Thuốc Paracetamol: Công dụng, cách dùng và lưu ý
Nội Dung Bài Viết
Paracetamol là thuốc giảm đau và hạ sốt không kê toa được sử dụng phổ biến. Loại thuốc này tương đối an toàn và có thể dùng cho cả trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, cho con bú và người cao tuổi. Tuy nhiên trên thực tế, thói quen lạm dụng và sử dụng thuốc tùy tiện có thể gây ngộ độc và phát sinh nhiều tác dụng phụ.
Một số thông tin cần biết về thuốc Paracetamol
- Tên khác: Acetaminophen
- Biệt dược: Panadol, Panadol Extra, Hapacol, My Para,…
- Phân nhóm: Thuốc giảm đau hạ sốt
- Dạng bào chế: Viên uống, viên sủi, thuốc đạn, thuốc bột, siro,…
Tác dụng & Cơ chế hoạt động của Paracetamol
Paracetamol là thuốc giảm đau và hạ sốt không kê toa được sử dụng rất phổ biến. Do có độ an toàn tương đối cao nên hiện nay loại thuốc này được sử dụng thay thế cho Aspirin trong nhiều trường hợp. Qua một số nghiên cứu lâm sàng, các nhà khoa học nhận thấy Paracetamol và Aspirin cùng hàm lượng có tác dụng giảm đau và hạ sốt tương tự.
Cơ chế hoạt động:
- Tác dụng giảm đau – Paracetamol tác động đến cyclooxygenase, dẫn đến ức chế tổng hợp prostaglandin ở hệ thần kinh trung ương, từ đó giúp cải thiện và làm giảm mức độ cơn đau. Loại thuốc này không làm ảnh hưởng đến niêm mạc dạ dày, tác dụng lên tiểu cầu và thời gian chảy máu như các loại thuốc chống viêm không steroid.
- Tác dụng hạ sốt – Thuốc tác động lên vùng dưới đồi, đồng thời làm tăng lưu lượng máu ngoại biên và giãn mạch nhằm hạ thân nhiệt. Paracetamol chỉ hạ thân nhiệt ở người bị sốt và hiếm khi làm hạ nhiệt độ ở người khỏe mạnh.
Chỉ định – Chống chỉ định
Với tác dụng giảm đau và hạ sốt, Paracetamol được sử dụng rộng rãi trong các trường hợp sau:
- Sốt cao do cảm lạnh, cảm cúm, viêm họng, viêm amidan, viêm thanh quản,…
- Giảm đau tạm thời đối với các cơn đau có mức độ nhẹ đến trung bình như đau đầu, đau bụng kinh, đau răng, đau nhức xương khớp và phần mềm do chấn thương.
- Thay thế salicylat với những bệnh nhân chống chỉ định với loại thuốc này.
Mặc dù có tác dụng giảm đau nhưng Paracetamol không có khả năng trị thấp khớp và các cơn đau xuất phát từ nguồn gốc nội tạng.
Thuốc Paracetamol chống chỉ định với những trường hợp sau:
- Người mắc bệnh tim, gan, thận và phổi
- Người thiếu máu nhiều lần
- Thiếu hụt glucose-6-phosphate dehydrogenase
- Quá mẫn với Paracetamol
Dạng bào chế – hàm lượng & Cách sử dụng
Paracetamol được bào chế ở nhiều dạng khác nhau như viên uống, viên sủi, thuốc bột, siro, thuốc dạng nhai, thuốc tiêm và viên đặt trực tràng.
Hướng dẫn sử dụng Paracetamol theo từng dạng bào chế cụ thể:
- Viên nén: Dùng uống trực tiếp với nước lọc.
- Viên sủi: Cho viên sủi vào 200ml nước, đợi viên sủi tan hoàn toàn và uống trực tiếp.
- Siro: Đo lường lượng thuốc cần uống và dùng trực tiếp. Có thể dùng nước tráng lại để đảm bảo uống đủ liều lượng được chỉ định.
- Thuốc bột: Tương tự dạng viên sủi, hòa thuốc bột với một lượng sôi để nguội vừa đủ (khoảng 100ml), đợi thuốc tan hết và uống trực tiếp.
- Dạng đặt hậu môn: Bóc vỏ viên thuốc và đặt vào hậu môn. Sau đó dùng tay ép chặt hậu môn trong vài phút để thuốc đi sâu vào bên trong. Lưu ý: Trước khi đặt thuốc, nên đi vệ sinh và hạn chế đại tiện ít nhất 2 giờ sau khi đặt.
- Thuốc tiêm: Dạng thuốc này được sử dụng trong điều trị nội trú và được thực hiện bởi nhân viên y tế.
Một số dạng bào chế và hàm lượng thuốc Paracetamol thường được sử dụng:
- Viên nén: 500mg
- Viên sủi: 500mg
- Thuốc bột: 80mg, 150mg, 250mg
- Siro: 160mg/ 5ml, 120mg/ 5ml
- Thuốc đặt: 80mg, 150mg và 300mg
Thuốc đặt được ưu tiên sử dụng đối với những bệnh nhân gặp khó khăn khi nuốt hoặc thường nôn ói sau khi dùng thuốc. Dạng bào chế này được hấp thu qua tĩnh mạch trực tràng, không gây độc lên gan và ít phát sinh tác dụng phụ hơn thuốc dạng uống.
Liều lượng sử dụng thuốc Paracetamol
Liều dùng thuốc Paracetamol tùy thuộc độ tuổi và tình trạng sức khỏe cụ thể của từng trường hợp. Ngoài ra bác sĩ có thể cân chỉnh liều lượng vào khả năng đáp ứng và các loại thuốc sử dụng phối hợp.
Liều dùng Paracetamol cho người trưởng thành:
- Thuốc đặt trực tràng: 325 – 650mg/ lần trong 4 – 6 giờ đồng hồ và không dùng quá 4g/ ngày
- Thuốc uống: Dùng 500mg/ 1 – 2 viên/ lần dùng trong 4 – 6 giờ và không dùng quá 4g/ ngày
Liều dùng thuốc Paracetamol cho trẻ nhỏ:
- Viên uống: Dùng 10 – 15mg/ kg/ lần, dùng 3 – 4 lần/ ngày. Không dùng quá 60mg/ kg/ ngày
- Trẻ trên 12 tuổi có thể dùng liều lượng như người trưởng thành
- Nồng độ thuốc dạng đặt trong huyết tương có khả năng tăng cao hơn so với thuốc dạng uống. Vì vậy phụ huynh cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng cho trẻ.
Hiệu quả của thuốc Paracetamol thường phát huy sau 30 phút sử dụng. Tác dụng giảm đau và hạ sốt có thể kéo dài từ 3 – 4 tiếng tùy thuộc vào cơ địa và mức độ triệu chứng.
Lưu ý: Liều lượng thuốc có thể được hiệu chỉnh tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, độ tuổi và khả năng đáp ứng. Vì vậy bạn nên tham vấn y khoa để biết liều dùng và tần suất sử dụng cụ thể.
Một số lưu ý khi dùng thuốc giảm đau Paracetamol
Paracetamol là một trong những loại thuốc giảm đau được sử dụng phổ biến nhất. Loại thuốc này tương đối an toàn và có thể dùng cho cả phụ nữ mang thai, người đang cho con bú, người cao tuổi và trẻ nhỏ. Tuy nhiên tình trạng thiếu thận trọng khi sử dụng có thể dẫn đến một số tác dụng ngoại ý và tình huống rủi ro.
Vì vậy khi sử dụng loại thuốc này, bạn nên lưu ý những thông tin sau:
- Không dùng thuốc quá 10 ngày đối với người lớn và 5 ngày đối với trẻ em (trừ khi có chỉ định từ bác sĩ). Đồng thời không tùy tiện sử dụng Paracetamol để điều trị sốt cao trên 39.5 độ C, sốt tái phát hoặc sốt kéo dài hơn 3 ngày.
- Sử dụng Paracetamol có thể che lấp một số dấu hiệu nhiễm trùng và triệu chứng của các bệnh ác tính. Vì vậy trong quá trình chẩn đoán, bạn nên thông báo về việc sử dụng Paracetamol để bác sĩ đưa ra chẩn đoán chính xác.
- Bệnh nhân suy gan, suy thận nhẹ, phụ nữ mang thai, người trên 65 tuổi và đang cho con bú nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để được gia giảm liều lượng. Sử dụng liều dùng thông thường có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe và làm phát sinh một số tác dụng không mong muốn.
- Uống rượu trong thời gian dùng Paracetamol có thể làm tăng độc tính lên gan. Vì vậy khi sử dụng thuốc nên hạn chế uống rượu và các đồ uống gây ảnh hưởng đến chức năng gan.
- Paracetamol được đánh giá tương đối an toàn ở liều điều trị. Tuy nhiên ở một số trường hợp, thuốc có thể gây độc lên gan và làm phát sinh các tác dụng phụ nghiêm trọng. Trong trường hợp này, nên thông báo với bác sĩ để được thăm khám và thay thế bằng loại thuốc khác.
- Cần tuân thủ liều lượng và thời gian sử dụng được bác sĩ chỉ định. Ngoài ra, phải đảm bảo dùng 2 liều thuốc cách nhau ít nhất 4 giờ đồng hồ.
- Paracetamol là hoạt chất phổ biến và có trong nhiều loại biệt dược. Vì vậy bạn nên thông báo với nhân viên y tế việc sử dụng thuốc để tránh dùng đồng thời với các chế phẩm chứa Paracetamol và tăng nguy cơ ngộ độc.
Tác dụng ngoại ý của thuốc Paracetamol
Paracetamol tương đối an toàn và ít khi phát sinh tác dụng phụ. Tuy nhiên ở một số trường hợp, thuốc có thể gây ra một số tác dụng ngoại ý như:
- Buồn nôn, nôn mửa, thiếu máu, giảm bạch cầu trung tính, thiếu máu, giảm toàn thể huyết cầu, giảm tiểu cầu,…
- Sử dụng liều cao hoặc lạm dụng trong thời gian dài có thể gây tổn thương gan
- Hiếm có trường hợp phát sinh các biểu hiện dị ứng như nổi mề đay, phát ban,…. Trong trường hợp này nên ngưng thuốc để hạn chế sốc phản vệ và hội chứng nhiễm độc hoại tử.
Rất ít có trường hợp gặp phải tác dụng phụ khi sử dụng thuốc Paracetamol. Tuy nhiên nếu nhận thấy các triệu chứng bất thường, bạn nên thông báo với bác sĩ để được tư vấn và xử lý kịp thời.
Tương tác thuốc
Để hạn chế hiện tượng tương tác thuốc, cần tránh sử dụng Paracetamol với những loại thuốc sau:
- Thuốc chống co giật (Barbiturate, Phenytoin, Carbamazepine), rượu và Isoniazid: Sử dụng đồng thời với Paracetamol có thể làm độc tính và gây tổn thương gan.
- Phenothiazine: Dùng cùng lúc với Paracetamol có thể tăng tác dụng hạ sốt và làm giảm thân nhiệt nghiêm trọng.
- Metoclopramide: Loại thuốc này làm tăng khả năng hấp thu Paracetamol. Nếu sử dụng đồng thời, phải giảm liều lượng Paracetamol để hạn chế quá liều và ngộ độc thuốc.
- Thuốc chống đông máu: Sử dụng Paracetamol trong thời gian dài hoặc dùng liều cao có thể tăng nhẹ tác dụng chống đông của dẫn xuất indantion và coumarin.
Ngộ độc Paracetamol và cách xử trí
Ngộ độc Paracetamol có thể xảy ra do:
- Sử dụng đồng thời nhiều loại thuốc chứa Paracetamol
- Khoảng cách giữa các liều ít hơn 4 giờ đồng hồ
- Dùng thuốc trong một thời gian dài
- Uống quá liều (Dùng 150mg/ kg/ ngày đối với trẻ em và 6 – 10g/ ngày đối với người lớn). Liều lượng gây ngộ độc có thể thấp hơn nếu bệnh nhân có chức năng gan suy yếu.
Dấu hiệu nhận biết ngộ độc Paracetamol:
- Trong vòng 24 giờ đầu tiên, xuất hiện các triệu chứng như xanh xao, nôn mửa, buồn nôn, đau bụng và chán ăn.
- Sau đó men gan tăng lên nhanh chóng, tăng nguy cơ hoại tử gan, suy giảm chức năng gan, hội chứng não – gan, nhiễm toan chuyển hóa, dẫn đến hôn mê và thậm chí là tử vong.
- Ngộ độc Paracetamol thường xảy ra ở người thiếu thận trọng khi sử dụng, nghiện rượu mãn tính, suy gan nặng, người suy dinh dưỡng và người cao tuổi.
Cách xử lý khi bị ngộ độc Paracetamol:
- Đến bệnh viện trong thời gian sớm nhất
- Nếu phát hiện sớm, bác sĩ sẽ tiến hành rửa dạ dày và cho dùng N-acetylcystein ở dạng uống/ tĩnh mạch để giải độc Paracetamol.
- Hoặc có thể dùng thuốc tẩy muối và than hoạt để làm giảm hấp thu Paracetamol.
- Kết hợp đồng thời với điều trị triệu chứng và bảo toàn chức năng hô hấp.
Khi nào nên ngưng sử dụng thuốc Paracetamol?
Nên ngưng thuốc và tìm gặp bác sĩ trong những trường hợp sau:
- Triệu chứng sốt cao kéo dài hơn 3 ngày dùng thuốc
- Cơn đau tiếp tục kéo dài sau 10 ngày sử dụng Paracetamol (5 ngày đối với trẻ nhỏ)
- Xuất hiện các tác dụng phụ nghiêm trọng
- Bệnh tiến triển nặng và xuất hiện các triệu chứng mới
Bài viết đã cung cấp một số thông tin cơ bản về thuốc giảm đau và hạ sốt Paracetamol. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn khi sử dụng, bạn nên thông báo với bác sĩ tình trạng sức khỏe và tiền sử bệnh lý để được cân chỉnh liều lượng và thời gian dùng thuốc phù hợp.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!