Hà thủ ô và công dụng trị rụng tóc lưu truyền ngàn năm
Nội Dung Bài Viết
Sử dụng hà thủ ô trị rụng tóc không chỉ là phương pháp được lưu truyền rộng rãi trong dân gian mà còn được y học cổ truyền và y học hiện đại thừa nhận và sử dụng rộng rãi. Từ lâu những bài thuốc từ hà thủ ô đã có mặt và được đánh giá cao về mức độ an toàn, hiệu quả cho mái tóc cũng như sức khỏe của người sử dụng. Dưới đây là một số thông tin về công dụng và cách trị rụng tóc bằng hà thủ ô mà bạn có thể tham khảo.
Công dụng trị rụng tóc của hà thủ ô
Không phải ngẫu nhiên mà hà thủ ô lại là thành phần chính trong các bài thuốc Đông y hay các sản phẩm trị rụng tóc, trị tóc bạc sớm. Công dụng trị rụng tóc của hà thủ ô đã được biết đến từ xa xưa, đến ngày nay, trải qua nhiều nghiên cứu, người ta đã hoàn toàn thừa nhận công dụng tuyệt vời của dược liệu này.
Hà thủ ô là loại cây dây leo sống lâu năm, ở Việt Nam, có 2 loại hà thủ ô chính là trắng và đỏ. Trong đó, hà thủ ô đỏ là loại được dùng làm thuốc, cũng là loại có tác dụng trong việc hỗ trợ điều trị rụng tóc, bồi bổ cơ thể, còn hà thủ ô trắng được dùng để bồi bổ gan thận, chữa thiếu máu, kinh nguyệt không đều.
Theo y học cổ truyền, hà thủ ô có vị đắng ngọt, hơi chát, tính ấm, cố sáp. Có tác dụng bổ can thận, nhuận tràng, bổ huyết giữ tinh, mạnh gân xương, điều hòa khí huyết. Cũng theo quan điểm của y học cổ truyền, tóc được máu nuôi dưỡng, khi lượng máu và dưỡng chất đến được chân tóc càng nhiều thì tóc sẽ càng khỏe mạnh, đen mượt. Trong khi đó, Can (tức gan) là nơi điều tiết lượng máu trong cơ thể, máu lại được tinh sinh ra, tinh lại được tàng trữ tại thận, nên căn nguyên để tóc đen, khỏe, ít gãy rụng là gan và thận. Việc bồi bổ gan thận sẽ giúp cải thiện chất lượng máu, thúc đẩy tuần hoàn máu từ đó tăng cường máu và dưỡng chất đến các nang tóc, từ đó giúp tóc chắc khỏe, đen bóng, giảm gãy rụng.
Không chỉ có tác dụng bổ gan, bổ thận, bổ máu, tăng sinh tân dịch, thúc đẩy sản sinh hồi cầu, phục hồi các tổn thương ở nang tóc mà hà thủ ô còn là vị thuốc có hiệu quả tốt trong việc hỗ trợ chữa suy nhược thần kinh, mất ngủ, chóng mặt, đau lưng dưới, yếu cơ, yếu khớp gối, liệt nửa người, xơ vữa động mạch, tăng cholesterol máu.
Theo nghiên cứu của y học hiện đại, hà thủ ô có tác dụng tăng nhẹ lưu lượng máu động mạch vành, giảm cholesterol máu, giảm xơ cứng động mạch. Hà thủ ô cũng có tác dụng chống lão hóa, nhuận tràng, kích thích hoạt động của nhu động ruột, kháng khuẩn và virus.
Cách trị rụng tóc bằng hà thủ ô
Hà thủ ô không chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị rụng tóc mà còn giúp cải thiện chứng tóc bạc sớm ở nhiều người. Trong dịch chiết của rễ và lá hà thủ ô có chứa nhiều hoạt chất có khả năng giúp tổng hợp sắc tố melanin để cải thiện sắc tố đen của tóc. Có nhiều cách dùng hà thủ ô trị rụng tóc, tóc bạc sớm có thể kể đến như:
1. Gội đầu bằng nước hà thủ ô
Dùng nước hà thủ ô đỏ để gội đầu là phương pháp trị rụng tóc, tóc bạc sớm đơn giản, dễ thực hiện, rất thích hợp khi bạn chỉ có nguyên liệu là hà thủ ô. Hà thủ ô đỏ có dạng gần giống với củ khoai lang, mặt ngoài nhiều chỗ lồi lõm, mặt cắt ngang có lớp vỏ bần màu nâu sậm, bên trong có màu hồng nhiều bột, ở giữa là lõi gỗ cứng. Chỉ có hà thủ ô đỏ mới có tác dụng trong việc hỗ trợ điều trị rụng tóc.
Cách thực hiện:
- Lấy một lượng vừa đủ hà thủ ô
- Cho hà thủ ô vào nồi, thêm ít nước sạch, đun sôi
- Để nguội, pha với nước sạch rồi pha loãng để gội đầu.
Lưu ý: Khi gội nên massage nhẹ nhàng để dưỡng chất thấm vào chân tóc, như vậy sẽ mang lại hiệu quả cho quá trình điều trị.
2. Cách trị rụng tóc bằng hà thủ ô và mè đen
Theo đông y, mè đen vị ngọt, tính bình, có tác dụng bổ gan, bổ thận, lương huyết, giữ đẹp da, ngăn ngừa tóc gãy rụng, nuôi dưỡng tóc chắc khỏe. Theo nghiên cứu của y học hiện đại, mè đen chứa niacin, vitamin B1, B2, vitamin E, sắt, photpho, gluxit, lipit, albumin, chất diệp toan… có tác dụng chống lão hóa, chống oxy hóa, tăng cường chức năng tuần hoàn máu, kích thích trao đổi chất trong tế bào. Sử dụng kết hợp mè đen với hà thủ ô là cách trị rụng tóc, tóc bạc sớm mang lại hiệu quả tốt mà bạn không nên bỏ qua.
Cách thực hiện:
- Nguyên liệu: 300g hà thủ ô, 300g mè đen
- Hà thủ ô sấy hoặc phơi khô, mè đen rang chín
- Lấy mè đen và hà thủ ô tán mịn, thêm ít đường trắng, cho vào hủ thủy tinh đậy kín nắp
- Mỗi ngày lấy 2 – 3 muỗng cà phê bột mè đen, hà thủ ô hòa tan với nước, dùng 2 lần/ngày.
3. Cách trị rụng tóc bằng hà thủ ô và đậu đen
Theo các chuyên gia, các thực phẩm có màu đen như đậu đen, vừng đen, gà ác… có thể làm tăng tuần hoàn máu, điều tiết khả năng sinh lý, kích thích hoạt động của hệ tiêu hóa, ngăn ngừa tình trạng tóc gãy rụng, giúp da dẻ hồng hào và kéo dài tuổi thọ. Đậu đen khi kết hợp với hà thủ ô cũng mang lại hiệu quả rất tốt trong việc điều trị rụng tóc, thúc đẩy tóc mọc dài và nhanh, nuôi dưỡng tóc chắc khỏe.
Cách 1: Dùng đậu đen và hà thủ ô
- Nguyên liệu: Hà thủ ô, đậu đen xanh lòng một lượng vừa đủ
- Ngâm hà thủ ô với nước sạch, bỏ vỏ và phần lõi, đập dập, đem ngâm gạo khoảng 2 ngày
- Lấy hà thủ ô, đậu đen đem đi phơi khô, nghiền nhỏ, cho vào hủ thủy tinh
- Mỗi ngày lấy 50g bột hà thủ ô đậu đen sắc với 4 bát nước, thấy còn 1 bát nước thì tắt bếp.
Cách 2: Dùng đậu đen, hà thủ ô, mè đen, hạt bạch quả
- Nguyên liệu: 150g hà thủ ô, 250g đậu đen, 100g vừng đen, 30 hạt bạch quả
- Đem tất cả nguyên liệu trên sao chín, tán thành bột mịn, cho vào hủ thủy tinh đậy nắp dùng dần
- Mỗi ngày dùng 30g hỗn hợp đã chuẩn bị, pha với nước hoặc ăn trực tiếp.
4. Chữa rụng tóc bằng rượu ngâm hà thủ ô
Sử dụng rượu ngâm hà thủ ô chữa rụng tóc cũng là một trong phương pháp được nhiều người lựa chọn.
Cách thực hiện:
- Nguyên liệu: 2kg hà thủ ô đỏ, 1/2kg đậu đen, 5 lít rượu < 50 độ và nước vo gạo
- Hà thủ ô ngâm với nước sạch, cạo bỏ vỏ, thái lát và bỏ cả phần nhân
- Ngâm hà thủ ô cùng nước vo gạo để qua đêm, nêm thay nước khoảng 2 lần
- Hà thủ ô phơi khô, đậu đen rang vàng
- Cho đậu đen và hà thủ ô vào bình ngâm với rượu trong 3 – 5 tháng
- Mỗi ngày lấy 10ml rượu hà thủ ô uống để trị rụng tóc.
5. Dùng hà thủ ô với các dược liệu khác
Bên cạnh các nguyên liệu trên, hà thủ ô còn được dùng chung với một số dược liệu khác để bổ gan thận, bổ máu, cải thiện độ dày của mái tóc và điều trị rụng tóc. Việc phối hợp hà thủ ô với các thảo dược sẽ tăng cường hiệu quả và rút ngắn được thời gian điều trị.
Cách 1: Dùng hà thủ ô với đương quy, thục địa hoàng
- Nguyên liệu: 30g hà thủ ô, 30g thục địa hoàng, 15g đương quy, rượu trắng
- Cho các nguyên liệu đã chuẩn bị vào bình rượu, ngâm trong khoảng 10 – 15 ngày
- Mỗi ngày uống khoảng 15 – 30ml rượu ngâm sẽ giúp tình trạng rụng tóc của bạn được cải thiện.
Cách 2: Dùng hà thủ ô với các dược liệu khác
- Nguyên liệu: 12g hà thủ ô; đương quy, xích thược, sinh địa, xuyên khung, dạn liên thảo mỗi vị 12g; 10g đào nhân, 6g hồng hoa
- Cho tất cả các nguyên liệu đã chuẩn bị vào ấm chuyên dụng, sắc với nước uống
- Dùng mỗi ngày 1 thang, kiên trì thực hiện cho đến khi tình trạng rụng tóc biến mất.
Một số lưu ý khi chữa rụng tóc bằng hà thủ ô
Khi sử dụng hà thủ ô để chữa rụng tóc, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau đây:
- Khi dùng hà thủ ô để chữa rụng tóc, bạn nên kiêng một số thực phẩm như hành, tỏi, củ cải
- Không dùng hà thủ ô cho người đường huyết thấp hoặc mắc bệnh huyết áp thấp
- Hà thủ ô có thể tương tác với một số thuốc như thuốc chống đông máu, thuốc lợi tiểu, do đó bạn cần thận trọng khi sử dụng một số loại thuốc trên.
- Hà thủ ô đỏ mặc dù có dược tính tốt, tuy nhiên đây cũng chỉ là phương pháp dân gian hỗ trợ điều trị. Hơn nữa, để hà thủ ô phát huy công dụng trị rụng tóc, tóc bạc sớm, kích thích mọc tóc thì bạn phải kiên trì trong thời gian dài.
- Song song với việc dùng hà thủ ô để điều trị rụng tóc, bạn cũng cần xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, nên tăng cường ăn nhiều rau xanh, sắt, các thực phẩm giàu vitamin C, biotin, omega-3, bổ sung đủ lượng protein cần thiết cho cơ thể
- Có thể dùng dầu gội hà thủ ô hoặc các loại dầu gội dịu nhẹ, có thành phần tự nhiên. Nên kết hợp massage da đầu đều đặn mỗi ngày với các loại dầu dưỡng để tăng cường lưu thông máu lên nang tóc và da đầu như dầu hương thảo, dầu oải hương…
Tóm lại, có thể thấy, trị rụng tóc bằng hà thủ ô là phương pháp đã xuất hiện từ xa xưa được lưu truyền đến ngày nay nhưng thật sự mang đến hiệu quả điều trị rất tốt. Tuy nhiên, hiệu quả của phương pháp này còn phụ thuộc vào cơ địa mỗi người, nếu sau một thời gian kiên trì áp dụng mà không thấy hiệu quả, bạn nên đổi cách điều trị khác.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!