Áp dụng vật lý trị liệu trong điều trị bệnh mất ngủ
Nội Dung Bài Viết
Khi bị mất ngủ, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến việc sử dụng thuốc ngủ để lấy lại giấc ngủ ngay lập tức. Tuy nhiên, về lâu dài thì đây là biện pháp không hề tốt, dễ gây hại cho sức khỏe. Vì vậy, thay vào đó các chuyên gia đã khuyến khích áp dụng các biện pháp vật lý trị liệu chữa mất ngủ sẽ đạt hiệu quả trị bệnh tốt và an toàn hơn.
Mất ngủ là hiện tượng rối loạn giấc ngủ xảy ra rất phổ biến hiện nay. Người bệnh sẽ gặp phải các tình trạng suy giảm chất lượng giấc ngủ như thiếu ngủ, ngủ không đủ giấc, trằn trọc, khó đi vào giấc ngủ, dễ tỉnh giấc, gặp ác mộng,…Nếu kéo dài, bệnh sẽ khiến cơ thể bị suy nhược do thiếu năng lượng, giảm tập trung, giảm trí nhớ…
Hậu quả khi bị mất ngủ
Chắc chắn ai cũng hiểu được tầm quan trọng của giấc ngủ đối với sức khỏe, nó còn là yếu tố quan trọng để bạn có thể lấy lại năng lượng cho ngày hoạt động hôm sau. Vì vậy, khi bị mất ngủ sẽ gây ra một số hậu quả sau:
- Kích thích hệ thần kinh quá mức dễ làm tăng nguy cơ mắc bệnh huyết áp, tim mạch, rối loạn chuyển hóa đường huyết, nhồi máu cơ tim…
- Theo nghiên cứu khoa học thì những người thường xuyên ngủ dưới 6 tiếng/đêm sẽ dễ gây tai biến mạch máu não hơn so với những người bình thường.
- Khi ngủ ít sẽ dễ làm tăng lượng đường trong máu, ức chế quá trình trao đổi chất trong cơ thể và hậu quả là gây béo phì, đái tháo đường.
- Dễ rơi vào trạng thái lo âu quá mức, trầm cảm, thiếu năng lượng dẫn đến mệt mỏi, khó tập trung vào công việc, suy giảm chất lượng làm việc.
- Những người ngủ ít hơn 6 tiếng/đêm sẽ có nguy cơ bị ung thư vú cao hơn những người bình thường. Ngoài ra, một số loại ung thư khác cũng dễ xuất hiện ở những người thiếu ngủ như ung thư ruột kết, ung thư đại trực tràng…
- Những người thiếu ngủ, ngủ ít sẽ có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn bình thường, thậm chí là qua đời vì bệnh tim mạch.
Các phương pháp vật lý trị liệu chữa mất ngủ hiện nay
Theo quan niệm của y học cổ truyền, mất ngủ hay còn được gọi là chứng “bất mị”, “thất miên”, “bất đắc miên”…do 3 tạng tỳ, can, tâm, khí huyết bị hao tổn dẫn đến tâm não bị ảnh hưởng, không được nuôi dưỡng tốt nên sinh ra khí uất khiến cơ thể suy nhược, mất ngủ và gây ra các triệu chứng khác như choáng đầu, tâm phiền, hay quên, đau đầu…
Vì vậy, theo các chuyên gia y học cổ truyền thì chỉ cần tác động vào 3 kinh này thì mới có thể cải thiện được chất mất ngủ. Và các phương pháp vật lý trị liệu chữa mất ngủ là phương pháp được khuyến khích áp dụng vì vừa giúp đạt hiệu quả trị bệnh tốt mà lại không gây tác dụng phụ như sử dụng thuốc Tây y.
Một số phương pháp vật lý trị liệu chữa mất ngủ được áp dụng phổ biến hiện nay như:
Châm cứu chữa mất ngủ
Châm cứu là một trong những phương pháp chữa bệnh phổ biến từ ngày xưa, vừa đơn giản vừa hiệu quả, an toàn và có thể á dụng cho mọi lứa tuổi, thậm chí là có hiệu quả rất tốt đối với những trường hợp mắc bệnh mãn tính, bệnh nan y nếu cơ thể đáp ứng điều trị.
Thông qua việc tác động trực tiếp vào các huyệt đạo, kích thích trực tiếp hệ thần kinh trung ương sản xuất ra các hormone và emdorphin giúp cải thiện quá trình tuần hoàn máu não, giúp làm dịu thần kinh từ sâu bên trong mà không cần phải sử dụng bất kỳ loại thuốc nào.
Châm cứu cũng sẽ giúp làm ấm, thư giãn cơ bắp, làm dịu hệ thần kinh trung ương, từ đó giúp người bệnh dễ dàng đi vào giấc ngủ hơn. Ngoài ra, ưu điểm của phương pháp châm cứu chữa bệnh mất ngủ đó là có thể thực hiện ngay tại nhà, không cần phải đến bệnh viện và cũng không kiêng cữ gì nhiều trước khi châm cứu nên không cần tốn nhiều thời gian, ít gây tốn kém…
Bên cạnh đó, phương pháp châm cứu được áp dụng để chữa mất ngủ là phương pháp châm tê, không sử dụng thuốc mê nên rất an toàn cho những người lớn tuổi sức khỏe yếu.
Những huyệt đạo chính cần tác động để chữa mất ngủ gồm:
- Huyệt Tam âm giao: Nằm ở vị trí phía trên mắt cá chân, có khả năng tác động trực tiếp đến các cơ quan nội tạng gan, thận.
- Huyệt Chương môn: Nằm ở vị trí đầu xương sườn tự do thứ 11.
- Huyệt Thái xung: Nằm ở vị trí dưới khe giữa ngón chân cái và ngón chân trỏ, có nhiệm vụ thải độc gan.
- Huyệt Thái khê: Đây là vị trí tập trung kinh khí mạnh nhất, nằm ở phần lõm xuống của mắt cá chân.
- Huyệt Bách hội: Nằm ở vị trí chính giữa đỉnh đầu.
- Huyệt Thượng tinh: Nằm ở vị trí đường dọc giữa đầu.
- Huyệt nội quan: Nằm ở vị trí khe mạch của tay.
- Huyệt thần môn: Đây là nơi tập trung kinh khí tại tâm mạnh nhất, nằm ở lằn chỉ của cổ tay.
- Huyệt An miên: Là vị trí tính từ đỉnh mắt cá chân kéo lên 4 – 5 thốn.
Còn tùy theo việc thăm khám và chẩn đoán tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ thực hiện bổ sung thêm các huyệt đạo khác.
Chườm nóng chữa mất ngủ
Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng có đến 60 – 90 lít máu được vận chuyển đến gan mỗi giờ thông qua hệ tĩnh mạch cửa. Lúc này, trước khi máu được bơm đi đến các cơ quan nội tạng, bộ phận trong cơ thể thì sẽ được xử lý tại gan trước nhằm lọc bỏ các chất độc hại để đào thải chúng ra ngoài nhằm tránh gây hại cho các cơ quan khác.
Chính vì vậy, khi tiến hành chườm đá nóng vào vị trí của gan ở khu vực liên sườn phải sẽ giúp kích thích giãn nở hệ thống các mao mạch bên trong gan, từ đó tăng cường tuần hoàn lưu thông máu. Khi dòng máu được làm ấm trước khi bơm đến các bộ phận khác sẽ giúp cơ thể được làm nóng, trở nên ấm áp, thư giãn và giúp đi vào giấc ngủ dễ dàng hơn.
Lưu ý phương pháp chườm nóng chỉ đem lại hiệu quả đối với những người bị khó ngủ, mất ngủ có thân nhiệt thấp hay còn được gọi là thể hàn, cơ thể bị dư khí lạnh. Lúc này, việc chườm nóng mới có tác dụng làm tăng nhiệt độ cơ thể, làm ấm, thư giãn cơ, giảm đau nhức đặc biệt là sức nóng còn có tác dụng an thần, kiểm soát và điều hòa chức năng hệ thần kinh giúp người bệnh cảm thấy ngủ sâu và ngon hơn.
Đối với những trường hợp còn lại, người bệnh bị mất ngủ hoặc khó ngủ kèm theo các triệu chứng ớn lạnh, lòng bàn tay, bàn chân lạnh hoặc bị đau mỏi vai gáy, nhức khớp gối, lưng…do cơ thể như nhiệt thì sẽ không hiệu quả với phương pháp này.
Xoa bóp bấm huyệt chữa mất ngủ
Theo các chuyên gia y học cổ truyền thì việc áp dụng biện pháp bấm huyệt tác động vào các huyệt đạo có tác dụng kích thích trực tiếp đến hệ thần kinh trung ương, thư giãn thần kinh hiệu quả.
Phương pháp này gần giống với phương pháp châm cứu đó là tác động đến những huyệt đạo, nơi các kinh mạch kết nối tới nhau, cải thiện tuần hoàn máu để đem đến hiệu quả trị bệnh mất ngủ. Đặc biệt, phương pháp xoa bóp bấm huyệt này rất hiệu quả với những người bị mất ngủ xuất phát từ những các vấn đề hô hấp như viêm xoang, viêm phổi, viêm phế quản…
Biện pháp xoa bóp bấm huyệt chữa mất ngủ chủ yếu sẽ tác động đến một số huyệt đạo sau:
Bấm huyệt thần môn chữa mất ngủ
Đây là huyệt đạo nằm ở vị trí nếp nhăn trên cổ tay ngoài bìa. Để thực hiện xoa bóp bấm huyệt thần môn chữa mất ngủ hiệu quả thì người bệnh cần dùng một lực vừa phải để ấn và kết hợp chuyển động tròn hoặc lên xuống khoảng 3 phút. Thực hiện lặp lại động tác này ở cổ tay còn lại.
Thực hiện nhuần nhuyễn sẽ giúp kích thích não bộ hiệu quả, làm dịu thần kinh và lấy lại cho bạn giấc ngủ ngon và sâu hơn.
Bấm huyệt tam âm giao chữa mất ngủ
Vị trí của huyệt tam âm giao nằm ngay phía trên mắt cá chân. Sau khi đã xác định được vị trí của huyệt này, người bệnh đếm 4 đốt ngón tay theo chiều rộng mắt cá chân và dùng một lực vừa phải ấn sâu phía sau xương chày rồi thực hiện xoa bóp vòng tròn theo chiều kim đồng hồ hoặc lên xuống khoảng 4 – 5 giây.
Kiên trì thực hiện thường xuyên xoa bóp bấm huyệt tại huyệt đạo này không chỉ tác động đến hệ thần kinh, cải thiện chứng mất ngủ mà còn giúp khắc phục rất nhiều triệu chứng khác như rối loạn vùng chậu, chuột rút khi đến chu kỳ kinh nguyệt.
Bấm huyệt dũng tuyền chữa mất ngủ
Huyệt dũng tuyền là huyệt đạo nằm ở vị trí ngay gan bàn chân và đảm nhận nhiệm vụ kích thích tái tạo năng lượng cho cơ thể, nhanh chóng đưa cơ thể về trạng thái ngủ sâu, thoải mái và thư giãn nhất có thể.
Để xác định huyệt dũng tuyền, người bệnh nằm ngửa ra và cong đầu gối lên, với tay chạm vào lòng bàn chân. Sau đó, dùng bàn tay cuộn lên các ngón chân và dùng một lực vừa đủ dồn tay vào chân. Sau đó, thực hiện ấn huyệt và xoa bóp liên tục trong vòng 3 – 5 phút rồi thực hiện với bên chân còn lại.
Bấm huyệt nội quan
Huyệt nội quan là một huyệt nằm ở vị trí bên trong cổ tay, có nhiệm vụ giữ hai dây chằng. Bạn đặt lòng bàn tay ngửa lên, dùng 1 tay đếm theo chiều rộng khoảng 3 đốt ngón tay tính từ nếp gấp cổ tay để xác định vị trí của huyệt nội quan.
Dùng một lực vừa đủ và đè xuống ngay vị trí huyệt vừa xác định để ổn định dây chằng giữa 2 vị trí này. Sau đó, thực hiện massage hình tròn hoặc xoa bóp lên xuống khoảng 5 giây. Thực hiện đều đặn sẽ giúp điều trị hiệu quả tình trạng mất ngủ, khó ngủ và cải thiện các triệu chứng đau đầu, đau bụng, buồn nôn…
Bấm huyệt phong trì chữa mất ngủ
Huyệt phong trì là huyệt nằm ở vị trí phía sau cổ. Để tìm được vị trí huyệt này, người bệnh có thể sờ và cảm nhận ở quanh khu vực sau tai và theo các rảnh xung quanh ở nơi cơ cổ gắn liền với hộp sọ.
Sau khi đã xác định được vị trí của huyệt thì tiến hành bấm huyệt bằng cách sau:
- Nắm chặt 2 lòng bàn tay lại với nhau, sau đó mở lòng ban tay với các ngón tay đang lồng vào nhau nhẹ nhàng.
- Dùng ngón tay cái để tạo một lực vừa phải lên hộp sọ, sau đó thực hiện chuyển động tròn hoặc lên xuống đều để massage cho khu vực hộp sọ trong vài giây rồi tiếp tục thực hiện trong vòng 5 phút.
*Lưu ý hít thở sâu và thật đều đặn trong quá trình bấm huyệt và xoa bóp để đạt hiệu quả tốt nhất.
Thủy châm chữa mất ngủ
Thủy châm là một phương pháp đặc biệt, là sự kết hợp giữa Đông và Tây y. Người bệnh sẽ được tiêm thuốc vào các huyệt vị liên quan đến hỗ trợ giấc ngủ như huyệt tâm du, cách du, thận du, can du, túc tam lý, tỳ du…để các hoạt chất trong thuốc tác động trực tiếp cải thiện bệnh mà không gây ra tác dụng phụ đến các cơ quan khác.
Theo ghi nhận của các chuyên gia thì có đến 90% người bệnh bị mất ngủ đã được cải thiện chất lượng giấc ngủ, ngủ sâu và ngon hơn sau khi áp dụng điều trị bằng phương pháp này.
Các bước thực hiện như sau:
- Bước 1: Lấy thuốc và bơm vào ống tiêm
- Bước 2: Thử test
- Bước 3: Tiến hành thủy châm thật nhẹ nhàng và dứt khoát. Đầu tiên, dùng 2 ngón tay ấn và căng da tại vị trí huyệt cần tiêm. Thực hiện tiêm dứt khoát vào huyệt, đến khi người bệnh cảm nhận được sự căng tức tại vị trí tiêm (cảm giác đắc khí) thì từ từ bơm thuốc vào huyệt, cứ mỗi huyệt sẽ bơm khoảng 1 – 2ml thuốc. Rút kim tiêm ra khỏi da cũng phải thật dứt khoát và sát trùng dán băng keo y tế.
Thông thường, một liệu trình thủy châm chữa mất ngủ sẽ kéo dài từ 10 – 15 lần mỗi ngày thực hiện một lần và mỗi lần châm 2 – 3 huyệt. Tùy vào mức độ nặng hay nhẹ của bệnh mà người bệnh sẽ được chỉ định thực hiện 2 – 3 liệu trình liên tục để cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Cấy chỉ chữa mất ngủ
Phương pháp cấy chỉ chữa mất ngủ thực chất là phương pháp được cải tiến từ phương pháp châm cứu truyền thống. Nó sử dụng chỉ khâu tự tiêu dùng trong phẫu thuật vi cấy ghép vào huyệt vị, giúp kích thích cơ học từ 7 – 20 ngày và đem lại những thay đổi tích cực đối với sức khỏe con người, đặc biệt là đối với giấc ngủ.
Không chỉ được áp dụng chữa mất ngủ, phương pháp cấy chỉ còn được ứng dụng rất nhiều để chữa các bệnh lý khác và đặc biệt là trong lĩnh vực làm đẹp như giảm cân, nâng cơ mặt…Còn đối với cấy chỉ chữa mất ngủ thì sử dụng kim châm và chỉ tự tiêu sẽ giúp cải thiện giấc ngủ, ngủ sâu và ngon hơn, không giật mình hay mộng mị…
Để chữa mất ngủ bằng phương pháp cấy chỉ, bác sĩ thường chọn các huyệt vị gồm bách hội, tam âm giao, nội quan và phong trì để tác động vào.
Cách thực hiện như sau:
- Sau khi đã xác định được vị trí của huyệt vị, bác sĩ sẽ thực hiện đâm kim nhanh vào da và từ từ luồn trong lòng kim vào huyệt rồi nhanh chóng rút ra.
- Dán băng keo y tế hoặc gạc vô trùng lên vị trí huyệt vừa cấy chỉ một lúc.
- Người bệnh sẽ phải ở lại bệnh viện khoảng 15 phút để theo dõi các triệu chứng có thể xảy ra. Nếu không có gì bất thường thì người bệnh có thể ra về và chăm sóc theo hướng dẫn của bác sĩ.
Lưu ý sau khi thực hiện cấy chỉ người bệnh cần tránh những yếu tố tiêu cực như làm việc nặng hay quá sức trong 2 ngày đầu tiên. Tuyệt đối không sử dụng rượu bia mà thay vào đó là một chế độ ăn uống, tập luyện thể thao để tăng cường sức khỏe, giúp quá trình trị liệu nhanh chóng đạt kết quả tốt.
Một số lưu ý khi thực hiện vật lý trị liệu chữa mất ngủ
Theo các chuyên gia thì nếu chỉ phụ thuộc vào các biện pháp chữa trị mất ngủ đơn lẻ sẽ khiến cho quá trình hồi phục kéo dài, nếu không đáp ứng điều trị có thể khiến bệnh tiến triển dai dẳng và chuyển sang giai đoạn mãn tính rất nguy hiểm.
Vì vậy, để hỗ trợ chữa mất ngủ hoàn toàn, người bệnh cần phối hợp với một số phương pháp sau:
Chuẩn bị kỹ lưỡng cho giấc ngủ
Việc chuẩn bị cho giấc ngủ chính là những việc làm đơn giản như phòng ngủ nên là nơi thoáng mát, yên tĩnh, ánh sáng vừa phải, đem đến cảm giác dễ chịu, chăn mền gối phải sạch sẽ vả thơm tho để tạo sự thoải mái, thư giãn đầu óc.
Đặc biệt, người bệnh cần thả lỏng tuyệt đối trước khi đi ngủ, tránh căn thẳng vì đây chính là yếu tố rất quan trọng giúp giấc ngủ của bạn có ngon hay không.
Vệ sinh giấc ngủ
Thực chất, vệ sinh giấc ngủ chính là một nhóm các hành vi giúp kích thích giấc ngủ ngon và sâu hơn. Một số các hành vi tích cực hỗ trợ giấc ngủ như:
- Rèn luyện thói quen ngủ sớm dậy sớm.
- Tránh tình trạng nằm xuống giường nhưng không ngủ ngay. Khi quyết định ngủ thì hãy nhắm mắt ngủ càng sớm càng tốt khi vừa nằm xuống giường.
- Tránh sử dụng điện thoại hay máy tính trước khi đi ngủ.
- Nên đọc sách, nghe nhạc nhẹ, nghe đài trước khi đi ngủ để tạo cảm giác thư giãn và dễ đi vào giấc ngủ hơn.
- Không sử dụng chất kích thích như rượu, bia, café, thuốc lá…vì có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thần kinh trung ương.
- Tạo thói quen vận động, tập thể dục thể thao vào mỗi buổi sáng sớm.
- Ngâm chân chữa mất ngủ mỗi ngày khoảng 20 phút trước khi đi ngủ cũng là một cách được rất nhiều người áp dụng.
- Thực hiện các bài tập đơn giản ngay trên giường hoặc thiền trong vòng 20 – 30 phút trước khi đi ngủ để kích thích giấc ngủ đến nhanh hơn.
Trên đây là các cách vật lý trị liệu chữa mất ngủ được áp dụng phổ biến trong chữa bệnh. Hy vọng rằng đã đem đến cho bạn thêm những thông tin bổ ích và dễ dàng chọn lựa phương pháp phù hợp với mình. Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ để được tư vấn thêm chi tiết và kết quả điều trị bệnh tốt nhất.
Thông tin bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho lời khuyên và chẩn đoán bệnh của bác sĩ.
Có thể bạn quan tâm
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!