Bệnh phong thấp trong Đông y và các bài thuốc chữa trị từ gốc
Nội Dung Bài Viết
Các bài thuốc Đông y chữa bệnh phong thấp có tác dụng chính là trừ thấp, khu phong, tán hàn, bồi bổ khí huyết và hành khí. Áp dụng các bài thuốc này đều đặn có thể giảm đau nhức, ê mỏi, tê bì, đồng thời giúp cải thiện sức khỏe và nâng cao vệ khí của cơ thể.
Quan niệm Đông y về bệnh phong thấp
Phong thấp (phong tê thấp) là chứng bệnh thường gặp ở người trung niên và cao tuổi. Theo Tây y, nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do di truyền dưới tác động của các yếu tố nội sinh và ngoại sinh như nhiễm khuẩn, rối loạn nội tiết, chấn thương, thời tiết thay đổi,…
Tuy nhiên theo quan niệm Đông y, phong thấp thuộc chứng Tý. Căn nguyên của chứng bệnh này là do phong, hàn và thấp nhiệt xâm nhập qua da, sau đó đi vào tuần hoàn máu khiến khí huyết lưu lông không thuận và gây ứ trệ, bế tắc ở kinh lạc. Chứng phong tê thấp đặc trưng bởi cơn đau xảy ra ở một hoặc nhiều khớp, đau âm ỉ kèm nhức mỏi, tê bì hoặc đau dữ dội, khớp sưng đỏ và nóng rát.
Không giống với Tây y, Đông y chia chứng bệnh này ra từng thể riêng biệt dựa vào biểu hiện lâm sàng, căn nguyên và đặc điểm. Sau đó, soi chiếu tính chất của thể bệnh và áp dụng phương pháp luận trị thích hợp. Ngoài tác dụng giảm đau nhức và cải thiện các triệu chứng đi kèm, bài thuốc Đông y chữa phong thấp còn có tác dụng làm ấm khớp, bồi bổ khí huyết, giải phóng kinh lạc ứ trệ và cải thiện sức khỏe tổng thể.
Cũng chính vì vậy mà hiện nay, nhiều bệnh nhân lựa chọn điều trị theo Đông y để tác động toàn diện đến tiến triển của bệnh. Hơn nữa, bài thuốc Đông y có mức độ hấp thu tốt, tương thích với cơ địa của người Việt và ít gây hại lên gan, thận như thuốc Tây.
Tuy nhiên, các bài thuốc Đông y thường có hiệu quả hạn chế và tác dụng chậm hơn so với tân dược. Vì vậy trong trường hợp đau nhiều và mức độ hủy hoại mô sụn diễn ra nhanh, bệnh nhân nên điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa để kịp thời kiểm soát triệu chứng và phòng ngừa biến chứng.
Các bài thuốc điều trị phong tê thấp từ Đông y
Đông y lưu truyền nhiều bài thuốc điều trị phong tê thấp. Tuy nhiên để đạt được hiệu quả tốt, bệnh nhân cần lựa chọn bài thuốc phù hợp với thể bệnh và phải áp dụng liên tục trong thời gian quy định.
1. Bài thuốc Đông y trị phong thấp thể phong tý (hành tý)
Chứng phong tê thấp thể hành tý (phong tý) là thể bệnh xảy ra do phong tà (gió độc). Thể bệnh này gây đau cùng lúc nhiều khớp, cơn đau không cố định mà có xu hướng di chuyển giữa các khớp. Bệnh nhân thường sợ gió, mạch phù và rêu lưỡi trắng.
Yếu tố chính gây ra thể phong tý là do gió độc. Do đó, cần dùng bài thuốc có tác dụng chính là khu phong, hành khí, hoạt huyết và tán hàn trừ thấp.
- Bài thuốc 1: Chuẩn bị bạch chỉ, tần giao, ma hoàng, quế chi và bạch linh mỗi thứ 8g, thương nhĩ tử, thổ phục và hy thiêm mỗi thứ 12g, tỳ giải, đương quy, ý dĩ, bạch thược, khương hoạt, phòng phong và uy linh tiên mỗi thứ 12g. Sắc uống, ngày dùng 1 thang.
- Bài thuốc 2: Dùng cam thảo 2g, thược dược và quế chi mỗi thứ 3g, ý dĩ nhân 8 – 10g, bạch truật, ma hoàng và đương quy mỗi thứ 4g. Cho dược liệu vào ấm, sắc uống ngày dùng 1 thang.
2. Trị phong thấp thể thống tý (hàn tý) bằng thuốc Đông y
Bệnh phong thấp thể thống tý (hàn tý) xảy ra do hàn tà (khí lạnh). Thể bệnh này thường chỉ gây đau dữ dội tại một khớp cố định, mức độ đau tăng lên khi trời lạnh, ẩm và giảm đi nhanh chóng khi chườm ấm.
Ngoài ra, người mắc thể thống tý còn bị lạnh chân tay, mạch huyền khẩn, nhu hoãn, rêu lưỡi trắng, người mệt mỏi và uể oải. Với thể bệnh này, cần dùng bài thuốc có tác dụng chính là tán hàn, tác dụng phụ trừ thấp, khu phong và hoạt huyết, hành khí.
- Chuẩn bị: Bạch thược, bạch linh, ma hoàng, hoàng kỳ, xương truật, can khương, quế chi, xuyên khung, thiên niên kiện, uy linh tiên, ngưu tất mỗi thứ 8g, ý dĩ và thương nhĩ tử mỗi thứ 12g.
- Thực hiện: Sắc uống, ngày dùng 1 thang. Dùng đều đặn cho đến khi triệu chứng thuyên giảm.
3. Bài thuốc Đông y chữa phong thấp thể trước tý (thấp tý)
Thể trước tý (thấp tý) xảy ra chủ yếu do thấp tà (làm việc hoặc sinh sống trong môi trường có độ ẩm cao). Thể bệnh này đặc trưng bởi triệu chứng khớp đau nhức, các cơ xung quanh đau mỏi kèm tê bì dẫn đến khó khăn và giảm khả năng vận động.
Bệnh nhân bị phong thấp thể thấp tý thường có mạch nhu hoãn, rêu lưỡi trắng dính, miệng nhạt, cơ thể mệt mỏi và ăn uống kém. Căn nguyên chính của thể bệnh này là do thấp tà nên cần dùng bài thuốc có tác dụng trừ thấp là chính, khu phong tán hàn là phụ, đồng thời nên bổ sung thêm thảo dược có tác dụng hoạt huyết và hành khí để giải phóng ứ trệ và thông kinh hoạt lạc.
- Chuẩn bị: Đan sâm, đẳng sâm, bạch chỉ, ngũ gia bì, xương truật và hoàng kỳ mỗi thứ 12g, phòng phong, ma hoàng, khương hoạt, độc hoạt, ngưu tất, ô dược, quế chi và xuyên khung mỗi thứ 8g, cam thảo 6g, ý dĩ 16g.
- Thực hiện: Sắc uống, ngày dùng 1 thang.
4. Một số bài thuốc khác
Ngoài những bài thuốc trên, Đông y còn có một số bài thuốc chữa phong tê thấp sau:
- Bài thuốc 1: Chuẩn bị cam thảo 8g, ý dĩ nhân 20g, ma hoàng và hạnh nhân mỗi thứ 12g. Sắc uống, ngày dùng 1 thang. Bài thuốc này thích hợp với chứng phong thấp gây đau nhức toàn cơ thể, cơn đau tăng lên vào buổi chiều.
- Bài thuốc 2: Dùng bạch đậu khấu và hoạt thạch mỗi thứ 16g, liên kiều, lá tre và phục linh mỗi thứ 12g, thông thảo 8g, nhân ý dĩ 20g. Cho dược liệu vào ấm, sắc uống ngày dùng 1 thang. Bài thuốc này chữa chứng phong thấp ra mồ hôi tay chân, cơ thể nóng, đau nhức và tiểu tiện không thông.
- Bài thuốc 3: Chuẩn bị thổ phục linh 20g và ý dĩ nhân 40g. Sắc với 600ml nước đến khi còn 200ml thì tắt bếp. Chắt nước sắc và chia thành 2 lần uống, dùng hết trong ngày. Nên dùng bài thuốc này liên tục trong 10 ngày.
- Bài thuốc 4: Chuẩn bị kinh giới, ngải diệp, hoài sơn, cỏ xước, ngũ gia bì mỗi thứ 16g, kê huyết đằng, cẩu tích, sơn thù, phòng phong và hà thủ ô mỗi thứ 12g, thiên niên kiện 10g, hy thiêm và trinh nữ mỗi thứ 18g. Sắc uống, ngày dùng 1 thang. Chia nước sắc thành 3 lần uống và dùng hết trong ngày. Nên dùng bài thuốc liên tục từ 15 – 18 ngày.
- Bài thuốc 5: Dùng đương quy, thục địa (sao khô), hà thủ ô chế mỗi thứ 12g, cát căn, trinh nữ, bưởi bung, ngưu tất mỗi thứ 16g, trần bì, xuyên khung, bạch thược và thiên niên kiện mỗi thứ 10g, lá và cây cối xay 18g. Sắc uống, chia thành 3 lần dùng hết trong ngày. Bài thuốc này có tác dụng trừ phong thấp, bổ khí bổ huyết và ôn kinh hoạt lạc.
Ngoài ra, bệnh nhân có thể kết hợp với xoa bóp bấm huyệt và ngâm chân với nước ấm để giảm đau nhức, thúc đẩy tuần hoàn máu và hỗ trợ giải phóng kinh lạc ứ trệ.
Một số lưu ý khi điều trị phong thấp bằng Đông y
Điều trị phong tê thấp bằng Đông y được nhiều bệnh nhân lựa chọn vì có độ an toàn cao, chi phí khá hợp lý và phù hợp với những đối tượng có bệnh lý nền. Tuy nhiên để hạn chế rủi ro và đảm bảo hiệu quả điều trị, bệnh nhân cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Phong tê thấp là chứng đau nhức xương khớp mãn tính, tiến triển dai dẳng và chưa thể điều trị hoàn toàn. Chính vì vậy, chỉ sử dụng thuốc Tây và bài thuốc Đông y khi cần thiết. Lạm dụng thuốc quá mức có thể gây tổn thương gan, thận và ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe.
- Bài thuốc Đông y chữa phong tê thấp có tác dụng chậm và hiệu quả hạn chế hơn so với tân dược. Do đó nếu bệnh gây đau nhiều hoặc có tiến triển nhanh, nên điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ. Sử dụng bài thuốc Đông y trong những trường hợp này thường không đem lại cải thiện rõ rệt hoặc thậm chí tăng nguy cơ phát sinh biến chứng.
- Bệnh nhân nên tìm gặp thầy thuốc đã được đào tạo bài bản về chuyên khoa y học cổ truyền trước khi dùng thuốc Đông y. Với mỗi trường hợp cụ thể, thầy thuốc sẽ cân chỉnh liều lượng, gia giảm dược liệu theo mức độ triệu chứng, biểu hiện lâm sàng và khả năng đáp ứng.
- Ngưng sử dụng thuốc Đông y và thông báo với bác sĩ nếu xuất hiện tác dụng phụ.
- Các dược liệu trong bài thuốc Đông y có thể tương tác với một số viên uống, thuốc Tây và TPCN. Do đó trước khi sử dụng phối hợp, nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và cân nhắc về tương tác có thể xảy ra.
- Bên cạnh việc sử dụng thuốc, bệnh nhân có thể kết hợp với xoa bóp bấm huyệt, châm cứu, cấy chỉ, chườm đắp và ngâm chân để giảm đau nhức, ê mỏi, tê bì,…
- Để hạn chế cơn đau bùng phát, nên tránh tiếp xúc với gió lạnh, khí lạnh, làm việc ở môi trường có độ ẩm cao, lao động và mang vác nặng. Thay vào đó, nên tập thể dục đều đặn, nghỉ ngơi, giữ ấm cơ thể và ăn uống hợp lý để cải thiện sức khỏe và hỗ trợ giảm đau nhức.
Bài viết đã giới thiệu một số bài thuốc Đông y chữa bệnh phong thấp phổ biến và đề cập đến các vấn đề cần lưu ý khi áp dụng. Tuy nhiên để đảm bảo hiệu quả, bệnh nhân nên gặp thầy thuốc để được thăm khám, xác định thể bệnh và chỉ định bài thuốc phù hợp.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!