết bò, răng mọc chậm,…
Do đó, việc tắm nắng cho trẻ có thể giúp phòng ngừa thiếu hụt vitamin D, canxi, giúp trẻ khỏe mạnh, cải thiện độ chắc khỏe của răng và hệ thống xương khớp. Ngoài ra, bổ sung vitamin D đều đặn còn giúp trẻ phát triển toàn diện và góp phần cải thiện hệ miễn dịch.
Ngoài ra, tắm nắng còn giúp diệt khuẩn bề mặt da và hỗ trợ cải thiện tình trạng hăm tã. Một số nghiên cứu còn cho thấy, tia UVB và UVA trong ánh nắng còn có tác dụng biệt hóa tế bào, từ đó giúp làm giảm hiện tượng viêm đỏ và ngứa ngáy do chàm sữa – một dạng viêm da mãn tính thường gặp ở trẻ nhỏ.
Khi nào trẻ có thể tắm nắng?
Sau khi sinh khoảng 1 – 2 tuần, phụ huynh có thể cho trẻ tắm nắng. Đây là thời điểm cơ thể trẻ đã có khả năng sản xuất vitamin D và cấu trúc da đã phát triển tương đối hoàn chỉnh. Tắm nắng quá sớm có thể khiến da của trẻ bị bỏng rát, đổi màu hoặc thậm chí ảnh hưởng đến thị lực. Ngược lại, tắm nắng cho trẻ quá muộn có thể khiến trẻ không có đủ vitamin D để tổng hợp phosphate và canxi – 2 loại khoáng chất cần thiết cho quá trình tạo xương và răng.
Đối với trẻ sinh non, phụ huynh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tắm nắng cho trẻ. Trẻ sinh thiếu tháng thường có sức khỏe kém, làn da mỏng và nhạy cảm hơn. Do đó, bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng sức khỏe của trẻ để tư vấn thời gian tắm nắng phù hợp nhất.
Tắm nắng cho trẻ lúc mấy giờ là tốt nhất?
Thực tế, rất nhiều người lầm tưởng thời gian tắm nắng cho trẻ tốt nhất là vào 7:00 – 8:00 sáng hoặc buổi chiều từ 16:00 – 17:00. Tuy nhiên một số nghiên cứu gần đây cho thấy, việc tắm nắng trước 9:00 sáng và sau 16:00 đều không có hiệu quả trong việc kích thích cơ thể sản sinh vitamin D.
Ánh nắng mặt trời có 3 loại tia UV, bao gồm UVC, UVB và UVA. Trong đó, UVA là tia có bước sóng dài nhất và có khả năng đi sâu vào tế bào đáy của da. Tuy nhiên, tia UVA hoàn toàn không có khả năng tổng hợp vitamin D. Ngược lại còn gây sạm nám, lão hóa, tàn nhang và tăng nguy cơ ung thư da.
Tia UVC là tia cực tím gây hại nhất đối với sức khỏe. May mắn là 100% tia UVC từ ánh nắng đều bị hấp thu hoàn toàn ở tầng ozone và không có cơ hội tiếp xúc với mặt đất. Chỉ có duy nhất tia UVB có khả năng kích thích cơ thể sản sinh vitamin D3.
Tuy nhiên, tia UVB có bước sóng khá ngắn (290 – 320nm) và có đến hơn 95% tia UVB bị hấp thu ở tầng ozone. Do đó, tia UVB chỉ xuất hiện vào giữa trưa vì lúc này mặt trời chiếu vuông góc với mặt đất. Thời điểm trước 9:00 và sau 4:00 chiều, tia UVB gần như bị hấp thu hoàn toàn. Vì vậy, tắm nắng cho trẻ ở thời điểm này thường không có hiệu quả tổng hợp vitamin D.
Mặc dù có lợi ích đối với sức khỏe nhưng tiếp xúc với UVB có thể khiến da đen sạm, cháy nắng và bỏng rát. Chính vì vậy hiện nay, các bác sĩ khoa Nhi luôn khuyến khích phụ huynh tắm nắng cho trẻ trong khung giờ từ 9:00 – 10:00 và 15:00 – 16:00 thay vì trước 9:00 và sau 16:00 như trước đây.
Nên tắm nắng cho trẻ trong bao lâu?
Làn da của trẻ nhỏ chỉ mỏng bằng 1/5 da của người trưởng thành. Do đó khi bắt đầu tắm nắng, phụ huynh nên cho trẻ tắm từ 3 – 5 phút để cơ thể dần quen với tia UV có trong ánh nắng mặt trời. Sau đó, có thể tắm nắng từ 5 – 10 phút (vào mùa hè) và 15 – 20 phút (vào mùa đông).
Phụ huynh cũng có thể tự điều chỉnh thời gian tắm nắng cho bé tùy vào thời điểm tắm. Tắm nắng càng gần buổi trưa thì thời gian tắm càng ngắn hơn. Khi tắm nắng, mẹ nên quan sát phản ứng da của bé. Da ửng hồng nhẹ là dấu hiệu cho thấy trẻ đã tắm nắng đủ. Tiếp tục tắm nắng có thể khiến da bé bị bỏng rát, viêm đỏ và bong tróc.
Nếu tắm nắng đúng cách, cơ thể bé có thể sản sinh ra khoảng 600 – 1000IU/ ngày. Với người lớn, mức vitamin D sản sinh trong 10 – 15 phút tắm nắng có thể dao động từ 800 – 1000IU/ ngày.
Một số lưu ý khi tắm nắng cho trẻ sơ sinh
Tắm nắng cho trẻ sơ sinh là biện pháp giúp tổng hợp vitamin D – loại vitamin quan trọng đối với sức khỏe và sự phát triển của bé. Tuy nhiên trước khi tắm nắng cho trẻ, phụ huynh nên lưu ý một số vấn đề sau:
- Nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn cụ thể về thời điểm nên tắm nắng cho bé và một số vấn đề quan trọng khác. Trên thực tế, thời gian tắm nắng, cách tắm nắng,… có thể thay đổi tùy vào độ tuổi và tình trạng sức khỏe của trẻ nhỏ.
- Khi tắm nắng, mẹ nên cho trẻ đội nón để tránh tia UV chiếu trực tiếp vào mắt và vùng da xung quanh mắt. Nên để hở tay, chân và vùng lưng để cơ thể tiếp xúc với tia UVB và tăng sản sinh vitamin D3.
- Không nên tắm nắng quá lâu (trên 30 phút) và cần tránh tắm nắng trong khung giờ từ 10:00 – 14:00 hằng ngày.
- Sau khi tắm nắng, không nên cho trẻ tắm ngay vì có thể khiến thân nhiệt sụt giảm đột ngột. Mẹ nên cho bé vào nhà nằm nghỉ ngơi, vui chơi và bổ sung sữa/ nước. Sau khoảng 30 – 60 phút, có thể cho trẻ tắm với nước ấm để làm sạch cơ thể.
- Nên lựa chọn nơi tắm nắng yên tĩnh, có nhiều cây xanh và không khí trong lành. Tránh cho trẻ tắm nắng ở không gian ồn ào, nhiều bụi bẩn và không khí ô nhiễm.
- Để giảm thiểu tình trạng da trẻ bị ửng đỏ và bỏng rát, phụ huynh nên dùng kem dưỡng ẩm dịu nhẹ thoa lên những vùng da hở trước khi cho trẻ tắm nắng.
- Nếu da trẻ xuất hiện mẩn đỏ, vết phát ban,… mẹ nên thoa kem dưỡng ẩm để làm dịu và giảm ngứa. Trong trường hợp mẩn đỏ xuất hiện trên diện rộng, trẻ quấy khóc do ngứa ngáy dữ dội, nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn điều trị.
- Không tắm nắng khi trẻ đang bị sốt cao, mắc các bệnh viêm nhiễm, đang mọc răng,… Ngoài ra, phụ huynh cũng cần hạn chế cho trẻ tắm nắng khi thời tiết thay đổi, không khí có nhiều phấn hoa.
- Ngoài tắm nắng, nên cho trẻ ăn các loại thực phẩm giàu vitamin D như lòng đỏ trứng, sữa, cá thu, cá hồi,… Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi, phụ huynh nên bổ sung các loại thực phẩm này để tăng hàm lượng vitamin B trong sữa mẹ.
- Trong trường hợp cần thiết, phụ huynh có thể cho trẻ sử dụng viên uống chứa vitamin D theo hướng dẫn của bác sĩ.
Tắm nắng cho trẻ sơ sinh là cách chăm sóc con trẻ được áp dụng rất phổ biến. Tuy nhiên trên thực tế, hiệu quả của biện pháp này mang lại không quá rõ rệt. Vì vậy, phụ huynh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi cho trẻ tắm nắng và có thể can thiệp một số biện pháp bổ sung vitamin D khác trong trường hợp cần thiết.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!