Thuốc ngủ Lexomil: Công dụng, liều dùng và thận trọng
Nội Dung Bài Viết
Thuốc ngủ Lexomil chứa thành phần chính là hoạt chất hướng thần Bromazepam 6mg. Thuốc có tác dụng giải lo âu, giảm căng thẳng, an thần và thư giãn cơ. Do tác động mạnh lên hệ thần kinh trung ương nên loại thuốc này chỉ được sử dụng khi có toa của bác sĩ.
Lexomil là thuốc gì?
Lexomil là thuốc ngủ loại nặng thuộc nhóm thuốc hướng thần. Thuốc được sử dụng ở liều thấp nhằm giải lo âu, giảm căng thẳng, áp lực tâm lý và được sử dụng ở liều cao để thư giãn cơ, an thần. Do tác động mạnh lên hệ thần kinh trung ương nên thuốc chỉ được sử dụng khi có toa của bác sĩ chuyên khoa.
Thông tin cơ bản về thuốc ngủ Lexomil:
- Tên thuốc: Lexomil
- Phân nhóm: Thuốc kê toa/ Thuốc hướng thần/ Thuốc chống lo âu nhóm Benzodiazepines
- Thành phần: Bromazepam
- Hàm lượng: 6mg
- Nhà sản xuất: Hoffmann- La Roche
- Dạng bào chế: Viên nén màu trắng có 4 khía, dễ bẻ làm 4
- Quy cách: Hộp x 30 viên
Thành phần của thuốc Lexomil 6mg
Thành phần chính của thuốc ngủ Lexomil là hoạt chất Bromazepam 6mg. Bromazepam là hoạt chất thuộc nhóm benzodiazepine (thuốc hướng thần) có khả năng liên kết với thụ thể GABA, từ đó làm tăng tác dụng ức chế của GABA dẫn đến giảm áp lực tâm lý, giải phóng căng thẳng thần kinh và giảm rối loạn lo âu. Khi sử dụng liều cao, Bromazepam có tác dụng giãn cơ và an thần.
Sau khi uống, Bromazepam nhanh chóng đạt nồng độ tối đa trong huyết tương sau 60 – 120 phút. Hoạt chất này được chuyển hóa ở gan, sau đó được đào thải qua đường tiểu dưới dạng liên hợp. Thời gian bán thải kéo dài khoảng 10 – 20 giờ và có xu hướng dài hơn ở người cao tuổi.
Công dụng – Chỉ định thuốc Lexomil
Thuốc ngủ Lexomil chứa hoạt chất Bromazepam 6mg – nhóm thuốc hướng thần có tác dụng giải phóng căng thẳng, giảm lo âu và áp lực tâm lý. Ngoài ra, sử dụng thuốc liều cao còn tạo ra tác dụng an thần và thư giãn cơ.
Hiện nay, thuốc Lexomil 6mg được chỉ định trong những trường hợp sau:
Người gặp phải rối loạn về cảm xúc như:
- Mất ngủ
- Dễ bị kích động
- Tâm trạng không ổn định
- Loạn tính khí kèm lo âu trong chứng trầm cảm
- Lo âu quá mức
- Căng thẳng thần kinh kéo dài
Hoặc người có các biểu hiện lo âu và căng thẳng thần kinh như:
- Rối loạn chức năng của hệ tiêu hóa: Trướng bụng, ăn uống khó tiêu, đau thượng vị, tiêu chảy, viêm loét kết tràng, hội chứng ruột kích thích,…
- Rối loạn chức năng hô hấp và tim mạch: Hồi hộp, tăng huyết áp, thở gấp, khó thở do nguyên nhân tâm thần, đánh trống ngực và rối loạn giả đau thắt ngực
- Rối loạn chức năng của hệ tiết niệu: Đau bụng kinh, đái rắt, bàng quang dễ bị kích thích
- Các rối loạn tâm thần thực thể khác như nhức đầu và mắc các bệnh ngoài da do nguyên nhân tâm thần (nổi mề đay hoặc bùng phát các bệnh viêm da mãn tính)
Hiện nay, thuốc ngủ Lexomil cũng được sử dụng để cải thiện tình trạng căng thẳng và tâm lý lo âu do mắc các bệnh lý mãn tính (xương khớp, viêm da,…). Trong trường hợp này, thuốc chỉ được sử dụng như liệu pháp hỗ trợ tâm lý cho bệnh nhân.
Ngoài ra, thuốc ngủ Lexomil 6mg cũng có thể được sử dụng trong những trường hợp không được đề cập trong bài viết. Vui lòng trao đổi với bác sĩ nếu có ý định sử dụng thuốc với các mục đích khác.
Chống chỉ định
Chống chỉ định thuốc ngủ Lexomil cho những đối tượng sau:
- Quá mẫn với benzodiazepine
- Người bị nghiện rượu, nghi ngờ nghiện rượu hoặc bị lệ thuộc thuốc gây nghiện cũng không được sử dụng thuốc ngủ Lexomil – trừ trường hợp điều trị nội trú và phải được giám sát chặt chẽ bởi nhân viên y tế
Thuốc Lexomil tác động trực tiếp lên hệ thần kinh trung ương và có thể gây ra nhiều tác dụng không mong muốn – đặc biệt là một số đối tượng có bệnh lý khác đi kèm. Do đó để giảm thiểu rủi ro, bạn nên thông báo với bác sĩ tình trạng sức khỏe và tiền sử dị ứng để được xem xét về việc sử dụng loại thuốc này.
Cách sử dụng thuốc ngủ Lexomil 6mg
Thuốc ngủ Lexomil 6mg được sử dụng ở đường uống. Thuốc được bào chế ở dạng viên có 4 khía và có thể dễ dàng bẻ làm tư. Loại thuốc này có hoạt tính rất mạnh nên bắt buộc phải sử dụng khi có toa của bác sĩ và tuyệt đối phải tuân thủ liều lượng được chỉ định.
Liều dùng thông thường:
- Điều trị nội trú (đối với những trường hợp nặng): Dùng 6 – 12mg/ 2 – 3 lần/ ngày
- Điều trị ngoại trú: 1.5 – 3mg (tương đương ¼ – ½ viên thuốc), sử dụng tối đa 3 lần/ ngày
- Bệnh nhân cao tuổi và có sức khỏe yếu cần phải được giảm liều lượng
- Thuốc ngủ Lexomil không được khuyến cáo sử dụng cho trẻ nhỏ. Tuy nhiên trong trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể cho trẻ sử dụng thuốc với liều lượng được cân chỉnh tùy theo thể trọng
Liều dùng được cung cấp trong bài viết chỉ có tính chất tham khảo. Trên thực tế, bác sĩ sẽ cân nhắc liều lượng tùy thuộc vào độ tuổi, tình trạng sức khỏe và khả năng đáp ứng của từng bệnh nhân. Đối với trường hợp điều trị ngoại trú, nên bắt đầu phải liều thấp nhất và tăng dần liều đến khi đạt được liều tối ưu.
Thuốc Lexomil chỉ được khuyến khích sử dụng trong khoảng vài tuần và nên chủ động ngưng thuốc khi triệu chứng của bệnh đã thuyên giảm. Tuy nhiên nếu đã sử dụng thuốc trong thời gian dài, cần giảm liều từ từ trước khi ngưng hẳn để tránh bùng phát các triệu chứng nghiện thuốc.
Một số lưu ý khi dùng thuốc ngủ Lexomil
Thuốc ngủ Lexomil 60mg là loại thuốc tác động trực tiếp lên hệ thần kinh trung ương. Do đó khi sử dụng thuốc, phải thật sự cẩn trọng để hạn chế tối đa tác dụng phụ và các tình huống rủi ro.
1. Thận trọng
Thuốc ngủ Lexomil có tác dụng giãn cơ. Do đó, nên thận trọng khi sử dụng thuốc cho bệnh nhân bị nhược cơ nặng vì thuốc có thể làm nghiêm trọng các triệu chứng của bệnh. Trong trường hợp phải dùng thuốc, cần thông báo với bác sĩ để được giảm liều lượng.
Có thể sử dụng thuốc trong những tháng đầu của thai kỳ khi thực sự cần thiết. Tuy nhiên, thuốc bài tiết qua sữa mẹ nên không được dùng cho người đang cho con bú. Nếu phải sử dụng thuốc, cần ngưng cho trẻ bú trong thời gian được chỉ định.
Rượu bia và chất kích thích có thể làm tăng tác dụng lên hệ thần kinh trung ương của thuốc. Do đó, nên tránh sử dụng chất kích thích và các đồ uống chứa cồn trong thời gian sử dụng thuốc ngủ Lexomil.
Thuốc Lexomil tác động trực tiếp lên hệ thần kinh trung ương. Vì vậy để đảm bảo an toàn, cần tránh điều khiển máy móc và lái xe trong ít nhất 4 – 6 giờ sau khi uống thuốc. Ngoài ra trong thời gian điều trị, cần hạn chế thực hiện các hoạt động đòi hỏi phản xạ và mức độ tập trung cao.
2. Tác dụng phụ
Thuốc ngủ Lexomil 6mg có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn khi sử dụng. Mức độ và tần suất của tác dụng ngoại ý có mối tương quan với liều lượng và yếu tố cơ địa. Ở liều điều trị, thuốc được dung nạp tốt và chỉ xảy ra một số tác dụng phụ có mức độ nhẹ như:
- Buồn ngủ
- Mệt mỏi
- Yếu cơ (hiếm gặp)
Các tác dụng phụ trên có thể biến mất hoàn toàn sau khi giảm liều hoặc ngưng dùng thuốc. Tương tự như các loại thuốc an thần khác, lạm dụng thuốc ngủ Lexomil 6mg trong thời gian dài có thể gây ra tình trạng lệ thuộc thuốc hoặc gây ra phản ứng nghịch lại (rối loạn giấc ngủ, ảo giác, lo âu nặng hơn, kích động).
Khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường, nên thông báo ngay với bác sĩ để được thăm khám, đánh giá và tư vấn hướng xử lý. Tuyệt đối không tự ý ngưng thuốc – đặc biệt là trong trường hợp sử dụng thuốc dài hạn.
3. Tương tác thuốc
Khi sử dụng thuốc ngủ Lexomil, cần tránh sử dụng rượu bia và các loại thuốc tác động lên hệ thần kinh trung ương như thuốc giảm đau gây nghiện (opioids), thuốc ngủ, thuốc chống trầm cảm, an thần,… Sử dụng đồng thời có thể làm tăng tác dụng ức chế thần kinh trung ương.
Trong trường hợp phải sử dụng kết hợp, cần thông báo với bác sĩ để được hiệu chỉnh liều lượng phù hợp. Đồng thời nên chủ động liên hệ với nhâ viên y tế nếu xuất hiện các biểu hiện khác thường.
4. Quá liều
Sử dụng thuốc Lexomil quá liều có thể làm tăng hiệu quả ức chế hệ thần kinh trung ương và gây ra các triệu chứng như ngủ sâu, kích động, yếu cơ và an thần. Thực tế, dùng Lexomil đơn độc với liều cao (do vô tình hay cố ý) đều rất ít khi đe dọa đến tính mạng. Các triệu chứng quá liều có thể thuyên giảm sau một thời gian chăm sóc.
Tuy nhiên, dùng liều quá cao – đặc biệt là khi dùng cùng với bia rượu và các loại thuốc tác động lên thần kinh trung ương khác có thể gây suy tim, suy hô hấp, mất phản xạ, khó thở và hôn mê. Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ tiến hành rửa dạ dày trong thời sớm nhất để giảm mức độ hấp thu. Đồng thời theo dõi, điều trị triệu chứng và sử dụng Anexate (thuốc đối kháng với benzodiazepine) để trung hòa tác dụng an thần.
Sử dụng thuốc Lexomil có gây nghiện không?
Bromazepam và các chất thuộc nhóm benzodiazepine đều có thể gây ra tình trạng lệ thuộc thuốc khi sử dụng dài ngày. Vì vậy khi sử dụng thuốc trong thời gian dài, cần giảm liều thuốc từ từ trước khi ngưng hẳn.
Dừng thuốc đột ngột có thể làm phát các triệu chứng nghiện thuốc như rối loạn giấc ngủ, run rẩy, vật vã, nhức đầu, rối loạn sự tập trung, buồn nôn, toát mồ hôi, rối loạn tri giác, co thắt ở bụng, cơ bắp,… Một số trường hợp nặng có thể lên cơn mê sảng và động kinh. Các triệu chứng nghiện thuốc có thể xuất hiện sau khi ngưng thuốc vài giờ đến một tuần hoặc lâu hơn tùy theo thời gian sử dụng.
Để giảm thiểu nguy cơ lệ thuộc thuốc, chỉ sử dụng thuốc ngủ Lexomil 6mg trong thời gian được chỉ định (thường không quá 4 tuần). Sau thời gian này, cần tái khám để được bác sĩ đánh giá tình trạng sức khỏe và cân nhắc về việc tiếp tục sử dụng thuốc. Bên cạnh đó khi ngưng thuốc, cần giảm liều từ từ trước khi dừng hẳn.
Thuốc ngủ Lexomil có giá bao nhiêu? Mua ở đâu?
Thuốc ngủ Lexomil 6mg có giá bán khoảng 1.000.000 đồng/ hộp 30 viên. Ngoài ra, thuốc cũng được bán lẻ theo từng viên. Hiện tại, thuốc chỉ được bán tại các quầy thuốc của bệnh viện và một số nhà thuốc tư nhân. Tuy nhiên, dược sĩ chỉ bán thuốc trong trường hợp có toa của bác sĩ chuyên khoa.
Thuốc ngủ Lexomil 6mg được sử dụng để điều trị các triệu chứng do rối loạn lo âu, áp lực tâm lý và căng thẳng thần kinh. Tuy nhiên loại thuốc này tác động trực tiếp lên hệ thần kinh trung ương và có thể gây nghiện nếu lạm dụng quá mức. Do đó, chỉ sử dụng thuốc khi có chỉ định và cần tuân thủ tuyệt đối hướng dẫn về liều lượng, thời gian sử dụng.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!