Thoát vị đĩa đệm theo Đông y và các bài thuốc chữa bệnh
Nội Dung Bài Viết
Hiện nay, nhiều bệnh nhân lựa chọn chữa thoát vị đĩa đệm theo Đông y thay vì sử dụng thuốc tây và can thiệp các biện pháp từ y học hiện đại. Phương pháp này có thể cải thiện cơn đau và các triệu chứng đi kèm, đồng thời bồi bổ khí huyết, nâng cao sức khỏe và hỗ trợ làm chậm tiến triển của bệnh.
Thoát vị đĩa đệm theo quan niệm Đông y
Thoát vị đĩa đệm là một trong những vấn đề xương khớp phổ biến ở người trung niên và cao tuổi. Bệnh xảy ra khi đĩa đệm bị xơ hóa, dẫn đến tình trạng nứt rách khiến nhân nhầy thoát ra bên ngoài. Hiện tượng thoát vị thường ảnh hưởng đến những vị trí phải chịu áp lực lớn từ trọng lượng cơ thể và các hoạt động sinh hoạt, lao động như đĩa đệm cổ và thắt lưng.
Theo quan niệm Đông y, thoát vị đĩa đệm thuộc phạm vi chứng yêu thống. Chứng bệnh này xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau như:
- Do ngoại tà (nhiệt, hàn, thấp, phong) xâm nhập vào cơ thể khiến kinh mạch bị ngăn trở, ứ trệ và đau nhức
- Khí huyết không vận hành được (chấn thương, lao động nặng hoặc lười vận động) khiến cho huyết ngưng trệ ở vùng cổ, lưng và gây đau nhức âm ỉ
- Thận hư cũng là căn nguyên dẫn đến chứng yêu thống do vùng lưng dưới bị chi phối bởi thận. Thận hư yếu khiến lưng không được nuôi dưỡng lâu ngày dẫn đến tổn thương
- Tuổi già, lao động quá sức khiến cơ thể suy nhược, ảnh hưởng đến quá trình nuôi dưỡng đĩa đệm và đốt sống. Dần dần đĩa đệm giảm lượng nước bên trong, có xu hướng khô, xơ hóa và đau nhức
Tùy theo căn nguyên và biểu hiện, Đông y chia thoát vị đĩa đệm thành nhiều thể bệnh riêng biệt và áp dụng bài thuốc có tác dụng hoàn toàn khác nhau. Các bài thuốc từ Đông y tác động trực tiếp đến cơ quan tổn thương giúp kiểm soát cơn đau, các triệu chứng đi kèm và hỗ trợ khắc phục căn nguyên của bệnh. Bên cạnh đó, điều trị thoát vị đĩa đệm bằng thuốc Đông y còn giúp nâng cao khả năng phòng vệ của cơ thể (sức đề kháng) và bồi bổ khí huyết.
Các bài thuốc Đông y chữa thoát vị đĩa đệm
Khác với Tây y, Đông y chia thoát vị đĩa đệm theo từng thể riêng biệt dựa trên căn nguyên và biểu hiện lâm sàng. Từng thể bệnh sẽ có các bài thuốc đặc trị khác nhau. Việc sử dụng bài thuốc theo thể bệnh giúp kiểm soát cơn đau và các triệu chứng đi kèm nhanh chóng, đồng thời hỗ trợ nâng cao sức khỏe, bồi bổ khí huyết và khắc phục nguyên nhân gây bệnh.
Dưới đây là một số bài thuốc Đông y chữa thoát vị đĩa đệm được áp dụng phổ biến:
1. Bài thuốc Đông y chữa điều trị thoát vị thể hàn thấp
Thể hàn thấp xảy ra do thấp, hàn từ bên ngoài xâm nhập vào cơ thể khiến kinh mạch ở cột sống bị ngăn trở và gây ra cơn đau. Thể bệnh này đặc trưng bởi tình trạng đau vùng thắt lưng đi kèm với cảm giác nặng ở lưng dưới. Cơn đau có xu hướng tăng lên khi thời tiết chuyển lạnh, âm u, tay chân không có sức, nước tiểu trong và tiểu nhiều. Thoát vị đĩa đệm thể hàn thấp có xu hướng giảm nhẹ khi thời tiết ấm và chườm nóng.
Để giải thể bệnh này, Đông y sử dụng bài thuốc Phụ tử ma hoàng quế chi thang gia giảm có tác dụng chỉ thống, trừ thấp, tán hàn và ôn kinh.
- Chuẩn bị: Xuyên ô, phụ tử, độc hoạt, cát căn, can khương, quế chi mỗi thứ 9g, ma hoàng và cam thảo mỗi thứ 6g, tế tân 3g.
- Thực hiện: Sắc uống ngày dùng 1 thang.
- Lưu ý: Nếu cảm thấy nặng nhiều ở vùng lưng dưới, thêm thương truật 9g và thêm tục đoạn, tang ký sinh mỗi thứ 9g trong trường hợp thận hư. Trong trường hợp chứng bệnh có nhiều triệu chứng, nên gặp thầy thuốc để được bắt mạch và cân chỉnh liều lượng dược liệu.
2. Bài thuốc điều trị thoát vị đĩa đệm thể thấp nhiệt
Thoát vị đĩa đệm thể thấp nhiệt điển hình vởi tình trạng đau vùng thắt lưng đi kèm với cảm giác sưng, nặng vùng lưng dưới, nóng rát, lưng không thể ngả về phía sau hay cúi người về phía trước. Ngoài cơn đau ở vùng thắt lưng, thể bệnh này còn đi kèm với một số triệu chứng khác như táo bón, tiểu buốt, nước tiểu có màu vàng sậm, tiểu ít, cơ thể ra nhiều mồ hôi và người bứt rứt.
Với thể thấp nhiệt, nên sử dụng bài thuốc Tứ Diệu Hoàn Gia Vị có tác dụng chỉ thống, hóa thấp và thanh nhiệt. Ngoài ra tùy theo chứng bệnh, thầy thuốc sẽ gia giảm dược liệu phù hợp.
- Chuẩn bị: Xương truật và ngưu tất mỗi thứ 12g, hoàng bá và tần giao mỗi thứ 9g, ý dĩ 30.
- Thực hiện: Sắc uống, ngày dùng đều đặn 1 thang.
Gia giảm dược liệu tùy theo chứng bệnh:
- Trường hợp đi kèm âm hư (biểu hiện khó chịu về đêm, miệng khô, họng khát, thắt lưng đau mỏi và ngũ tâm phiền nhiệt), gia thêm hạ liên thảo và nữ trinh tử mỗi thứ 9g, thục địa 12g
- Nếu vùng lưng nặng nề, thêm mộc qua và hán phòng kỷ mỗi thứ 9g
- Trường hợp nước tiểu vàng và khát thường xuyên, gia thêm chi tử và liên kiều mỗi thứ 9g, mộc thông 3g
- Đi kèm huyết ứ (do ít vận động hoặc lao động quá sức) thêm một dược và nhũ hương mỗi thứ 6g, xích thược 9g
- Thận hư nặng thêm tục đoạn và câu kỷ mỗi thứ 9g
- Cử động khó khăn thêm hải phong đằng và lạc thạch đằng mỗi thứ 9g
3. Bài thuốc Đông y trị thoát vị đĩa đệm thể phong thấp
Thoát vị đĩa đệm thể phong thấp xảy ra do thấp và phong xâm nhập vào cơ thể mà gây ra bệnh. Bệnh bùng phát trong giai đoạn thời tiết thay đổi – nhất là khi tiết trời lạnh và nhiều giờ. Thể bệnh này đặc trưng bởi cơn đau khu trú ở vùng lưng trên hoặc dưới, điểm đau cố định và không thay đổi. Cơn đau ở lưng đi kèm với cảm giác nặng nề, có xu hướng lan dọc xuống chi dưới và các ngón chân.
Người bị thoát vị đĩa đểm thể hàn thấp có cơ thể nặng nề, sợ lạnh, sợ gió, rêu lưỡi vàng và sắc lưỡi trắng nhạt. Thể bệnh này chủ yếu gặp ở người cao tuổi và người có thể trạng suy nhược. Đối với thoát vị đĩa đệm thể phong thấp, Đông y dùng bài Độc hoạt ký sinh thang để thông kinh hoạt lạc, khu phong và hóa thấp.
- Chuẩn bị: Cam thảo, nhục quế và tế tân mỗi thứ 3g, bạch thược, xuyên khung, ngưu tất, độc hoạt và phòng phong mỗi thứ 9g, đỗ trọng, tần giao, phục linh, đương quy và đẳng sâm mỗi thứ 12g, thạch chi 15g và tang ký sinh 18g.
- Thực hiện: Sắc uống ngày dùng 1 thang.
Gia giảm dược liệu theo chứng bệnh:
- Cử động khó khăn gia thêm hải phong đằng và lạc thạch đằng mỗi thứ 9g
- Có cảm giác nặng ở lưng dưới thêm uy linh tiên và thương truật mỗi thứ 9g
- Tỳ hư thêm bạch truật 12g
- Thận hư nặng thêm tục đoạn và câu kỷ mỗi thứ 9g
- Huyết ứ thêm nhũ hương và một dược mỗi thứ 6g, xích thước 9g
4. Bài thuốc Đông y chữa thoát vị đĩa đệm thể thận hư
Thể thận hư xảy ra do chức năng thận suy giảm khiến vùng thắt lưng không được nuôi dưỡng và suy yếu dần theo thời gian. Thể bệnh này biểu hiện bởi tình trạng đau thắt lưng âm ỉ, chân không có sức và cơ thể mệt mỏi. Thể trạng phiền nhiệt, lưỡi đỏ, họng khô, hay đổ mồ hôi trộm và sốt nhiều về chiều.
Đối với thoát vị đĩa đệm thể thận hư, cần dùng bài Tả quy hoàn gia giảm để thông kinh hoạt lạc, giáng hỏa, tư âm và bổ thận. Tương tự như các bài thuốc trên, thầy thuốc có thể gia giảm dược liệu tùy theo triệu chứng mà bệnh nhân gặp phải.
- Chuẩn bị: Cao quy bản và cao ban long mỗi thứ 6g, hoài sơn, kỷ tử, thỏ ty tử, tang ký sinh, ngưu tất và sơn thù mỗi thứ 9g, đỗ trọng và thục địa mỗi thứ 12g.
- Thực hiện: Sắc uống ngày dùng 1 thang.
Gia giảm dược liệu tùy theo chứng bệnh:
- Trong trường hợp đi kèm tâm hư (cơ thể đổ nhiều mồ hôi trộm, họng và miệng khô) dùng thêm tri mẫu và hoàng bá mỗi thứ 9g
- Bệnh nhân mất ngủ, ù tai, chóng mặt và hồi hộp thêm mẫu lệ, long cốt và thạch quyết minh mỗi thứ 12g
- Kèm đờm thấp thêm khương hoạt và tần giao mỗi thứ 12g
- Tỳ hư gia thêm phục linh và bạch truật mỗi thứ 12g
- Huyết ứ, khí trệ gia thêm một dược và nhũ hương mỗi thứ 6g
- Cơn đau đi kèm với cử động khó khăn, gia thêm lạc thạch đằng và ty qua lạc mỗi thứ 9g
5. Bài thuốc điều trị thoát vị đĩa đệm thể thận dương hư
Thận dương hư khiến vùng lưng suy yếu và dễ đau nhức. Theo thời gian, đĩa đệm bị tổn thương và xảy ra hiện tượng thoát vị. Thể bệnh này đặc trưng bởi tình trạng lưng đau ê ẩm, tê bì, chi dưới yếu sức và mất cảm giác. Khi xoa bóp, chườm ấm và nghỉ ngơi thì cơn đau giảm đi đáng kể.
Người bệnh mắc thể thận dương hư còn có một số biểu hiện như chức năng tình dục suy giảm, nước tiểu trong, da mặt xanh xao, xám xịt, hơi thở ngắn, sợ lạnh,…
Để cải thiện bệnh thoát vị đĩa đệm thể dương hư, cần dùng bài Hữu quy hoàn gia giảm để ôn kinh, tráng dương, tán hàn và bổ thận.
- Chuẩn bị: Phụ tử 3g, thỏ ty tử, hoài sơn, kỷ tử, sơn thù, cao ban long, đỗ trọng, cẩu tích và tục đoạn mỗi thứ 9g, thục địa 12g.
- Thực hiện: Sắc uống, mỗi ngày dùng 1 thang.
Cách gia giảm dược liệu tùy theo chứng bệnh:
- Có dấu hiệu hàn thấp, thêm khương hoạt, tần giao và độc hoạt mỗi thứ 9g
- Huyết ứ, khí trệ thêm một dược và nhũ hương mỗi thứ 6g
- Có cảm đau âm ỉ ở vùng thắt lưng bỏ đương quy, câu kỷ tử, gia thêm bạch truật, đảng sâm mỗi thứ 9g, hoàng kỳ 12g
- Đi kèm với tỳ hư, thêm phục linh và bạch truật mỗi thứ 12g
6. Chữa thoát vị đĩa đệm thể huyết ứ, khí trệ bằng bài thuốc Đông y
Thể huyết ứ, khí trệ thường xảy ra do thói quen lười vận động, chấn thương hoặc lao động quá mức khiến xương khớp suy yếu, quá trình lưu thông khí huyết bị cản trở dẫn đến ứ trệ và gây đau. Thể bệnh này thường đau cố định 1 chỗ (chủ yếu ở vùng lưng và chân) và có xu hướng nặng dần hơn khi về đêm. Theo thời gian, cơn đau lan dần xuống chi dưới làm mất cảm giác, giảm khả năng vận động và gây rối loạn cảm giác.
Với thoát vị đĩa đệm thể khí trệ, huyết ứ, nên dùng bài Thân thống trục ứ thang gia giảm. Bài thuốc này có tác dụng thông kinh hoạt lạc, khứ ứ, chỉ thống, hành khí và hoạt huyết.
- Chuẩn bị: Tần giao, xuyên khung, khương hoạt, ngưu tất, đào nhân, nhũ hương, cốt toái bổ, địa long, hồng hoa và đương quy mỗi thứ 9g, cam thảo 3g, xương bồ 6g, tục đoạn 12g.
- Thực hiện: Sắc uống ngày dùng 1 thang.
Gia giảm dược liệu theo chứng bệnh:
- Nếu huyết ứ do chấn thương, gia thêm tô mộc 9g, tam thất 3g
- Khí trệ, huyết ứ do phong thấp lâu ngày mà thành thêm uy linh tiên, độc hoạt và phòng phong mỗi thứ 9g
Một số lưu ý khi điều trị thoát vị đĩa đệm bằng Đông y
Các bài thuốc Đông y chữa thoát vị đĩa đệm có thể cải thiện triệu chứng lâm sàng và hỗ trợ nâng cao sức khỏe, thể trạng. Tuy nhiên trước khi áp dụng, bệnh nhân cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Để được chỉ định bài thuốc phù hợp với thể bệnh và triệu chứng, bệnh nhân nên tìm gặp thầy thuốc. Tuyệt đối không tự ý tìm mua dược liệu và tự sắc thuốc tại nhà.
- Các bài thuốc Đông y điều trị thoát vị đĩa đệm có độ an toàn, lành tính cao và hiếm khi xảy ra hiện tượng phụ thuộc như tân dược. Tuy nhiên, hiệu quả của phương pháp này khá chậm và hạn chế hơn sơ với các biện pháp từ y học hiện đại. Do đó trong trường hợp cần thiết, bệnh nhân nên điều trị y tế để kiểm soát tiến triển của bệnh và dự phòng biến chứng.
- Hiện nay có khá nhiều phòng khám Đông y kinh doanh dược liệu kém chất lượng, thầy thuốc không đủ chuyên môn và có nhiều sai phạm khi hoạt động. Để đảm bảo hiệu quả điều trị, bệnh nhân nên lựa chọn các phòng khám uy tín và đáng tin cậy.
- Không tự ý phối hợp bài thuốc Đông y với thuốc tây khi chưa tham vấn y khoa.
- Người có các bệnh lý nội khoa như suy gan, thận, rối loạn tuyến giáp, tiểu đường, cao huyết áp,… nên thông báo tình trạng sức khỏe với thầy thuốc để được chỉ định bài thuốc phù hợp.
- Thoát vị đĩa đệm là bệnh lý mãn tính và không thể điều trị hoàn toàn. Vì vậy bên cạnh các phương pháp điều trị, bệnh nhân nên ăn uống điều độ, sinh hoạt khoa học và tập thể dục thường xuyên để cải thiện chức năng của xương khớp, hỗ trợ phục hồi đĩa đệm tổn thương và làm chậm tiến triển của bệnh.
Điều trị thoát vị đĩa đệm theo Đông y là lựa chọn của nhiều bệnh nhân. Bên cạnh ưu điểm lành tính, an toàn và ít bị phụ thuộc, phương pháp này có một số hạn chế như hiệu quả hạn chế và tác dụng chậm. Vì vậy, bệnh nhân nên cân nhắc kỹ lưỡng để lựa chọn được phương pháp phù hợp nhất với tình trạng sức khỏe.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!